Cù
lao Năng Gù có địa danh hành chánh là xã Bình Thủy thuộc huyện Châu Phú, tỉnh
An Giang. Đây là một dãy cù lao cổ xưa cặp bờ Tây sông Hậu, nằm uốn lượn theo
dòng chảy của sông. Giới khoa học giải thích do áp suất cao của sông Mekong
cộng thêm lượng mưa lớn đã bào mòn đất đai ven bờ tạo nên một khối lượng lớn
phù sa bồi đắp các cù lao ở đồng bằng sông Cửu Long. Cù lao Năng Gù cũng được
hình thành trong hoàn cảnh đó.
1. Quang cảnh chung
Cù
lao Năng Gù nằm trên dòng sông Hậu, chia sông Hậu ra làm 2 nhánh: phía Đông là
sông Hậu (sông Cái) và phía Tây là xép Năng Gù (xép: sông nhỏ). Cù lao ở vĩ độ
10031’ Bắc và kinh độ 105019’ Đông, cách thành
phố Long Xuyên khoảng 20 km, cách thành phố Châu Đốc khoảng 30 km. Phía
Bắc cù lao giáp xã Bình Thạnh Đông (Phú Tân), phía Nam giáp xã An Hòa và Bình
Thạnh (Châu Thành), phía Tây giáp sông Năng Gù và xã Bình Mỹ (Châu Phú), phía
Đông giáp sông Hậu và xã Mỹ Hội Đông (Chợ Mới). Diện tích tự nhiên của cù lao khoảng
15km2. Buổi đầu mới khai phá, chiều ngang cù lao khoảng 1,5 km,
chiều dài khoảng 6,5 km. Ngày nay, do nhận
được lượng phù sa rất lớn từ sông Hậu bối đắp nên diện tích cù lao tăng
lên, chiều ngang chỗ rộng nhứt gần 2,5 km, chiều dài trên 9 km.
Cù
lao có hai con rạch tự nhiên chạy song song theo hướng Bắc Nam. Con rạch phía
Đông bắt nguồn từ đầu cù lao chạy dài xuống đến đuôi cù lao, nhưng phần phía
trên được gọi là rạch Trời Đánh còn phần phía dưới gọi là rạch Cát. Con rạch
phía Tây bắt nguồn từ đầu cù lao chạy đến giữa cù lao rồi thông ra sông Năng
Gù, tên gọi con rạch nầy là rạch Chanh. Ngoài ra còn vài con rạch nhỏ chiều dài
không đáng kể.
Kinh Đình là một con kinh ở giữa cù lao, dài khoảng 1,2 km
nối sông Năng Gù với sông Hậu. Ngày xưa, từ sông Hậu muốn sang sông Năng Gù
bằng xuồng phải vòng lên đầu cù lao rồi đi xuống hoặc vòng xuống đuôi cù lao
rồi trở ngược lên, đường xa, tốn kém. Không chỉ thế, nơi sông Vàm Nao giao với
sông Hậu thường có nước xoáy, ghe xuồng bị lật rất nhiều [Tư liệu điền dã 2017].
Thấy khó khăn đó, năm 1945 Ban Hội tề làng
Bình Thủy huy động nhân dân đào kinh nầy, vừa xong thì cách mạng mùa thu
nổ ra.
Do nằm cạnh đình làng, nên kinh mang tên là kinh Đình. Từ
khi có kinh Đình, giao thông đường thủy thuận tiện hơn, đoạn đường từ sông Hậu
qua Năng Gù rút ngắn. Có kinh thì phải có cầu, vậy là cây cầu nối liền hai bờ
kinh được ra đời, người dân gọi là cầu Đình. Năm 2013, con kinh bị lắp để quy
hoạch khu dân cư, ngày nay địa danh kinh Đình và cầu Đình chỉ còn trong hoài
niệm.
Trước đây, muốn đến cù lao phải qua sông bằng đò
máy. Hiện nay, cầu Bình Thủy bắc qua sông Năng Gù đã nối liền cù lao với Quốc
lộ 91, khánh thành ngày 19/1/2014. Đây là cầu giao thông nông thôn có quy mô và
kinh phí lớn nhứt huyện Châu Phú tính đến thời điểm hoàn thành. Từ Quốc lộ hiện
ra một cây cầu nằm choáng giữa không gian bao la, rồi ngoằn ngoèo rẽ sang cù
lao xanh mướt, mở ra một hình ảnh mới về tương lai.
2. Quá
trình hình thành
Công
cuộc khai mở đất phương Nam định hình từ những cuộc di dân lớn của người Việt
từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII. Từ năm 1698 đến
1700, Chưởng cơ Thống suất Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh kinh lý miền Nam, đặt
bước đầu trong công cuộc bình định an dân của chánh quyền Đàng Trong. Năm 1757,
toàn miền Nam thuộc chủ quyền Đại Việt. Sau nhiều năm chinh chiến rối ren giữa
các thế lực, một số công tác
khai hoang vẫn được thúc đẩy, trong đó có
ông Dương Văn Hóa lập thôn Bình Lâm năm 1783.
Dòng
họ cụ Dương vốn gốc gác là những lưu dân miền Trung vào Nam tìm vùng đất mới năm
1768. Ông đến nhiều nơi như Mỹ Tho (Tiền Giang), Long Hồ (Vĩnh Long), Cần Lố
(Đồng Tháp) rồi rạch Tà Mòn (xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang). Tại
đây, một nhánh của do Dương Công Quận đứng đầu đã chọn ở lại lập nghiệp, một
nhánh khác do ông Dương Văn Hóa đứng đầu đã tiếp tục ra đi về hướng Bắc và dừng
lại khai khẩn cù lao Năng Gù. Bấy giờ, ông chỉ khai khẩn được từ cuối cù lao
cho đến giữa cù lao ngày nay. Phần phía Bắc chưa khai khẩn được, chỉ toàn là
rừng rậm. Có lẽ vì thế nên ông đặt cho thôn tên là Bình Lâm với ước mơ khai phá
rừng hoang cho dân sinh sống, lập nghiệp.
Thôn
Bình Lâm đã được thành lập nhưng thực tế chưa được công nhận chính thức. Đáng tiếc
là tư liệu về lịch sử thành lập làng và đình làng được sử dụng chính thức trong
đại lễ Kỳ yên hằng năm đã giới thiệu không chính xác chi tiết nầy. Để rồi từ
đó, một loạt các tư liệu khi viết về đình và làng Bình Thủy đều viết giống như
thế dẫn đến sai lệch nghiêm trọng. Đại khái, các tài liệu đó cho rằng làng Bình
Lâm được vua Lê Hiển Tông niên hiệu Cảnh Hưng thứ 44 (năm 1783) công nhận và
ban sắc thần cho đình làng.
Chi
tiết nầy hoàn toàn trái ngược với lịch sử. Trước khi Tây Sơn khởi nghĩa, vua Lê
không có quyền ở miền Nam, mà do chúa Nguyễn kiểm soát. Nên không thể có chuyện
các thư từ, văn bản được phép thông thương giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài. Ngay
cả chúa Nguyễn còn từ chối nhận sắc phong của vua Lê, thì làm gì có chuyện phép
một ngôi làng ở “cuối đất cùng trời” được sự công nhận của vua Lê. Tiếp sau đó
Tây Sơn khởi nghĩa, chánh quyền Đàng Trong không còn, song trên thực tế miền
Nam lúc bấy giờ lại không thuộc thế lực nào, bởi đang là vùng tranh chấp giữa
Tây Sơn và chúa Nguyễn Ánh. Do không bên nào có đủ khả năng để thiết đặt chánh
quyền cơ sở ổn định lâu dài, nên không thể có làng thôn nào được công nhận về
mặt hành chánh.
Vậy
thì chắc hẳn suốt hàng chục năm, thôn Bình Lâm không thuộc bất cứ một đơn vị
hành chánh nào. Sau khi vua Gia Long thống nhứt đất nước và lên ngôi (1802) lập
ra triều Nguyễn, các thôn làng mới lần lượt được công nhận. Trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí biên
soạn năm 1806, Lê Quang Định dù có nhắc đến cù lao Năng Gù nhưng không hề nhắc
đến tên thôn Bình Lâm, mà chỉ ghi nhận là có dân cư sinh sống trên cù lao: “Giữa
sông có cồn, gọi là cù lao Năng Cù, trên đó có dân cư, ở đây nước chia ra hai
nhánh, hai bên sông đều có dân cư và ruộng cấy lúa, phía ngoài là rừng chằm, đến rạch Năng Cù, ở phía bên phải, rộng 5 tầm, sâu 2 tầm, chảy đến cùng thì có dân cư” [Lê Quang
Định 2005: 330].
Theo
Võ Thành Phương [2014] sự ra đời các thôn làng dưới triều Gia Long sớm nhứt là
năm 1808. Thật vậy, đến Gia
Định thành thông chí biên soạn vào khoảng những năm 1820, Trịnh Hoài Đức
mới nhắc đến thôn Bình Lâm: “Ở phía trước hạ khẩu Vàm Nao thuộc Hậu Giang dài 9
dặm, có thôn Bình Lâm ở đấy. Ở đây rừng tre um tùm, đầy dẫy ao cá, dân ở vùng
thượng lưu Hậu Giang nhờ khai thác tre và cá tôm làm nghề sinh nhai hằng ngày, ngoài ra còn trồng bông kéo sợi và lúa gạo”
[Trịnh Hoài Đức 2004: 15].
Như
vậy, thôn Bình Lâm lập năm 1783 nhưng đến khoảng năm 1808 mới được công nhận
chính thức và chánh quyền công nhận là triều vua Gia Long, chứ không phải do vua Lê Hiển Tông công nhận vào năm 1783
như một số tài liệu đã viết. Và đương nhiên, cũng không có sắc thần nào được
ban cho đình vào thời vua Lê.
3. Thay
đổi qua từng thời kỳ
Sau khi đặt ra các đơn vị hành chánh vào đầu triều Nguyễn,
thôn Bình Lâm thuộc trấn Vĩnh Thanh. Trấn nầy có một phủ là Định Viễn, cai quản
4 huyện, 66 tổng, 353 thôn, thôn Bình Lâm thuộc huyện Vĩnh Định (huyện nầy thưa
dân nên chưa chia ra tổng). Vào đầu triều Nguyễn, ở huyện Châu Phú (tính theo
địa bàn hiện nay) chỉ có 3 thôn là Bình Thạnh Tây, Bình Trung, Bình Lâm.
Theo hậu duệ họ Dương cho biết, sau khi thôn Bình Lâm được
công nhận chính thức, ông Dương Văn Hóa được tổng trấn Vĩnh Thanh phong làm Trùm tri thâu cai quản vùng xép từ Cái
Dầu đến giáp ranh Chắc Cà Đao - phạm vi cai quản rộng hơn phạm vi khai khẩn. Điều
nầy hợp với thực tế vì cụ Dương mất ngày 22 tháng Giêng năm 1818, nếu làng Bình
Lâm được công nhận khoảng năm 1808 thì cụ có thể nhận chức vụ trong khoảng 10
năm cuối đời. Trùm tri thâu là một chức vụ trong bộ máy hành
chánh cấp thôn, được triển khai dưới thời chúa Nguyễn Ánh vào cuối thế kỷ XIX
và tiếp tục tồn tại ở triều Gia Long đầu thế kỷ XX. Trong bộ máy này, Trùm cả là người đứng đầu hội đồng hương
chức, còn Trùm thâu hoặc Tri thâu (cách gọi của các địa phương
không thống nhất) là người phụ trách thuế vụ.
Năng 1832, vua Minh Mạng đổi đơn vị trấn
ra đơn vị tỉnh, lúc bấy giờ tỉnh An Giang có 2 phủ và 4
huyện, gồm phủ Tuy Biên (cai quản huyện Tây Xuyên và Phong Phú) và phủ Tân
Thành (cai quản huyện Đông Xuyên và Vĩnh An). Thôn Bình Lâm thuộc huyện Tây
Xuyên, phủ Tuy Biên. Không rõ địa danh Bình Lâm được đổi thành Bình Thủy khi
nào, chỉ biết khi Pháp đến đã sử dụng địa danh Bình Thủy. Năm 1867, Pháp chiếm
Nam Kỳ và lập hạt thanh tra Châu Đốc, năm 1868 lập hạt thanh tra Long Xuyên.
Quyết định ngày 3/12/1870 chia tổng Định Thành thuộc hạt thanh
tra Châu Đốc thành hai tổng: Định Thành Thượng thuộc hạt thanh tra Châu Đốc và Định
Thành Hạ thuộc hạt thanh tra Long Xuyên, khi đó làng Bình Thủy thuộc tổng Định
Thành Thượng. Quyết định ngày 2/11/1876 chuyển làng Bình Thủy từ tổng Định
Thành Thượng thuộc hạt thanh tra Châu Đốc về tổng Định Thành Hạ thuộc hạt thanh
tra Long Xuyên. Quyết định ngày 13/10/1879, giải thể làng Bình An cùng tổng để
nhập vào làng Bình Thủy. [Nguyễn Đình Tư 2017]
Năm 1900, hạt Long Xuyên trở thành tỉnh Long Xuyên. Năm
1917, thành lập quận Châu Thành thuộc tỉnh Long Xuyên, tổng Định Thành Hạ đổi
tên thành tổng Định Thành. Khi đó làng Bình Thủy thuộc tổng Định Thành, quận
Châu Thành, tỉnh Long Xuyên với 4 ấp: Bình Phú, Bình Hòa, Bình Thới nằm trên cù
lao và Bình An nằm bên kia sông. Năm 1956, Bình Thủy thuộc quận Châu Thành,
tỉnh An Giang.
Năm 1979 xã Bình Thủy được trao về cho huyện Châu Phú, ấp
Bình An bên kia sông tách ra và nhập với một phần xã Bình Hòa để thành lập xã
mới An Hòa (thuộc huyện Châu Thành). Hiện nay xã Bình Thủy có 6 ấp hoàn toàn
nằm trên cù lao: Bình Phú, Bình Quý, Bình Thới, Bình Thiện, Bình Hòa, Bình Yên.
VĨNH
THÔNG
(Tạp
chí Văn hóa - Lịch sử An Giang, số 144, tháng 3/2017)
______________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1.
Huỳnh Ái Tông (2011), “Làng tôi”,
trong Truyện của tôi, Hiên Phật học.
2.
Lê
Quang Định (2005), Hoàng Việt
nhất thống dư địa chí, Phan Đăng dịch,
Nxb Thuận Hóa.
3.
Nguyễn
Đình Tư (2017), Địa chí hành chính các tỉnh
Nam kỳ thời Pháp thuộc (1859-1954), Nxb Tổng hợp TP.HCM.
4.
Trịnh Hoài Đức (2004), Gia
Định thành thông chí (Quyển 2: Sơn xuyên chí), Lý Việt Dũng dịch
& Huỳnh Văn Tới hiệu đính, Nxb Tổng hợp Đồng Nai, Bản điện tử:
www.namkyluctinh.com.
5.
Võ Thành Phương (2014), “Tìm hiểu thôn làng ở Châu
Phú xưa”, Tạp chí Văn hóa Lịch sử An Giang, số 111, tháng 6/2014.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét