Người Hoa định cư tại Trung Bộ và Nam Bộ gồm năm nhóm phương ngữ: Quảng Đông, Triều Châu, Phước Kiến, Hải Nam, Khách Gia. Họ có nhiều nét văn hóa tương đồng bởi vốn cùng một gốc gác, song trong từng nhóm lại có không ít đặc điểm riêng biệt, góp phần phân biệt với các nhóm khác. Trong đó, tục thờ cúng 108 vị Chiêu Ứng Anh Liệt (có nơi gọi là Nghĩa Liệt Chiêu Ứng) đã trở thành đặc trưng văn hóa và cũng là đặc điểm nhận dạng của cộng đồng người Hải Nam. Ngoài ra, thực hành tín ngưỡng nầy còn là một trường hợp đặc biệt, vì bắt nguồn từ sự kiện có thật trong lịch sử Việt Nam.
1. Nguồn gốc tục thờ
108 vị Chiêu Ứng Anh Liệt mà người Hoa
nhóm phương ngữ Hải Nam thờ cúng vốn là những thương buôn đường biển. Trung tuần
tháng 6 âm lịch năm Tân Hợi 1851, họ lên đường về thăm quê ở đảo Hải Nam (Trung
Quốc). Khi đó, chiếc tàu Bằng Đoàn của quân đội triều Nguyễn đang tuần tra trên
biển, do Chưởng vệ Phạm Xích và Lang trung Tôn Thất Thiều chỉ huy. Đến vùng biển
Quảng Ngãi, tàu Bằng Đoàn gặp ba chiếc tàu buôn của người Hải Nam, bèn bắn súng
thần công khiến ba chiếc tàu giong buồm bỏ chạy.
Ba ngày sau, tàu Bằng Đoàn bắt kịp ba
chiếc tàu kia và bắn vỡ một chiếc, một chiếc bỏ chạy, một chiếc bị bắt. Sau khi
khám xét, biết là thương buôn Hải Nam chứ không phải hải tặc, nhưng do trên tàu
có nhiều hàng hóa quý giá, Tôn Thất Thiều và Phạm Xích nổi lòng tham, bèn ra lệnh
giết hết những thương nhân và ném xác xuống biển để chiếm đoạt của cải. Họ báo
về triều đình công lao dẹp được đoàn tàu hải tặc và xin ban thưởng.
Tuy nhiên, vua Tự Đức sanh nghi, vì
đánh nhau với hải tặc mà quân đội không ai bị thương tích gì, trong khi phía
bên kia chết sạch, do đó vua đã cho điều tra lại. Dân gian kể rằng cùng lúc đó,
hôm nọ có nhóm khách đến ăn trong một quán ở phố Gia Hội (Huế) nhưng không đủ
tiền trả, một người bèn tháo chiếc nhẫn mình đang đeo trên tay ra cầm tạm. Bà
chủ quán nhận ra đây là chiếc nhẫn của chồng mình - một thương buôn Hải Nam,
nên đã vào thành đánh trống kêu oan. Lại có lời truyền khẩu rằng oan hồn các
thương buôn đã báo mộng cho vua Tự Đức để xin giải oan.
Đại Nam thực lục chép: “Vua lấy làm ngờ, sai quan bộ Binh đến khám phúc tâu. Rồi thì Đội
trưởng vệ Tuyển phong là bọn Trần Hựu thú rằng: Ngày 18 tháng này, thuyền quan
đậu ở cửa biển Thi Nại, được tin báo có ba chiếc thuyền dị dạng ở phận biển đảo
Thanh Dữ, bọn Xích đuổi theo bắn, thuyền ấy tịnh không bắn đối địch lại, chỉ hướng
về phía đông chạy xa mà thôi. Kịp lúc đến gần một chiếc thuyền ấy, vừa mới bắn
một phát thì thuyền ấy cuốn buồm lại tới thuyền quan, đến 33 người trình thẻ
thuyền. Có kẻ nói rằng nguyên trước ngụ ở phố Thừa Thiên, cùng Tôn Thất Thiều
có quen biết. Nhưng Thiều cho là người buôn gian lậu nên bắt chém. Xích cũng
theo lời, bèn sai bọn Dương Cù (Suất đội Thuỷ sư) đem người trong thuyền giết hết
(76 người ném xác xuống biển)” [Quốc sử quán triều Nguyễn 2006: 205].
