Xã Bình Thủy nhiều năm liền vinh dự được chọn là đội tuyển
đại diện cho tỉnh An Giang thi đua thuyền cấp khu vực và toàn quốc, năm nào
cũng có giải thưởng cao mang về cho tỉnh nhà. Nói thế để thấy rằng, đua thuyền
ở Bình Thủy đã trở thành đặc trưng và thế mạnh, mặc dù ở một số nơi vẫn có
phong trào nầy nhưng xét về chất và lượng lẫn tiếng tăm thì không bằng. Tiếng
lành đồn xa, Giải Đua thuyền truyền thống đình Bình Thủy càng lúc càng thu hút
du khách.
Cuộc
thi đua thuyền hằng năm được chia làm hai phần là vòng loại và chung kết. Phần
thi vòng loại diễn ra vào trưa ngày mùng 9 tháng 5 âm lịch sau nghi thức Thỉnh
sắc thần, phần thi chung kết diễn ra vào trưa ngày 10 tháng 5 âm lịch. Bước vào
cuộc đua, các đội thuyền sẽ thi đấu theo bảng, mỗi bảng từ 4 đến 6 thuyền tùy
năm. Phong trào đua thuyền gồm nhiều thể loại: thuyền nam, thuyền nữ, thuyền
nam nữ phối hợp, thuyền rồng composite, thuyền học sinh… với nhiều giải thưởng
hấp dẫn do các doanh nghiệp địa phương tài trợ.
Trong lúc cuộc thi diễn ra, cả hai bên bờ sông Năng Gù đều
chật kín người. Trên quốc lộ 91, hàng ngàn người đứng dày đặc khoảng một cây số
từ cầu Bình Thủy đến cầu Thầy Phó. Còn phía bên nầy cù lao, không khí càng nhộn
nhịp hơn, nhứt là tại khán đài của Ban Tổ chức. Có người đứng xem trên bờ, có
người đứng dưới sông mặc kệ sìn bùn, có người ngồi vắt vẻo trên cành cây… Xuồng
ghe đầy khắp mặt sông, đội lân và chiêng trống cũng được đưa xuống ghe để cổ vũ
cho đoàn đua và tăng thêm phần hào hứng cho người xem. Khi một vòng đua bắt đầu
thì xe máy và xe đạp trên bờ, xuồng ghe dưới sông cùng chạy theo cổ vũ. Nhiều
phương tiện giao thông từ nơi khác tình cờ đi ngang cũng dừng lại để xem. Tất
cả tạo thành một không khí rất riêng và sâu lắng trong lòng người
Không chỉ thế, một nét đặc sắc nữa của lễ Kỳ yên đình Bình
Thủy là hoạt động hóa trang. Trước ngày lễ hội, các thanh niên trong xã thiết
kế những chiếc bè và trang trí như lều trại, với nhiều kiểu dáng đa dạng và bắt
mắt. Trong hai ngày diễn ra đua thuyền, họ sẽ thả trôi chiếc bè trên sông
và cùng nhau ca hát, nhảy múa. Đặc biệt l những người có mặt trên bè phải hóa
trang giống như thổ dân, vẽ mặt, bôi đen cơ thể, che phủ thân mình bằng lá
cây... Hóa trang ban đầu là hoạt động giải trí do người dân tự phát thực hiện,
nhằm tạo thêm không khí sôi nổi để cổ vũ cho các thuyền đua. Dần về sau, nó là
một trong những hình ảnh không thể thiếu trong những ngày lễ hội ở Bình Thủy và
tạo nên nét khác biệt cho địa phương, khiến bao du khách phải vừa tò mò vừa
trầm trồ.
Không cầu kỳ, màu mè như các lễ hội ở thành thị, đại lễ Kỳ
yên đình thần Bình Thủy đậm chất dân dã, chân quê. Trẻ con tung tăng bên bộ
quần áo mới, người lớn tổ chức các buổi tiệc nhỏ để sum họp bạn bè. Tình cảm
của người dân Bình Thủy với lễ hội nầy rất sâu sắc, đối với họ, ngôi đình và
thần làng không phải là tín ngưỡng kỳ vĩ hay cao siêu, mà rất đỗi gần gũi, thân
tình.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét