Dưới triều vua Tự Đức, tại Nam Kỳ đã
có một người phụ nữ lặn lội ra đến kinh thành Huế để kêu oan cho chồng. Không những
chồng được minh oan, mà bản thân bà còn được vua Tự Đức ban thưởng và thái hậu
Từ Dụ tặng bảng vàng “Liệt phụ khả gia”. Việc làm của người phụ nữ nầy đến nay
vẫn còn được người đời sau không ngớt ngợi ca. Nhân vật đó là bà Nguyễn Thị Tồn,
vợ của thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa.
Bà Nguyễn Thị Tồn (không rõ năm sanh)
còn có tên trong gia đình là Diệu, quê ở thôn Mỹ Khánh, tổng Chánh Mỹ Thượng,
huyện Phước Chánh, phủ Phước Long, trấn Biên Hòa (nay là phường Bửu Hòa, thành
phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Thân phụ của bà là ông Nguyễn Văn Lý, làm chức quan
trông coi về thuế ở địa phương, gọi là Bạch
đàm hộ trưởng.
Chồng bà là nhà thơ Bùi Hữu Nghĩa
(1807 - 1872), hiệu Chi Nghi, quê ở thôn Long Tuyền, tổng Định Thới, huyện Vĩnh
Định, phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh (nay là phường An Thới, quận Bình Thủy, thành
phố Cần Thơ). Thuở thiếu thời, cậu học trò Bùi Hữu Nghĩa tìm đến Biên Hòa tham
học với thầy Nguyễn Phạm Hàm (dân gian gọi là thầy đồ Hoành) và xin ở trọ nhà
ông Nguyễn Văn Lý. Năm 1835, Bùi Hữu Nghĩa đậu Giải nguyên tức thủ khoa kỳ thi Hương ở Gia Định và được người đời
gọi là Thủ khoa Nghĩa. Người Đồng Nai đến nay vẫn còn truyền tụng câu ca dao:
“Đồng Nai có bốn rồng vàng
Lộc họa, Lễ phú, Sang đàn, Nghĩa thi”
Năm sau (1836), Bùi Hữu Nghĩa dự kỳ
thi Hội ở kinh đô nhưng không đậu, được bổ về làm Tri huyện Phước Chánh (phủ
Phước Long, tỉnh Biên Hòa). Ông Nguyễn Văn Lý mến tài của cậu học trò từng trọ
học ở nhà mình, nên đã gả trưởng nữ là Nguyễn Thị Tồn cho Thủ khoa Nghĩa. Một
thời gian sau, Bùi Hữu Nghĩa được lệnh đổi về làm Tri huyện Trà Vang (phủ Lạc
Hóa, tỉnh Vĩnh Long).
Năm 1848, xảy ra vụ người Khmer xô
xát với người Hoa ở rạch Láng Thé. Trước đó, vùng rạch nầy vốn là nơi người
Khmer khai thác thủy sản lâu đời và được triều đình miễn thuế. Tuy nhiên, một số
người Hoa đã lo lót cho quan địa phương để được độc quyền khai thác. Người
Khmer phẫn uất đến trình với Tri huyện Bùi Hữu Nghĩa, ông phán xử: “Việc tha
thuế thủy lợi là ơn huệ của vua Thế Tổ ban cho dân Thổ, nay ai nhỏ hơn vua Thế
Tổ mà dám đứng bán rạch ấy, thì có chém đầu nó cũng không sao!”. Đến khi vụ xô
xát xảy ra, sẵn có hiềm khích riêng với Bùi Hữu Nghĩa, nên một số quan chức địa
phương đã ghép ông xúi giục nổi loạn rồi bắt giam ông, giải về Gia Định chờ xử
trí.
Hay được tin dữ, bà Nguyễn Thị Tồn từ
quê nhà Biên Hòa tìm đến Vĩnh Long. Theo truyền khẩu của dân gian, tại đây bà
nhờ một vị quan có quen biết là ông Quản Kiệm lập mưu kế. Ông Quản Kiệm lân la
tiếp đãi các lính trạm, chuốc họ ăn uống no say rồi lén lấy tờ chiếu chỉ xử trảm
Bùi Hữu Nghĩa đem giấu đi. Nhờ vậy mới có thể kéo dài thời gian để bà ra kinh
đô kêu oan.
Từ Vĩnh Long,
bà lên Định Tường (Tiền Giang) rồi quá giang ghe bầu vượt biển ra Huế. Thân gái
dặm trường, vượt qua bao khó khăn trong những tháng ngày lênh đênh trên biển,
cuối cùng bà cũng đến được kinh đô. Nguyễn Thị Tồn tìm đến Hiệp biện Đại học sĩ
Phan Thanh Giản, lúc bấy giờ đang là Lại bộ Thượng thư - Cơ Mật viện đại thần. Sau
khi hiểu rõ sự việc, cụ Phan đã tận tình giúp đỡ, viết cho bà tờ cáo trạng để
trình lên vua, đồng thời hướng dẫn bà đến Tam
pháp ty.
Tam pháp ty là tòa án tối cao của triều Nguyễn, hằng tháng sẽ mở hội đồng
để xét xử vào ba ngày cố định là 6 - 16 - 26 âm lịch. Nếu vụ việc khẩn cấp
không đợi được ba ngày ấy, người tố cáo phải đánh chiếc trống lớn trước cửa Tam pháp ty để cầu minh xét. Sau khi tiếp
nhận cáo trạng về sự lộng hành và nhũng nhiễu của quan lại tỉnh Vĩnh Long, vua
Tự Đức đã sai Bộ Hình điều tra rõ sự việc.
Sau thời gian thẩm án, Bùi Hữu Nghĩa
được trả lại sự trong sạch, miễn tội chết, nhưng phải sung quân trấn giữ vùng
biên ải để lập công chuộc tội. Cảm khái trước lòng trung trinh tiết nghĩa của bậc
nữ lưu xứ Nam Kỳ, vua Tự Đức ban tặng bà Nguyễn Thị Tồn chiếc võng điều có bốn
lọng, giữ bà lại kinh thành một tháng để triều thần và các cung phi được gặp mặt
người phụ nữ quả cảm, nhằm nêu gương sáng cho mọi người. Thái hậu Từ Dụ cũng truyền
bà Tồn vào gặp mặt, hết lời khen ngợi và tặng cho tấm biển son chạm bốn chữ thếp
vàng “Liệt phụ khả gia”.
Chỉ dụ của nhà vua ban xuống, Bùi Hữu
Nghĩa được ra khỏi tù, đi trấn giữ đồn Vĩnh Thông (huyện Hà Âm, phủ Tĩnh Biên,
tỉnh An Giang). Đây là vùng đất biên thùy, núi non và rừng rậm hiểm trở, được ông
mô tả lại qua những dòng thơ như: “Gió trốt dật dờ nơi chiến lũy / Ðèn trơi leo lét dặm u lâm”. Chồng thoát khỏi oan án nhưng chưa được
về nhà thì bà Nguyễn Thị Tồn đã lâm bệnh rồi qua đời ở quê nhà Biên Hòa vào
ngày 24 tháng 11 âm lịch (không rõ năm mất). Điều đó làm Thủ khoa Nghĩa vô cùng
đau đớn, khóc vợ bằng lời những lời văn tế bi thiết:
“Cây dương liễu là tên ly biệt, trời dành cho em những điều tài sắc, mà
mong sửa cuộc đoàn viên
Huê phù dung là giống đoạn tràng, trời sắm cho em những miếng
thanh danh, mà mỡ báo nền phước lý”.
Ông nhắc lại lòng quả cảm của vợ:
“Nơi
kinh quốc ba hồi trống gióng, biện bạch này oan nọ ức, đấng hiền lương mắt thấy
thảy đau lòng
Chốn tỉnh đường một tiếng thét vang, hẳn hòi lẽ chánh lời nghiêm, lũ bạn
đảng tai nghe đà khiếp vía”.
Thậm chí, Bùi Hữu Nghĩa quy
cái chết của vợ do mình gián tiếp gây ra:
“Anh để nàng chẳng bằng tiền bằng của, mà bằng cái tư lương
Ta giết nàng chẳng bằng gươm bằng đao, mà bằng cái khổ lụy”.
Ngoài ra, ông còn dành tặng
bà câu đối chữ Hán:
“Ngã
bần, khanh năng trợ. Ngã oan, khanh năng minh. Triều dã giai xưng khanh thị phụ
Khanh bệnh, ngã bất dược. Khanh tử, ngã bất táng. Giang sơn ưng tiếu ngã
phi phu”.
(Tạm dịch: Ta nghèo, mình hay giúp đỡ.
Ta tội, mình biết kêu oan. Trong triều khen mình mới xứng là vợ. Mình bệnh, ta
không thuốc thang. Mình chết, ta không chôn cất. Non sông cười ta chẳng đáng là
chồng)
Có thể nói, cuộc đời của
bà Nguyễn Thị Tồn đã ảnh hưởng rất lớn đến con đường công danh và sự nghiệp văn
thơ của Bùi Hữu Nghĩa. Được
sanh ra và lớn lên trên mảnh đất Nam Kỳ vốn nổi tiếng là vùng đất của những người
phụ nữ dịu dàng, kiên trinh mà hào hiệp, bà Nguyễn Thị Tồn đã để lại một hình mẫu về người phụ nữ đất phương Nam thủy chung,
sẵn sàng hy sinh, nhưng cũng đầy bản lãnh.
thanks
Trả lờiXóa