Sau khi tra xét rõ ràng, hai kẻ chủ mưu bị xử lăng trì, năm viên quan khác bị xử
trảm, những tòng phạm còn lại bị giáng chức, tịch biên gia sản, đày ra biên ải…
Vụ thảm án khiến vua Tự Đức phải than rằng: “Chúng là một lũ giảo quyệt, tham
lam và độc ác, không có chút nhân tính. Tội chúng là trọng tội! Ôi chao nghĩ đến
mà quả nhân đã thấy run lên vì sợ và quả nhân cảm thấy đau đớn khi diễn đạt sự
độc ác như thế!” [Triệu Phong 2009]. Tác giả Nguyễn Văn Toản [2015: 11] nhận định
bản án đã “thể hiện được sự sáng suốt của vua Tự Đức trong bang giao với Trung
Quốc, nhất là trong chính sách bảo vệ ngoại kiều đến làm ăn, buôn bán với nước
ta, làm cho nước ta không bị Trung Quốc có cớ gây khó dễ về mặt chính trị.”
Về phía các nạn nhân, để an ủi vong hồn người chết oan, vua cho lập trai đàn chẩn tế ở cửa biển Thuận An. Đồng thời, sắc phong cho những vong linh là Chiêu Ứng Anh Liệt và cho phép lập miếu thờ phượng, vì cho rằng họ đã linh ứng sau khi qua đời. Tương truyền, sau nầy các vị ấy thường xuyên hiển linh giúp đỡ nhiều tàu thuyền gặp nạn trên biển. Từ đó, người Hoa Hải Nam lập miếu thờ 108 vị Chiêu Ứng ở những nơi có đông cộng đồng mình sinh sống.
2. Hiện trạng thờ tự
Theo dấu chân lập nghiệp của mình, tục
thờ cúng Chiêu Ứng được cộng đồng người Hoa nhóm phương ngữ Hải Nam mang đi nhiều
nơi, không chỉ ở dãy đất Trung Bộ mà còn có mặt ở Nam Bộ và các nước lân cận.
Ở thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế),
họ thành lập Chiêu Ứng từ, nằm đối diện cồn Phú Cát. Ban đầu, 108 vị Chiêu Ứng Anh
Liệt được phối thờ ở Quỳnh Châu hội quán (miếu thờ Thiên Hậu). Năm 1887, người
Hoa phố Gia Hội quyên góp xây cất riêng ngôi Chiêu Ứng từ, tọa lạc ở vị trí hiện
nay nhưng với quy mô nhỏ. Đến năm 1908, để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của cộng
đồng, ngôi miếu được trùng tu lớn, do các nghệ nhân người Hải Nam đích thân thực
hiện [Triệu Phong 2009]. Đến nay, Chiêu Ứng từ vẫn còn mang giá trị nghệ thuật
cao.
Ở thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam)
có Quỳnh Phủ hội quán, còn gọi là Hải Nam hội quán. Đây là công trình cổ mang đậm
phong cách kiến trúc Trung Hoa. Ngôi miếu được xây dựng năm 1875, vừa là nơi thờ
Chiêu Ứng Anh Liệt, vừa là nơi sinh hoạt cộng đồng người Hoa Hải Nam tại địa
phương. Đến nay, dù đã trải qua hơn trăm năm, công trình vẫn được bảo tồn gần
như nguyên vẹn và trở thành điểm đến thu hút du khách ở Hội An.
Tại thành phố Đà Nẵng có chùa Chiêu Ứng với quy mô lớn, tên chính thức là Chiêu
Ứng Công từ, nhưng dân gian quen gọi là chùa. Chùa được trùng tu như kiến trúc
hiện nay vào năm 1968, giữa sân có bát giác đình thanh tao và trang nhã. Chánh điện
còn trân tàng một di vật có giá trị là lá cờ tương truyền của vua Tự Đức truy tặng
với dòng chữ “Sắc phong Chiêu Ứng Anh Liệt, phổ phong Dực Bảo Trung Hưng” [Nguyễn
Văn Hoàn 2013].
Tỉnh Khánh Hòa có hai miếu thờ 108 vị
Chiêu Ứng. Chiêu Ứng từ ở phường Vĩnh Nguyên (thành phố Nha Trang) có cách nay
hơn một thế kỷ, nhưng không rõ chính xác năm xây dựng. Ban đầu miếu tọa lạc ở đảo
Trí Nguyên, đến năm 1933 do chiến tranh nên được dời vào vị trí hiện nay [Hàng
Quốc Định 2011]. Ở thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh) cũng có Chiêu Ứng từ, người
địa phương quen gọi là chùa Tàu. Ngôi miếu ra đời từ năm 1851 và cũng đã được
vua Tự Đức ban sắc phong [Nguyễn Man Nhiên 2007].
Ở cực Nam tổ quốc có Hải Nam cổ miếu,
nằm ở trung tâm thành phố Cà Mau (tỉnh Cà Mau). Ngôi miếu vốn dĩ là Chiêu Ứng từ,
nơi thờ 108 vị Chiêu Ứng Anh Liệt. Sân miếu có bia đá lớn với nội dung viết bằng
chữ Hán và Quốc ngữ: “Sắc phong bách bát anh linh, sắc phong Chiêu Ứng Anh Liệt,
tấn phong Dực Bảo Trung Hưng, Tự Đức tứ niên thập nhị nguyệt thất nhật.”
Ngoài những ngôi miếu tiêu biểu kể
trên, trải dài khắp các tỉnh từ duyên hải Trung Bộ đến Nam Bộ, tục thờ Chiêu Ứng
dưới hình thức thờ chính hoặc phối thờ còn có mặt ở nhiều nơi như Phan Rang,
Sài Gòn, Kiên Giang… Thậm chí tín ngưỡng nầy còn được mang đến các nước lân cận
mà người Hải Nam có mặt như Indonesia, Maylaysia… cũng dưới hình thức lập miếu
thờ hoặc phối thờ bài vị trong một ngôi miếu khác [Nguyễn Ngọc Thơ 2017: 40]. Tại
nguyên quán những thương nhân tử nạn là đảo Hải Nam, miếu Chiêu Ứng được xem là
“miếu tổ” với quy mô lớn hơn hết so với các nơi khác. Bên cạnh đó, đảo Hải Nam
“còn có không biết bao nhiêu chùa cô hồn dọc theo mé biển đã lập ra gần một thế
kỷ rồi […] nhứt là trong những xóm có tàu buôn và tàu đánh cá, vì họ thường
linh đinh trên mặt bể” [Nghê Văn Lương 1972: 174].
3. Giá trị văn hóa
Trong quá trình phát triển của cộng đồng
người Hoa Hải Nam ở Trung Bộ và Nam Bộ, ý nghĩa trọng tâm của tục thờ cúng
Chiêu Ứng biến đổi theo thời gian. Ban đầu, họ thờ Chiêu Ứng với ý nghĩa tưởng
nhớ người đã khuất. Bên cạnh đó, trong hoàn cảnh giao thương đường biển đầy bất
trắc thời bấy giờ, họ thờ Chiêu Ứng còn nhằm gởi gắm sự cầu mong được phò hộ an
toàn cho những chuyến hải trình của mình. Dần dần qua thời gian, đời sống phát
triển, tín ngưỡng Chiêu Ứng trở thành biểu tượng văn hóa đặc thù giúp người Hải
Nam thể hiện những giá trị đặc sắc cộng đồng, khu biệt và nhận dạng cộng đồng
mình với những cộng đồng người Hoa khác.
Tóm lại, tục thờ cúng 108 vị Chiêu Ứng
Anh Liệt của người Hoa nhóm phương ngữ Hải Nam bắt nguồn từ một sự kiện có thật
trong lịch sử Việt Nam dưới triều Nguyễn. Hơn trăm năm qua, người Hoa Hải Nam đã
mang theo tục thờ nầy đến nhiều nơi trên đường lập nghiệp. Từ một hình thái tín
ngưỡng của cộng đồng, qua thời gian nó đã được nâng lên thành biểu tượng góp phần
kiến tạo bản sắc tập thể.
VĨNH THÔNG
(Bài đăng trên Tạp chí Nguồn
sáng dân gian, số 2, 2018 & in
trong sách Phong vị Nam Hà, Nxb Tổng hợp TP.HCM, 2024)
_______________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Hàng
Quốc Định (2011), “Sử tích Chiêu Ứng từ tại Nha Trang”, Website Trung học Khải Minh (www.khaiminh.org), 8/11/2011.
2. Nghê
Văn Lương (1972), Cà Mau xưa và An Xuyên
nay, Trung tâm Học liệu Bộ Giáo dục.
3. Nguyễn
Man Nhiên (2007), “Vạn Ninh đất và người”, Website
Văn chương Việt (www.vanchuongviet.org), 6/8/2007.
4. Nguyễn
Ngọc Thơ (2017), Tín ngưỡng Thiên Hậu
vùng Tây Nam Bộ, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật.
5. Nguyễn
Văn Hoàn (2013), “Vài nét về sinh hoạt tín ngưỡng của bang hội người Hoa Hải Nam ở thành
phố Đà Nẵng”, Tạp chí Huế xưa và nay,
số 115.
6. Nguyễn
Văn Toàn (2015), “Các giai thoại vụ án dưới triều vua Tự Đức”, Tạp chí Văn hóa Phật giáo, số 228.
7. Quốc
sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam thực
lục, Viện Sử học dịch, Tập 7, Nxb Giáo dục.
8. Triệu
Phong (2009), “Thăm Chiêu Ứng từ ở Huế và nhìn lại vụ án thảm sát 108 người Hoa
dưới triều Tự Đức”, Tạp chí Hợp Lưu,
số 98.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét