Nhà văn Nguyễn Thanh (1942 - 2016) sinh trưởng ở Cà Mau, Hội
viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ông nguyên là Chủ tịch Hội VHNT Cà Mau và Phó Ban
liên lạc Hội Nhà văn Việt Nam tại ĐBSCL. Tác phẩm: Đá trắng, Thị trấn cuối
cùng, Chấm lửa đêm chiến tranh, Ngổn ngang đất nầy, Bóng chiều hôm… Giải thưởng:
Giải A Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam 1997...
* * *
1 - Xóm ngắn, luồn lách theo con xẻo nhỏ bắt nguồn từ sông Cái chạy vào chân đê lại trổ ra sông Cái. Toàn đất biền đan xen nửa gò, nửa bãi thích nghi với cây lá dừa nước và loài cỏ dại thân mềm, bò ngang ngửa, lá thon dài hao hao lá lúa; vô tích sự nhưng mỗi mùa cỏ cho ra hai đợt hoa thơm dịu, ngan ngát. Do giấu mình nơi hoang vắng thơm tho suốt mùa, dần dà, xẻo nước thành danh xóm Cỏ Thơm làm “tiền trạm” cho xóm Chòi Mòi trong đê ngăn mặn.
Người đầu tiên tới xóm Cỏ Thơm dựng lều ở chính là hai cha con ông già Hai La mấy năm sống chui rúc trong mui ghe kê lên mặt đập làm nghề kéo mướn giải nghệ sau khi có người chế ra dàn kéo nửa sắt nửa gỗ với sự trợ giúp của chiếc máy BS9 khiêng xuồng ghe qua đập thay sức người. Đổi lại, già Hai La thoát ra khỏi cảnh sống nơm nớp lo sợ nạn trộm cắp lúc nhà không cửa nẻo, buộc ông hay hô hoán lên khản cổ mỗi lần đồ đạc trong nhà không cánh mà bay đến đỗi mang tiếng “Già Hai La” gút mắc, khó khăn thấy ghét. Riêng với đứa con gái duy nhất của ông, từ tên Ngọn, tự nhiên biến thành tên xóm: Cỏ Thơm!
Phần số Hai La thật ngắn ngủi: mất đột ngột do già ăn cơm với món cá nóc mít kho bị ngộ độc gần như cái chết thảm thương của vợ hứng một viên đạn “mồ côi” của tốp lính đồn Chòi Mòi bắn bừa vô tội vạ lúc chiếc ghe tản cư từ Gò Công, Mỹ Tho đổ xuống ngấp nghé đập Chòi Mòi.
Hết đời cơ cực của vợ chồng Già Hai La chỉ để lại cho Cỏ Thơm túp lều cột cây, mái lá, bốn công tầm ta đất biền sau lều, chiếc xuồng be chín dùng làm phương tiện đi lại trên sông… Có điều ông ân hận qua lời trối trăng trước khi trút hơi thở cuối cùng rằng, sống cảnh gà trống nuôi con, ông chưa kịp dựng vợ, gả chồng cho đứa con gái cho thằng rể tương lai - thằng Trần Đợi - hiền lành, lại là tay Sát thủ cá ngát lợi hại bên kia sông Cái.
Sẵn có tình ý trước với Cỏ Thơm, cộng được nghe lóm lời trối trăng của Già Hai La, thằng Đợi tự nhiên cuốn gói sang sông ăn ở luôn với Cỏ Thơm như vợ chồng… “Anh Đợi ơi, anh Đợi… Mai dừng đi rừng đốn ráng bó chổi, nghen… Nhà mình sắp hết gạo ăn rồi, nghen!”. Cỏ Thơm khẽ khàng. Đợi gật, thui thủi kéo chiếc xuồng be chín lên bờ phơi khô, trét chai, lấp vò; cụ bị mấy thứ lặt vặt cần thiết cho cuộc săn bắt cá ngát. Và rồi bắt đầu từ chiếc xuồng be chín xuất bến bao giờ cũng đủ đôi, đủ bạn, và khi dứt ra khỏi mùi thơm dịu thoang thoảng của thứ cỏ dại gặp ngay con sông Cái mênh mông sóng vỗ…
Xuồng dừng. Đợi cầm dầm lồm cồm bò ra trước sạp mũi tẩn mẩn gắn mồi vào số trăm lưỡi câu giềng. Cỏ Thơm trôi ra sau lưng Đợi chỉ một việc un muỗi, xua muỗi cho Sát thủ… Từ việc bắt cá ngát trong hang tới câu cần, chuyển sang câu giềng, mọi thao tác trở nên đơn giản, Đợi nhớ thủa săn cá ngát ngụp lặn trong hang sâu phải thò hai tay, thậm chí dùng tới hai chân quờ tìm loài cá hung hăng da láng, ba ngạnh sắc nhọn như lưỡi gươm khiến Sát thủ luôn có cảm giác ớn lạnh sau gáy. Năm mười lần bắt được cá, một lần bị ngạnh cá đâm sâu vào da thịt đau nhức thấu xương phải trùm mền ủ ấm chống chọi với cơn sốt khiến hai bàn tay chai sạm của Sát thủ nổi u, nổi nần, thâm quầng thành sẹo để đời…
Đến lượt Cỏ Thơm dịch người ra xa tấm lưng bốc mùi mồ hôi mằn mặn, quen quen của Đợi, cầm dầm, lái xuồng. Đợi ngồi hí húi buộc chặt một đầu dây câu vào thân cây nép sát rặng lá tối thui, lần lượt cho nhả ra từng lưỡi câu lắp mồi từ trên sạp mũi rơi rớt lợt đợt xuống mặt nước. Dây câu khi dùn, khi thẳng, khi căng kéo giăng ngang vàm xẻo, hốc lá, nem nép gần vực đất sâu mấy sải tay, bủa giăng kín kẽ vàm rạch lại còn vượt qua ngang sông lớn khiến những cuộc vây gí cá ngát được khoanh lại một vùng rộng rinh, đứng nhìn, khoan khoái trước khi Sát thủ cột chặt một đầu dây câu vào chỗ đậu xuồng.
Lần nào vẫn thế, chỗ đậu xuồng chờ gỡ cá mắc câu thường là những điểm êm ái, tiện ích như cồn Bần xế xế vàm xẻo Thơm. Xuồng neo cồn Bần có trời mới thấy được: Tàn Bần, lá lú lập lòe, len lét ánh đom đóm gie ra phủ tối hai bên mạn be. Thỏa thích làm tình. Thỏa thích hưởng “Tuần trăng mật” khiến sức Sát thủ cá ngát mệt lã người. Cỏ Thơm mềm oặt, đắm chìm, tơi tả sắp tan biến vào giữa đất trời, sông nước…Rồi cả hai ngủ thiếp đi lúc nào không hay, giật mình, người cầm dầm, người quờ tìm một đầu dây câu. Sát thủ hai tay lần theo dây câu vừa kéo nhóng từng đoạn dây dài thòng xếp trả lại sạp mũi. Nhiều lúc giềng câu trì xuống nặng hai tay, đoạn dùn, đoạn căng kéo thẳng băng làm trôi dạt, liêu xiêu cả người lẫn xuồng…Mùa nước mặn, đêm đến, mặt sông lấp la, lấp lánh ánh sao. Những con cá ngát mắc câu lên gần mặt nước càng giãy giụa, hung hăng kéo theo những vệt lân tinh giống như những sợi dây lửa nhì nhằng, tua tủa… Tới lúc Sát thủ phải dùng tới cây vợt lưới cầm tay túm gọn con cá ba ngạnh lên sạp xuồng…
“Bụp”… Tiếng mỗi nhát dao phay bén ngót xả mạnh dứt khoát xuống sạp ván, lập tức, một ngạnh cá sắc nhọn rớt ra… Khác với nhiều Sát thủ trong vùng, Trần Đợi có thói quen vừa xả dao chặt ngạnh vừa nhẩm đếm số ngạnh cá rớt ra để tính phỏng lượng cá bắt được mỗi cuộc đi câu trong tháng, trong năm lên, xuống tới mức nào?... Thời kỳ máy móc nổ bốp chát; dầu mỡ, xăng nhớt, thuốc trừ sâu bốc mùi hăng hắc trên đồng, trên sông, các loài cá trở nên quí hiếm. Ngày ngủ li bì, ngủ nướng, chiều nhậu, đêm câu cá… vợ chồng Cỏ Thơm ăn nên làm ra, dư tiền mua được chẵn chòi năm công đất trồng lúa phía trong đê ngăn mặn giữa lúc vợ chồng Cỏ Thơm sinh được một thằng con trai đặt tên “Bến”, bến Bần, cồn Bần, khắc ghi một thời lặn lội theo sông…
Nhưng trớ trêu thay, chuyện không ai muốn, nó đến: Đang trong lúc đồng vợ đồng chồng, ăn nên làm ra, Sát thủ một lần một mình đi câu cá ngát không thèm về nhà. Cơn bão Lin-đa quái ác làm chết người trong vùng lần đầu tiên gặp bão lên đến số ngàn, cuốn phăng xuồng lẫn người trôi ra cửa sông Cái, gặp biển. Cỏ Thơm bỏ mặc xác lều bị sập đổ tang hoang, ôm chặt thằng Bến rảo qua hết các vàm rạch, vàm sông tìm chồng, ruột gan như xát muối… Năm, mười ngày trôi qua… Một tháng trôi qua…Sát thủ cá ngát Trần Đợi vẫn bặt vô âm tín…
2 - Mười năm. Mẹ tròn. Con vuông. Cỏ Thơm vẫn màu da bánh mật, mũi dọc dừa trông càng trẻ ra nhờ ít dầm mưa, dang nắng. Không còn chút hy vọng chồng sống sót trở về sau cơn bão dữ, hai lần Cỏ Thơm đi bước nữa nhưng đều không thành. Chuyện không ngờ, nó tự nhiên đến như duyên trời định: Cỏ Thơm phát thương ngang người đàn ông cơ nhỡ có dáng người thấp đậm, ốm yếu, áo quần xộc xệch từ miệt trên đổ đường tới xóm Cỏ Thơm thuê đất nuôi tôm. Hai mùa tôm đầu, chết trắng; thu hoạch mùa tôm thứ ba lấy lại được một nửa vốn liếng bỏ ra ban đầu. Không ai bảo ai, Cỏ Thơm tự nguyện gá nghĩa vợ chồng chính thức và cắt cho không người đàn ông cơ nhỡ phân nửa khoảnh đất biền của Già Hai La để lại. Mùa tôm thứ tư, nhà xuất hiện thêm một người đàn ông râu quai nón, vạm vỡ, săn chắc vẫn từ miệt trên đổ xuống thuê đấtbiền nuôi cua.
Cua nuôi lớn nhanh như thổi; mai cua đầy ứa gạch son bán được giá cao. Trái lại, tôm nuôi bị đất nhiểm phèn thêm ba mùa, chết trắng, lý do chính đáng để người đàn ông cơ nhỡ bỏ vợ, bỏ nhà ra đi biền biệt…Người ở lại với mẹ con Cỏ Thơm không ai khác ngoài người đàn ông có hàm râu quai nón sống thui thủi một mình ngoài chòi canh cua. Cầm lòng không đậu, một năm sau, Cỏ Thơm cho phép thằng con trai ra chòi rủ rê bác Râu Quai Nón vào nhà cùng ăn, cùng ở, cùng làm cho vui…
Rồi không lâu, đùng một cái, xóm Cỏ Thơm dậy động trận đánh ghen chưa từng thấy. Ông chồng cơ nhỡ nuôi tôm quay trở lại ư? Không. Người nằm vật vạ trước hàng ba nhà Cỏ Thơm chính là một người đàn bà xa lạ, vợ chính thức của Râu Quai Nón. Chưa sáng hẳn, người đàn bà bới tung túp lều, túm gọn bà chủ nhà rồi liền buộc Râu Quai Nón tha hương cầu thực quay về quê cũ lập tức. Cỏ Thơm chỉ biết nằm vùi…
Ví như lúc bấy giờ không có bà con xóm Chòi Mòi, đặc biệt với vợ chồng Ba Khả tới lui an ủi, san sẻ, không biết tình cảnh mẹ con Cỏ Thơm đưa đẩy, sống, chết ra sao?... Riêng với Ba Khả, bẵng đi khoảng thời gian khá lâu nay năng tới lui với Cỏ Thơm đang thế cô, sức yếu…
Là cán bộ huyện hưu non, hưởng chính sách đãi ngộ một lần, Ba Khả mua đất xây nhà, vừa phụ giúp với địa phương quản lý một Tập đoàn sản xuất nông nghiệp. Mắt trũng sâu, giọng nói sang sảng, mạch lạc khiến có số ít người già trong vùng dò la, nghi ngại Ba Khả đa mưu, túc kế; ngược lại, tốp trẻ có phận sự trong xóm ấp tâm phục, khẩu phục, lại còn vờ đi chuyện Ba Khả siêng tổ chức hội thảo đầu bờ hô hào dân chúng làm lúa ngắn ngày mùa đầu thí cho chim, chuột, khi đó, ruộng nhà Ba Khả cày cấy một vụ/ mùa… Đặc biệt với Cỏ Thơm, nhiều lần đích thân Ba Khả lên huyện kéo Tám Tài bạn thân hồi còn làm Xã đội nay là cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp huyện về tới nơi thị sát chất đất, tình hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đề nghị huyện cho gia đình Cỏ Thơm hưởng tiền khuyến nông và nhận thêm phân bón, thuốc trừ sâu nhiều năm liền…
“Bánh ít đi, bánh qui lại”. Điểm thường diễn ra hội thảo đầu bờ ban ngày trở thành chỗ hẹn hò của Cỏ Thơm, Ba Khả ban đêm. Lá chuối thay chiếu trải trên nền cỏ dại. Lâu ngày vắng hơi đàn ông, Cỏ Thơm mềm oặt như cọng bún được dịp nhớ cồn Bần có Đợi cuồn cuộn; Râu Quai Nón sức máy kéo; Ba Khả dở hơi, yếu xìu lại còn phân tâm khiến nhiều lúc ngớ ngẩn nằm ngay đơ cán cuốc trên bụng người tình…“Sao lại thế này, anh Ba? Tỉnh dậy đi, anh Ba!”. Cỏ Thơm sợ hãi, lắc khẽ vai Ba Khả. Khả giật mình dịch người xuống đất, ngượng ngập, chống chế: “Nằm mơ thấy đàn “cá nhái” (trưc thăng) dọn bãi cho quân bộ sắp đáp đất chỗ đám lúa giáp ranh… Hết hồn, hết vía!”. Ba Khả bẽn lẽn dụi mắt, và vừa hé mắt ra ngó thấy bóng bà vợ đứng xẩm xờ kế bên…
Lại một trận đánh ghen êm thắm khác thường: Vốn bị bệnh huyết áp cao, vợ Ba Khả chẫm rãi phủ phục trước mặt nhân tình của chồng van xin Cỏ Thơm mau mau đi lấy thằng chồng làm ăn tử tế, tốt hơn… Nói thương em là thằng chả nói dối em… Đừng tin. Thằng chả còn mắc nợ chị mà, với lại anh Ba của cô còn gánh một khúc việc làng, việc nước… Nhớ nghe! Chấm dứt nghe!”…
Tưởng vậy, kín bưng, nào ngờ hàng xóm có người nghe được lên án vợ Ba Khả thuộc loại đàn bà khôn quỷ; người khen vợ Ba Khả khôn ngoan biết cách ghen tuông đậm chất “nhân văn” nắm níu được thằng chồng trong khi gia đình vợ chồng Ba Khả cầm chắc trong tay hai công đất trồng lúa có sẵn con mương ranh làm đường xổ nước của Cỏ Thơm “cố” cho theo yêu cầu tha thiết của Tập đoàn trưởng cần đất sạ giống lúa cao sản thí điểm…
3 - Mười sáu năm sau ngày Trần Đợi mất tích, Xóm Cỏ Thơm có đường lát pê-tông. Con đê ngăn mặn nay biến thành lộ liên huyện cho xe bốn bánh. Khi đó, xẻo nước được xáng múc kê thêm đất. Loài cỏ dại bắt đất bồi xanh mơn mởn cho ra hai đợt hoa thơm dịu, lan tỏa vào túp lều của mẹ con Cỏ Thơm. Mẹ việc trong, việc ngoài, quần quật. Con trai tháp tùng gánh con Ba Khả đi xe buýt lên học trường xã rồi trường huyện. Cỏ Thơm trông càng trẻ ra sau khi dứt ra khỏi Ba Khả, day sang anh cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp huyện Tám Tài.
So với Ba Khả, Tám Tài vượt trội, lợi thế hơn nhiều mặt: Ly thân vợ, điển trai sánh công tử vườn, lại có thêm giọng ca cổ bá cháy. Hai lần nghe Tám Tài “xuống mùi” nhân dịp hai đám giỗ nhà Ba Khả, Cỏ Thơm xiêu lòng…
Đang học làm sang, giữ kẽ, Tám Tài ít tới lui nhà Cỏ Thơm, dĩ nhiên Tám không chịu khó nằm đất, ngủ muỗi… Mỗi lần muốn gặp nhau, Tám hẹn Cỏ Thơm người đi xe buýt, người ngồi đò tốc hành tránh lời dị nghị, dèm pha trong thiên hạ bằng cách lên thẳng chợ tỉnh, ngủ, nghỉ nhà trọ; vài lần nhằm dịp thứ bảy, chủ nhật, hai người dắt díu dạo chơi tới Sài Thành…
Người từ chỗ chưa biết mặt chợ huyện, chợ tỉnh nay bay tới Sài Thành hoa lệ khiến Cỏ Thơm về tới nhà đầu óc ong ong, chập chờn… Nằm bã người nghĩ thương Tám Tài chưa sắm nổi chiếc xe máy tự lái đi đây, đi đó… Lỗ lã gì cho cam, thay vì đi xe đò, xe buýt lên huyện, lên tỉnh, có chiếc xe máy cho Tám Tài đèo Cỏ Thơm phía sau lưng, tuyệt!...
Suy đi, nghĩ lại thật kỹ, trái tim đa cảm đập loạn xị, Cỏ Thơm quyết định “cố” thêm hai công đất trồng lúa góp nhóp cho Tám Tài sẵn có chút ít tiền “bồi dưỡng” của nhiều chủ đất nông nghiệp trong huyện đủ sắm sanh chiếc xe máy mới ao…
Chao ơi, có được chiếc xe máy cầm chân, Tám nhẩn nha đâu đó mất biệt?! Nhác thấy bóng Tám thấp thoáng đầu Xóm Chòi Mòi, Cỏ Thơm lên tiếng gọi Tám ơi, Tám à… xe tăng ga, vọt nhanh như gió…
Thêm một năm thật dài trôi qua… Thật ra lần này Cỏ Thơm nghe nhịp đập con tim không bình thường; con tim biết nhói đau… Không nén được cơn tức giận trong lúc muốn đánh tiếng phản đối Tám Tài phụ bạc bằng cách chuẩn bị lấy ngay thằng chồng làm Giám đốc, Trưởng phòng giàu có, đeo đồng hồ Omega, mang kiếng gọng vàng, chiều chiều nhậu thịt chó, và vừa kiếm chút ít tiền nuôi con ăn học, Cỏ Thơm quyết định bỏ xứ tháp tùng tốp đàn bà góa chồng chung xứ dông tuốt lên Bình Dương nhận làm thuê cho một cơ sở chế biến hạt điều. Không may, Giám đốc Công ty TNHH mang tên Tây khó nhớ: Kopa Mita (từ cơ sở nhỏ nở ra thành Công ty) già ngắc, đeo đồng hồ điện tử, mang kiếng làn, sẵn vợ già, bồ “nhí”, may mà lãnh được bốn tháng lương, cơ sở cắt tách hạt điều được trang bị thêm máy móc nội địa thay thế tốp thợ thủ công buộc Cỏ Thơm một thân, một mình trở về quê cũ…
Một năm sau… Cỏ Thơm một lần nữa đánh đu theo số phận thuyền theo lái, gái nương chồng: Đơn giản, nhẹ nhàng bởi có một buổi chiều ngồi quán giải khát đầu Xóm Chòi Mòi, Cỏ Thơm bị anh chàng bán bong bóng thôi miên. Nhìn kia: Gương mặt chữ điền rám nắng, tươi tỉnh thường cười hiền; đôi mắt người đàn ông sáng ngời, vô tư, vui vẻ với đám trẻ con vây quanh. Chỗ khách hàng chen lấn, người đàn ông dùng tới bình hơi giữ trong thùng gỗ đặt sau yên xe; chỗ vắng khách, ế ẩm, người đàn ông miệng thổi chiếc bong bóng giống như người “Nhạc công” biểu diễn bằng loại kèn Trumpet. Mỗi lần môi mỏ anh chàng chu ra, phùng mang, trợn mắt, một chiếc bong bóng đầy hơi, nhẹ hẫng liền qua tay một đứa bé đang cười tít mắt. Chẫm rãi, nhàn nhã, người đàn ông bán bong bóng ăn mì gói, uống trà đá, hút thuốc cái đen thường cười hiền…
Chỉ vài lần gặp gỡ, người đàn ông bán bong bóng xuất hiện tại nhà Cỏ Thơm. Nhưng không may lần này thằng Bến đi học về tới nhà mặt mày nhăn nhó, nghinh nghỉnh không chào khách, ý phản đối mẹ ra mặt khiến Cỏ Thơm bắt đầu chú ý tới thằng con trai trở chứng, trở nết, khó hiểu…
Thế rồi chuyện không ngờ, nó đến: Người đàn ông bán bong bóng cỡi chiếc xe máy cà tàn dựng cây hoa bong bóng nhiều màu sắc sặc sỡ lên huyện như thường lệ không may sập ổ gà, xe nghiêng ra đường đúng lúc một chiếc xe tải xuôi chiều vướng vào thùng gỗ đặt sau yên xe. Một bên bả vai người đàn ông bị thân xe tải quét qua để lại nhiều vết máu, đầu va đập mạnh vào thành xe phải cấp cứu tới bệnh viện lớn Sài Gòn.
Khác với nhiều lần đi chung với Tám Tài cơm bưng, nước rót, lần này chỉ một mình Cỏ Thơm tới nơi trông thấy bệnh nhân đơn phương độc mã nằm đau đớn chờ giờ giải phẫu. Vết thương đầu chạm tới não, chưa biết sinh mạng người đàn ông bán bong bóng ra sao đang cần người, cần tiền chữa trị?!…
Cỏ Thơm hoang mang. Bụng đói, tay chân bủn rủn nằm vạ vật ngoài hành lang bệnh viện tính tới chuyện “cố” nốt công đất trồng lúa lấy tiền cứu sống một mạng người!…
4 - Chạy trốn người lâm vào hoàn cảnh nghiệt ngã đang cần mình là người vô cảm, không thể được! Hai lần ra khỏi cổng, hai lần không nở bỏ đi; ba lần khăn gói lên xe về quê, xe ra khỏi bến, Cỏ Thơm hủy vé xe liền quay lại bệnh viện đứng khóc thút tha thút thít nhìn người đàn ông nằm co ro trên giường bệnh, nghiêng nửa một bên người dòm ra hướng cửa… Và thêm một lần quẩn trí vừa về tới nhà đã vội vội, vàng vàng sắp soạn trở lên bệnh viện không kịp làm Tờ cớ nhà mới bị mất cái bếp gas, chiếc xuồng be chín được thằng Bến ngừa trộm đường sông, đường bộ, kéo lên tận vách lều, khóa chặt…
“Má, bộ má tính đi đâu nữa vậy, má?”… Thằng Bến vừa tiếc của vừa bị hẫng hụt bởi sắp vào đời chỉ còn hai bàn tay trắng lên tiếng gắt gỏng với mẹ. Cỏ Thơm trừng mắt, gạt phăng…
Một tháng, hai tháng… Đúng lúc thằng Bến không còn trông mong gì ở mẹ, đau lắm, tiếc lắm nhưng cuối cùng quyết định thôi học, gay vào nhiều việc lớn, nhỏ, miễn sao kiếm ra gạo, ra tiền: Chầm lá; chẻ lạt bộp dừa phơi khô; cắt cỏ bán cho chủ trâu, chủ bò; sẵn sàng ngồi mặt đập chỗ ngày xưa Già Hai La (ông ngoại) kéo đập mướn chờ người thuê khuân vác linh tinh… Không than, và ngoài một lần đôi co lớn tiếng sau sự cố nhà bị mất trộm, Bến không dám trách cứ, chì chiết mẹ lần nào, kể cả lúc Bến biết chắc ăn mẹ “cố” hết khoảnh đất trồng lúa (nhờ dịp tình cờ tới nhà tháp tùng theo thằng con trai lớn của bác Ba Khả đi thăm cậu Tám Tài ngồi tù do ăn hối lộ, ghé mắt coi sơ qua mẩu giấy “cố” đất có con kinh ranh xổ nước bằng chữ viết tay của mẹ đính kèm Tờ Di chúc của Ba Khả sang tay vợ con vì biết chắc mình không qua nổi cơn bệnh xơ gan cổ trướng).
Bù lại, thằng Bến nhận được hai quyển sổ đỏ xác nhận quyền sử dụng đất biền sau lều do chính hai ông già lạ huơ lạ hoắc, lẩy bẩy tới nhà giao trả lại tận tay người chủ trẻ nhưng vội vàng quên nói lời cám ơn…
Vì tất cả những lẽ đó biến ra nhiều tin đồn rằng thằng Bến sẽ ăn nên, làm ra. Hơn thế nữa, Bến trưởng thành, biết sống tự lập khiến người lớn trong nhà như mẹ nó chưa chắc sau khi nuôi bệnh trở về dám dẫn theo người đàn ông gặp nạn với hai lý do: vừa ngán ngại thằng con trai, vừa nắm bắt được tin đồn khá chính xác cha đẻ của thằng Bến vẫn còn sống (vì bởi sau cơn bão, từ một hòn nhỏ ngoài vàm sông Cái, Đợi quá giang nhầm tàu chở người vượt biên trái phép vào bờ, được một đại gia trong tốp người vượt biên hành nghề đánh bắt thủy sản xem người, xem tướng hợp sông nước, nhận và bảo lãnh Trần Đợi làm người ở đợ cho mình. Rồi cả chủ lẫn tớ rớt lại bán đảo nổi tiếng cá trích, cá thu Visayas Sca, Philippine, gay vào cuộc làm ăn mới tới nay sắp sửa trở về Việt Nam!)...
Cỏ Thơm bời bời tâm trạng… Trên đường đưa bệnh nhân trở về quê, hai người xuống xe chỗ giao thoa giữa quốc lộ và con đường liên huyện, Cỏ Thơm hỏi nhà người bán bong bóng ở tận đâu, người đàn ông ngơ ngơ, ngác ngác đưa tay chỉ về đám cau lão lắt lay phía chân trời… Không đủ tiền ăn cơm phần, hai người hai dĩa cơm ngồi vỉa hè trước quán vừa ăn vừa nói năm ba câu chuyện rồi lẳng lặng chia tay… Một mình Cỏ Thơm lên xe đi tiếp về bến cuối…
Xe xếp năm mươi giường nằm mặc sức Cỏ Thơm ngủ gà, ngủ gật, người hoang hoải cảm giác mọi thứ âm thanh chìm dần, rõ nghe tiếng ai giống tiếng thằng Bến căn dặn mẹ gì gì đó… Tiếp nữa, hiển hiện, chập chờn trong óc người khách vạ vật dọc đường một cồn Bần lập lòe ánh đom đóm…sông trôi… và rỡ ràng một xóm lều đang tắm nắng ban mai sực nức hương cỏ dại; hương thơm ngan ngát, lan tỏa tới con đường trải nhựa phẳng phiu chỗ bay vọt lên không trung những chùm bong bóng đỏ, xanh, trắng, tím, vàng sặc sỡ, lơ lửng, mang theo những vui, buồn, đau đớn, nghiệt ngã lẫn chút hy vọng mong manh cuối đời!
NGUYỄN THANH
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét