Mạng xã hội Facebook có chế độ chặn những người mà mình không thích, có nghĩa là mình sẽ hoàn toàn không thấy họ và họ cũng hoàn toàn không thấy mình. Nhiều người thấy tiện, thấy hay. Bởi người mình không thích thì cứ… chặn cho khỏe, khỏi phải mắc công nhìn thấy họ rồi lại bực bội: “Nhìn bản mặt thấy ghét!” Thỉnh thoảng tôi thấy một số bạn bè Facebook chụp hình lại danh sách chặn của mình rồi đăng lên trang cá nhân kèm lời chú thích đại khái như: đây là kết cuộc của những kẻ khó ưa!
Ở đây tôi chỉ
xin bàn về những trường hợp chặn vì ghét, chứ không nói đến những trường hợp chặn
vì bị làm phiền. Nhiều người nghĩ rằng khi chặn những người mình ghét trên
Facebook có nghĩa là mình đã tránh được sự khó chịu. Thật ra không phải bạn
đang tránh sự khó chịu đâu, mà dường như bạn đang cố trốn tránh lòng oán ghét của
mình.
Có phải bạn đang
nuôi dưỡng lòng oán ghét tiềm tàng? Nhìn thử xem, khi liệt ai đó vào danh sách
chặn, có nghĩa là người nầy trở thành “phần tử nguy hiểm” trong mắt bạn, mặc dù
không còn thấy họ trên Facebook, nhưng khi cái tên đó vẫn nằm mãi trong danh
sách chặn tức là nó sẽ mãi nhắc nhở bạn rằng: “Tôi ghét hắn.” Mở danh sách chặn
ra, bạn gặp tên người đó. Không mở danh sách chặn, bạn cũng nhớ rằng mình đã chặn
người đó.
Như vậy thì dù
sao đi nữa, khi chặn một ai đó sẽ đồng nghĩa với việc bạn mãi mãi nuôi lòng oán
ghét người nầy, chứ làm sao quên được? Chặn một người chẳng qua là nhắc nhở
chính mình phải ghét họ. Danh sách chặn chính là bằng chứng cho sự tồn tại lòng
hận thù trong bản thân mình. Khi nào bạn còn đưa người khác vào danh sách chặn
của Facebook hay “danh sách ghét” của lòng, tức là bạn còn nuôi dưỡng lòng oán
ghét. Điều bạn muốn quên chẳng qua là đối tượng mình ghét, chứ không phải quên
đi lòng oán ghét.
Người bị ghét khổ
là phải, vì họ bị người khác ghét nên khổ là đúng rồi. Song, người chủ động
ghét người khác, sao cũng khổ? Có bao giờ chúng ta nghe ai nói: “Tôi sung sướng
khi tôi ghét hắn” chưa? Toàn là khổ! Thí dụ nhé, bạn đang dạo bộ ở công viên, bỗng
dưng gặp người mình ghét cay ghét đắng, tự dưng cuộc dạo bộ mất hết không khí
vui tươi, bạn đâm ra bực dọc. Dù người nầy không nói gì đến bạn, thậm chí có thể
không nhìn thấy bạn, nhưng hễ ghét rồi thì gặp mặt cũng đã cảm thấy… khó ưa. Rõ
ràng là không ai gieo rắc phiền nào cho bạn, tự bạn đang tìm kiếm phiền não để
ôm vào người.
Thấy rõ oán ghét
là hại mình hại người, khổ mình khổ người, nhưng chúng ta vẫn cứ khăng khăng ôm
về nhà những chiếc ba lô mang tên “thù hận”, rồi cất kỹ trong tủ, khóa lại cẩn
thận. Đến khi sức khỏe đã quá tệ, không còn đủ khả năng mang những ba lô đó về
nhà nữa, thì mình cũng sắp từ giã cuộc đời rồi. Cả cuộc đời, chỉ toàn mang về
cho mình sự khổ đau!
Thay vì trốn tránh, tôi nghĩ bạn nên hãy tập chấp nhận.
Buông bỏ lòng
oán ghét nghĩa là đối diện với người đó mà cảm xúc oán ghét trong lòng mình
không còn tồn tại hoặc không phát sinh trở lại. Chỉ khi nào bạn không chặn họ,
thấy họ hằng ngày trên Facebook, phát hiện họ vẫn có những điểm tốt, không quá
đáng ghét, cái ghét trong bạn từ từ loãng dần rồi tan hẳn, đó mới là buông bỏ
lòng oán ghét. Khi nào danh sách chặn trên Facebook rỗng và “danh sách ghét” của
lòng cũng rỗng, bạn mới thực sự thảnh thơi.
Bỏ qua, không có
nghĩa là tôi khuyên bạn nên tha thứ hay khoan dung. Bởi, bạn có chắc rằng mình
là người đúng hay không mà đòi khoan dung kẻ khác? Khi nào đối phương sai ta mới
có thể khoan dung, còn trong những trường hợp không thể chắc rằng ai đúng ai sai
thì làm sao mình đòi quyền được khoan dung người khác? Bất đồng ý kiến về một
quan điểm gì đó, có thể sẽ có kẻ đúng người sai. Nhưng có những thứ bất đồng
không thể phân chia đúng sai.
Người nói ít,
người nói nhiều, người nghiêm túc, người đùa cợt, người lạnh lùng, người hồ hởi…
điều đó không làm cho con người ta trở nên đúng hoặc sai, bởi đó là bản chất.
Người nghiêm túc mà đối phương cợt đùa, không có nghĩa là mình đúng còn họ sai.
Như ớt phải cay, muối phải mặn, đường phải ngọt, chanh phải chua… đó là bản chất,
không thể bắt ép phải thay đổi được, càng không có cái gọi là đúng sai. Trăm
ngàn người có trăm ngàn tánh cách, người ta sẽ là người “đúng” khi sống đúng với
tánh cách của họ và bạn sẽ là người “sai” khi bắt người khác phải sống theo ý
muốn của mình.
Tôi cũng không
kêu gọi bạn hãy đừng ghét nữa, hãy yêu thương đi… tôi không hô hào kiểu đó. Mà
là, hãy tập thay đổi thái độ nhìn nhận người khác đi. Để làm chi? Không phải vì
họ, mà là vì mình, mình sẽ tìm được sự thoải mái cho lòng mình. Thay đổi thế
nào? Đọc những trạng thái, bình luận, tin nhắn… mà không thấy nó khiến mình phải
ghét người viết. Khi đọc một câu nào đó mà thấy khó chịu, có thể là lỗi của người
viết, nhưng biết đâu cũng có thể là do chính
bạn vì đã quá khó khăn và cố chấp.
Với cá nhân tôi,
tôi nghĩ rằng trong giao tiếp không cần phải quá khắt khe, giáo điều. Người ta
có thể nói chuyện lễ phép dạ dạ thưa thưa với bạn, nhưng có chắc rằng sau lưng
bạn họ không nói xấu hay chửi bới? Có
thể một người thốt ra một câu hơi mất lịch sự với bạn, khi nhận ra thì người nầy
cảm thấy hối hận. Trong khi đó, bạn lại chấp vào câu nói kia để hờn giận, ghét
bỏ. Nếu cả hai đều buông được, người kia không chấp câu nói đó để buồn, bạn
không chấp câu nói đó để giận, thì chẳng phải cả hai đều thoải mái sao? Lời nói
nhìn cho rốt ráo thì chúng lại… chẳng nói lên được điều gì cả, con người sống
đâu phải vì mục đích chấp vào lời nói để phán xét nhau.
Nếu có mười việc
bắt gặp trong ngày, ta cảm nhận tám việc dễ chịu và hai việc khó chịu, thì đời
sẽ đẹp biết bao. Nhưng rất tiếc nhiều người lại cảm nhận ngược lại. Chúng ta
luôn thấy mọi thứ xung quanh mình khó ưa nhiều hơn là dễ thương. Gọi vui thì đó
là hội chứng “nhìn đâu cũng thấy khó ưa”.
Trên đời vốn
không có cái gì khó ưa hay dễ thương, mà chỉ có con người nhìn chúng với thái độ
dễ thương hay khó ưa. Như một loài hoa ra đời sẽ tự mặc định về màu sắc, nhưng
chúng không mặc định cho mình phải xấu hơn hoa nầy hay đẹp hơn hoa khác, cũng
không một đấng thần linh nào mặc định cho chúng như thế. Tất cả chỉ là do con
người tự ý xếp đặt một cách độc tài, rằng hoa hồng thì đẹp hơn bông vạn thọ chẳng
hạn. Trong cuộc sống, sự đánh giá tốt xấu rốt cuộc đều từ cái nhìn của từng cá
nhân.
Người khác mang
phiền não đến cho mình cũng đủ để mình mệt lắm rồi, mình ngu dại gì mà lại còn
tự rước phiền não cho bản thân. Hai gánh phiền não, một của “tha nhân” và một của
“tự thân”, mang chi mà nặng vậy?
Đôi khi chỉ một
mỉm cười là đủ, vậy thôi. Còn bao giận hờn, thù ghét, ganh đua như phế thải xô
bồ và rối rắm, mang chi để nhọc lòng…
VĨNH THÔNG
(Tác phẩm đăng trên Tạp chí Văn hóa Phật giáo, số 249, 2016 &
in trong tập tùy bút Thong thả đi, Nxb Văn hóa Văn nghệ, 2017)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét