Những năm gần đây, danh thắng Cổ
Thạch thuộc xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận trở thành điểm đến quen thuộc của đông
đảo khách du lịch. “Bãi
đá đẹp như tranh vẽ” là lời giới thiệu của những bài báo khi viết về nơi nầy. Quả thật, lời giới thiệu đó không hề là khoa trương. Có lẽ vì thế, Cổ Thạch càng lúc càng thu hút được nhiều khách du lịch khi về thăm xứ gió cát Nam Trung Bộ.
Cổ
Thạch là một cụm danh thắng bao gồm chùa, bãi biển, bãi đá, đồi
cát, làng chài… đan
xen với nhau. Có lẽ vì
thế mà mỗi lần đến là mỗi cảm xúc mới trong lòng khách phương xa. Biển vẫn thế, tinh nghịch đánh vào
bờ. Chùa vẫn thế, trầm mặc hòa tiếng chuông cùng tiếng sóng. Làng vẫn thế, nhộn
nhịp và hối hả với những mẻ cá. Tất cả không thay đổi nhưng lại tạo cho du
khách cảm giác của sự chuyển động không ngừng nơi bức tranh thiên nhiên và con
người đầy sống động nầy.
Điểm đến đầu
tiên khi đặt chân đến Cổ Thạch là chùa Hang. Chùa tên chữ là Tổ đình Cổ Thạch, tọa lạc trong hang động
trên đồi ven biển. Tuy nhiên, chùa Cổ Thạch không chỉ có một ngôi chánh điện,
mà là hàng chục công trình nối tiếp nhau ven biển. Nào là điện Phật, Tổ đường, tháp Tổ… lại còn có các bức tượng Phật Niết
bàn, Di Lặc, Quan Âm Bồ tát trên đồi. Xung quanh có nhiều tảng đá lớn với những hình thù khác nhau và nhiều hang
động luồn sâu trong núi đầy hấp dẫn.
Chùa Cổ Thạch do thiền sư Bảo Tạng (đời thứ 40 chi
phái Lâm Tế) khai sơn vào năm 1835. Ngày nay, chùa còn lưu giữ được nhiều
cổ vật và những di sản Hán Nôm quý hiếm như các liễn đối, hoành phi, văn liệu… Năm 1993, chùa Cổ Thạch được công nhận Di tích cấp quốc gia.
Hằng năm, hàng vạn du khách từ trong và ngoài nước đến đây tham quan và hành hương. Đa số họ là những tín đồ
Phật giáo, đến
Cổ Thạch để tìm sự thanh
thản cho tâm hồn, bên cạnh đó là tham quan thắng cảnh độc đáo của vùng biển nắng
gió nầy.

Chùa Cổ Thạch
Sau khi tham
quan chùa Cổ Thạch, trước mắt du khách sẽ hiện ra bãi đá lung linh nhiều màu
sắc, thường được dân
gian hay gọi là
“bãi đá bảy màu”. Bãi đá
nầy nằm trên cung đường biển dài khoảng
1 km với vô số hòn đá nhiều màu sắc, nhiều khích thước (đa phần có kích cỡ trung bình khoảng một nắm tay). Theo một số ý kiến giải
thích, những viên đá ấy
trồi từ lòng biển, nhô lên bờ do sự tác động của địa hình. Khách du lịch đến đây thường nhặt về vài viên đá xinh xinh làm kỉ niệm,
điều lạ là với hàng vạn du khách
như thế, mỗi người dăm ba viên, nhưng số lượng dường như không giảm.
Bãi đá bảy màu
Nếu có thời gian, du khách có thể đi bộ hoặc thuê xe
ôm của người dân địa phương để đến làng chài, đồi cát, đình Bình An và lăng Cá Ông cách bãi đá không xa. Đình Bình An có tuổi đời hơn 300
năm, là một công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật đặc sắc. Kỹ thuật chạm
khắc trên gỗ ở đình đạt đến sự tinh xảo, tạo nên những tác phẩm mỹ thuật sống
động. Đình Bình An được công nhận là Di tích cấp quốc gia.
Cổng Lăng Ông Nam Hải
Lăng Ông Nam Hải ở đây không lớn bằng nhiều nơi khác, tuy nhiên có niên đại xưa và lưu giữ được rất nhiều bộ xương cá ông lớn nhỏ. Lăng xây dựng từ thời Minh Mạng, kiến trúc mang đậm dấu ấn phương Đông với nhiều hoa văn họa tiết rồng mây hoa lá… phong phú. Tương truyền cách nay hàng trăm năm, nơi đây có một xác cá ông nặng hàng chục tấn “lụy” vào bờ. Người dân mai táng tại chỗ, sát bờ biển. Cá ông nầy có thân thể khổng lồ, nặng gần trăm tấn, đến nay xương vẫn còn bên trong lăng.
Bộ cốt cá ông trong khung kính
Một số ý kiến cho rằng bộ cốt nầy lớn hơn bộ cốt được công nhận là “lớn nhất Đông Nam Á” ở dinh Vạn Thủy Tú (thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận). Tuy nhiên, do bộ xương hiện nay không còn đầy đủ, không thể ghép lại thành hình dáng hoàn chỉnh, chỉ còn những đốt xương rời rạc được chất chồng lên nhau trong khung kiếng, nên không thể “phá kỷ lục”. Có lẽ cũng vì thế mà cách bảo quản các bộ cốt ở đây khá sơ sài, chưa có sự can thiệp của khoa học nên có dấu hiệu xuống cấp. Ngoài ra, trong lăng còn có các bộ xương cá ông nhỏ hơn, được phát hiện sau nầy.
Đình Bình An và lăng Cá Ông nằm đối diện bờ biển hiền hòa, thanh bình, phía sau là đồi cát cao ráo, thoáng mát. Đứng ở đồi cát nầy sẽ nhìn thấy được toàn cảnh làng chài xung quanh. Xa xa, du khách còn có thể thấy từng đoàn thuyền ra khơi, những chiếc thuyền thúng bồng bềnh trên biển, dăm ba người đàn ông, vài người phụ nữ xúm xít bên những mẻ cá đầu tiên… Hãy đến với Cổ Thạch để cùng chiêm nghiệm làng biển thanh bình mà lung linh sắc màu!
VĨNH THÔNG
(Bài đăng trên Tạp chí Tài hoa trẻ)
Tác giả giữ bản quyền, vui lòng ghi rõ nguồn khi sử dụng nội dung này.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét