Nguyễn Ngu Í có lần thuật chuyện một đêm ở làng Hòa Hảo[1].
Hoàng hôn vừa buông xuống thì giọng ngâm sấm vãng bắt đầu dâng lên khắp tư bề.
Cách một quãng đường có một ngôi nhà gạch vuông hai tầng: tầng trên, tượng Giáo
chủ; tầng dưới, một phụ nữ mặc áo dài, tay cầm cuón kinh sấm, miệng ngâm nga
trước máy vi âm. Khách đi đến đâu tiếng ngâm theo đến đó, khách thức đến đâu
tiếng ngâm cũng lại theo đến đó, đến khuya lắc khuya lơ… Rồi hôm sau, mới sớm
tinh sương, trời còn tờ mờ, khách vừa tỉnh giấc, tiếng ngâm đã vang lên tự bao
giờ!
Không khí u huyền. Khách bất giác rùng mình.
Nguyễn Ngu Í sanh ra sát miền Nam, sống ở miền Nam lâu đến thế mà
anh còn rùng mình. Người xa lạ với sinh hoạt miền Nam hơn thì chẳng cần đến tận
thánh địa mới tìm được sự xúc động vì cuộc sống tâm linh của miền Nam. Một hôm,
trên chuyến xe sớm từ cầu bắc Cần Thơ đi Mỹ Thuận, tôi đã ngỡ ngàng trước cảnh
xóm làng bên đường. Dọc hai bên đường, trong bóng đêm trước giờ hừng đông, qua
những tàn cây rậm rạp, ánh đèn lố nhố nhấp nha nhấp nháy. Cảnh tượng hàng nghìn
ngọn đèn con lao xao giữa trời trong sương sớm như thế thật lạ lùng đối với một
người từ các miền ngoài vào; ngoài đó đâu có bàn thờ ông Thiên trước sân?
Ở trong này nhìn đâu cũng thấy biểu hiện của tín ngưỡng. Ngoài sân
thờ ông Thiên, trong nhà thờ ông Địa, và khắp cùng nơi nơi dong chơi các ông
Đạo! Đất đai miền Nam cơ hồ thuộc về các đấng thần linh.
Thế mà lạ: Không ở đâu con người được đề cao bằng ở đây. Đây mới
chính thị là đất của con người.
Xuống chơi Cà Mau mấy hôm, nghe tên sông, tên rạch, tên ấp, tên
thôn, mới hay làm sao: xóm Ông Đồ, ấp Ông Khâm, ấp Bà Năm, ấp Trùm Thuật, ấp
Ông Muôn, ấp Ông Nhơn, sông Ông Đốc, ngọn Ông Trang, rạch Biện Nhan, rạch Ông
Quyên, rạch Bà Quang, rạch Ông Búp, rạch Bà Khuê, rạch Ông Nô, rạch Bà Hương,
mũi Ông Trang v.v…
Thân mật, ấm cúng không biết chừng nào: ông nọ bà kia, người với
rạch, với sông, với xóm làng, đất đai, cùng nhau quấn quít, chan hòa làm một.
Đất đai sông rạch gắn liền với con người, nhưng là hạng người nào? Cái doi đất
nhô ra ở gần cửa sông Bảy Háp đó, nó mang tên vĩ nhân nào vậy? Một đấng anh
hùng dân tộc; một đại đế nào đó chăng? - Đừng có nhảm! Ấy là mũi Bà Quang:
Không có vĩ nhân nào xen vô đó hết. Bà Quang? Có lẽ không còn ai nhớ rõ Bà
Quang sống ở thời nào, thọ bao nhiêu tuổi, gia thế ra sao, thậm chí cái họ của
bà chắc cũng mai một: chỉ còn vỏn vẹn một chữ tên. Tuy nhiên, có điều chắc chắn
đó là một người đàn bà đã cùng bà con chòm xóm lặn lội sình lầy, góp một tay
vào công cuộc khai hoang phần đất mới mẻ này. Tức một con người rất gần gũi,
một con người trong đám dân gian. Bà Quang, bà Hương, ông Quyên, ông Muôn v.v…,
đều thế cả.
Từ Cà Mau nghĩ đến cả miền Nam: nào cù lao ông Chưởng, nào tỉnh cũ
Bà Rịa, nào kênh ông Hội đồng Quới, kênh ông Bác Vật Lang, nào kênh ông Hội
đồng Chà, kênh ông Huyện Chơn v.v… Không còn là người của quần chúng hay thật
gần với quần chúng nữa; nhưng cũng không phải là nhân vật quá xa cách, không có
một vua chúa nào cả, chắc chắn đây vẫn là những con người đã trực tiếp tham dự
vào các công trình xây dựng mở mang tại địa phương.
Những người có góp công trực tiếp ấy, đôi khi chính nhà vua lấy
tên mà đặt cho sông núi, như Thoại Sơn, Vĩnh Tế Hà, để cho tên tuổi được “cùng
trời đất không ma diệt”[2].
Nhưng trong những trường hợp của các bà Năm, ông Búp v.v… không vua nào ban cho
danh dự thì anh Bảy, chị Ba, ông Kèo, bà Cột v.v…, thì đám dân chúng vô danh
trong vùng tự động suy tôn, và rốt cuộc cũng lại vẫn “cùng trời đất không ma
diệt”.
Ở đất Bắc, nơi núi sông đã lẫy lừng từ nghìn xưa, thì con người
nép vào uy danh của bản quán, nương cậy ở khí thiêng của sông núi: thi sĩ Tản
Đà, văn sĩ Hồng Nhân[3],
cụ Tiên Điền, Hồng Sơn Lạp hộ, Uy Viễn tướng công, ông Tú Vị Xuyên v.v…
Ở miền Nam, đất mới chưa kịp có tên, thì xây dựng đến đâu, con
người cho non sông mượn tên của mình đến đó, trước bạ tên tuổi của mình vào đất
đai đến đó.
Cái sự khác biệt của một miền người lấy tên đất với một miền đất
lấy tên người, dẫu sao cũng chưa cụ thể. Đi về Hậu Giang, ngồi trên máy bay
nhìn xuống, có thể thấy rành rành sự can thiệp giữa bàn tay người trên cuộc
diện đất đai: Những con kinh thẳng tắp như lằn gạch phân chia cả một vùng đồng
bằng mênh mông thành từng ô từng ô đều đặn… Cảm tưởng đại khái như khi nhìn vào
bản đồ kỳ dị của những đường phố ở các đô thị Cựu Kim Sơn, Hoa Thịnh Đốn,
Chicago, Vancouver…, bản đồ mà như thể trang giấy gạch ca-rô!
Tại sao ở miền Nam, nơi mà vai trò của con người hiển hiện nổi bật
lên như thế, con người lại dành cho thần thánh vai trò lớn lao chừng ấy? Tín
ngưỡng lại thịnh hành, đạo lại nảy sinh nhiều lan tràn rộng chừng ấy?
Có lối giải thích bảo rằng các ông đạo ra đời cũng chỉ là để… làm
ăn mà thôi: “Đa số các ông đều nhắm mục đích duy nhất: khẩn đất núi, tạo lập
vườn tược. Các ông tự tiên chiếm hữu một khoảnh đất bên sườn núi bấy giờ hãy
còn hoang vu ít kẻ tranh giành, lấy lý do tu hành để hy vọng được miễn thuế. Và
bao nhiêu tín đồ đến làm công quả là bấy nhiêu nhơn công tình nguyện”[4].
Có lối giải thích nữa bảo rằng các ông đạo ra đời là vì việc nước:
mỗi ông đạo là một hội kín hoạt động chống Pháp[5].
Lá cờ khởi nghĩa của nhóm Thiên địa hội Phan Xích Long có bốn chữ Bửu Sơn Kỳ
Hương; phá đạo đốt chùa của hệ phái Tứ Ân Hiếu Nghĩa tại núi Tượng là Palasme
de Champeaux với Trần Bá Lộc; đạo Cao Đài, đạo Hòa Hảo v.v… đều có thái độ
chính trị.
Lại có lối giải thích bảo rằng cái không khí tôn giáo tràn ngập
miền Nam, đồng bào ta thừa hưởng từ những dân tộc lâu dời sống trong vòng ảnh
hưởng của văn hóa Ấn Độ, quê hương các đạo Bà La Môn, đạo Phật v.v…
Như vậy đã có lối giải thích bằng lý do kinh tế, có lối giải thích
bằng lý do chính trị, có lối giải thích bằng lý do văn hóa. Miền Nam là đất
mới, các vấn đề của miền Nam đều mới, chưa có gì dứt khoát, cố định; vậy có thể
nối điều thêm một lối giải thích nữa.
Bình Nguyên Lộc nhiều lần nói đến chuyện “chợ đen sắc thần” ở Bến
Nghé, Đồng Nai. Dân đã mở đất xong, lập làng xong, nhưng thần làng thì xin mãi
chưa được triều điènh xa xôi sắc phong cho: bèn có vụ sắc thần của làng nầy bị
đánh cắp bán cho làng nọ.
Sự việc ấy nói lên tình cảnh thiếu thốn trong một phương diện sinh
hoạt của đám lưu dân một thời. Từ các miền ngoài vào đây, trước lo khai phá đất
hoang; nhưng một khi cái ăn, cái sống vật chất đã tạm xong, thì phải tính sang
các nhu cầu tinh thần chứ. Không có, nó bơ vơ, tội nghiệp làm sao! Hãy nghe Sơn
Nam kể khổ: “Trong khi chưa lập được đình chùa, thì miếu thờ cọp giữ một vai
trò quan trọng về đường tinh thần. Ngày giặc Pháp tấn công, dân chúng vùng Tân
Hưng bỏ nhà, chạy vào rừng. Nhưng hàng đêm, họ trở về miễu cọp, ngồi xúm xít,
nhìn nhau, nhìn khói hương mà rơi nước mắt”[6].
Khát khao tín ngưỡng cũng là nỗi khát khao khẩn thiết. Ai là kẻ
đứng ra đáp ứng? Chắc chắn không có mấy nhà trí thức ôm sách vở, mấy vị hòa
thượng khệ nệ kinh kệ chuông mõ theo những đoàn di dân đầu tiên vào Bến Nghé, U
Minh v.v… Lúc nhận thấy có sự đòi hỏi gắt gao về tín ngưỡng, nhìn quanh quất
không tìm đâu ra vị lãnh đạo hay nhà dìu dắt chuyên nghiệp nào về tinh thần,
các thầy Đoàn Minh Huyên, ông cử Đa, ông Bảy Do v.v… đành ra tay sáng chế tại
chỗ để cung ứng nhu cầu. Phong trào ra đời của các tôn giáo, các ông đạo, nó chứng
tỏ tài xoay xở của lớp người đến vùng đất mới, mọi việc đều phải tự cấp tự túc.
Nó là một lối tự liệu lý (self-service) về việc tinh thần.
Tự đặt ra đạo để tin, chuyện có ngộ nghĩnh một chút, nhưng không
trái với óc tháo vát của thế hệ người Việt vào Nam mở đất. Chiếc nóp để ngủ,
điệu ca vọng cổ để tiêu sầu, tuồng hát cải lương để giải trí v.v…, mỗi thứ
trong lãnh vực riêng của nó đều là những sáng chế tại chỗ trong hoàn cảnh thiếu
thốn của địa phương, xa lìa đất tổ.
Vậy những ông đạo đầu tiên bất đắc dĩ phải ra đời. Nhưng có điều
một ông đạo đã ra đời trót lọt, thành công, thì sau đó các ông đạo cứ tiếp tục
ra đời mãi. Thành ra có sự lạm phát ông đạo. Thành ra có sự chậm trễ, lỗi thời:
Đến cái thời đại Bắc Trung Nam không còn cách trở, giao thông nhanh chóng, các
tôn giáo lớn đã có cơ sở hoạt động khắp nơi trong Nam, các giáo lý cao thâm
được các giáo sĩ xuất sắc truyền bá rộng rãi, mà các ông đạo vẫn cứ tiếp tục
xuất hiện rao giảng những điều thô sơ…
Dẫu sao, như thế các ông đạo không còn chứng tỏ sự thống trị của
thần linh ở miền Nam mà lại chứng tỏ tài hoạt động xoay xở của con người. Thần
linh ở đây xúm nhau đề cao vai trò con người!
So sánh đặc điểm tín ngưỡng ở Nhật Bản và Ấn Độ, bác sĩ H.
Nakamura nhận thấy công trình kiến trúc tôn giáo nổi bật ở Ấn Độ, tức những
ngôi tháp stupa, là dành chôn hài cốt, dành cho cái chết, còn
công trình điêu khắc xuất sắc ở Nhật, pho tượng Đại Phật, thì lại dành cho
người sống chiêm bái.
Tại miền Nam ta, không biết cảnh tượng tín đồ kéo đến làm công quả
cho các ông đạo khẩn hoang vỡ đất mà Sơn Nam nói vào thời trước nó tấp nập ra
sao; chỉ biết cảnh tượng nhưng lăng Ông miễu Bà vào những ngày hội, ngày vía
bây giờ thì náo nhiệt hết cỡ: bây giờ khách thập phương đến để xin xăm, cầu
tài, vay của Bà một món tiền về buôn bán làm ăn v.v… Dù là nơi phát rẫy làm
công quả, dù là nơi vay tiền Bà, những nơi đó cũng không có bao nhiêu tính cách
thần bí siêu linh, mà tựa hồ những trung tâm hoạt động náo nhiệt, liên quan mật
thiết đến cuộc sống của xã hội. Những nơi đó không chút gì tịch liêu lạnh lẽo,
mà vô cùng sinh động, mà hừng hực hơi nóng của sinh hoạt, của sự sống.
Ở đây, quả nhiên con người lồ lộ khắp nơi.
[1] Bách Khoa, số 173, ngày 15/3/1964.
[3] Tức Phạm Quỳnh (ở Thượng Hồng).
[4] Sơn Nam, Tìm hiểu đất Hậu Giang, Phù Sa
1959, trang 114.
[5] G. Coulet, Les sociétés secrètes en tetre d’Annam, Ardin, Saigon,
1926.
[6] Tìm hiểu đất Hậu Giang, trang 88.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét