Mẹ tôi vẫn khóc suốt từ khi lên xe. Gã đàn ông không hề biết gì về mẹ và cũng chẳng cần phải quan tâm hỏi han khi thấy bộ dạng của mẹ lúc nầy. Ông xe ôm ấy chỉ lặng lẽ làm công việc của mình là hỏi “Cô đi đâu”, rồi “Cho cho tôi xin tiền xe”, vậy thôi. Tôi không nghe thêm bất kỳ câu hỏi nào khác nữa. Ông chỉ mong sớm chở khách đến nơi cần đến, chuyện của thiên hạ quan tâm chi cho mệt.
Khi đã đứng trước cổng khu trọ tập
thể, mẹ lại chần chừ vài phút. Trước tiên là lấy khăn lau nước mắt. Có một mớ
tóc chỗ nầy chỗ kia bung ra bê bết như những kẻ đanh đá, mẹ dùng hai bàn tay
chải chải lại mái tóc rối bù của mình. Cuối cùng là chỉnh sửa lại áo quần cho
tươm tất trước khi bước vào. Mẹ không muốn người ta nhìn thấy mình trong bộ
dạng như lúc nãy. Mẹ đã quá sợ những lời xì xầm về mình.
Mở khóa phòng, mẹ đẩy hờ cánh cửa ra
vừa đủ để thân thể mảnh khảnh lách vào, không quên khóa lại. Uể oải đặt ba lô
xuống rồi gieo mình vật vã trên giường, mẹ lại khóc và trở về trong trạng thái
lúc nãy một cách nhanh chóng. Lại đầu bù, tóc rối, mặt xanh xao và nhếch nhác,
quần áo xộc xệch… và, khóc hu hu như con nít. Mẹ lúc nầy nom giống một chú mèo
mướp ướt sũng và bẹp dính trong mưa. Vài lọn sáng nhớt nhát hắt hờ từ cái đèn
vàng vọt ngoài sân chảy dài trên mặt mẹ, lấm lem.
Đó là một ngày cuối tháng Mười, thành
phố khá ẩm ướt bởi sương, mát dìu dịu.
Nhưng điều đó không đồng nghĩa với
việc tất cả cư dân trong thành phố nầy cũng đều sẽ mát. Vẫn có những người hừng
hực bốc hỏa như lò than đang rực hồng.
Cái nóng trong cả hai chín hơn khi ba
giáng vào mặt mẹ những lời nói thật tệ hại. Khóc là trạng thái đầu tiên mẹ có
thể thể hiện lúc đó. Gương mặt mẹ thừ ra đến tội nghiệp. Không hiểu sao tôi lại
bắt đầu trỗi lên cảm giác ghét ba. Cách đây vài hôm tôi đã thấy ba ôm mẹ âu yếm
và nói những lời ngọt ngào, bây giờ thì lại…
“Sao em lại để cho có thai?”
Mẹ nói nhát gừng:
“Em… em… xin lỗi.”
“Xin lỗi gì mà xin lỗi. Anh đã dặn em
kỹ lắm rồi mà.”
Tiếng hét của ba làm mẹ giựt mình, mẹ
cúi đầu xuống, giọng run run nói tiếp:
“Em… em không biết, em… xin lỗi.
Anh…?”
“Không xin lỗi gì hết. Bỏ đi!”
Tiếng “bỏ đi” của ba nhẹ hều cứ như
cái bào thai ấy chỉ là hình sương bóng khói.
“Sao? Anh… nói gì? Bỏ… bỏ con mình
hả?”
Mặt mẹ biến sắc. Làm sao có thể không
bất ngờ trước câu nói ấy? Tôi còn bất ngờ, huống chi mẹ. Chưa từng nghĩ người
mà tôi gọi bằng ba ấy lại lạnh lùng phủi bỏ đứa con ruột thịt, nhưng lời nói đã
vừa thốt ra rành rành đó mà. Sao ba tàn ác đến vậy? Căm ghét trong tôi dành cho
ba đang có chiều hướng tăng dần. Tôi mong câu nói vừa rồi chỉ bốc đồng trong
lúc nóng giận, tôi mong sẽ nghe một câu nói khác lấp đầy vào lỗ hổng mà tôi và
mẹ đang rơi. Nhưng không.
“Con gì mà con, đẻ nó ra rồi sao học
hành? Em có nuôi nó nổi không? Rồi ba mẹ hai bên biết thì sẽ ra sao?”
Cơn giận càng lúc càng tràn trụa dài
thượt trên mặt mẹ. Mẹ bắt đầu lạc giọng:
“Nó là cốt nhục, là máu thịt của
mình?”
“Không con cái gì hết! Bỏ nó ngay nếu
muốn tiếp tục sống bên nhau.”
“Anh… anh…”
Giọng mẹ lắp bắp, vẻ sợ sệt và mong
chờ trong ánh mắt rũ rượi biến mất, nó dần dần sắc hơn. Tưởng như cái giọng đó,
ánh mắt đó sẽ nổ tung ra.
“Anh quyết định bỏ nó?”
“Ừ, bỏ nó đi!”
“Đồ khốn nạn!”
Bốp! Cái tát mẹ giáng vào mặt ba tôi
nghe rất rõ.
Đó là những điều
tôi đã thấy đêm nay. Tôi hiểu chúng.
* * *
Tôi, một bào thai hai tháng tuổi.
Cũng như những bào thai khác, chúng tôi là những thực thể vô hình đang dần
chuyển hóa thành hữu hình. Giai đoạn đó, cái chúng tôi dùng để tiếp xúc với thế
giới bên ngoài gọi là “thức”. Nó và cơ thể không phải một mà tách bạch nhau.
Với nó, chúng tôi có thể hiểu tất cả mọi khái niệm của cuộc sống như một con
người đúng nghĩa. Lúc cơ thể hoàn thiện và chuẩn bị ra khỏi bào thai, sẽ hợp
lại với thức và xóa sạch mọi ký ức, mọi sự hiểu biết. Sau đó, khi trở thành một
con người, tôi phải học lại chúng trong thời gian dài.
Tôi đã trải qua một giấc ngủ dài, khi
tỉnh dậy thì đang sống trong bụng người con gái nầy. Tôi biết mình phải gọi cô
ấy bằng mẹ. Mẹ tôi hai mươi tuổi, dáng cao, mảnh khảnh, nước da trắng và thích
cột hai bím tóc hai bên. Mẹ đang là sinh viên đại học, ngành văn học. Tôi thấy
mẹ thường ngồi trên máy vi tính gõ lốc cốc cái gì đó rất lâu. Chốc chốc mẹ lại
nhìn vào bức tường trước mặt, cũng lâu lắm. Những lúc đó mắt mẹ chau lại làm lộ
rõ hai gò má hóp háp và hai nếp nhăn chạy dọc theo sống mũi.
Tôi thì không thấy trên bức tường đó
có gì khác ngoài màu trắng. Tôi thường hỏi: “Mẹ nhìn cái gì vậy? Trong bức
tường đâu có gì đâu?” Tôi cố gắng căng tròn mắt, ngó trân trân vào bức tường
thêm nhiều lần nữa, cũng vẫn chỉ thấy toàn một màu trắng bết bát. “Vậy sao mẹ
nhìn được?” Mẹ không thể nghe những câu hỏi của tôi, cứ ghì mắt vào một cõi xa
xăm nào vô định. Rồi mẹ viết tiếp, lát nữa lại nhìn, rồi lại viết, lại nhìn,
như cố tìm một cái gì đó ẩn đằng sau màu trắng. Mẹ cứ như đang giằng co một thứ
gì đó, đến nỗi mặt phờ phạc, tóc rồi bù, đôi môi khô ráp khẽ run run. Viết chán
chê, nhìn chán chê, mẹ nằm vật vã trên giường, đôi lúc khóc rấm rứt.
Những khi không ngồi gõ máy vi tính
thì mẹ thường viết bằng giấy, hai bàn tay thon nhỏ cứ di chuyển tử trái sang
phải một cách nhanh chóng và đều đặn như có ai đang điều khiển. Viết xong một
đoạn mẹ lại thở ra dài và rõ to (ít nhứt là với cái bào thai dưới bụng) rồi lại
nhìn đăm đăm vào bất cứ thứ gì trước mặt mình giống như nhìn vào bức tường
trắng trong lúc đánh máy. Cũng có những lần mẹ từ ngoài đường tất tả về nhà
thật nhanh, vội vội vàng vàng lấy giấy ra viết, được một lúc lại ngồi thừ người
ra ngó bâng quơ rồi vò tờ giấy lại quẳng vào sọt rác, khóc hu hu…
Có lẽ mẹ là một người đa cảm, dễ
khóc. Lắm lúc đang thấy bà già đội mâm xôi đi bán, thằng con trai nhỏ xíu quần
áo lấm lem đất cát đến mời mua vé số, thậm chí là xem phim hay đọc sách, mẹ
cũng đều có thể khóc được. Nước mắt của mẹ là thứ không thể điều khiển. Mẹ
thường nói với tôi: “Mẹ viết ra những câu chuyện đau khổ, những nhân vật nghiệt
ngã, rồi lại cho họ tự đứng lên. Mai nầy con của mẹ chào đời, mẹ sẽ dạy con về
những con người ấy để khi nên người đừng vấp ngã như họ nghen con!”
Nhiều lúc tôi
nghĩ những cung bậc cảm xúc trong lòng mẹ như một thanh kẹo dẻo, muốn để thẳng
thì thẳng, muốn uốn cong thì cong, và muốn bẻ đôi thì cũng rất dễ dàng.
Mẹ thường đi chung với một chàng trai
lớn hơn hai tuổi đang học kinh tế. Người ấy dáng dấp phong trần, từng trải, mái
tóc trông hơi có vẻ “hách dịch”, thường nói năng cộc lốc. Đó là người mà mẹ vừa
tát lúc nãy, tôi gọi bằng ba.
Ba có vẻ như hoàn toàn trái ngược với
mẹ. Ba là người thực tế, không thích mơ mộng. Ba chiều mẹ tôi tất cả mọi thứ,
ngoại trừ mớ chữ nghĩa viễn vông (cách nói của ba). Ba không thích mẹ cứ ghì
đầu vào những cuốn tiểu thuyết, đọc say sưa đến quên trời quên đất, cũng không
thích thấy mẹ đầu bù tóc rối với con chữ.
“Em đừng suốt ngày mơ mộng viễn vông
nữa, văn chương nó hại đầu óc em mụ mị đó, hãy nhìn vào thực tại nè!”
“Văn chương hiện thực hơn bất cứ thứ
gì khác.”
Ba mẹ thường hay giận nhau suốt cả
tuần, không nói chuyện, không điện thoại, chỉ vì những chuyện vụn vặt như vậy.
Ba vẫn nhứt mực giữ quan điểm của mình: văn chương không có lợi, nó là liều
thuốc phiện ra ngủ con người.
* * *
Đó là một buổi sáng bảng lảng sương.
Thành phố miền Nam quanh năm chìm trong nắng, người ta gặp khói mỗi ngày chứ
hiếm khi nào bị vây quanh bởi sương như thế nầy. Vì sương, nên tôi chỉ có thể
thấy lờ mờ cái cửa hẹp mà mẹ vừa bước vào, nhưng không thể nhìn rõ nó chính xác
là chỗ nào.
Tiếp mẹ là một người phụ nữ không còn
trẻ, trong căn phòng sơn trắng chật hẹp, mùi thuốc sát trùng nồng nặc xộc lên
mũi, nhưng hồ như vẫn nghe mùi tanh tởm lợm đâu đây. Mẹ nằm dài trên chiếc
giường trải vải trắng. Bà bác sĩ bắt đầu công việc của mình.
“Cô quyết định bỏ nó?”
“Dạ…”
Chuyện gì đây? Mẹ bỏ tôi à? Sao lại
vậy? Sao mẹ lại có thể bỏ tôi? Tôi không tin vào tai mình nữa. Tôi không tin
đây là sự thật. Nó diễn ra quá nhanh, quá phũ phàng. Tôi chỉ mới gần gũi mẹ
được hai tháng. Tôi phải ra đi lúc nầy sao? Ngoài kia phố dày đặc và người đông
lắm, ai là người tốt ai là kẻ xấu? Giữa cuộc đời đông đảo và bốn bề hoang lạnh ấy,
tôi chỉ là một sinh thể bé bỏng và cô độc, ai sẽ chào đón tôi, ai sẽ che chở
cho tôi? Có lẽ không ai cả. Con sợ lắm mẹ ơi!
Mẹ bắt đầu dần trở nên đau đớn,
nghiến chặt răng, mặt nhễ nhại mồ hôi. Sau đó mẹ khóc. Tôi cũng dần cảm thấy
đau. Cơn đau mỗi lúc một dữ dội, hỗn láo và cong cớn. Toàn thân tôi lạnh loát.
Trong đầu tôi trào ra nhiều hình ảnh. Tôi thấy khuôn mặt mẹ hốc hác, trắng bệt,
nỗi buồn tơi xốp đến nỗi người khác có thể đọc trong mắt. Tôi hình dung ra
khuôn mặt ba lầm lì và chai sạn, giấu nỗi lo toan lớn phía sau mấy sợi tóc lòa
xòa trước trán. Khuôn mặt bà bác sĩ lập lờ những tia nhìn đồng lõa, trân tráo.
Tôi chào đón hàng trăm khuôn mặt của những người lạ người quen đang nổ tung
trong sự sợ hãi. Tôi thấy mình càng lúc càng bị thu nhỏ lại, những màu sắc trên
cơ thể nhạt dần rồi biến mất.
Cuối cùng, tôi phát hiện mình chỉ còn
là một vệt máu đỏ sền sệt.
Tôi đang trôi tuột.
Tôi đang rơi.
Về phía không người chào đón.
Tôi còn nghe tiếng của mẹ, không phát
ra bằng lời. Phải chăng từ tâm thức?
* * *
“Tạm biệt con của mẹ, đứa con mà mẹ
biết mình sẽ không bao giờ có cơ hội thấy mặt. Con có hiểu cho mẹ không? Con có
thể tha thứ cho mẹ không? Mẹ biết có lẽ điều đó quá xa vời đối với mình. Không
phải vì muốn tiếp tục được sống bên cạnh người đàn ông đó mà mẹ bỏ con, nhưng
mẹ bất lực rồi. Mẹ không thể ê chề mang cái bụng to tướng lên giảng đường. Mẹ
làm sao có thể chăm con khi mình còn gánh trên vài hai năm học đằng đẵng? Mẹ sẽ
kiếm đâu ra tiền để nuôi nấng con thật tốt?
Mẹ không thể cho con một cuộc sống
tốt đẹp, một gia đình đầm ấm. Thôi thì con hãy ra đi, cứ xem như mẹ con chúng
ta chỉ có duyên với nhau đến đây thôi. Nhưng dầu thời gian ít ỏi, dầu chưa thể
ôm ấp con, mẹ cũng đã cảm thấy hạnh phúc khi suốt hai tháng nay được bên con
mỗi ngày. Mẹ xin lỗi con!
Con hãy đi tìm một xứ sở khác, tốt
đẹp hơn. Mai nầy ở cuộc sống mới, mẹ mong con sẽ hạnh phúc, đừng vấp ngã như
mẹ, nghe con!”
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét