Hồi nhỏ, tôi và gia đình sống ở quê ngoại nằm bên bờ sông Hậu. Miền đất có tôm cá nhiều, đồng ruộng thì xanh um. Có lẽ, đó là nơi mà tôi nghĩ rằng đẹp nhứt mà mình đã từng đến. Nó không có gì đặc biệt lắm, chỉ là một cù lao nhỏ bình thường, nhưng sao tôi lại thấy nó quan trọng đối với mình.
Lật lại những trang ký ức tuổi thơ,
hình ảnh quê ngoại có dòng sông dài cứ tới mùa nước nổi - một cụm từ thân yêu
và quen thuộc của vùng quê miền Nam - thì cái con sông ấy cứ đỏ ngầu, cuồn cuộn
chảy, cuốn theo bao nhiêu bông lục bình trôi tím cả mặt sông. Cứ mỗi buổi
chiều, khi ánh nắng vàng úa vừa trải trên một vùng xa thăm thẳm, tôi lại ra bờ
ruộng mặc cho những ngọn cỏ cao nghều quấn quít lấy mình đùa giỡn. Nhiều hôm
nước lên, tôi cùng lũ trẻ trong làng xắn quần lội xuống sình chơi, rồi ngồi
trông những đám mây hồng nghiêng nghiêng trên bầu trời. Ở miền quê đó có cánh
đồng rộng, có đôi trâu nhởn nhơ gặm cỏ, có đàn có trắng, có bông sen hồng… Và
đặc biệt, ở nơi đó tôi có một người bà.
Bà của tôi, quanh năm lam lũ, tất
bật, đầu trần chân đất suốt ngày lặn lội ngoài đồng, bươn chải để nuôi gia
đình. Bà hiền lắm, năm nay đã ngoài sáu mươi, dáng người nhỏ gầy nhưng nhìn còn
rất khỏe. Gương mặt bà hằn đã lên những nếp nhăn, tóc cũng bạc gần hết cả mái
đầu. Bà rất yêu thương tôi, tuy là con gái nhưng được bà thương hơn cả những
đứa cháu trai con của các cậu trong nhà. Tôi muốn gì bà cũng chìu hết. Tình cảm
của bà dành cho tôi rất bình dị, mà cũng rất cao cả. Tôi chưa bao giờ quên được
những điều ấy.
Nhà ngoại tôi lợp lá lụp xụp, trước
cửa nhà có sân rộng, trũng xuống. Cái sân ấy, trời mưa dầm thì nước ngập thành
vũng lênh láng, trời nắng hạn thì khô nứt đất chỉ còn trơ mấy bụi cỏ khô. Sau
nhà là khu vườn um tùm mà tụi con nít chúng tôi hay trèo lên đùa giỡn. Khi bà
ra đồng làm ruộng, cứ mỗi chiều tôi lại đứng sau nhà la lớn về phía cánh đồng:
“Bà ơi… Về nhà ăn cơm nè bà!”
Có khi tôi nhỏng nhẻo với bà như con
nai con chạy vào trong lòng mẹ:
“Bà ơi! Con thương bà nhứt nhà đó!”
Thì lúc đó, cái miệng móm mém nhai
trầu của bà bật cười:
“Cái con nhỏ nầy, chỉ giỏi nịnh. Sao mà
thấy thương quá không biết!”
Hôm nọ, tôi đi học về, vẻ hớn hở hiện
ra trên nét mặt.
“Thưa bà con đi học mới dìa!”
“Ừ! Ngoan lắm! Hôm nay được điểm mười
hay sao mà con vui quá vậy?”
Tôi chỉ đợi vậy, liền nói với bà:
“Hổng phải đâu bà ơi! Bữa nay con
thấy con nhỏ bạn nó có một con búp bê.”
“Một con búp bê?” Bà hỏi lại.
“Dạ, con búp bê nó đẹp lắm bà ơi!”
Thật tình tôi rất thích con búp bê
đó, khi kể chuyện về con búp bê cho bà nghe, lòng tôi thấy nôn nao. Như chợt
nảy ra một ý nghĩ gì đó trong đầu, tôi vội vàng nói:
“Bà ơi! Bà mua cho con một con búp bê
đi bà, con búp bê đẹp như của nhỏ bạn con vậy đó bà! Được không bà?”
Nghe tới đó bà nhìn tôi trân trân,
cặp chân mày chau lại, mặt hơi nhăn. Hình như bà tỏ vẻ buồn. Hồi đó còn nhỏ tôi
chưa hiểu, sau nầy tôi biết lúc đó bà buồn vì chuyện gì. Gia đình tôi làm lụng
vất vả còn thiếu trước hụt sau thì làm gì có thể mua búp bê cho tôi chơi? Bà
không thể mua cho tôi được, những cũng không biết nên trả lời với tôi thế nào.
“Được không bà?”
“Ờ! Được… được… À! Nhưng mà để bữa
nào hả, chứ bây giờ biết ở đâu bán mà mua. Sao nầy có dịp thấy bà sẽ mua cho
con.”
Tôi, một con bé mới bẩy tám tuổi, với
trí óc non nớt mà tinh ranh đó đâu dễ gì “buông tha” cơ hội nầy. Tôi tiếp tục
“tấn công”:
“Không! Con muốn có con búp bê liền
bây giờ à! Bà hứa đi!”
Không biết phải nói thế nào, bà đánh
liều hứa với tôi là mấy ngày nữa sẽ có. Tôi mừng hớn hở, vội cám ơn bà rồi bước
vào nhà. Bà vẫn còn ngồi lại, có lẽ
để suy nghĩ nên mua con búp bê thế nào cho tôi. Sau nầy nghĩ lại, tôi thấy
bà mình cũng liều quá, nếu hứa mà không có cho tôi thì sao? Nhưng chắc trong
lúc đó, những suy nghĩ nầy cũng đã liên tục hiện bà trong đầu bà.
Suốt mấy ngày liền sau đó tôi thấy bà
cứ sau khi lo việc nhà xong là ra ngoài vườn. Bà ngồi dưới gốc cây, lụi hụi làm
gì đó. Nhưng rồi tôi nghĩ chắc bà chỉ chẻ củi hay trồng cây gì thôi nên cũng
không quan tâm lắm. Một hôm tôi đang trèo lên cây chơi, chợt thấy dáng lom khom
của bà bước tới. Bà cất tiếng gọi:
“Ly ơi! Con đâu rồi?”
Tôi vừa nói vừa cười:
“Con ở trên cây nè bà.”
“Trời đất! Cái con nhỏ nầy, con gái
gì mà trèo cây giống con trai quá vậy! Thôi, quậy vừa vừa dùm tôi cái, xuống
mau, bà cho con cái nầy nè!”
Tôi nghe bà nói cho quà thì liền leo
xuống.
“Từ từ, coi chừng té. Mai mốt không được leo cây kiểu nầy nữa nghe không!”
“Dạ… Ủa, mà bà cho con cái gì vậy?”
Hai tay bà đang chắp sau lưng bắt đầu chuyển động, cái vạt áo bà ba phất phơ nhẹ nhàng. Tôi thấy rõ hai chân bà đang run run. Lúc đó, đôi tay bà dang rộng ra và trước mắt tôi là một con búp bê… bằng gỗ.
Tôi
cầm lấy con búp bê trên tay. “À! Mình biết rồi, thì ra mấy bữa nay bà ở sau
vườn để đẽo con búp bê nầy”, tôi suy nghĩ.
“Sao, có thích không con?”
Chắc có lẽ bà sẽ nghĩ rằng tôi sẽ
thích lắm và mặt sẽ tươi cười hớn hở. Nhưng không, lúc ấy mặt tôi cau lại, đôi
mắt thất vọng:
“Không! Con không thích cái nầy đâu,
cái nầy xấu lắm, con chỉ thích con búp bê thiệt thôi. Con không thích cái nầy
đâu, bà mua cho con con búp bê bằng nhựa đi.”
Nói rồi tôi ném con búp bê xuống đất,
òa lên khóc và chạy vào nhà. Đó là việc làm mà tôi ân hận nhứt trong đời. Sau
nầy nghĩ lại chuyện ấy, tôi mường tượng dáng khum khum của bà ngồi xuống nhặt
con búp bê lên rồi phủi sạch. Tôi hình dung khoé mắt bà cay sè, bà nghe có cái
gì lành lạnh lăn nhẹ trên đôi má cằn cỗi của mình, rồi bà đưa vạt áo lên chấm
chấm hai hàng nước mắt đang lăn dài… Những hình ảnh ấy, dù chỉ là tưởng tượng,
nhưng đã ám ảnh tôi đến tận bây giờ.
Thời gian trôi qua, gia đình làm ăn
khá giả, ba mẹ tôi chuyển nhà lên thành phố sống. Ngày chia tay bà, tôi đã khóc
một trận như vừa bị ai đánh đòn và hẹn với bà năm sau sẽ về thăm. Câu chuyện về
búp bê cũng đã trôi qua, tôi không đòi nữa và cũng ai không nhắc đến chuyện
nầy. Ký ức con búp bê tuổi thơ tưởng chừng đã chìm vào lãng quên…
* * *
Cái hẹn về thăm bà sau một năm tôi
không thực hiện được vì gia đình bận rộn quá nên mãi đến ba năm sau tôi mới lại
được về quê thăm bà. Nghe cậu gọi điện nói rằng bà lúc nầy yếu lắm, nên ba mẹ
tôi sắp xếp công việc để về. Trên đường đi, tôi thấy nhớ bà quá, không biết lúc
nầy bà thế nào rồi, cảnh quê bà có thay đổi gì không, hai hàng cau trước nhà
không biết giờ có còn không, chắc chúng đã cao lớn lắm rồi… Đang suy nghĩ miên
man bỗng nghe tiếng điện thoại reo, ba tôi dừng xe lại nghe. Đó là điện thoại
của cậu. Sau khi nghe xong, mặt ba tôi tái đi như không còn chút máu, ông thẩn
thờ như không còn biết gì nữa. Dường như vẻ mặt ba mình có một chút buồn, một
chút kinh hãi, một chút ân hận. Và, mắt ông ươn ướt. Mẹ và tôi chưa rõ có
chuyện gì xảy ra thì lúc đó ba tôi khẽ nói:
“Mẹ mất rồi!”
“Anh… anh nói cái gì vậy? Mẹ… mẹ
sao?”
Mẹ tôi hoảng hốt, không tin vào tai
mình nữa. Ba cũng đã nói không nên lời:
“Bên nhà vừa gọi điện… cho hay là… mẹ
mình mất rồi…”
“Trời ơi! Sao lại như vậy? Nhà mình
chỉ mới xa mẹ ba năm thôi mà bây giờ…”
Tôi chết lặng, không cầm nổi nước
mắt. Trên đường về, không ai nói với ai một lời nào. Tôi thì chỉ biết cúi đầu
ân hận. Vừa đến nhà bà ngoại, tôi chạy nhanh vào, khóc nức nở, ba mẹ cũng sụt
sùi theo.
“Bà
ơi! Con có lỗi, con chưa về thăm bà…”
Tôi
khóc nhiều lắm, và nói cũng nhiều lắm, trong hối hận, trong tiếc nuối. Nhưng
mọi lời nói của tôi đều trở thành vô nghĩa khi bà không còn có thể nghe được
nữa. Bây giờ tôi cũng không còn nhớ lúc ấy mình đã nói những gì, chỉ nhớ một
chuyện duy nhứt là dì tôi lấy từ trong tủ ra một hộp vuông, có gói giấy hoa cẩn
thận, rồi gọi tôi lại:
“Trước
khi bà mất có để lại cái nầy cho con, bà dặn rằng chừng nào con về thì phải đưa
tận tay con, nói với con đây là món quà bà đã nợ từ mấy năm trước. Con mở ra
coi đi.”
Tôi
nghe dì nói thế thì vội mở hộp quà ra và không ngờ trong đó là… một con búp
bê. Hôm nay tôi đã quá nhiều bất ngờ, nhưng lòng tôi đau lắm. Ừ, có lẽ ba năm
trôi qua tôi đã quên câu chuyện về con búp bê. Nhưng không ngờ bà vẫn còn nhớ.
Con búp bê đã nhắc tôi rằng mình từng có một kỷ niệm - kỷ niệm làm cho người bà
đáng kính phải đau lòng. Con búp bê mới toanh có đôi má hồng hào, cặp mắt óng
ánh, khoát trên mình chiếc áo đầm rực rỡ… Nhưng nhìn kìa, bên cạnh con búp bê đó là một
con búp bê gỗ - đúng rồi, con búp bê gỗ do chính tay bà làm. Tôi cầm con búp bê
gỗ lên, dường như trong con búp bê đó, tôi thấy những giọt nước mắt của bà.
“Bà
ơi! Bây giờ con không cần búp bê nữa, con chỉ cần bà thôi. Bà ơi! Con búp bê gỗ
nầy sẽ là món quà đẹp nhứt, quý nhứt trong cuộc đời con, vì trong nó có những
giọt nước mắt của bà. Con xin lỗi bà…” Tôi không nói được gì nữa, chỉ khóc nức nở, tôi
ước gì có bà dỗ cho tôi nín. Giờ phút nầy tôi cũng giống như con búp bê, vô tri
vô giác, đứng giữa cuộc đời nhưng chưa bao giờ tìm được một chốn về bình yên.
Ngày
hôm sau đưa linh cữu bà về nơi an nghỉ cuối cùng mà lòng tôi trĩu nặng. Bà ơi! Con thương bà lắm! Bà ơi… Đứng
giữa cánh đồng, tôi thấy cánh đồng như rộng hơn bao giờ hết, hay là tại lòng
mình đang rỗng tuếch. Trên cánh đồng, gió từ phương
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét