Một thời Thất Sơn (An Giang) nổi tiếng với các ông đạo, các võ sĩ Bảy Núi cùng pho võ công Thất Sơn thần quyền ảo diệu, những tướng cướp khét tiếng cùng các loài ác thú như mãng xà, hổ, heo rừng… Nhưng thiếu nhân vật được người Pháp mệnh danh là người khổng lồ thì câu chuyện huyền bí Thất Sơn chưa trọn vẹn. Vậy người khổng lồ ở Thất Sơn là ai, là câu chuyện thêu dệt của núi rừng hay là người bằng xương thịt?
"Người khổng lồ Thất Sơn" cao bao nhiêu mét ?
Mộ ông khổng lồ nằm gần núi Trà Sư, thị trấn Nhà Bàng, H.Tịnh Biên luôn thu hút sự quan tâm của dân gian. Đó là ngôi cổ mộ có chiều dài lạ thường so với những ngôi mộ khác. Con cháu của cụ Cao Nhà Bàn hay kể cụ Cao có chiều cao hơn 2,4 m; lúc cụ mất vì bạo bệnh, cơ thể bị teo lại nhưng con cháu phải đóng cái hòm dài hơn 2,4 m mới để thi thể cụ vừa vặn. Vì lẽ đó mộ chí cũng to lớn khác thường.
Ông Lê Thanh Phong (56 tuổi, ngụ thị trấn Nhà Bàng), cháu nội cụ Cao thuật lại như sau: Ông nội ông Phong là Lê Văn Sóc ngụ ở Tịnh Biên do cơ duyên nên kết nghĩa anh em với cụ Cao Nhà Bàn - tên thật là Lê Văn Thùy (1849 - 1925). Cụ Thùy ngụ ở Tiền Giang, do vợ con bệnh chết nên buồn rầu bỏ vào vùng Thất Sơn tu ẩn. Ông Phong cũng cho biết nghe lời truyền miệng ông cha kể lại thì cụ Thùy vóc dáng bình thường, nhưng sau khi bạo bệnh chết đi sống lại thì cơ thể cụ biến chuyển lạ thường, cả tứ chi dài ra thườn thượt. Kỳ lạ hơn, sau đó cụ lại có tài hốt thuốc trị bệnh nên người dân kéo đến rất đông, xem cụ là bậc dị nhân.
Tuy vóc dáng dềnh dàng nhưng cụ Cao rất lanh lẹ, khỏe mạnh. Ông Phong cho chúng tôi xem lại tấm ảnh xưa tuổi đời gần cả trăm năm do dòng họ ông truyền đời lại thờ cúng cụ Cao. Đó là tấm ảnh truyền thần vẽ một người đàn ông cao lớn, vóc dáng phương phi đang ngồi.
Ông Phong nói, bậc cha chú có kể lại lúc đó có đóng bộ ván ngựa dài hơn 2,5 m cho cụ Thùy nằm ngủ. Còn bàn chân cụ to quá khổ nên không thể nào xỏ giầy dép được nên cụ phải chân trần lội bộ. Quần áo của cụ thì không ai mặc vừa, cái nón lá cụ hay đội cũng đặc chế mới đội được.
Con cháu tò mò bèn hỏi bậc cao niên, cụ Thùy cao bao nhiêu thì nghe câu trả lời cụ Thùy phải cao trên 2,4 m. Quả thật với chiều cao này thì tiền đạo nước Anh Peter Crouch được mệnh danh là “sếu vườn” phải thua xa, bởi tiền đạo này chỉ cao 2 m, chơi bóng bằng đầu rất giỏi.
Nhưng trong tập sách Biên thùy truyện ký của nhà sưu khảo Liêm Châu (91 tuổi, ngụ TP.Châu Đốc, An Giang) thì các nhân chứng sống kể lại cụ Thùy cao khoảng 2,27 m và họ gọi cụ là ông Năm Cao, vì vóc người ông khổng lồ, khác lạ so với cư dân khác. Vì cụ ở Nhà Bàn (sau này đổi lại Nhà Bàng) lại cao quá khổ nên dân gian bèn gọi là ông Cao Nhà Bàn.
Vì sao cụ lại cao lớn khác thường ? Theo cụ Liêm Châu, dân gian vẫn truyền lại câu truyện đường rừng vô cùng bí hiểm, rằng cụ Cao trong một ngày tình cờ bắt được con cá trê vàng trên suối bèn đem về nấu canh bầu ăn. Không ngờ ăn xong món này cụ Cao bị mê man, người thân thấy cụ hấp hối, chuẩn bị lo hậu sự thì đột ngột cụ tỉnh dậy. Kỳ lạ thay, mỗi ngày tay, chân, lưng cụ cứ dài ra đến độ quần áo cụ mặc, cái giường cụ ngủ ngày thường không còn vừa vặn. Còn căn nhà lúc trước cụ ra vào rất dễ thì sau cơn bệnh cụ muốn vào phải khom người xuống.
Cũng kỳ lạ thay, sau khi cơ thể bị đột biến thì cụ Cao không ăn mặn được vì nếu ăn mặn thì hay bị bệnh và ói mửa, phải dùng đồ chay.
Người được Pháp đo chiều cao, chụp ảnh in bưu thiếp
Cũng theo lời cụ Liêm Châu, năm 1904, chủ tỉnh Châu Đốc là Doceuil tổ chức hội thi “Người khổng lồ” và cụ Thùy giật giải quán quân tại cuộc thi này. Cụ Châu cho biết người xưa có kể lại rằng sau cuộc thi đó một thời gian sau, người Pháp có quay lại Nhà Bàn tìm cụ Thùy để chụp ảnh. Sau này nghe kể Pháp đã dùng ảnh cụ Thùy in trên các con tem và bưu thiếp.
Theo cụ Liêm Châu, do cụ Cao khổ người lạ thường, khi đến Châu Đốc dự thi, người dân các xứ kéo đến xem rất đông. Có người suy luận cụ khổng lồ tất có sức mạnh siêu nhiên nên đến chạm tay vào người cụ để mong họ được khỏe mạnh.
Rồi khi cụ về quê nhà, người dân theo lời truyền tụng kéo đến rất đông, nhờ cụ trị bệnh. Lúc này người Pháp thấy dân kéo đến nhà cụ Cao ngày càng nhiều nên lo ngại đã cấm tụ tập và bắt cụ đưa về Châu Đốc quản thúc.
Theo cụ Liêm Châu, có một chi tiết đáng chú ý, đó là người Pháp không thể vô cớ quản thúc cụ Cao mãi được nên phải cho cụ về quê. Nhưng cụ vừa về nhà thì rất đông người lại tìm đến xin thuốc, nhờ cụ Cao chữa bệnh. Thấy không xong, Pháp đã chích thuốc cho cụ và nói rằng đấy là thuốc khỏe, nhưng chích thời gian sau cụ Cao đột ngột bị bại liệt, tay chân teo dần không thể bắt mạch, hốt thuốc.
Cụ Liêm Châu nói: “Vì cụ bị bệnh nên người dân lo sức khỏe cụ nên không tìm đến hốt thuốc nữa, nhưng tín đồ theo cụ vẫn rất đông, lo cho cụ ăn uống. Người dân Bảy Núi ngày xưa rất ngưỡng mộ cụ Cao vì ngoài chuyện hốt thuốc làm phước, cụ là người sống nhân hậu, rất thương người”.
Truy tìm bằng chứng người khổng lồ qua bưu thiếp
Từ xưa đến nay chuyện cụ Cao vẫn là truyền khẩu, chưa có hình ảnh minh chứng nên đời sau vẫn không rõ chuyện xưa kể lại ông khổng lồ ở Thất Sơn có thật hay truyền miệng. Chúng tôi liên hệ với ông Trần Hữu Huệ (ngụ H.Thoại Sơn, An Giang), người được mệnh danh là “vua tem” ở ĐBSCL với thú chơi, sưu tập tem và bưu thiếp xưa. Tuy nhiên ông Huệ cho biết chỉ nghe nói Pháp có in ảnh cụ Cao trên bưu thiếp xưa nhưng ông không sở hữu tấm bưu thiếp này.
Qua lời giới thiệu của ông Huệ, chúng tôi tìm gặp ông Quốc Tuấn là nhà chơi tem, bưu thiếp có tiếng ở quận Gò Vấp, TP.HCM đang lưu giữ nhiều con tem, bưu thiếp độc đáo tuổi đời cả trăm năm về các nhân vật xưa. Nghe hỏi hình ảnh người khổng lồ ở Châu Đốc xưa, ông Tuấn nói mấy năm trước ông có bức bưu thiếp này nhưng đã tặng lại cho một người bạn thân đã đi xuất ngoại. Theo ông Tuấn thì cho đến nay ở Việt Nam vẫn chưa xuất hiện tấm bưu thiếp hay con tem nào chụp lại những người cao lớn thời xưa và nay như Pháp từng chụp cụ Cao đưa lên bưu thiếp.
May thay, khi liên hệ với ông Ngô Quang Láng, Tổng biên tập Tạp chí văn hóa - Lịch sử An Giang, ông nói vừa sưu tập được hình ảnh cụ Cao trên bưu thiếp xưa do Pháp lưu hành. Đó là tấm bưu thiếp sống, chưa dán tem. Ông đưa ra tấm ảnh chụp cụ Cao đang ngồi trước bậc cầu thang lên nhà kèm chú thích bằng tiếng Pháp: “Một người khổng lồ ở Châu Đốc cao 2,2 m”.
Như vậy đã rõ, chuyện người khổng lồ ở Thất Sơn là có thật, không phải là truyền miệng.
Như vậy chính xác cụ Cao cao nhiêu mét ? Ông Hữu Huệ khẳng định khi phát hành các con tem, bưu thiếp, người Pháp làm rất kỹ, do vậy chiều cao của cụ Cao chắc chắn họ đã đo chính xác nên con số 2,2 m đáng tin cậy hơn so với thông tin truyền miệng.
Nhưng ở đây lại nảy sinh vấn đề khác, chiều cao này đo lúc cụ Cao đã bị ốm nặng, nên chiều cao thực có bị ảnh hưởng ? Vì với chiều cao như vậy thì tại sao người Pháp lại gọi cụ là người khổng lồ, vì ở phương Tây, người cao trên 2 m không là chuyện lạ.
Ông Láng cho rằng chưa rõ cụ Cao cao lớn do bẩm sinh cao quá khổ hay sau bạo bệnh chết đi sống lại mới cao lêu nghêu như truyền khẩu, nhưng do cụ Cao dị hình dị tướng nên dân gian đã tôn sùng gọi là ông đạo Cao. Vả lại cụ sống trong vùng đất tâm linh mang bao truyền thuyết nên dân gian tin rằng cụ được “chư thần năm non bảy núi” phú cho sức mạnh siêu nhiên. Vì lẽ đó người dân theo cụ Cao rất đông để xin thuốc trừ các chứng bệnh.
Cũng theo ông Láng, không chỉ cụ Cao mà vùng An Giang ngày xưa có nhiều ông đạo kỳ lạ, như ông đạo Rắn vì trên người ông lúc nào cũng có quấn con rắn, dân gian cho rằng ông có tài thu phục rắn độc nên đặt tên ông là ông đạo Rắn.
Tác giả giữ bản quyền, vui lòng ghi rõ nguồn khi sử dụng nội dung này.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét