Tài đâu đợi tuổi. Tài là do “thiên
phú”. Đã xuất hiện không ít những văn nhân, danh sĩ vang bóng ở cái tuổi còn
non trẻ. Cây bút Vĩnh Thông đã vào cái nghiệp viết lách ở độ tuổi trung học.
Chỉ vài năm sau, anh đạt Giải Nhất trong Cuộc thi văn chương Thủ Khoa Nghĩa -
2015. Trước đó, 2014 - Giải Ba trong Cuộc thi Truyện ngắn TP. Cần Thơ và gần
đây là Giải Tác giả trẻ của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ
thuật Việt Nam - 2018.
Vĩnh Thông sinh năm 1996, người Châu
Phú - An Giang, đã theo học Khoa Văn hóa học - Trường Đại học Khoa học Xã hội
và Nhân văn. Cây bút trẻ này đã sáng tác rất khỏe, đa dạng với nhiều thể loại: thơ,
truyện ngắn, tùy bút, biên khảo, nghiên cứu thật công phu về các địa danh, lịch
sử, thắng cảnh ở vùng đất Nam Bộ…
Cầm tập truyện ngắn mang nhan đề Chạm đến tinh khôi (Nxb Dân Trí,
2020) anh tặng khiến tôi ngẫm suy nhiều thứ. Đầu tiên, về từ ghép “tinh khôi”
thì chiết tự “tinh” mang ý nghĩa nói về sự trong trắng nhất, hoàn hảo nhất, tốt
đẹp nhất, “khôi” mang nét nghĩa về tròn đầy, viên mãn, tươi sáng (theo Từ điển từ và ngữ Hán - Việt của Nguyễn
Lân). Trong truyện thơ Lục Vân Tiên
của Nguyễn Đình Chiểu, có câu:
“Số con hai chữ khoa kỳ
Khôi tinh đã rạng, tử vi thêm lòa”.
Như vậy, “chạm đến tinh khôi” nghĩa là
chạm đến vẻ đẹp trong trẻo, thanh khiết, tươi sáng nhất. Nét đẹp như sự hồi
sinh, mới lạ, trong sự trọn vẹn khơi gợi mạch nguồn chưa ai chạm đến. Suy ngẫm
ấy đã thôi thúc tôi tìm đến tập truyện Chạm
đến tinh khôi và truyện ngắn cùng tên, xem như cuộc hành trình tìm đến nét
“tinh khôi” đầy bản lĩnh của một tác giả trẻ.
Cốt truyện bắt đầu từ việc tái hiện
cảnh huống đời thường mà trong chúng ta ai cũng đã và sẽ nếm trải. Một cuộc gặp
gỡ ngẫu nhiên trong ba ngày xuất phát từ nhân duyên trên hai giường bệnh nằm cạnh
nhau của hai bệnh nhân: nhân vật “tôi” và nhân vật “nó” - “đồng bệnh tương
lân”.
Dẫn dắt diễn biến tâm trạng của nhân
vật “tôi” được diễn tả theo phương thức độc thoại nội tâm xuyên suốt câu chuyện
kể của một người đàn bà đã đánh mất thiên chức, người mẹ bất hạnh “đã từng có
một đứa con, nhưng chưa bao giờ nhìn thấy mặt nó”. Nhìn sang giường bên chợt
nhớ về đứa con của mình nếu còn sống đến nay cũng trạc tuổi đứa bé mang tên
Tinh Khôi (do nhân vật “tôi” tự đặt theo ý thích). Ngòi bút trẻ Vĩnh Thông đã
hóa thân vào nhân vật “tôi”, phân bày những cảm nhận của mình về nhân vật “nó”
với cách gọi bằng cái tên thân thương là Tinh Khôi.
Thực ra, ở đây tác giả đã dùng hai đại
từ phiếm chỉ “tôi” và “nó”, theo lộ trình điều trị của hai bệnh nhân. Nhân vật
“tôi” chờ bác sĩ chẩn đoán, xét nghiệm để có định hướng điều trị; còn nhân vật
“nó” (Tinh Khôi) thì đang hồi hộp, bồn chồn chờ phẫu thuật vì chẳng may “trời
cho” bạo bệnh nan y không theo chu kỳ “sinh lão bệnh tử”.
Bố cục xây dựng chặt chẽ, trong bút
pháp tạo cảnh có đan xen nội tâm, nhà văn trẻ thật tài tình, giàu suy tư khi
đưa người đọc vào thế giới của “địa ngục trần gian”: “Tiếng khóc la đau đớn của
người bệnh, tiếng bàn tán của người thân, tiếng rổn rảng của bánh xe băng ca,
tiếng inox khua nhau trong khi di chuyển xe dụng cụ y tế…”. Để rồi mọi thứ “hợp lại vỗ ràn rạt vào buổi
sáng cong cớn nắng - một buổi sáng không hề yên bình như lũ chim đang khúc
khích đùa ngoài ban công. Mà nơi đây thì có
ngày nào gọi là yên bình?”. Cách sử dụng ngôn từ, cách chọn lọc thật chắt chiu. Các từ
láy rất tương thích với văn cảnh: “ràn rạt”, “cong cớn”, “khúc khích” mang giá
trị gợi cảm và tái hiện hình ảnh. Có đan cài khéo léo thủ pháp so sánh “như lũ
chim đang khúc khích đùa ngoài ban công” ẩn chứa tâm hồn của những kẻ vô tâm…
Cách bố trí các tình tiết của truyện
thật hợp lý, được liên thông mạch lạc. Cách diễn tả tâm trạng của tác giả cũng
thật tinh tế trong dòng cảm xúc: “Tôi chưa vội báo cho gia đình…”, cho dù đang
bị muôn vàn áp lực từ các tác động của bệnh viện: “Bên tai, tiếng loa gọi tên
người bệnh vẫn vang đều đều, dội vào tường chan chát. Tôi nhớ đến những người bạn
[…] rất lo lắng cho tôi và tỏ vẻ bất an khi
để tôi một mình ở bệnh viện”. Nhân vật “tôi” luôn dành hết tình cảm cho những người bạn
đang tiếp tục chuyến du lịch: “Một người bạn còn kẹt lại dọc đường, có lẽ họ
cũng không vui vẻ gì trong những ngày tiếp theo của chuyến đi”. Hãy nghe cách độc thoại của tác giả:
“Tôi tự trách
mình, phải chi đừng tham gia chuyến du lịch nầy”.
Nghệ thuật tả người thật chân thực và
sinh động, chẳng lê thê, rườm rà mà cốt yếu khắc họa nét chính của tâm hồn, ánh
mắt. “Hai hòn mắt
trong veo óng một lớp long lanh, tươi tắn như hai giọt sương mùa thu đỏng đảnh
đọng lại ban sáng trên rìa lau lách tịch mịch xa xăm, hồn nhiên và hoang dại
sau đêm sương đầm đìa đồng cỏ”. Thật gợi hình và biểu cảm, nên dồi dào sức thuyết phục về
nét cuốn hút tiềm ẩn của một nét đẹp có chiều sâu nội tâm của nhân vật Tinh
Khôi.
Trong đời ta, có rất ít những cuộc gặp
để lại dư âm đậm nét như vậy. Có vẻ như hai nhân vật “tôi” và Tinh Khôi ấy đều
có nét dễ gần, dự cảm cho nỗi niềm quyến luyến khi biết bao giờ mới có thể trở
lại cuộc hạnh ngộ ấn tượng ấy. Thiết nghĩ chúng ta cần biết những minh chứng về
thiện cảm của nhân vật tôi: “Con bé vẫn đôi mắt sáng và nụ cười hiền khi gặp bất cứ ai
trong phòng. Có y tá đến chích thuốc hay thay chai truyền dịch, con nhỏ cũng
líu lo hỏi đủ thứ chuyện. Thỉnh thoảng lại còn nghe nó thì thầm những câu hát đầy
lạc quan. Dường như chẳng hề có căn bệnh quái ác, chẳng hề có cái đầu không còn
tóc, chẳng hề là một sự sống mong manh đang chờ phẫu thuật”.
Chính sự cảm nhận sâu sắc đó, tác giả
bộc lộ niềm nể phục: “Dường như trong con người nhỏ bé ấy, khái niệm buồn đau không hiện diện.
Đứa con gái ấy đã dạy cho tôi rất nhiều, về bài học lạc quan”. Ở đây, toát lên một tâm hồn thanh thản
yên bình, an nhiên tự tại - như đã thấu hiểu, thấu cảm được sự an bài của số
phận. Dường như cô gái ấy đã tìm ra và kê biên được các chỗ dựa hạnh phúc, cõi
an lạc ẩn sâu bên trong bi kịch đau khổ của dòng đời.
Không gian tĩnh lặng của tâm hồn, tất
cả thăng hoa, vượt thoát lên trên những nỗi đau đớn, khổ lụy của đời thường.
Cho nên, cái nét cự phách, bản lĩnh kiên cường ấy đã đạp đỗ cái tâm tính bạc
nhược yếu đuối khi rơi xuống bên bờ vực thẳm thua hơn được mất. Thế nên, tác
giả đã bộc bạch, một cách thẳng thừng: “Tôi biết tên nó, nhưng tôi thích gọi nó theo cái tên
mà mình tự đặt, là Tinh Khôi”.
Ngòi bút Vĩnh Thông như đã xóa sạch tâm
tính hẹp hòi, chỉ biết nghĩ tới mình, chẳng quan tâm tới nỗi buồn, sự ham muốn,
tị hiềm đối sánh của những người khác quanh ta. Trước đây, “tôi thù ghét cuộc sống, đến
độ tự nhắc với lòng rằng trong xã hội nầy không còn có ai là con người đúng
nghĩa nữa”. Nhưng rồi thời gian trôi qua,
“tôi đã thấy trong cuộc sống nầy, ‘người’ vẫn nhiều hơn ‘con’. Tôi nhân
hậu hơn với nó, yêu thương nó hơn, và tin tưởng ở nó”. Đó là suy tư đậm sắc nhân văn, đầy sự
già dặn của nhà văn trẻ.
Dường như ngòi bút trẻ này luôn cảm
nhận được quanh ta vẫn còn nhiều người tốt, đáng trân quý. Và vẫn có biết bao
mảnh đời bất hạnh, vẫn còn hàng vạn người chưa bằng mình… Họ luôn hoài vọng
được như mình mà không sao có được.
Có nhân duyên, có hiểu nhau, con người
sẽ thích sống gần nhau, hòa quyện cuốn hút nhau như lực hút của thỏi nam châm.
Đoạn kết của truyện xoay quanh nỗi lo về ca phẫu thuật của Tinh Khôi: “Trong
cơn mơ, tôi thấy một bìa rừng chạy dài hun hút, xa xa thấp thoáng một ánh mắt
tinh khôi”. Khi chiếc băng ca được đẩy đi, con bé còn nói với theo: “Có duyên thì mình gặp lại,
cô hén”. Tất
cả khép đóng câu chuyện với cuộc chia tay hết sức cảm động, qua cách diễn tả
rất Nam Bộ của nhà văn trẻ An Giang: “Tôi nói không tròn câu, nước mắt không thể nuốt vào
trong được nữa, nó rơi rồi”. Tình huống trữ tình kết thúc truyện thật dạt dào cảm xúc
nghẹn ngào.
Đến đây, tác giả đã dành cho bạn đọc
một trường liên tưởng về đoạn vĩ thanh của câu chuyện về cô bé mang tên Tinh
Khôi. Đứng trước viễn cảnh hết sức khổ sở và bi đát vô cùng, nhân vật Tinh Khôi
được Vĩnh Thông khắc họa như một mẫu người đã “ngộ cảm” được con đường đi đến
cõi tĩnh lặng, ánh sáng tươi đẹp của tâm hồn.
Thật vô cùng ung dung và vững chãi.
Hầu hết các mẩu chuyện của Vĩnh Thông
đều đậm đặc bút pháp hiện thực, với nét chân thực - trực cảm chan hòa bên ngoại
diện lẫn linh hồn tác phẩm, tác giả đã tạo nên nét riêng thu hút bạn đọc của
mình. Một ấn tượng, thành công đáng kể.
Hầu hết các truyện trong tập đều lấp
lánh một tinh thần chung và bút pháp nổi trội đặc sắc như vậy. Câu chuyện về
các giá trị gia đình truyền thống, truyền đời (Đức lưu phương, Bên miếu Cổ
Nhơn, Thần làng Năng…) hay về con
người, ký ức, những nỗi đau đáu nhân sinh, tình thương yêu sâu đậm (Đường về thăm thẳm, Neo đời, Đi qua bến đời người,
Còn có yêu thương…) hòa quyện vào
nhau, chân thực và sâu lắng.
Tuy truyện thiếu độ dài nhưng có được
chiều sâu triết lý. Tất cả xuất phát từ tấm lòng. Từ niềm đồng cảm dẫn đến nỗi
xót thương. Bức thông điệp chung Chạm đến
tinh khôi đưa độc giả đến bờ bến tươi sáng, chiêm nghiệm ra những mấu chốt
giữ nên chất lửa thường trực tâm hồn.
Có phải xót thương cũng đồng hành với
niềm khích lệ, an ủi, xoa dịu vết thương lòng của mình. Trong chúng ta chắc hẳn
không sao quên được lời phân bày hết sức nồng nàn, êm đềm và cũng rất đỗi tha
thiết của danh sĩ Phạm Quý Thích (1760 - 1825). Một lời khen buồn khi đọc những
vần thơ Kiều của Nguyễn Du:
“Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy
Tân Thanh đáo để vị thùy thương”
(Chỉ vì tài tình mà ngàn năm còn vương
mang phiền não, bi lụy
Truyện Tân Thanh này vì đâu mà đau đớn lòng đến vậy)
Vì ai mà Thảo Đường cư sĩ thương cảm?
Phải chăng có nghĩ đến “kiếp đoạn trường” thương tủi cho phận mình? Ngày xưa,
danh sĩ Cao Bá Quát đồng cảm với hàm oan của Nguyễn Công Trứ. Nho tướng Nguyễn
Công Trứ lại thấy thương cảm cho Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trạng Trình - Tuyết Giang
phu tử “rùng mình” trước nỗi oan, vụ án thảm khốc Lệ Chi viên của Ức Trai
Nguyễn Trãi - “tâm thượng quang khuê tảo”...
Thật là bao kiếp số bất hạnh như thông
lụy trần đời! Hãy cứ để “vạn sự do nhân duyên”. Hãy hài lòng với thực tại. Chớ
đọa đày, nhấn chìm chính bản thân trước thử thách, khổ lụy, bi thương. Luôn cảm
nhận những niềm vui nhỏ bé, chân thành, gần gũi. Đồng thời, luôn tạo tinh thần
nhập cuộc, vượt qua những chuyện bất ổn, mở ra khung trời mới cho cuộc đời.
Còn ở đây, nhân vật Tinh Khôi
trước khi ra đi đã gieo lại cơ duyên lành cho người ở lại. Người có tâm đức sẽ
luôn là người sống có ích cho cuộc đời này, cho dù cuộc đời họ vướng víu lụy
phiền.
Tóm lại, như một nhánh gai gây nên cảm
giác nhức nhối, có “lâm nạn” mới tìm được cách “giải cứu”. Ở đó, sự trưởng
thành về nhận thức sẽ lớn dần cũng như mức độ chữa lành của vết thương trên một
phần tâm hồn, da thịt… Cho đến lúc những tác động đó được gỡ hẳn ra khỏi cái
phần sống còn lại lớn lao kia, được quẳng đi cho lăn lóc hòa lẫn với cát bụi vô
nghĩa và lạc loài, lòng yêu thương, sẵn sàng chấp nhận hiện tại sẽ rơi vào
quãng trống mênh mông, thong dong và bình thản. Điều đó cho thấy cần phải chấp
nhận một sự đánh đổi nghiệt ngã mà con người đã phải vương mang. Tất cả đều có
căn cơ riêng - nguyên cớ riêng luôn tiềm ẩn. Có điều, ai sẽ cất công đi tìm đáp
số? Hay chỉ thuần túy trong cách nghĩ về duyên kiếp, đã được định vị trong một
chừng mực thời gian nào đó, với nhân vật Tinh Khôi: “Có duyên thì mình gặp
lại”.
Đọc được lời hay trong Chạm đến
tinh khôi như đã giải mã lụy phiền, đã sở hữu kim cương vàng ngọc quý
vậy!
Thật chẳng có gì là quá quan trọng…
Có ai hoàn trả được thời gian?
TRẦN QUANG KHANH
(Đọc tập truyện ngắn Chạm đến tinh khôi của Vĩnh Thông, Nxb Dân Trí, 2020)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét