Ngày 5/11, Hội thảo "Hệ phái Khất sĩ: Tư tưởng Phật học, lịch sử truyền thừa và những đóng góp" đã long trọng diễn ra tại pháp viện Minh Đăng Quang. Hội thảo do Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và Hệ phái Khất sĩ phối hợp tổ chức. Hội thảo thu hút trên 170 bài nghiên cứu từ nhiều tác giả trong và ngoài nước. Ban tổ chức đã lựa chọn trên 155 bài, chia thành 5 chuyên đề, bao gồm: (1) Tổ sư Minh Đăng Quang: Hành trạng và tôn chỉ, (2) Tổ sư Minh Đăng Quang: Tư tưởng Phật học, (3) Phật giáo Khất sĩ: Hình thành và phát triển, (4) Phật giáo Khất sĩ: Văn hóa, văn học và kiến trúc, (5) Phật giáo Khất sĩ và những đóng góp.
Phiên khai mạc toàn thể hội thảo (Ảnh: Đăng Huy)
Phát biểu khai mạc hội thảo, Hòa thượng Thích Giác Toàn - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Trưởng ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái Khất sĩ nhận định: “Những đóng góp to lớn của Tổ sư và Phật giáo Khất sĩ cho cuộc đời này và nhất là cho công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam vào giai đoạn 1946 - 1954 bằng gương hạnh cao quý của tự thân và một Tăng đoàn Khất sĩ đạo hạnh, sống đời tu tập giải thoát, dấn thân nhập thế, là điều mà chư Tôn đức Giáo hội, các học giả, nhà nghiên cứu, đồng bào Phật tử… từ quá khứ cho đến hiện tại đều ghi nhận, tán dương.”
Hội thảo "Hệ phái Khất sĩ: Tư tưởng Phật học, lịch sử truyền thừa và những đóng góp" là sự kiện học thuật nổi bật. Qua đó, người đương thời có cơ hội nhận diện, phân tích, đánh giá về quá trình hình thành và phát triển, hệ thống tư tưởng, đặc trưng văn hóa, những đong góp… của Phật giáo Khất sĩ.
Đây là hội thảo lần thứ hai về hệ phái Khất sĩ. Trước đó vào năm 2014, hội thảo "Hệ phái Khất sĩ: Quá trình hình thành, phát triển và hội nhập" được tổ chức thành công, cung cấp nhiều dữ liệu quý giá cho mảng đề tài nghiên cứu về Phật giáo Khất sĩ ở Việt Nam.
VĨNH THÔNG
Tác giả giữ bản quyền, vui lòng ghi rõ nguồn khi sử dụng nội dung này.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét