Tác giả Vĩnh Thông, sinh năm 1996, là cây bút trẻ ở An Giang. Có bài viết đăng báo từ năm lớp 8, từ đó Vĩnh Thông liên tục thử sức ở nhiều thể loại: thơ, văn xuôi, nghiên cứu văn hóa… Ở mỗi lĩnh vực, anh đều tạo được dấu ấn riêng với nhiều tác phẩm đã được xuất bản như tập thơ Và quá khứ thấy ta, tập du khảo An Giang núi rộng sông dài, tập tùy bút Thong thả đi, tập truyện ngắn Chạm đến tinh khôi, tập nghiên cứu văn hóa Dấu ấn thượng châu thổ…
Vĩnh
Thông cũng là chủ nhân của nhiều giải thưởng như Giải Tư - Cuộc thi Sáng tác
văn học trẻ Tạp chí Xứ Thanh, Giải Ba - Cuộc thi Truyện ngắn 10 năm thành lập
thành phố Cần Thơ, Giải Tác giả trẻ - Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt
Nam…
Điều
gì đã làm nên một tác giả trẻ Vĩnh Thông say mê chinh phục cả lĩnh vực sáng tác
thơ văn lẫn nghiên cứu văn hóa? Câu trả lời sẽ được bật mí qua cuộc trò chuyện
của anh với phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam.
* Thưa
tác giả trẻ Vĩnh Thông, trước hết anh có thể chia sẻ quá trình đến với văn
chương, bởi tôi được biết Vĩnh Thông đã sáng tác thơ từ khi còn khá nhỏ tuổi.
Tôi
bắt đầu sáng tác từ năm 2010. Lúc đầu, tôi thử nghiệm với nhiều thể loại:
truyện ngắn, tùy bút, thơ… Qua thời gian, các tác phẩm của tôi được đăng tải trên
nhiều báo, tạp chí. Đó cũng là động lực để tôi tiếp tục sáng tác. Sau đó đến
năm 2012, tôi xuất bản quyển sách đầu tiên. Cứ đều đặn như thế, đến nay tôi cầm
bút đã hơn 10 năm (từ năm 2010 đến năm 2022) và đã xuất bản được 9 đầu sách.
* Một tác
giả sinh năm 1996, đến nay đã có 10 năm sáng tác và 9 đầu sách, đó là những con
số rất đáng nể. Bạn cũng sáng tác rất nhiều thể loại: thơ, tản văn, truyện
ngắn, và có một phần không thể không nhắc đến đó là nghiên cứu. Vậy thì, việc
sáng tác nhiều thể loại như thế là đến một cách rất tự nhiên, hay là bạn cảm
thấy rằng mình muốn thử sức ở nhiều thể loại?
Đối
với lĩnh vực văn thơ, lúc đầu tôi suy nghĩ rằng một thể loại có thể không
chuyển tải hết những điều mà mình mong muốn. Cho nên, đôi khi có những ý tưởng
lóe lên trong đầu thì tôi lựa chọn thể hiện bằng thơ, nhưng có những trường hợp
khác thì tôi lại lựa chọn thể hiện bằng văn xuôi.
Về
sau, tôi bắt đầu viết nghiên cứu văn hóa. Nó bắt nguồn từ tôi học ngành Văn hóa
học, có cơ hội tiếp xúc với đời sống văn hóa của người dân, rồi phát hiện ra
nhiều đề tài mới, hay, điều đó đã thôi thúc tôi viết nghiên cứu.
* Khi nhắc đến nghiên cứu văn hóa, người ta hình dung ra tác giả thường
là những người rất nhiều… tuổi, hoặc là có một hình dung rất khác với bạn Vĩnh
Thông đang ngồi cạnh tôi bây giờ. Vậy thì theo bạn thấy, là một người trẻ viết
thể loại nghiên cứu thì có những thách thức gì?
Thật ra thách thức là có. Thách thức lớn nhất là kinh nghiệm, sự hiểu
biết. Có thể đưa ra một ví dụ đơn giản thôi: Một người có nhiều năm trải nghiệm
thì họ có thể đọc nhiều sách hơn, đi nhiều nơi hơn. Trong khi đó, thời gian tôi
hoạt động trong lĩnh vực này ngắn thì kiến thức của mình ít, những trải nghiệm
với đời sống thực tế của người dân cũng ít.
Tuy nhiên, bên cạnh thách thức, dĩ nhiên cũng có những thuận lợi. Thuận
lợi lớn nhất là thế hệ trẻ - tôi và những bạn bè, đồng nghiệp - được đào tạo một
cách bài bản, chuyên nghiệp. Khi nghiên cứu, chúng tôi sử dụng những lý thuyết,
những phương pháp khoa học hơn, chứ không phải bắt nguồn từ những cảm hứng đơn
thuần.
Ở lĩnh vực nghiên cứu, tôi đã có hai tập sách. Một là Dấu ấn thượng châu thổ, tập hợp các bài
nghiên cứu đã đăng trên các tạp chí. Quyển thứ hai là Đình và làng Bình Thủy, đây là một chuyên khảo nói về một ngôi làng
cụ thể.
* Với hai cuốn sách đấy thì đâu là nguồn cảm hứng khiến cho bạn theo con
đường nghiên cứu?
Đình và làng Bình Thủy là quyển sách mà tôi viết về quê hương của
mình, ngôi làng mà mình sinh ra và lớn lên. Tôi thấy rằng ở đây có những giá trị
văn hóa mà nhiều người chưa biết đến, điều đó đã thôi thúc tôi viết quyển này. Dấu ấn thượng châu thổ có nguồn gốc là
những bài nghiên cứu lẻ mà tôi đã viết và đăng tải trên các tạp chí hoặc các hội
thảo khoa học. Sau đó, tôi tập hợp lại thành quyển sách này.
Đối với các bài nghiên cứu lẻ này, ban đầu trong quá trình học tập cũng
như trải nghiệm thực tế, tôi phát hiện những đề tài mới về văn hóa, trong đó có
nhiều đề tài có thể ít người biết. Tôi suy
nghĩ rằng mình nên viết về chúng, vì nếu mình không viết thì có thể sẽ không có
người nào viết. Đó là những suy nghĩ đã thôi thúc tôi tìm tòi, nghiên cứu, cho
ra đời những bài viết đó.
* Khi viết nghiên cứu thì một trong những khó khăn mà người ta hay nhắc đến
là vấn đề tìm kiếm và xác minh tư liệu. Với Vĩnh Thông thì sao? Quá trình này bạn
đã xử lý như thế nào?
Khi viết nghiên cứu thì có hai công việc chính, thứ nhất là tìm tư liệu
từ sách vở mà những người đi trước đã viết, thứ hai là đi thực tế để có thêm những
nguồn tư liệu chính xác hơn. Tôi áp dụng song song cả hai phương pháp này. Khi
làm việc, tôi nhận thấy có nhiều tư liệu mà các tiền bối viết chưa chính xác. Nhờ
quá trình đi thực tế, chúng ta có thể bổ sung nguồn tư liệu cho chính xác hơn. Đây
là công việc rất cần thiết, tuy nhiên cũng gặp nhiều khó khăn, thí dụ như mất
thời gian, công sức, tiền bạc… Thậm chí đôi khi tôi đi đến với người dân, họ
không hiểu công việc mình làm, họ lại có thái độ khó chịu với mình nữa. Tuy nhiên,
tôi cảm thấy nghiên cứu là việc có ý nghĩa, mình cần phải làm, cho nên những
khó khăn đó tôi cố gắng để vượt qua.
* Vậy còn những dự án tương lai? Ví dụ như sắp tới, không biết là Vĩnh
Thông có ra mắt cuốn sách ở thể loại nào không?
Tôi có một số bản thảo đang dần hoàn thiện. Tuy nhiên, nếu nói sách đã
hoàn thiện rồi, có thể xuất bản được, thì hiện nay tôi có hai tập nghiên cứu
đang chờ xuất bản. Trong đó, có một bản thảo tôi nghiên cứu về tín ngưỡng dân
gian của người Hoa ở Châu Đốc. Châu Đốc là vùng đất biên giới có sự giao lưu giữa
các tộc người rất đa dạng, trong đó người Hoa đã đến đây và để lại nhiều di sản
rất nổi bật mà trước nay ít có người nghiên cứu. Và trong tác phẩm này, tôi áp
dụng nhiều quan điểm khoa học, cho nên sẽ soi chiếu vào các thực hành văn hóa
đó một cách chính xác hơn. Còn bản thảo thứ hai cũng giống như Dấu ấn thượng châu thổ trước đây tôi đã
xuất bản, đó là tập hợp các bài nghiên cứu lẻ mà tôi đã viết trong thời gian
qua.
* Dạ vâng, xin cảm ơn tác giả trẻ Vĩnh Thông!
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét