15
giờ 30 phút.
Trời
vẫn còn nóng hầm hập. Yên đang ngồi nhấm nháp ly cà phê trong một quán xình
xoàng ven biển. Xung quanh, người ta chen chúc nhau chật kín cả con đường hẹp.
Khách du lịch dạo bộ, ăn uống, nói cười rôm rả. Những người bán thức ăn, quà
lưu niệm cũng tranh thủ chèo kéo, chào mời. Tất cả làm huyên náo cả một bãi đất
dài.
Xa
ngoài ấy, biển vẫn thinh lặng, như cô gái bẽn lẽn trước người yêu, chỉ nhìn e
thẹn rồi cười thật hiền. Biển mùa nầy ít gió. Sóng đánh vào bờ từng cơn thật dịu
mềm, tình tứ. Con nắng hè đổ một màu vàng sậm xuống mặt nước lóng lánh.
Yên
không ngờ rằng mình sẽ tới biển. Mới vừa lúc trưa còn đang ngồi hóng mát trên đỉnh
núi cách đây khoảng tám mươi cây số, vậy mà bây giờ, biển đang rì rào trước mắt.
Đây là điểm đến ngoài dự tính. Đúng ra nhóm bạn Yên chỉ có ý định dã ngoại trên
núi, nào ngờ chuyến đi kết thúc quá sớm so với dự định. Giữa trưa, cả nhóm đã
xuống đến chân núi và chuẩn bị trở về. Vẫn còn quá nhiều thời gian, họ chợt nảy
ra ý định hay là làm một chuyến đến biển, như vậy về trong ngày vẫn kịp.
Biển. Lúc đó cách họ khoảng tám mươi cây số. Vậy mà
hai giờ đi xe, con số tám mươi ấy nhanh chóng biến mất. Biển bây giờ ngay dưới
chân. Một chuyến đi quá bất ngờ.
17
giờ 30 phút.
Nhóm
Yên bắt đầu lên đường trở về. Bốn chiếc xe gắn máy chạy bon bon trên con đường quốc
lộ ven biển, vòng vèo khắp các ngõ ngách để ra khỏi thị xã. Biển vẫn xôn xao
như níu kéo. Ngoài tám mươi cây số để trở về địa điểm ban trưa, họ còn phải vượt
thêm hơn sáu mươi cây số nữa để về tới nhà. Những con ngựa sắt đang lao thẳng,
trước mắt sẽ là một hành trình đầy mỏi mệt!
Gọi
là “lao thẳng” cho dễ nghe. Thực tế thì xe đang chạy trên con đường khúc khuỷu,
hết cua nầy đến cua khác, khi rẽ trái lúc rẽ phải, lổm chổm ổ gà và bàng bạc… bụi.
Phải chi những màn bụi nầy là sương thì sẽ đẹp biết mấy! Khi ấy chắc phải kêu
thằng bạn ngừng xe lại chốc lát để chụp hình. Yên bật cười trước ý nghĩ ngộ
nghĩnh của mình. Đường nằm gần biên giới, chưa hẳn là quốc lộ đúng nghĩa, nhưng
cũng không phải tỉnh lộ. Sao kỳ vậy? Trước đây nó chỉ là con đường tắt của dân
buôn bán, sau nầy được nâng cấp thành đường tránh liên tỉnh để giảm bớt áp lực
giao thông, đặc biệt là phục vụ cho du lịch.
Vậy
nên đường vắng. Chưa phải là heo hút, cút côi, nhưng cũng đủ làm khách đường xa
thấy nản lòng. Thỉnh thoảng bắt gặp một vài chiếc xe chở hàng, xe gắn máy. Thỉnh
thoảng bắt gặp những cái tên xã nầy xã kia lướt qua. Nhưng dường như “bộ mặt” của
các xã đó không hướng về phía con đường. Yên thấy nơi nào cũng lặng lẽ như
nhau. Lúc trưa qua đây, dù đường nóng và bụi nhiều hơn, nhưng không tiêu điều
như bây giờ.
Những
cột cây số ven đường dần dần làm Yên chú ý. Chúng trở đi trở lại trong suốt cuộc
hành trình dài khoảng bốn tiếng đồng hồ mà Yên đang trải qua. Những dòng chữ
ban trưa đã gặp trên các cột cây số, giờ gặp lại, như những lát ký ức mỏng manh
lướt qua ồ ạt và vô cảm. Chặng về cũng giống lúc đi ở sự nôn nóng, trông đợi.
Yên nhớ rõ cảm giác lúc ấy mình đã háo hức thế nào, tìm kiếm từng cột cây số để
biết quãng đường mình đi đã rút ngắn bao nhiêu, còn lại bao nhiêu. Bây giờ cũng
thế, cũng mỏi mòn với từng cột cây số để xem bao giờ mình về tới nhà. Tối đã đổ
ầm xuống khoảng chân trời nhem nhuốc mà cái tiếng “nhà” thân thương ấy lại còn ở
xa tít mù. Đường về thì thăm thẳm quá…
Yên
bắt đầu cảm thấy lo lắng. Không phải là sợ nguy hiểm, vì bên cạnh Yên còn có cả
một bọn con trai “chọc trời khuấy nước”. Nhưng trong lòng vẫn thấy bất an. Bất
an chỉ vì bất an, thế thôi. Mà có lẽ một phần cũng bởi Yên đang trong một cuộc
hành trình không chủ động. Nên thấy nó mịt mờ, vời vợi và mông lung, dẫu rằng
thực tế ràng ràng mình đang trên xe đây, nhưng sao vẫn lạ lẫm.
Đường
còn xa xôi lắm mà càng lúc lại càng vắng vẻ. Phải chi có cái gì đó ở phía trước
có thể níu kéo mình, đón đợi mình, để cho những vòng quay của bánh xe không lăn
vô nghĩa, để thấy mình đã đi được một quãng xa xa, đồng nghĩa với ngôi nhà yêu
dấu đang gần gần. Sự vắng vẻ của chặng về đã kéo cả bọn gục mặt vào một đầm hy
vọng lớn. Hy vọng sắp tới đây sẽ gặp một vài người, gặp một cái xóm nhỏ nhỏ, một
cái chợ đêm lòe nhòe ánh đèn cà na. Nhưng rồi những hình ảnh cứ đó trôi tuột
qua.
19
giờ 30 phút.
Nhóm
Yên trở lại vùng núi ban sáng đã đến tham quan. Cả mấy xã kề cận nhau chìm
trong một màn đen đặc sệt không tài nào khuấy tan được. Nếu vài tiếng trước Yên
đã nản lòng trước sự vắng vẻ của con đường liên tỉnh cặp biên giới, thì giờ đây
sự thất vọng đó càng lúc càng đầy thêm những não nề.
Đáng
sợ hơn hết có lẽ là những trái núi. Núi ở vùng nầy rất đặc biệt, không nằm trên
cao nguyên mà sừng sững giữa đồng ruộng, cũng không kết thành dãy mà từng ngọn núi
nhỏ nằm lẻ loi tách biệt. Đêm xuống, những khối khổng lồ đen sầm ấy cứ lù lù bên
cạnh như một con quái vật sừng sững giữa trời côi cút. Mỗi khi xe chạy qua một
ngọn núi, ánh trăng lại bị bức tường đồ sộ che lại, trên đường và cả cánh đồng
bạt ngàn bên cạnh chỉ còn ánh sáng phát ra từ đèn xe. Thỉnh thoảng gặp một vài
đốm sáng nhỏ màu vàng cam le lói ở chân núi, triền núi. Không rõ đó là gì, lửa
hay đèn hay… ma trơi? Có lẽ nếu Yên đem cảnh nầy kể với người khác có lẽ họ sẽ
không tin. “Xời, thời buổi bây giờ làm gì có chỗ như vậy!”. Không ai có thể hình
dung ra, nếu như không đặt chân đến vào ban đêm.
Trước
đây, Yên cũng chưa từng hình dung ra. Nhưng đó là về sự bí ẩn của ngọn núi chứ
không phải cảnh núi về đêm. Lúc sáng Yên đã tận mắt thấy. Nơi mà nhóm đến tham
quan là một trong số mấy chục ngọn núi ở vùng nầy. Nó dài gần chục cây số và chỉ
cao khoảng 500 mét, chưa là gì so với núi ở miền Trung, miền Bắc, nhưng trong
lòng lại có nhiều điều ký thú. Cả một hệ thống hang động, lò ảng ngoằn ngoèo và
bí hiểm, có hang rộng đến nỗi có thể chứa hàng ngàn người.
Nơi
đó nửa thế kỷ trước là căn cứ của bộ đội. Họ đã sống thế nào trong những hang động
tối om om đó suốt hàng chục năm trời? Lại còn nghe nói nhiều người đã gửi xương
thịt trong những hang đá đó. Những hang sâu ngày ấy giờ trở thành khu du lịch,
dài từ chân núi lên đến đỉnh núi có bậc thang thuận tiện. Đất trống trên các
triền đồi trở thành vườn trái cây của dân quanh vùng, dù đã có suối nhưng còn lắp
đặt thêm đường ống dẫn nước phòng khi khô hạn. Đó là những điều mà Yên đã được
khám phá trong chuyến đi ban sáng. Nhưng lúc ấy Yên chưa hề nghĩ trái núi đó sẽ
kỳ dị khi chìm vào đêm như bây giờ.
Những
tòa thành thiên tạo đen ngòm vẫn chắn ngay tầm mắt, che cả vài cụm hy vọng côi
cút của những người khách trẻ. Bình xăng cạn dần. Nãy giờ bọn Yên cũng đã bắt gặp
không ít trạm xăng, tất cả đều rào lại dù bên trong vẫn còn đèn sáng, người ta
vẫn còn xem ti vi và ăn tối nhưng họ không bán nữa. Thằng bạn hỏi: “Sao xứ nầy
ngộ vậy? Mới tám giờ mà”. Yên dám chắc là sợ ăn cướp. Trời tối như vầy, ở nơi vắng
tanh như vầy, lỡ có xe nào đậu lại kề dao uy hiếp thì cũng chẳng biết kêu ai,
mà kêu thì cũng có ai xung quanh đâu để nghe. Vậy nên đóng cửa sớm là an toàn,
thà không bán còn hơn.
Bình
xăng đã tới mức báo động đỏ, e là không thể cầm cự lâu nữa. Không biết liệu rồi
xe sẽ ngừng lại ở chỗ nào giữa chốn núi non thâm u hoang dại nầy. Có cây xăng nọ
nằm trơ trọi bên đường cũng đã rào lại, nhưng thằng bạn còn kịp liếc thấy cánh
cửa rào chỉ khép hờ, xuyên qua tấm lưới là một người đàn ông đang ngồi uống cà
phê.
Xe
chạy qua một đỗi, ráng vắt chút sức cuối cùng để quay lại. Cửa rào đúng là chưa
khóa, còn hở một khoảng trống cỡ nửa
mét. Người đàn ông nhìn hai thằng với vẻ nghi ngại, lắc tay nói không bán nữa.
Thằng bạn đem sở trường mồm mép của mình ra hết sức năn nỉ. Cuối cùng cũng may
là có tác dụng. Đến mua xăng mà cũng phải năn nỉ, ở xứ nầy quả là không phải thứ
gì có tiền cũng mua được.
Qua
khỏi vùng núi lại đến miệt kinh cùng nước cạn vùng sâu vùng xa nào đó, Yên
không nhớ rõ tên. Tự chửi thầm: “Mấy thằng nầy sao lựa đường gì toàn đi qua chỗ
vắng! Hết biên giới tới núi non, giờ là đồng bưng”. Qua khỏi vùng nầy sẽ ra đến
quốc lộ đông đúc, không gì có thể cản ngăn được nữa. Nhưng mà, sao thấy đường về
vẫn còn thăm thẳm quá!
Rồi
Yên không biết mình đã vượt đoạn đường còn lại thế nào để về đến nhà. Có lẽ sự
nản lòng đã trương phồng đến độ không chứa được nữa, nó vỡ ra mất rồi. Hình như
đã phải qua một chợ nhỏ với hai ba lần rẽ trái rẽ phải. Qua một hai công trình
nâng cấp cầu đường, bụi bay mịt trời. Qua bốn năm xã nhà cửa thưa thớt còn vườn
cây thì rậm rạp, um tùm. À, còn có một lần xe của thằng bạn bị va vào gốc cây đến
cong cần đạp thắng. Không có nhà ai để mượn cây búa, mà giả dụ có nhà dân thì
có lẽ cũng không ai mở cửa. Cả bọn đi xung quanh lượm một hòn đá để tạm “bẻ” lại
cần thắng, dẫu không trở về vị trí ban đầu nhưng vẫn có thể tạm tiếp tục sử dụng
được.
Sau
đó thì ra đến quốc lộ, mừng gần bằng trúng số độc đắc. Ghé vội quán nào đó kiếm
mua vài thứ có thể nạp năng lượng cho mình. Nhưng rồi chẳng có gì. Cuối cùng mỗi
thằng chỉ có thể cầm trên tay một bịch sữa tươi. Kệ, được vậy cũng may rồi.
21
giờ 30 phút.
Yên
thả thân thể uể oải xuống chiếc giường yêu dấu của mình, đầu óc đang dần giãn
ra nhẹ nhỏm.
Mặc
dầu trời đã tối, nhưng cũng về đến nơi. Đã qua rồi những lo lắng, bất an. Chúng
rơi rớt đâu đó dọc theo cung đường thăm thẳm mà những chàng trai trẻ đã lướt
qua. Nhưng, phải chi chúng rơi sớm hơn, nhanh hơn thì tốt quá. Khi đó Yên sẽ
không phải phí nhiều thời gian trên đường để dành cho những suy nghĩ vẩn vơ.
Khi đó Yên có thể thoải mái ghi lại trong mắt cả đất trời biên giới. Khi đó, những
mảng màu xám xịt mang tên chán nản, đợi chờ, lo lắng… sẽ không được vẽ lên
khuôn mặt mọi người.
Bởi
mang một hy vọng nào đó về tương lai, làm sao ta có thể sống hết mình với hiện
tại. Sao Yên (và còn biết bao người khác) lại luôn áp đặt rằng mục đích của đi
là đến, mà không phải là đi để đi? Niềm vui của những chuyến đi phải chăng
không nằm ở điểm đến, mà chính ngay lúc đi, với cuộc đời thực đang trải ra trước
mắt? Niềm vui là sẵn có, ngay giờ phút nầy đây.
Giả
dụ là Yên không trông đợi đích đến, thì rồi cũng sẽ phải đến thôi. Chuyến hành
trình nào sớm muộn cũng sẽ đều đến đích.
Vậy
mà, hình như trong vô vàn những chuyến hành trình dọc theo đời người, lúc nào
ta cũng tự lập trình cho mình một mục tiêu, một điểm đến. Để rồi trước mắt chỉ
còn nhìn thấy nó. Nó làm thời gian và không gian trở thành một khối nặng được
vo tròn lại chắn ngang đường. Nó trở thành áp lực xô đẩy ta về phía trước, đôi
khi cả trong vô thức. Nó làm cho những chặng đi mỗi lúc một xa hơn, làm cho lữ
khách chưa bao giờ trở nên thanh thản.
Người
ta không nhận ra rằng nếu đặt ra một mục tiêu rồi đạt được nó, niềm vui cũng chỉ
sẽ xuất hiện chốc lát rồi tan mất, vì khi ta đến đích thì chính là lúc đích đến
đó đã trở thành quá khứ mất rồi. Chỉ khi ta đang thong dong trên đường mà không
cần nghĩ ngợi về một điểm nào đó ở phía cuối cuộc hành trình, đó mới là lúc ta
có thể rũ bỏ mọi muộn phiền, thảnh thơi không lo lắng, chủ động đón nhận và tận
hưởng những cung đường, dẫu lạ hay quen.
Cuối
cùng Yên cũng đã về đến nhà. Đường về thì thăm thẳm quá…
Tri Tôn - Châu Phú, 5/2014
VĨNH
THÔNG
(Tác phẩm đăng trên Tạp chí Văn nghệ Tiền Giang, số 77, 2016
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét