Thành phố Long Xuyên là một trung tâm
kinh tế - văn hóa quan trọng của tỉnh An Giang và khu vực đồng bằng sông Cửu
Long, đô thị sầm uất thứ hai tại Tây Nam Bộ. Du khách tham quan du lịch tại An
Giang hầu hết đều phải đi bằng tuyến đường ngang qua thành phố Long Xuyên, nên
Long Xuyên còn có vai trò là cửa ngõ đầu tiên đón chân du khách khi đến với An
Giang. Hãy cùng khám phá xem thành phố nầy có gì đặc biệt nhé!
Cửa ngõ vào thành phố
Du
khách chắc hẳn ngạc nhiên khi vào trung tâm thành phố phải qua gần chục chiếc cầu
bắc ngang các con rạch nhỏ và khó có thể nào nhớ hết được tên chúng. Có lẽ bạn
sẽ rất hiếu kỳ muốn biết về những kinh rạch chằng chịt đó. Để tiện cho bạn,
chúng tôi giới thiệu sơ những cái tên mà bạn sẽ bắt gặp trên đường vào thành phố
như: rạch Cái Sắn, rạch Cái Dung, rạch Cái Sao, cống Bà Thứ, rạch Gòi Bé, rạch
Gòi Lớn, rạch Tầm Bót, rạch Cái Sơn… Vì có nhiều kinh rạch, cầu ngang, nên mọi
người cũng không cần thiết phải đi nhanh, cứ chậm rãi để quan sát nhịp thở của
phố phường. Đây cũng là một nét đặc trưng hết sức đáng yêu của “thành phố miệt
sông” nầy.
Bước
vào nội ô thành phố, bạn sẽ thấy một bùng binh ngã tư lớn, người An Giang gọi
là ngã tư Đèn Bốn Ngọn. Bởi vì trước
đây nơi nầy có trụ đèn bốn nhánh, được gắn bốn ngọn đèn lớn, tỏa ra bốn ngả đường
nên có tên gọi như thế. Đến ngã tư Đèn Bốn Ngọn, không khí ngày càng tấp nập,
sôi động hơn. Khu vực trung tâm thành phố nhìn chung có cảnh quan khá đặc biệt,
được chia làm hai phần nằm ở đôi bờ sông Long Xuyên. Phía bờ Bắc là khu tập
trung phần lớn các cơ quan hành chánh, khá trầm lặng. Phía bờ Nam sôi động hơn
với chủ yếu là khu kinh tế, thương mại, dịch vụ… tập trung hàng ngàn công ty,
doanh nghiệp, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, cửa hiệu buôn bán lớn nhỏ.
Đình thần Mỹ Phước
|
Đình Mỹ Phước (Ảnh: Internet) |
Đình
Mỹ Phước là một ngôi đình cổ với kiến trúc nội - ngoại thất độc đáo hàng đầu
Tây Nam Bộ. Đình thờ thần Thành hoàng bổn
cảnh và có sắc phong do vua Tự Đức ban, thờ vọng Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu
Cảnh - người có công bình định đất phương Nam xưa, đồng thời còn thờ Thần Thị tức
ông Nguyễn Văn Võ là người có công lập chợ Long Xuyên. Đại lễ Kỳ yên của
đình diễn ra vào mùng 10 - 11 - 12 tháng 5 âm lịch hằng năm.
Đình
Mỹ Phước trang nghiêm, nằm bề thế giữa trung tâm thành phố, quay mặt về hướng
sông Hậu. Nóc đình lợp ngói ống với ba tầng mái rêu cổ kính, mang đậm phong
cách truyền thống Việt Nam. Trên nóc điểm
xuyết nhiều chi tiết sắc sảo với các chủ đề như rồng, phượng, bát tiên…
Mặt tiền của đình có ba cửa ra vào ở giữa, hai bên là hai cửa sổ cách điệu chữ
“thọ” hình tròn.
Chánh
điện là một tổng thể hài hòa gồm chín gian nối liền nhau theo kiểu “trùng thềm
điệp ốc”, đỡ bằng cột gỗ vững chãi. Với diện tích lớn, nóc cao và thiết kế nhiều
cửa sổ đã tạo cho nội thất đình thông thoáng và có nhiều ánh sáng, mở rộng cả về
chiều ngang lẫn chiều sâu. Bên trong có nhiều nghi thờ, khánh thờ, bao lam,
thành vọng… được trang trí và điêu khắc sống động, tái hiện lại một không gian
xưa vừa uy nghi mà cũng vừa quen thuộc, đậm chất Nam Bộ.
Miếu Bắc Đế
Miếu Bắc Đế còn được gọi là chùa Ông Bắc hay Quảng Đông tỉnh
hội quán, là một di tích của người Hoa ở Long Xuyên. Miếu không lớn, được
xây dựng cuối thế kỷ XIX, mặt tiền hướng ra sông Long Xuyên. Đây vừa là nơi thờ
tự, vừa kết hợp làm địa điểm liên lạc, sinh hoạt, hội họp của người Hoa. Miếu
thờ Bắc Đế, ngoài ra còn phối thờ Thiên Hậu, Quan Công, Ngọc Hoàng…
Mặc dù có diện tích nhỏ, nhưng miếu là một trong những
di tích cổ xưa ở Long Xuyên, có kiến trúc ngoại thất và cách trang trí nội thất
mang tính thẩm mỹ cao. Kiến trúc miếu hình chữ “quốc”, tường xây hồ ô dước, cột
làm từ gỗ quý. Phần trước của miếu là tiền sảnh, phía sau là chánh điện, hai
bên có đông lang và tây lang. Nóc miếu lợp ngói ống, trang trí nhiều tiểu tượng,
hoa văn, phù điêu độc đáo.
Chánh điện được trang trí sắc sảo, mang đậm phong cách
kiến trúc người Hoa. Các khánh thờ vừa trang
nghiêm vừa bay bổng với nhiều chi tiết nghệ thuật được chạm khắc sống động.
Các vật dụng thờ tự nhìn chung có giá trị cao về nghệ thuật và văn hóa. Đặc biệt
miếu còn giữ được nhiều cổ vật có tuổi đời hàng thế kỷ như chuông đồng, bia đá…
Bên cạnh đó là các bức bích họa, hoành phi, liễn đối… có nội dung đa dạng.
Cù lao Mỹ Bình
Sông Long Xuyên chảy theo hướng Tây Nam - Đông Bắc,
khi đến phường Mỹ Bình thị bị cù lao nầy chẻ làm hai nhánh, rồi sau đó cả hai
cùng đổ ra sông Hậu. Thế nên Mỹ Bình là một phường có vị trí đặc biệt: nằm trên
cù lao giữa sông Long Xuyên lại đối diện với sông Hậu, do đó có cảnh trí hấp dẫn,
không khí trong lành, mát mẻ. Mỹ Bình không quá ồn ào, sôi động, sự yên tĩnh vừa
đủ để chúng ta cảm nhận vẻ đẹp của thành phố qua từng lát cắt nhỏ.
|
Tượng đài Bông Lúa (Ảnh: Intermet) |
Tại phường Mỹ Bình có tượng đài Bông Lúa - một biểu tượng
tự hào của vùng đất là vựa lúa lớn nhứt cả nước. Tượng mang hình dáng một bông
lúa khổng lồ cao 15 mét với những đường nét, chi tiết sống động. Bông lúa căng
đầy sự sống, đang vươn thẳng lên bầu trời thành phố, phía dưới là những phù
điêu tam giác đậm dấu ấn văn hóa đất và người An Giang. Gần đó, bạn có thể đến
tham quan đình Bình Đức cũng là một ngôi đình cổ ở Long Xuyên. Đình có lối kiến
trúc đơn giản, tao nhã, còn giữ nhiều sắc thái cổ xưa, mang đậm hồn quê Nam Bộ.
Bên trong đình là không gian thoáng rộng, trang trí những tác phẩm chạm trổ sắc
sảo với đề tài đa dạng, nhiều bức tranh sơn thủy và thơ vịnh.
Hồ Nguyễn Du
Hồ Nguyễn Du nằm cặp bên sông Hậu, thực chất là một
nhánh nhỏ của sông Hậu, phù sa bồi đắp lâu dần đã tách hẳn với sông. Người
ta tận dụng lợi thế nầy để nạo vét thành hồ cảnh quan với chiều dài 350 mét, rộng
trên 50 mét. Hai con
đường Nguyễn Du và Lê Lợi chạy song song với hồ có những hàng cây xanh rợp bóng
mát, khung cảnh tĩnh lặng và nên thơ. thời gian, bạn có thể
nhâm nhi một ly cà phê bên bờ hồ Nguyễn Du để được tận hưởng một cảm giác rất đặc
biệt mà nơi khác khó có được.
|
Hồ Nguyễn Du (Ảnh: Internet) |
Bên cạnh hồ là khu công viên bờ kè ven sông Hậu. Từ bờ
sông, bạn có thể nhìn thấy cồn Phó Ba với những xóm chài lưới, cù lao ông Hổ xa
xa với những vườn cây xanh. Dưới sông có nhiều xuồng ghe tấp nập, những giề lục
bình trôi thành hàng dài như vô tận, trên trời có những đàn chim bất chợt sà xuống
rộn vang cả mặt sông. Buổi tối, nơi đây càng thêm huyền ảo với những ánh đèn
vàng lung linh hai bên đường, tháp truyền hình rực sáng, bóng chiếc cầu Giao
Duyên loang mờ trên mặt nước, những cặp tình nhân cầm tay bước bên nhau… Những
trải nghiệm đó sẽ khiến bạn hiểu vì sao báo chí khen ngợi đây là một trong những
công viên đẹp nhứt miền Tây.
Long
Xuyên không quá rộng lớn, tấp nập, ồn ào như những thành phố khác, nhưng lại
mang một dáng vóc riêng, thơ mộng, phóng khoáng, không lẫn vào đâu được. Thành
phố có nhiều kinh rạch, nhiều cầu, nhiều chợ, và cũng nhiều điểm dừng chân rất
ư lãng mạn, trữ tình. Nếu phải miêu tả ngắn gọn nhứt về Long Xuyên, chắc hẳn đó
đó là hai chữ: yên bình.
Tác giả giữ bản quyền, vui lòng ghi rõ nguồn khi sử dụng nội dung này.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét