Hai Đô rót
thêm ly nữa, háy mắt: “Uống đi chú em, biết bao giờ gặp lại”. Không
có gió. “Tầm 4 giờ kia mới có gió, đỡ nóng. Chú em vô không trúng mùa rồi,
nhưng không sao”. Thả cái nhìn lơ đễnh dọc kênh, Hai Đô nhớ mùa nước nổi năm
rồi, nước lên sát ván sàn, đã ơi là đã, dân làm lưới được mùa cá.
Chị Mỹ Lan
hàng xóm tạt qua góp câu buồn xo: “Năm ngoái và mấy năm trước hé, một
buổi bán cả trăm ký cá, nay mười ký bán cũng không hết, năm
này nước nổi tệ nhất đó”. “Chị bán cá chợ nào?”. “À, nó bán chợ Trường
Đua đó”. Ông Tư đờn, ba của chị trả lời. Tư đờn chơi trong
băng đờn ca tài tử, hay qua bên Châu Đốc biểu diễn, quay qua tôi tiếc rẻ: “Cái
chân này mới băng bột, uống không được, đau thấy bà tổ, không thì tối nay “xoay
chừng” với chú em. Đói, mò ra Phú Quốc làm thợ hồ, có mấy thằng cà chớn đi xe
máy phang vào, gãy cẳng, nó đền cho 400 ngàn đồng, quá bèo”. Tôi ngó
xuống kênh, bèo đọng thành mảng, khoảnh, đứng sựng. Gần đó, xưởng xay xát Lộc Thu
chạy ầm ầm, băng chuyền lúa từ mấy ghe lớn dưới kênh lao vun vút.
“Giờ
chú chạy lại chỗ cầu Vĩnh Ngươn, ra cánh đồng kia, một đoạn nữa là gặp
biên phòng, thế là qua Campuchia”, Hai Đô phóng mắt ra đồng trống, bị chắn lác
đác vài nhà bên kia bờ kênh. Đó cũng là nơi cư ngụ của dân khóm Vĩnh Chánh,
phường Châu Phú A, TP.Châu Đốc này. “Ngày trước vùng này đồng khô
cỏ cháy, khoảng năm 1990, vắng lắm, giờ có nhà là vui rồi”, giọng Tư đờn
hoài cảm. “Năm 1978, Pôn Pốt nện cối, pháo qua đây, nhà bên kia kênh bị nó đốt
sạch, nhưng đâu vượt nổi kênh Vĩnh Tế này”. “Tại sao?”. “Kênh không rộng, nhưng
thế hiểm, sâu 6m, lội qua phải có ghe, ghe đâu sẵn cho nó chèo, nên
nó không dám, mò xuống là ăn đòn liền. Những năm 1980, máy xúc, xáng cạp còn
hốt lên được cả mìn, trái nổ tanh banh, có người chết đó”. Giọng ông sắc
như dây đờn vừa đứt. “À, chú em người ở đâu vậy ta?”. Tôi khai và nhớ thơ Hồ
Thanh Điền, một nhà thơ của An Giang: “Ba
trăm năm trước/ từng tốp người đi/ những đợt sóng ngầm/ phương Nam, phương
Nam…/ ba trăm năm/ mười thế hệ/ chưa một người về quê/… Tôi thế hệ thứ mười/ba
lần qua bắc miền Trung/ qua Nghệ An, qua Quỳnh Lưu…/ chợt nhận ra giọng nói
mình đã khác” (Những người lưu xứ). Tư đờn gật gù, chẳng rõ ông nghĩ
gì, còn tôi, thấy mình đang bay trên con kênh nổi tiếng này, con kênh mà bao
bận phương nam đều hụt hẹn. Hai Đô phá im lặng: “À, nãy chú em hỏi ở đây hồi
nào hả? Từ thời ông cố ông tổ, khi kênh này được đào, đời xa mình không biết,
nhưng đến đời ông già mình, vẫn còn phát năng, lác để nó không lấn lúa, rồi
rắn, chuột, bới sình, gánh đất làm nền, dựng nhà chòi trên kênh mà ở.
Cách đây 10 năm thôi, mùa nước nổi linh binh, cá linh về xanh cả mặt nước,
nhưng rồi tiệt dần, nước càng thấp, ruộng đồng lắm thuốc trừ sâu”. “Sao không
thấy ghe anh Hai?”. “Giữ ghe làm gì, không làm lưới nữa, bà con chuyển
qua chạy xe ôm, làm mướn”. Bạn ở Sài Gòn, vốn là dân Kiên Giang, nói: “Ghe đánh
cá vùng Vĩnh Tế, Tịnh Biên, đi qua Biển Hồ đánh cá, chứ bên mình, chờ
nước nổi thôi”. Tư Đờn ngáp vặt: “Ngày xưa làm cỏ, cấy lúa, giăng
câu, lưới, giờ thì bớt nhiều rồi, ngày trước đồng kia ngập nước, mình thả
ghe giăng câu, giờ thành đất biên giới rồi, đâu có lạng quạng được. Nghĩ không
cái con kênh này, nước mặn ở biển Tây vào ruộng, không biết lấy gì thay chua
rửa mặn. À, nãy tôi nói chợ trường đua, là hồi trước, chỗ đó tập trung đua
ngựa, mấy ông già nói đua xong, người ngựa xuống kênh tắm”.
Đã
bắt đầu gió. Tôi đi dọc kênh, qua cầu Vĩnh Ngươn, ngó qua bên kia là
Campuchia. Trời chiều rồi. Ở đâu giữa cánh đồng chó ngáp, ở con kênh hun hút đi
qua An Giang và Kiên Giang như con lươn lúc cong lúc thẳng, là chỗ ngày xưa
Thoại Ngọc Hầu đứng chỉ huy dân binh làm cuộc cách mạng điền thủy, đẻ ra một
con kênh, mà đến bây giờ, giả sử không có nó, chắc dân vùng tứ giác
Long Xuyên khốn khó biết bao, chưa nói nó là kênh trấn biên, là hàng rào dựng
lên giữ cương thổ quốc gia? Nhà dựng dày đặc, kéo dài hút mắt, đứng dưới ngó
lên những hàng chân cọc, cột, y như người mặc quần xà lỏn. Nắng đổ dài trên
kênh, cộng hưởng với màu vàng của nước, không ánh lên, mà đục
mảng màu nặng, như khúc hát trầm ngâm phận áo
cơm. Vĩnh Tế giáp đến tỉnh Tà Keo của Campuchia, đầu nguồn kênh
giao với sông Hậu tại Châu Đốc, hạ nguồn nhập ở sông Giang Thành, vào Đông Hồ
tại Hà Tiên rồi đổ ra biển Tây. Ông Thoại Ngọc Hầu chỉ huy đào kênh từ
năm 1819-1824, rộng 40-80m, sâu 3-6m. Sách ghi, khởi phát tầm nhìn chiến
lược này là vua Minh Mạng, sau đó giao quyền xem xét hoạch định cho ông
Nguyễn Hữu Cảnh rồi mới đến ông Thoại Ngọc Hầu trực tiếp lãnh đạo
đào kênh. Dân miệt này thờ Nguyễn Hữu Cảnh là thành hoàng, nhưng mấy ông
già nói, cữ 15, 16 tháng giêng, nhiều nơi tế lễ tạ ơn Thoại Ngọc Hầu. Khó
mà thống kê bao công sức, máu xương đã đổ xuống con kênh này. “Đào
kinh trước mấy kỳ khó nhớ / khoác nhung y chống đỡ biên cương / xông pha máu nhuộm
chiến trường / bọc thây da ngựa, gửi xương xứ này”. Đó là bài Tế
cô hồn kinh Vĩnh Tế do Thoại Ngọc Hầu soạn khi kênh hoàn thành. Hôm
qua, tôi gặp ông Bảy Bông ở vùng lúa Vĩnh Gia huyện Tri
Tôn, ký ức ông già hơn 80 tuổi vẫn còn nguyên thuở vừa phát đồng vừa đuổi rắn,
cả tháng trời be bờ lùa sình mà chỉ được mấy công đất, nhưng ông nói thuở ông
nội của ông, nếu không có con kênh này chắc phải bị gậy lang thang xin ăn
bởi phèn mặn ngập hết; đời cha ông thì thành khách thương hồ, bám theo kênh mà
sống, đến đời ông thì lúa vùng Tri Tôn đã thành đặc sản cả nước, dẫu bây
giờ con cháu ông xuôi về thành phố, kiếm chuyện làm tránh chân lấm tay bùn,
nhưng ơn tiên tổ, mấy thế hệ rồi nào quên.
Tôi
đang đứng trước lăng Thoại Ngọc Hầu ở núi Sam. Đây không phải mùa người
ta đi lễ bà chúa Xứ, nhưng khách thập phương vẫn nghi ngút khói hương, dâng
cúng thịt heo quay từ đầu này đến ngõ kia. Mùi mắm bay thơm lừng ngõ vào lăng.
Tôi đếm mười mấy bậc đá ong dẫn từ lề đường lên lăng. Nghe rằng, đá ong
này Thoại Ngọc Hầu đã cho người ta về vùng Biên Hòa chở vào. Nhưng tôi lại nhìn
thấy ở đó đá ong của vùng xứ Quảng, cả những bàn chân không dép từ đất quê
mình, kẻ đi ngựa, người bộ hành, đạp dần về phương nam. Nén nhang trong
tay tôi run lên. Đào kênh Vĩnh Tế, kênh Đông Xuyên. Lập làng. Vỡ ruộng. Làm
đường. Bắc cầu. Đắp đê. Lập chợ. Cải thiện phong tục tập quán. Chiêu mộ người
ngoại quốc vào cõi. Kiến trúc sơn lăng từ miếu. Bảy lần sang Xiêm, hai
lượt sang Lào, mười một năm bảo hộ Cao Miên. Kinh nghiệm phi thường trong dựng
và giữ nước. Công trạng hiển hách, không lưu danh thơm sử sách mới lạ.
Những tưởng công đức suốt 52 năm được ban phát phẩm trạch, dựng lăng khắc bia,
là đời đời yên vị, nào ngờ, trò đời bạc bẽo, giống như tài – mệnh tương
đố, chỉ vì một siểm tấu của một thứ hương nguyện tên là Võ Du, rằng sinh
thời ông đã nhũng nhiễu dân, nên Minh Mạng cho bộ Hình xem xét, ông bị truy
giáng tước hàm xuống hàng Ngũ phẩm, con trai là Nguyễn Văn Lâm bị tước ấm chức,
tài sản bị tịch, đem cho dân Cao Miên và phát mãi. Về sau, vua xét lại,
lời tố cáo đó là láo toét, nhưng nghị án sai lầm và nghiêm khắc kia không
được sửa. Lòng tôi không khỏi bồi hồi. Số phận ông là câu chuyện trong nhiều
câu chuyện buồn thảm của hiền tài, mà thuở nào cũng thế. Nếu Nguyễn Trãi bi
kịch bởi đánh đồng tư chất và nhân cách nghệ sĩ vào hành xử tham chính, là việc
nguy hiểm, thì ở đây, Thoại Ngọc Hầu bị thói đời ghen ghét, dẫu một sàm tấu vô
căn cứ và cỏn con đi nữa, thì cũng tan gia bại danh. Nghĩ mà kinh
sợ lòng người!
Vùng này
lưu truyền giai thoại rợn người, khi Thoại Ngọc Hầu qua đời, người ta đã chôn
sống bầu đoàn thê tử một gánh hát bội Quảng Nam để hát hầu ông ở thế giới
bên kia. Nay, mộ của những diễn viên hát bội vẫn còn hiện hữu bên cạnh mộ phần
Thoại Ngọc Hầu và gia quyến. Kẻ nói có, người nói không. Tôi thắp nhang vào
những ngôi mộ không tên, vẫn tin rằng họ chính là đào kép gánh hát
bội vùng Diên Phước phủ Điện Bàn xưa, thuở trấn nhậm vùng biên ải,
ông đã về tận cái nôi hát bội quê nhà tuyển rước đào kép giỏi
vào nuôi dưỡng để hát phục vụ giải trí cho binh phu đào kênh Vĩnh
Tế. Ông Nguyễn Văn Hầu trong cuốn “Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá
miền Hậu Giang”, nói đây gánh hát bội đầu tiên đặt chân lên đất
phương nam! Những tiếng hô hát nặng trịch phương ngữ không giống ai đã va
vào núi, rơi xuống dòng kênh này, như cái cọc cắm xuống lưu dấu một lần và sau
đó như một cơn gió lạ, tuyệt tích giữa ngổn ngang thuở hoang sơ mở cõi.
Vẫn gió từ
sông Hậu thổi lên, tạt vào núi Sam, quần xuống. Tôi lên núi Sam, ghé nhà người
quen, ngó về lăng Thoại Ngọc Hầu. Trời đã bắt đầu sập tối. Mây và sương giăng
trắng núi, phả cuộn vào lăng uy nghi trong thứ ánh sáng nhờ nhờ sót lại, rồi ùn
lên như một cái triện lớn màu bạc. Hơn 300 năm trước, có một người xứ Quảng thiên
di rồi thành danh ở tận cùng tây nam Tổ quốc. Nếu tính danh tướng đánh giặc
giỏi ở xứ mình, thì đếm cả đời không hết, nhưng tài kinh bang tế thế ở trong
một người, thì hiếm. Sứ mệnh lịch sử đã giao phó vào tay ông để rồi gửi
thân xác ở đó, để dân tôn kính là bậc khai quốc công thần, bởi ông đã cùng bao
người thực hiện được quốc sách cho “từ ấy đường nước lưu thông, từ kế hoạch
trong nước, phòng thủ ngoài biên, cho tới dân buôn bán, điều được tiện lợi vô
cùng” (Đại Nam nhất thống chí). Ghe trên kinh Vĩnh Tế chỉ tấp nập mùa nước nổi,
nhưng sao tôi thấy dấu dầm ghe lui còn nguyên đó, dấu của hơn 300 trăm, như cú
sãi nước ngoạn mục, sãi đến đâu, cương thổ đến đó, ghi dấu ở đó lòng dân tạ ơn
ông. Bữa tôi qua sông Hậu, nước lững lờ trôi, ghe lớn ghe nhỏ từ thượng
nguồn đổ về cửa sông tấp nập. Mưa sớm giăng kín mặt sông. Chuyện rằng, bữa tế
lễ mừng kênh Vĩnh Tế hoàn thành, Thoại Ngọc Hầu quỳ xuống, mặt hướng về
quê nhà, nước mắt lã chã...
TRUNG VIỆT
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét