Nhà văn Đoàn Văn Đạt sinh năm 1953, quê quán phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Đã xuất bản: Đệ tử ruột (tập truyện, 1993), Ác mộng đàn bà (tập truyện, 2001), Thông thiên (tập truyện ký, 2012). Giải thưởng: Giải A Cuộc thi Truyện ngắn An Giang 1993, Giải I Cuộc thi Truyện ngắn An Giang 2000, Giải II Cuộc thi Truyện ngắn An Giang 2005.
* * *
Vừa bảo vệ xong đề án quy hoạch, có điện báo ra bảo má đau nặng, từ Hà Nội con tức tốc chạy về. Phước đức ông bà, má đã bớt nhiều. Khi mọi người tới thăm đã vãn, má kêu con đỡ dậy. Giọng má yếu xìu:
- Con về kịp thời, má tưởng không còn thấy được mặt con. Hồi tối má nằm chiêm bao thấy La San Thánh Mẫu.
- Làm sao hở má? - Con đưa đẩy cốt để má vui.
- Phật sai đồng tử rước má lên đỉnh núi. Người cầm nhành dương liễu rẩy nước Cam Lồ hóa kiếp cho má. Người bợ má bay qua chín tầng mây. Ôi thôi! Má gặp hằng hà sa số các vị tiên thánh, vị nào cũng tỏa rực hào quang. Đất thánh đầy dẫy cung điện lâu đài, cái nào cũng lộng lẫy. Xung quanh bồ đào chín rụng đỏ đất, vậy mà má không nỡ ăn, vía má nghĩ tới con ở trần đang đói khát…
Con bước ra sau hè, ngước nhìn lên ngọn núi Sam. Núi ơi! Có giữ gìn cho con kỷ niệm ngày nào vẹt lùm leo dốc, hái trái bắn chim, chia phe đánh nhau bằng ống thụt? Có giữ giùm con những ngày đói lạnh cùng đồng đội giấu mình dưới hang sâu tránh giặc càn? Và khi giặc rút đi, con lần ra miệng hang, vạch lá ngó xuống. Dưới chân núi xa tít, má đứng in như một nét chấm than tự bao giờ!
Rồi địch kéo đến núi ngày càng đông, có cả một tiểu đoàn công binh ngày đêm hùng hổ phá núi. Những chiều cùng đồng đội ngồi xuồng trên cánh đồng B2, nghe tiếng mìn phá đá ì ầm vọng rền trên mặt nước, lòng con nhói đau.
Hòa bình lập lại, má bảo con giặc giã yên rồi, nghỉ đi, lên núi làm rẫy tiếp má. Má già rồi, suốt một đời làm tá điền cơ cực, nay muốn rảnh rang niệm Phật để con cháu sau này được nhờ. Má lập bàn thờ Phật bên cạnh bàn thờ ba con, người cha liệt sĩ đã hy sinh từ năm cuối cùng chống Pháp.
Con chẳng nề hà chuyện rẫy bái cực nhọc, nhưng nghỉ sao được má ơi! Con và đồng đội mới đi có nửa chặng đường. Nhiều lúc nghĩ tới ngọn núi quê hương lở lói khắp mình, lòng con nhức nhói không nguôi.
Khi con cùng đồng đội quay lại với núi, với bản đồ quy hoạch tổng thể đến năm 2010 thì má sắp… Má ơi! Ráng đợi tụi con như ngày nào giặc càn lên núi. Những cái hang che giấu tụi con khi đó sẽ là những điểm du lịch lịch sử. Những hầm sâu do phá đá sẽ được cải tạo thành hồ bơi giải trí. Nhà nghỉ, nhà ở cho đồng bào mình sẽ mọc lên khang trang. Điện sẽ được đưa lên núi tỏa rực như ánh hào quang. Trên đỉnh cao kia nơi má chiêm bao thấy Đức Phật trút hồ lô, tụi con sẽ xây một hồ chứa nước thật lớn để tưới cây xanh và dẫn nước xuống cho bà con quanh vùng. Và còn nhiều công trình khác nữa…
Khách du lịch đổ xô về tham dự Vía Bà ngày càng đông. Dân xứ núi mình chắc sẽ mau giàu lên.
Mấy ngày sau má lại thấy Thánh Mẫu hiện trên đỉnh núi. Vậy là má không đợi được rồi! Ở tuổi bảy mươi chín má đâu còn hơi sức níu được thời gian. “Nam mô đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn…”. Xin Đức Phật từ bi hỷ xả nấn ná cho má con có được một ngày… Trời! Mình má đã lạnh dần, hơi thở đã hắt lên. Con gục đầu bên giường má, má ơi!
Ngọn đèn dầu trước khi tắt thường phụt lên. Má bỗng hồi tỉnh, diệu kỳ như được tưới nước Cam Lồ. Trước mặt con cùng đông đảo bà con xóm giềng, má thều thào kể:
- Bà Mẹ Sanh đưa má lên đỉnh núi. Sắp tới giờ hóa kiếp, má hoan hỷ đón chờ nhành dương liễu từ tay Người. Bỗng má nghe tiếng trẻ khóc thét dưới chân núi. Má ngó xuống thấy con như hồi còn nhỏ, quần áo rách rưới, chạy loanh quanh đòi má… Má đi không đành!
ĐOÀN VĂN ĐẠT
Tác giả giữ bản quyền, vui lòng ghi rõ nguồn khi sử dụng nội dung này.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét