Trong bài ca cổ Tôi mến làng tôi của soạn giả Viễn Châu do Hề Minh ca, có đoạn nhân vật “tôi” kể với khách: “Tôi nghĩ dầu gì mình cũng là cốt cách nhà nho, bởi vậy nên hồi Tết năm rồi tôi bảo sắp nhỏ nó mua một bức hoành phi có đề ba chữ “đức lưu phương” treo giữa bàn thờ và ngoài cổng còn ràng ràng hai câu đối đỏ”...
Trong truyện ngắn Đức lưu phương của tác giả Vĩnh Thông đăng trên Tạp chí Văn nghệ quân đội số tháng 6-2015, nhân vật “bác Ba” đã giải thích với hai đứa trẻ là Kim và Nhân ý nghĩa của ba chữ “đức lưu phương”: “Nghĩa là đức của dòng tộc mãi lưu truyền danh thơm. Nhớ nghe tụi bây!”. Trong truyện ngắn này, cụm từ “nhớ nghe...” được lặp lại nhiều lần và ở cuối được thay đổi bằng các nhân vật phù hợp, như một sự nhắc nhở hãy ráng gìn giữ ngôi nhà cổ có bức hoành phi kia, cũng như ráng làm sao giữ cái truyền thống tốt đẹp để “đức của dòng tộc mãi lưu truyền danh thơm”...
Trước đây, ba chữ “đức lưu phương” thường được chạm trên gỗ thành một bức hoành phi và sơn phết cẩn thận, đặt ở gian thờ chính hoặc treo trước cửa nhà một cách trang trọng. Ngày Tết, người ta quét dọn nhà cửa gọn ghẽ, sắp xếp lại bàn thờ, lau chùi lư hương, sơn phết các cột, thay mới hoặc vẽ lại các bức hoành phi, câu đối. Dĩ nhiên, bức hoành phi có chữ “Đức lưu phương” cũng được sửa soạn lại một cách trân trọng. Đó là một thói quen, một tập tục ít nhiều mang một giá trị tín ngưỡng: có niềm tin chân thành vào một sự phù hộ của ông bà, của tiền nhân, đồng thời thể hiện tinh thần thành kính người xưa và các giá trị mà người ta cho là vững bền với tháng năm.
Cũng có người giải thích “đức lưu phương” là lời khuyên răn người trong gia đình, dòng tộc phải hành thiện, tích đức để con cháu được tiếng thơm và hưởng phước. Cách giải thích này có phần thực dụng hơn nhưng rõ ràng cũng là lời kêu gọi có tác động tích cực và cũng phù hợp với quan niệm của người Việt: “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”.
Dù nhìn nhận ở góc độ nào thì người xưa cũng rất chú trọng vấn đề đạo đức và để đức cho con cháu. Ca dao có câu: “Người trồng cây hạnh người chơi/Ta trồng cây đức để đời mai sau”. Trồng cây hạnh thì để chơi đôi ba năm (làm kiểng) nhưng trồng cây đạo đức thì để cả đời mà cũng còn để lại cho mai sau con cháu có thể hưởng quả thơm trái ngọt. Điều này còn mang một ý nghĩa sâu sắc nữa đó là việc “trồng đức” có thể không nhìn thấy kết quả ngay mà là sự tích lũy lâu dài, từng chút một, thế hệ này “trồng” thế hệ sau sẽ được hưởng.
Ông bà ta đã đúc kết: “Ở có đức mặc sức mà ăn”. Ca dao thì có câu: “Ở hiền thì lại gặp lành/Những người nhân đức Trời dành phúc cho”. Tức là làm việc tốt, sống tử tế sẽ có kết quả tốt đẹp, mà lắm khi những điều đó có sự mầu nhiệm, như là báo ứng của đấng tối cao. Nhiều người vẫn thường kể cho nhau nghe chuyện về những người gặp tai nạn lớn hay lâm trọng bệnh nhưng vẫn vượt qua được đó là do bản thân họ hoặc gia đình, dòng tộc họ có phước lớn, mạng lớn. Quan niệm này có phần nặng về tâm linh nhưng không phải không thể lý giải được, và cũng không phải không từng có trong thực tế cuộc sống - dẫu là ngẫu nhiên hay có một “huyền cơ” nào đó - thì cũng có ý nghĩa động viên mọi người năng hành thiện tích đức. Chẳng hạn một người hay làm việc thiện, sống chan hòa với mọi người, khi có đứa con bị bệnh thập tử nhất sinh thì được nhiều người khác vì cảm ân đức của người cha mà dốc lòng, thậm chí hy sinh để cứu chữa. Những điều tương tự không hiếm trong cuộc sống, luôn có tác dụng khích lệ con người sống tốt hơn. Bởi vậy, ca dao cũng nhắc nhở chúng ta: “Cây xanh thì lá cũng xanh/Cha mẹ hiền lành để đức cho con”...
Ông bà ta cũng cảnh báo: “Khúc sông bên lở bên bồi/Bên lở lở mãi, bên bồi bồi thêm”. Nếu đời trước không có đức, không vun bồi âm đức thì đời sau sẽ càng tệ rạc, thê thảm. Hẳn thực tế đã chứng minh không chỉ bằng hình tượng khúc sông bồi lở. Có những gia đình cha mẹ buôn gian bán lận, đầu trộm đuôi cướp thì con cái gần như đều hư hỏng. Và nếu những người con đó không nỗ lực sửa đổi thì thế hệ sau lại càng kém hơn. Nói “báo ứng” theo duy tâm cũng được mà lý giải theo quan điểm duy vật cũng không sai!
Từ ý nghĩa rất hay của ba chữ “đức lưu phương”, ở Sài Gòn ngày xưa có một nhà in danh tiếng mang tên Đức Lưu Phương. Chủ nhân là ông Trương Văn Tuấn (chồng bà Nguyễn Thị Hương). Có tài liệu ghi rõ bà Hương là con gái của Thái đầu sư Nguyễn Ngọc Thơ (1873-1950), chức sắc tiền khai thuộc Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh. Nhà in này có địa chỉ ở 158 rue d’Espagne (đường Lê Thánh Tôn ngày nay), tồn tại trong khoảng thập niên 1920-1930. Một số tác phẩm của Lê Hoằng Mưu đã được in tại đây như Đầu tóc mượn (1926), Đêm rốt của người tội tử hình (1929), Người bán ngọc (1931); hay các tác phẩm của Hồ Biểu Chánh như Cười gượng (1935), Một đời tài sắc (1935), Nợ đời (1936), Tại tôi (1938), Cha con nghĩa nặng (1938)... Nói về nhà in này có lẽ cần thêm những nghiên cứu làm rõ vai trò đối với việc truyền bá văn hóa ở nước ta trước năm 1945, nhưng nhìn qua các tác phẩm như vừa nêu, có thể hiểu phần nào tôn chỉ hoạt động của những người sáng lập và điều hành nhà in.
Với lời dặn dò “đức lưu phương”, rõ ràng ông cha ta trước đây đã có một quan niệm rất tích cực trong việc dạy dỗ con cháu nói riêng và trong việc lưu giữ các giá trị sống tốt đẹp, trong đó, phải sống có đức - từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tiếc rằng quan niệm đó hiện nay đã nhạt nhòa, thậm chí có nhiều thay đổi, do tác động của nhiều yếu tố. Phải chăng khi kêu gọi gìn giữ các giá trị văn hóa mang tính bản sắc của dân tộc thì cũng nên nói nhiều hơn về quan niệm “đức lưu phương” một thuở?
NGUYỄN MINH HẢI
Tác giả giữ bản quyền, vui lòng ghi rõ nguồn khi sử dụng nội dung này.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét