Tôi thường thích đi, theo kiểu người xưa gọi là giang hồ. Gần đây nhiều người trẻ gọi cho sang là đi phượt, thực ra cũng có thể hiểu nôm na là đi bụi. Nghĩa là bạn làm một chuyến hành trình đầy ngẫu hứng, ở đó không có một phái đoàn nào, không có một lịch trình cố định, không gò bó vào số lượng thành viên hay phương tiện. Đôi lúc cũng chẳng biết mình sẽ đi về đâu. Ngay cả ăn uống và ngủ nghỉ cũng sẽ xảy ra một cách tùy hứng, không cầu kỳ. Một quán nhỏ nào đó e ấp bên đường, coi bộ cũng nên thơ, vậy là tấp vô.
Những chuyến đi đó bạn trở thành một ông
hoàng nho nhỏ để có thể điều khiển được một quãng thời gian nho nhỏ trong cuộc
đời mình, không phải lệ thuộc vào ai. Đó là lúc bạn thoải mái làm chủ chính mình.
Đi, không phải là tìm đến những khu du
lịch nổi tiếng đã được quảng bá dầy đặc trên ti vi. Giang hồ có lẽ không hợp
với chốn tấp nập người. Giang hồ phải rừng rú, hoang dã, kỳ bí. Giang hồ cũng
không ngần ngại ăn uống, hàng quán sang trọng, vừa làm mất thời gian cho chuyến
đi vừa làm mất “chất”, nên một ổ bánh mì cũng xong bữa. Giang hồ “ăn bờ ngủ
bụi” nên không sợ tốn tiền ăn ngủ, chỉ sợ tốn tiền… xăng! Nói chung, giang hồ
phải chịu chơi và chịu khổ. Để rồi khi chinh phục hết những khó khăn đó, bạn sẽ
được thiên nhiên bù đắp xứng đáng, với những điều diệu kỳ mà có lẽ hiếm khi ti
vi có dịp giới thiệu đến.
“Giang hồ ba bữa buồn một bữa
Thấy núi thành sông biển hóa rừng
Chân sẵn dép giày trời sẵn gió
Ngựa về. Ta đứng. Bụi mù tung”
(Phạm Hữu Quang)
Với riêng tôi, những chuyến lang bạt quê
nhà luôn là những ấn tượng khó mờ nhòe dù năm dài tháng rộng cứ vùn vụt lướt
qua và mở ra bao chân trời mới lạ. Đó là những ngày nắng cháy da cháy thịt rong
ruổi khắp mõm biên giới nằm thoi loi cuối đất cùng trời, bên kia sông là nước
bạn. Con sông tên thật đẹp: Bình Di. Bình Di có ý nghĩa gì? Tôi không muốn tìm
hiểu, vì bản thân hai chữ Bình Di đọc lên đã đẹp rồi, đẹp và lạ, lãng đãng như
sương. Tôi đi, như một loài chim cô độc tìm chân trời của mình. Ở đó có gì?
Chẳng có thứ gì cả, chỉ là một xã như bao xã khác. Vậy thì đi làm chi? Đi cho
biết, vậy thôi.
Đó là những ngày thang lang trên khắp
ngã đường ở vùng núi non chằng chịt Tây Nam. Cho đến nay, năm nào tôi cũng có
ít nhứt vài chuyến bụi đời về với xứ núi nầy, nhưng nó vẫn cứ mãi gọi mời, mãi
khơi gợi bao cảm giác nôn nao. Tôi ấn tượng với vùng Châu Lăng - Lương Phi - Lê
Trì và tự gọi đó là “tam giác vàng” theo cảm nhận của riêng mình. Bởi dù đã đi
mòn bao gót giầy, tôi vẫn thấy chốn ấy có gì đó vừa hoang dại, vừa bí ẩn mà khó
có thể khám phá hết được. Ôi, những cánh núi ngậm sương!
Hay là khi dong xe về miệt cù lao bờ
Đông sông Hậu, ngồi bồng bềnh trên những chuyến đò mà hoài niệm bâng khuâng.
Những cung đường hôm nay xe mình lướt qua trên dải cù lao trù phú nầy, nơi nào
đã từng ghi lại dấu chân của Lễ Thành Hầu - danh thần mở nước về Nam. Những
dòng kinh nào đã chở những người lưu dân từ miền Trung xa xôi về đây khẩn đất
lập làng. Vậy là cứ đi, còn bao nơi đang chờ đón bước chân ta, bao nơi mình
chưa biết, ngần ngại làm gì những bước đi.
Đi, không phải là hô hào. Người “ngoài
cuộc” nhìn vào, ai không thích sẽ chê bai dân phượt làm chuyện bao đồng, ai
thích thì thèm muốn được đi giống họ. Nhưng khi có “nhảy vào”, có là người
“trong cuộc” mới hiểu rõ nhiều điều hơn. Lời gọi mời của thiên nhiên luôn quyến
rũ, nhưng kìa, còn đó cuộc sống mưu sinh lẩn quẩn trong vòng cơm áo. Đâu phải
ai cũng có đủ thời gian, sức khỏe, điều kiện… để thênh thang những chuyến du
hành.
Không là hô hào, nhưng lại thường khuyên
người ta nên đi, có mình đang tự mâu thuẫn với chính bản thân?
Tôi thường nói vui thế nầy. Sáu năm đầu
đời, bạn được tự do, nhưng còn quá nhỏ để có thể lưu giữ những kỷ niệm. Mười
hai năm tiếp theo, bạn giam mình trong bốn bức tường phòng học. Bốn năm tiếp
theo, bạn giam mình trong bốn bức tường giảng đường. Gần bốn mươi năm tiếp theo, bạn giam mình trong bốn bức tường
phòng làm việc. Và những năm cuối đời, liệu bạn còn có đủ sức để “vẫy
vùng trong bốn bể” (lời Nguyễn Công Trứ).
Vậy nên, hãy đi khi có thể. Đôi khi chỉ
cần phóng lên xe gắn máy và khởi hành. Đi? Đi đâu? Không biết. Đi để làm gì?
Chơi vậy thôi. Có vẻ “khơi khơi” nhưng bất kỳ chuyến đi nào cũng sẽ mang đến
cho bạn nhiều điều lạ. Tôi nghĩ tuổi trẻ cần nên đi, bởi cuộc đời - tự thân nó
đã là chặng hành trình đầy ngẫu hứng rồi.
Có một ngọn núi cao 1000 mét, độ cao nầy
có thể sẽ gây ngán ngại cho nhiều người. Hễ cứ mười người đến đây thì chỉ có một
người lên đỉnh. Chín người kia cho rằng mình không nên bỏ thời gian, công sức
để leo lên 1000 mét, nhưng trong lòng vẫn ấm ức: trên đỉnh có gì? Còn người lên
đỉnh - đã thấy được điều mà chín người kia không thể thấy, làm được việc chín
người kia không thể làm, và quan trọng hơn, khi xuống núi người nầy sẽ không
phải mang ấm ức: trên đỉnh có gì?
Vậy đó, cuộc sống cần phải dấn thân!
VĨNH THÔNG
(Tác phẩm đăng trên Báo Văn nghệ TP.HCM, số 393, 2016 &
in trong tập tùy bút Thong thả đi, Nxb Văn hóa Văn nghệ, 2017)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét