Ở Nam Bộ, “láng” là danh từ dân gian dùng để chỉ vùng đất trũng thấp và thường xuyên ngập úng, người xưa gọi là nê địa. Thật không khó để kể đến những Láng Bà, Láng Cháy, Láng Thé, Láng Cát… Ở tỉnh An Giang có một vùng láng nổi tiếng, đó là Láng Linh. Tên gọi ấy có nhiều cách giải thích khác nhau, người thì cho rằng linh nghĩa là linh thiêng, có người lại lý giải linh nghĩa là linh binh trời nước.
Đồng Láng Linh gắn liền với rừng Bảy
Thưa, bởi nơi đây là địa bàn hoạt động của nghĩa binh Gia Nghị chống Pháp trong
giai đoạn 1867 - 1873, tức là khi Nam Kỳ mới rơi vào tay giặc. Người đời sau lấy
địa danh để dùng làm tên cuộc khởi nghĩa là khởi nghĩa Láng Linh - Bảy Thưa. Lãnh
tụ của cuộc khởi nghĩa là Quản cơ Trần Văn Thành, người dân địa phương gọi ông
là Đức Cố Quản, hay đơn giản chỉ là Ông Cố, với niềm tôn kính xem ông như người
thân trong gia đình.
Sở dĩ địa danh Láng Linh và Bảy Thưa
đi sóng đôi cùng nhau vì vùng đất trũng phèn rộng lớn nầy có mọc nhiều cây trát
thưa, gọi tắt là cây thưa, một loài cây rừng có nhiều ở xứ nầy. Ca dao xưa có
câu: “Bãi bồi mọc những trát thưa / Thương em đi
sớm về trưa một mình.” Từ “Bảy Thưa” đúng ra phải là “Bãi Thưa” với ý nghĩa bãi
đất mọc nhiều cây trát thưa, do gọi lâu dần thành quen và trở nên sai lệch.
Tuy nhiên, cây thưa ngày nay còn rất hiếm, bởi sau khi đàn áp cuộc khởi nghĩa
vào đầu năm 1873, quân Pháp đã phóng hỏa thiêu đốt toàn bộ cánh rừng Bảy Thưa
trong suốt mấy ngày liền.
Vùng Láng Linh - Bảy Thưa hoang vu
ngày ấy, giờ đây trở thành cánh đồng mênh mông nằm ở trung tâm vùng Tứ giác
Long Xuyên. Nơi đó, kinh rạch chi chít, nằm xen lẫn giữa những mảnh ruộng tha
thướt, những vùng quê thanh bình. Kinh rạch nhiều
như thế đủ để chứng tỏ thế mạnh nông nghiệp ở đây. Thật không dễ gì nhớ hết tên
kinh rạch xứ nầy nếu không phải là người làm nông kỳ cựu!
Đó là những kinh rạch dẫn nước từ
sông Hậu vào đồng lúa như kinh Chắc Cà Đao, mương Út Xuân, mương Trâu, kinh ông
Quýt, kinh Thầy Phó, kinh xáng Cây Dương, kinh xáng Vịnh Tre, kinh Cần Thảo… Rồi
nào là kinh rạch giữa những cánh đồng thì còn “la liệt” như kinh Ranh, kinh Bốn Tổng, kinh Ba Xã, mương Hào Sương,
kinh Ba Thê, kinh Núi Chóc… Kinh rạch quá nhiều, đến độ không biết tìm đâu ra
tên để đặt nữa, người dân bèn dùng cách đánh số: kinh Hai, kinh Tư, kinh Bảy,
kinh Mười, kinh Mười Ba… Thậm chí, ở đây còn có điều thú vị, nếu chiếc cầu bắc
ngang kinh rạch chưa có tên, thì người ta sẽ lấy tên chủ ngôi nhà cạnh đó để đặt.
Chẳng hạn, chiếc cầu nằm cạnh nhà bà Năm làm bà mụ (nghề đỡ đẻ) được gọi là cầu
Năm Mụ.
Do là vùng trũng,
nên nét đặc trưng của Láng Linh là mùa nước nổi từ khoảng tháng Bảy đến tháng Mười âm lịch hằng năm. Đó
là lúc nước sông Mekong đổ mạnh về đồng bằng sông Cửu Long, hai dòng Tiền - Hậu sậm màu
phù sa chảy xuôi về hạ lưu. Đúng ra là mùa lũ, nhưng sở dĩ người miền Tây gọi
là mùa nước nổi vì nước dâng lên từ từ mỗi ngày, chậm rãi và hiền hòa. Tuy
nhiên, có năm nước về sớm, có năm về muộn, có năm mực nước cao, có năm lại thấp.
Vào thời điểm đỉnh lũ, đồng Láng Linh
chìm giữa bốn bề sông nước mênh mông. Quang cảnh chung quanh không thể phân biệt
được đâu là đường đê, đâu là đồng ruộng, đâu là kinh rạch, trừ vùng đồi núi Thất
Sơn bàng bạc xa xa. Cung cách sinh hoạt cũng trở nên thú vị trong mắt khách lạ
khi mọi thứ đều ở trên xuồng, thong dong giữa bạt ngàn nước. Giữa cánh đồng,
nhiều ghe xuồng di chuyển băng băng trên sóng nước. Có thể là ghe chở hàng, hoặc
cũng có thể là ghe chày cá, không ngớt xuôi ngược.
Mùa nước nổi về mang phù sa bồi đắp
ruộng đồng và nguồn lợi thủy sản to lớn cho miền Tây. Sáng sớm là lúc những người
đánh bắt cá gỡ những mẻ lưới sau một đêm dài thao thức chờ đợi thu hoạch.
Trong mẻ lưới, nào là cá rô, cá mè vinh, nào là cá lóc, rồi cá sặc, nhưng đặc
biệt nhứt vẫn là cá linh. Cá linh được gọi như thế vì theo ông bà ngày xưa, hễ
cứ tới mùa nước lên là cá con lại từ thượng nguồn đổ về các sông rạch miền Tây,
rồi sau đó trôi theo nước để lớn dần. Khi nước rút, cá đã lớn, chúng lại bơi
ngược về thượng nguồn. Năm nào cũng vậy, đúng thời điểm và không bao giờ sai hẹn,
cho nên gọi là cá linh, với hàm nghĩa chữ “linh” là linh tánh.
Láng Linh xưa là vùng đất nghèo, bài
vè của một tu sĩ tên là Vương Thông đầu thế kỷ XX miêu tả nơi đây: “Trích cò
nghe át la vang / Đậu khoai nuôi bữa, bắp rang đỡ lòng.” Song, đâu cần phải nói
đến chuyện xưa, mãi đến tận những năm đầu thế kỷ XXI, nơi đây vẫn còn nghèo.
Nói đến Bình Chánh, Bình Phú, Thạnh Mỹ Tây, Ô Long Vĩ… người ta nghĩ đến vùng
heo hút, đi lại khó khăn, trong các văn bản hành chánh hay các phương tiện truyền
thông hay dùng cụm từ “vùng sâu vùng xa” với ý nói xa trục lộ chính và trung
tâm kinh tế lớn.
Nhưng giờ đây, cụm từ đó không còn được
sử dụng nữa, thay thế một cách nhẹ nhàng hơn, người ta gọi là “các xã vùng
trong”. Thật vậy, “vùng trong” chỉ đơn thuần mang ý nghĩa xác định vị trí, Láng
Linh đã không còn “sâu xa” nữa. Hai con đường lớn đi vào các xã vùng trong là
đường Nam Vịnh Tre chạy dọc theo kinh xáng Vịnh Tre và đường Nam Cây Dương chạy
dọc theo kinh xáng Cây Dương được nâng cấp thành tỉnh lộ, nối huyện Châu Phú với
Châu Thành và Tri Tôn.
Trên đường điền dã, chú ý những địa
danh là một điều thú vị, qua đó ta sẽ phần nào hiểu thêm về một vùng đất. Không
phải vậy sao? Khi đặt tên Ô Long Vĩ, người ta đã muốn nói đến một vùng đất khốn
khó, cái đuôi của con rồng đen. Nhưng rồi trong khốn khó ấy, hoài bão của người
dân vẫn hừng hực sáng lên, thể hiện qua những cái tên đầy hy vọng như Thạnh Mỹ
Tây, Vĩnh Thạnh Trung, Bình Mỹ, Bình Phú… Và đặc biệt là địa danh Châu Phú -
vùng đất giàu có.
Tất cả những mong ước của dân gian gửi gắm vào vùng đất nầy như lời hứa hẹn về một tương lai hạnh phúc rồi sẽ mở ra phía trước. Chúng dễ thương như những câu dân ca của các chàng trai cô gái miệt biên thùy Tây Nam thề nguyện cùng nhau:
“Con nước mênh mông trổ vàng bông
điên điển
Anh có thương em thì ở lại đây
Can chi phải xuống biển, lên rừng
Nói đi anh, đừng có ngập ngừng
Chết thì chung nhau chết, chớ đừng vội xa nhau.”
VĨNH THÔNG
(Tác phẩm đăng trên Tạp chí
Văn hóa các dân tộc, số 9 + 10, 2017)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét