Người Châu Giang là ai?
Châu Giang là một xã đối diện với Châu Thành huyện Châu Phú,
nằm bên kia bờ sông Hậu thuộc tỉnh An Giang, có đông đảo người Chăm sinh sống.
Châu Giang là tên gọi Hán – Việt do người Kinh dùng để chỉ một cù lao giữa dòng
Cửu Long do phù sa bồi đắp. Châu Giang gợi lên vẻ đẹp sông nước thơ mộng, êm đềm
đồng thời cũng là trung tâm giao thương của nghề trồng dâu, ươm tơ, dệt lụa, vốn
là nghề truyền thống của người Chăm trong tương quan trao đổi hàng hóa với người
Việt, Hoa, Khmer và các cư dân thuộc quần đảo Mã Lai. Ngoài Châu Giang, các
làng Chăm khác vẫn in đậm dấu vết pha trộn ngôn ngữ của cư dân có nền văn hóa
đa sắc tộc: Đa Phước (Koh Kabõa), Katambong, Phum Soài, La Ma, Đồng Cô Ki, Tam
Hội.
Ngược dòng về lịch sử về những thiên niên kỷ trước, những
triều đại Champa suy vong trên đường Nam tiến đã dừng lại ở Tây Ninh, Châu Đốc
và sang tận Vương quốc Campuchia: Vua Pô Chơn là vị vua cuối cùng của vương quốc
Champa theo Hồi giáo
khi sang lánh nạn ở Campuchia đã lôi cuốn đa số người Chăm
theo Hồi giáo rời quê hương. Và chính họ đã dừng chân lập cư bên bờ Châu thổ!
Chăm hay Chàm?
Một ngày biếc thị thành ta rời bỏ
Quay về thăm non nước giống dân Hời…
Cứ mỗi lần đến thăm những cổ tháp, đền đài Chăm hiu quạnh,
tôi lại nhớ đến nhà thơ Chế Lan Viên. Ông yêu mến nền văn hóa Champa, mỗi chữ
trong mỗi bài thơ của ông dường như được đúc bằng những viên gạch Chàm kỳ bí. Ấy
vậy mà trong một khúc ca bi tráng ông đã dùng chữ Hời để chỉ dân tộc Champa! Chữ
Hời ở miền Trung phát nguyên từ chữ hời dùng để gọi nhau giữa người Chăm, nhưng
chính với người Chăm thì chữ Hời biểu lộ một dụng ý khinh miệt. Cư dân Champa tự
gọi mình là Chăm chứ không phải Chàm, vốn là một từ tiếng Việt. Tại Ninh Thuận,
Bình Thuận, người ta còn gọi là Chăm Cuh và Chăm Bani để phân biệt người Chăm
theo Bàlamôn và người Chăm theo Hồi giáo – một tôn giáo chỉ mới xuất hiện vào
thế kỷ thứ X ở Champa. Theo tác giả Dohamide, cách gọi này cũng giống như người
Việt phân biệt lương và giáo – chỉ những cư dân theo đạo Cơ Đốc.
Một điều cũng cần phải biết là người Chăm Châu Đốc không bao
giờ thích người khác gọi mình là Chà hay Chàvà (Java). Chà là xuất xứ từ chữ Ja
kèm theo tên để gọi nhau thân mật trong giới trẻ đồng trang lứa tương tự như
“thằng” trong tiếng Việt. Ví dụ như Hô Sanh, Su lây Man thì trong câu chuyện
thay vì gọi nguyên tên thì những âm đầu bị bỏ mất đi, chỉ giữ âm chót và ghép với
Ja: Ja Sanh, Ja Man. Chà ở đây hoàn toàn không phải là cách gọi tắt của Chàvà
như nhiều người vẫn nhầm tưởng. Trẻ em Việt chơi với trẻ em Chăm phát âm trại
Ja thành Chà. Cũng như người miền Trung đọc trại khách trú (người Hoa) thành
các chú. Chàvà là tiếng có nguồn gốc từ Java để chỉ những thương nhân người Ấn
hoặc người Hồi quốc ở Sài Gòn hoặc một số tỉnh lỵ Nam bộ khác, còn riêng tại
Châu Đốc thì có một bộ phận cư dân được gọi là Java Ku – cư dân Mã Lai nói tiếng
Khmer.
Tiếng trống làng Chăm
Châu Đốc, An Phú, Tân Châu là nơi lập cư của người Chăm Nam
bộ. Cư dân ở đây sống thành từng xóm quanh các thánh đường Hồi giáo tráng lệ mà
người dân gọi một cách hết sức bình dị là chùa Chăm. Một sự hòa hợp rất chân
thành giữa vùng đất đa sắc tộc và đa tôn giáo.
Người Chăm dù đi bất cứ đâu vẫn giữ y phục truyền thống của
mình: vấn chăn thay quần, đầu đội mũ hoặc quấn khăn. Người Chăm không uống rượu
và ăn thịt heo, con gái đến tuổi cập kê thường ở nhà, nép sau bức màn, đi đâu
thường có người lớn đi theo. Nếu người theo Đạo Phật mỗi tháng có 2 lần đi lễ,
người theo đạo Cơ Đốc xem lễ vào ngày chủ nhật thì người Chăm Nam bộ mỗi ngày
có năm lần hành lễ tại thánh đường.
Chúng tôi đã đến thăm nhà ông giáo cả Musa Haji (Haji là phụ
danh cao quý chỉ người đã từng hành hương về thánh địa Mec-ca), người đã tập hợp
những người hiểu biết nhất về tiếng Chăm Nam bộ ở An Giang để thống nhất từng
chữ và biên dịch lại trọn vẹn 6 cuốn sách song ngữ tiếng Việt ra tiếng Chăm, giảng
dạy song song trong nhà trường cấp một vào ngày thứ năm ở các lớp có học trò
người Chăm Nam bộ. Bằng chiếc máy chữ với bộ chữ cái tiếng Ả Rập, phải thêm vào
6 dấu nữa bằng tay, sau khi đánh xong, ông đã dịch hằng trăm trang sách giá trị
ra tiếng Chăm Nam bộ, phổ biến trong cộng đồng Chăm ở An Giang, Tây Ninh và TP
Hồ Chí Minh.
Trên đường sưu tầm nền văn hóa cổ người Chăm, chúng tôi đã dừng
lại ở thánh đường Darul Eih San, thuộc xã Đa Phước, huyện An Phú. Người Chăm gọi
nơi này là Kokpọ (Cồn Tơ), vì nơi đây ngày trước vốn là nơi sản xuất dâu tằm để
cung cấp cho nghề dệt vải, một nghề truyền thống của người Chăm Nam bộ.
Thăm một lớp dạy đọc kinh, chúng tôi lại càng hiểu hơn tấm
lòng người Chăm Nam bộ trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Từ âm nhạc, kiến trúc
cho đến nghi lễ đều in đậm bản sắc văn hóa Chăm. Người Chăm tiếp khách ở nhà
sàn trên nền chiếu bông, cây đòn dông gác theo trục Đông – Tây đón khách chứ
không gác theo trục thần đạo Bắc – Nam như nhà người Việt, người Hoa. Khác với
người Chăm Bình Thuận, âm nhạc của người Chăm Nam bộ không có múa, không sử dụng
bất kỳ nhạc khí nào ngoài bộ gõ: trống Thummạ, vốn là đặc trưng của nền văn
minh nông nghiệp Nam Á. Đôi bàn tay điêu luyện của người nhạc công vừa vỗ hai đầu
trống để đệm cho người ca sĩ hát hoặc vừa tự đệm vừa hát. Tiếng trống biến ảo,
tài tình có thể cất lên mọi tiết tấu âm nhạc, từ dân ca Chăm trầm lắng đến những
điệu rumba, boléro, valse hay tango… Trên bình diện văn hóa, âm nhạc bao giờ và
trước tiên cũng là thứ ngôn ngữ sinh động nhất, nên chúng ta thấu hiểu vì sao
những khúc ca của người Chăm bao giờ cũng viết bằng điệu thức thứ trầm lắng,
thánh lễ, dịu dàng.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét