Hôm rồi đọc báo, thấy có tin lũ ở miền Tây dâng
cao, đe dọa các tuyến đê bao Tứ giác Long Xuyên, tao vội điện thoại cho mầy, hỏi
han lúa thóc ở dưới ra sao rồi. Lúc đó mầy còn nói chắc nịch rằng: “Nước năm
nay lên cao, nhưng nó hiền dễ dầu gì đe dọa đê, báo chí làm quá thôi!”
Mầy cười hí hửng, “khoe” nhà đang bị ngập! Tao nghĩ
thầm: trời ơi nhà bị ngập mà nói nói cười cười, làm như trúng số không bằng!
Nhưng thật sự tao cũng hiểu, mấy năm rồi mới có nước lớn như năm nay, hồi nhỏ
thì năm nào mà nhà tao với mầy không ngập, nhưng bây giờ để tìm lại cái cảnh lụt
lội hồi xưa thì… xa vời quá! Bởi vậy “được” nước ngập nhà lại một lần, mầy cảm
thấy vui cũng phải.
Tao làm việc bận bịu, quên bẵng đi chuyện nước nôi ở
quê. Sống ở thành thị không phải dễ để kiếm một người tâm sự, nói chuyện đông
chuyện tây, đâu như ở quê mình cứ gặp nhau râm ran mấy câu hỏi thăm, bông đùa…
Tự dưng hai hôm sau mầy điện lên cho hay, giọng buồn hiu: “Chắc cái đê trong đồng
tao kham không nổi!”
Nghe mầy nói, tao buồn. Mới mấy ngày trước còn vui
lắm, vậy mà bây giờ lại đâm ra lo. Ừ! Cả cánh đồng của mầy và bà con ở quê mình
đang chờ ngày trổ, cả một màu xanh rì ấy là tất cả để mầy lo cho thằng con ăn học
mà. Mầy lo, tao cũng lo. Tao không làm ruộng, cũng không còn sống ở quê nữa,
nhưng cái cảnh nầy thì tao hiểu chớ, cả tuổi thơ của tao ở đó mà!
Hồi nhỏ, tao nhớ bà con mình đâu làm lúa vụ ba, nên
nước có lên tới đâu cũng mặc kệ. Chẳng những không thèm lo mà còn tỏ ra vui vẻ
khi mùa nước nổi về, vì đó cũng là mùa mưu sinh với những người làm nghề hạ bạc.
Con nít tụi mình thì “khoái” nước lên vì được thấy nó lạ lạ, vui vui, đủ trò để
chơi. Nước lên ngập nhà, phải kê tủ giường bàn ghế lên cao hơn. Nước lên ngập
đường, chỗ thì tấn những bao đất tạo thành lối nhỏ nhô cao hơn mặc nước, chỗ
thì bắc cầu khỉ để đi. Cả sân đình ngập như cái ao bùng binh, nhà lồng chợ cũng
ngập… Tao với mầy hay đi hái bông điên điển, đi mò cua, bắt ốc, đi mót lúa nữa!
Mà mình có làm được gì đâu, cốt là đi chơi thôi, hên hên thì bắt được vài ba
con cua con ốc, không bán được, mà cũng chẳng thằng nào ăn, vậy mà thấy vui ghê
hén mầy!
Mấy chuyện đó còn ai nhớ hôn?
Ừ! Hồi đó hễ năm nào nước kém thì mình lại buồn.
Mà, nói chuyện hồi đó chi cho xa, tao nhớ mới năm trước, trong điện thoại mầy
còn than với tao nước gì mà lên chậm quá, cứ rề rề, thấy phắt rầu. Tao thấy mắc
cười quá, nước lên nhanh hay chậm, nhiều hay ít là chuyện của trời, làm gì mình
phải tức? Lúc ấy tao còn nghĩ thầm là mầy trẻ con quá! Nhưng rồi tao cũng hiểu,
nước lớn là niềm vui của bà con mình, là mùa mà mình thích nhứt. Thì đó, hồi nhỏ
tao với mầy chẳng phải là hay nói vậy sao? Rồi năm nay thấy nước lên nhiều, tao
cứ tưởng mầy “khoái” dữ, ai dè cũng có cái đáng lo.
Sáng nay tao chưa kịp ăn sáng, đọc báo, thì mầy đã gọi
điện lên: “Đê kinh 7 bể rồi mầy ơi!” Trời ơi! Tự dưng tao nghe buồn thúi ruột!
Nghe mầy thở dài trong điện thoại, tao hiểu rằng cái thở ra ấy là cả một gánh nặng
đang đè lên mái nhà của mầy. Mầy hổng sợ nước lên phải hông? Tao biết. Dân rặc
sông nước còn sợ sệt gì! Mầy cũng hổng sợ bão dầm dề, không sợ đói khát, kham
khổ phải hông? Cái nầy tao cũng biết. Mầy hồi đó tới giờ ngang tàng, có sợ trời
sợ đất hồi nào đâu, chuyện ăn uống đối với mầy chỉ là… đồ bỏ! Nhưng tao hiểu, mầy
sợ con mầy không được học cái chữ, mầy sợ nhứt là con mầy lại phải về lầm lũi
khom lưng ngoài đồng giống mầy. Bởi vậy, đê bị vỡ, nước tràn vào ruộng, chỉ e rằng
mùa năm nay bị thất, mầy lại không thể xoay xở cho việc học của tụi nhỏ.
Tao đọc báo, lên mạng, tin dữ cứ liên tục đến. Bắt
gặp tới mấy chữ Ô Long Vĩ, Bình Long, Thạnh Mỹ Tây… tao lại không muốn đọc, chỉ
sợ đọc rồi lại biết thêm một tin không vui, nhưng rồi cuối cùng tao cũng phải
đón nhận nó. Đê kinh 7 vỡ, đê kinh 9, đê kinh Ranh, đê kinh 13… cũng bị vỡ,
hàng trăm héc ta đất đang bị ngập, hàng ngàn héc ta mất trắng, hàng ngàn căn
nhà bị sập…
Chỉ đọc thôi tao cũng đủ thấy choáng váng. Còn mầy?
Mầy có nằm trong số hàng trăm hàng ngàn ấy không? Tao chỉ hy vọng là không, thằng
bạn ạ! Còn… nếu mầy có nằm trong số ấy thì tao cũng hy vọng rằng mầy sẽ có thể đứng
lên, đứng lên bằng đôi chân rắn rỏi qua mấy mươi năm bươn chải trên mảnh ruộng
của mình, đứng lên để thấy đời đẹp hơn, để thấy rằng hy vọng còn chờ chúng ta ở
phía trước.
Hôm nay tao lại nghe nói người ta đang gia cố, “vá”
lại các chỗ đê bị vỡ, tao cũng nghe nói nước lên vài ba ngày nữa sẽ bắt đầu rút
xuống dần, cũng cầu mong là vậy! Thằng tao sống bao năm nơi xứ lạ, nhớ cái mùa
nước ở quê da diết, nỗi nhớ ấy vô hình, nhưng cứ cồn cào trong lòng tao không
nguôi. Bây giờ nghe nước lên nhiều, tao mừng, nhưng thằng bạn mình phải oằn
lưng ra chống với con nước ấy để cứu cả gia đình, cứu tương lai con cái, thì
tao không đành lòng.
Năm nay nước lớn tràn đê, mầy buồn vì ba cái lúa
thóc, nhưng dân hạ bạc thì lại vui vì được mùa cá. Vậy chớ mấy năm trước nước
không lớn quá, không ảnh hưởng đến lúa mầy, nhưng lại tội cho dân hạ bạc phải
thất nghiệp, làm thêm nghề khác để mưu sinh. Đó! Mầy thấy hôn? Ở đời là vậy, đặng
cái nầy lại mất cái kia.
Tao không cầu xin gì thêm, số phận có bao giờ ưu
đãi mình để xin xỏ mãi, mà chính mình phải thay đổi nó thôi. Tao chỉ mong con
nước lên đầy sông như hồi tao với mầy còn con nít để cho bà con bắt được con cá
con tôm, nhưng cũng lại mong nó lên nhẹ nhàng, đừng làm ảnh hưởng đến đê điều,
lúa thóc, cho bà con bớt khổ.
Mà nè, tao nói không cầu xin nhiều nhưng hình như lại
tham lam quá phải không? Ai cũng vậy đó, mâu thuẫn lắm mầy ơi! Thôi thì cứ việc
sống, cứ việc làm, ông cha mình hồi đó vừa chinh phục lại vừa làm bạn với thiên
nhiên thì chẳng lẽ sau mấy trăm năm con cháu của họ lại không làm được? Dễ gì mầy!
Tao còn nhớ, người nông dân mình làm nên chiếc cầu treo “bảnh tỏn” lắm mà! Vậy
thì có khó gì với ba cái đê!
Tao không đi “vá” đê được mà cứ nói hoài mắc công
người ta lại nói mình ba xạo. Chỉ hy vọng rằng bà con mình được hạnh phúc, dẫu
cho không giàu có gì, nhưng họ bình yên là tao vui rồi. Để cứ mỗi năm, khi mùa
nước nổi đến, bà con mình lại sống hòa mình với nước với sông, như thuở trước
tao với mầy cùng đùa nghịch bên bờ kinh quê mát rượi.
Để mỗi năm
ta lại mỉm cười cùng nhau đón con nước về!
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét