Nhận được bản thảo Giấc mơ sợi tóc bay của nhóm Bút nhóm Nắng Thủy Tinh, tôi thật sự rất vui. Cuối cùng thì các bạn đã thực hiện được ước mong của mình là tập hợp những sáng tác của bút nhóm trong giai đoạn đầu hình thành, những tác phẩm đánh dấu một thời tuổi trẻ với những nhiệt huyết, những đam mê cháy bỏng.
Là một nhà giáo, đồng thời là người sáng tác, đặc biệt là đã từng dõi theo những bước đi đầu tiên của Bút nhóm Nắng Thủy Tinh, tôi rất trân trọng thành quả mà các bạn đã đạt được. Về hình thức, tập sách được trình bày trang nhã, bắt mắt. Phần nội dung được biên tập khá kỹ lưỡng, sắp xếp theo tác giả, có lời tựa và phần giới thiệu về bút nhóm.
Tập
sách có sự đóng góp của 17 tác giả với hai thể loại là văn xuôi và thơ, trong
đó có 5 tác giả viết cả hai thể loại. Nhìn chung, các tác giả tuy ở độ tuổi rất
trẻ nhưng cũng đã có những góc nhìn mới, ngòi bút chững chạc, diễn tả được những
điều muốn thể hiện. Do ở lứa tuổi học trò, nên hầu hết các tác phẩm xoay quanh
các chủ đề gần gũi như quê hương, thầy cô, cha mẹ, mái trường và những kỷ niệm
thời mới lớn… chứ chưa chạm đến những đề tài gai góc mang tính xã hội.
Tuy
vậy, “một số tác phẩm đã phần nào có giá trị nhất định về tư tưởng và
nghệ thuật, không chỉ phản ánh tâm tư của
người viết, mà còn thể hiện những sắc thái riêng trong từng ngòi bút”
(Vĩnh Thông - Viết tiếp những dòng xanh).
Đọc tổng thể cả tập sách, chúng ta không thấy có sự chênh lệch nhiều giữa các
tác phẩm. Mỗi tác giả đều có những góc nhìn riêng, cách tiếp cận đề tài riêng
và đóng góp riêng thông qua tác phẩm, làm nên sự thành công của tập sách.
-o0o-
Thơ
là nghệ thuật của ngôn từ. Người làm thơ không chỉ cần những tứ thơ hay mà còn
phải biết sử dụng, chắt lọc ngôn ngữ để diễn tả tứ thơ một cách súc tích nhất,
mang lại những xúc cảm cho người đọc. Các tác phẩm thơ trong tập sách này tuy
chưa phải là những bài thơ “toàn bích, toàn mỹ”, có giá trị nghệ thuật cao,
nhưng hầu hết đều đáp ứng những yêu cầu cơ bản về nghệ thuật của thể loại. Các
tác giả có những cố gắng tìm tòi hình ảnh để diễn đạt ý tưởng của mình, với
ngôn ngữ khá trong sáng, pha lẫn chút nghĩ suy của tuổi mới lớn.
Chúng
ta bắt gặp một Hoài Phương với những suy tư, trăn trở về thân phận con người
trước những quy luật vận động tự nhiên của cuộc sống:
“Tháng
Sáu chơi vơi
Giữa dòng trôi của tuần hoàn vũ trụ
Nửa chặng đã qua không
bao giờ quay lại
Hỏi nửa chặng còn liệu có gian nan?”
(Câu chuyện tháng Sáu)
Hoàng Ngọc
đến với tuyển tập bằng ba bài thơ với giọng điệu khá ngọt ngào, cách viết táo
bạo. Chỉ với ba khổ thơ tự do, có số câu chữ không đều nhau, tác giả đã nói lên
được tình cảm dành cho người cha thân yêu đã khuất (Con nhớ ba). Hình ảnh “Cổng trường khép lại” thật trống vắng, thật chông chênh, khi đã
không còn ba trong cuộc đời.
“Chông
chênh đường đời
Tuyệt vọng
Con lại thấy ba - hình hài sương khói
Đưa tay chạm vào
Hiện mảnh ghép… đời con!”
(Con nhớ ba)
Huỳnh Ngọc
Phước xuất hiện với một giọng thơ khá riêng biệt, nhiều suy tư. Anh có những
câu thơ cho thấy sự trải nghiệm già dặn so với tuổi đời của mình:
“Ta
còn ham chơi chút nữa
Trăm năm chưa đủ rộng dài
Gót chân sần sùi đá sỏi
Thả mình bắt kịp mùa mai”
(Hình như ta còn trẻ)
Nguyễn Ngọc
Đặng trăn trở trước đời người ngắn ngủi, trước nỗi nhọc nhằn mưu sinh của mẹ
trong mùa lũ:
“Giật
mình!
Nước đang lên
Ánh đèn vẫn chìm trong
giấc ngủ
Buồn trôi…”
(Chập chờn nước đêm)
Rất nhiều
người làm thơ khi viết về biển đều ví biển là “em” để biểu thị tình cảm của
mình. Nhưng ở chàng trai Trương Chí Hùng, chúng ta bắt gặp một tứ thơ lạ: “Đừng
bao giờ là biển nghe em”. Chàng trai
thấy mình nhỏ bé trước sự bao la vô bờ của biển cả, sợ rằng nó “xa tầm với” để rồi mãi sẽ không chạm
được vào “cõi lòng
em”:
“Đừng
bao giờ là biển nghe em
Anh không thể làm con thuyền vô vọng
Lênh đênh mãi cùng bạt ngàn con sóng
Biết nơi nào lòng biển nông, sâu?”
(Biển và em)
Vĩnh Thông
đến với tuyển tập bằng một góc nhìn nhiều suy tư. Những câu thơ rất thuần thục,
nhiều ẩn dụ, mang đến cho người đọc những chiêm nghiệm về cuộc sống:
“Có bóng chuyến phà trôi dọc miền chia ly
Tách sóng xôn xao bờ bến
Phà lạ phà quen, u u trắc ẩn
Người đi rồi, người ở lại
Thương là những chiếc khăn tay vẫy vẫy
Thay chào.”
(Chuyến phà chuyến người)
Các
bài thơ của các tác giả Cao Bá Hấn, Huỳnh Thị Ngọc Quyền, Lư Kim Lợi, Nguyễn
Đông Phong, Võ Tấn Lợi… nhìn chung đều có những nét riêng. Với ngôn ngữ trong
sáng, hồn nhiên, nhiều bài thơ đã mang đến cảm xúc cho người đọc.
-o0o-
Ở
phần văn xuôi, các tác phẩm khá đa dạng về đề tài cũng như hình thức thể hiện.
Các bài viết, tản văn, bút ký, truyện ngắn… được đầu tư khá công phu. Mỗi tác
phẩm đều có những nét chấm phá riêng biệt, nhưng nhìn chung chất lượng khá đều
đặn.
Là những người
con của miền Tây sông nước, Trương Chí Hùng và Huỳnh Ngọc Phước có những trang
viết chân thực và sinh động về nơi mình sống. Huỳnh Ngọc Phước đưa chúng ta trở
lại với không khí đồng áng của làng quê miền Tây cuối thế kỷ XX, với những hoài
niệm êm đềm của tuổi thơ trên cánh đồng quê mình. Trương Chí Hùng da diết với
những ký ức về mẹ, gắn liền với cánh đồng mùa nước nổi ở miền Tây, với bông
điên điển nở vàng. Cả hai tác giả đều có những góc nhìn khác nhau về quê hương,
nhưng cả hai lại có chung những trăn trở, những yêu thương dành cho người thân
và cho cả những mảnh đời nghèo khó trên vùng
đất còn lắm nỗi truân chuyên.
Nguyễn Ngọc
Đặng đến với phần văn xuôi của tuyển tập bằng một truyện ngắn về những cuộc ly
hương của người miền Tây để tìm kế mưu sinh. Và bi kịch bắt đầu khi cuộc sống
gặp khó khăn kéo theo bao hệ lụy cho những mảnh đời khốn khó. Nhưng cho dù “không
biết rằng sau này mình sẽ ra sao”, họ vẫn
khuyên bảo nhau “hãy tin vào ngày mai - một ngày nào đó bình yên”.
Mảng đề tài
học đường với những ký ức khó phai cũng được các tác giả khai thác. Lê Thị Trúc
Linh với Nhật ký tuổi 17, Nhỏ
và hắn, Nguyễn Ngọc Minh Thư với Nhỏ bốn mắt, Phan Kim Loan với Tuổi học trò… là những tác phẩm đong đầy những kỷ niệm của một thời học sinh nhiều mơ
mộng, nhưng trong sáng và hồn nhiên. Những vui buồn, yêu đương, nông nổi, vụng
dại, thơ ngây… của tuổi mới lớn được các tác giả thể hiện với một mạch văn rất
tự nhiên.
Ngoài
ra, các tác giả còn lại với những mảng đề tài khác cũng đóng góp cho sự phong
phú của quyển sách. Chẳng hạn, Hoài Phương đưa chúng ta ngắm mưa phố để cảm nhận
về ngày tháng, thấy được mối tương quan giữa cuộc sống của cá nhân và xã hội, từ
đó ý thức được sự tồn tại của bản thân. Hoặc như Vĩnh Thông đóng góp cho tập
sách bằng những trang viết đa dạng, khá chỉn chu, có đầu tư…
-o0o-
Là tác phẩm
của những người trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm sống và viết, tập sách không
tránh khỏi những thiếu sót, những hạn chế nhất định. Vẫn còn có những chỗ chưa
được trau chuốt, nhưng nhìn chung quyển sách với những cung bậc trẻ trung rất đáng để có mặt
trên kệ sách.
Khép
lại những tranh sách, lòng tôi chợt dâng lên những hoài niệm về một thời đã xa
của chính mình, với nhiệt huyết tràn đầy. Nhìn lại các tác giả trong tập sách
này, giờ đây họ đã trưởng thành. Có bạn đã buông bút, tháng ngày lao vào cuộc
mưu sinh. Có bạn vẫn tiếp tục đeo đuổi nghiệp viết và gặt hái được nhiều thành
công. Nhưng tôi tin rằng ở vị trí nào, các bạn vẫn giữ mãi niềm tin vào cuộc sống,
để mỗi người còn hoàn thành “Giấc mơ sợi tóc bay” của riêng mình.
PHAN VÕ HOÀNG NAM
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét