Có lẽ khi mới tìm hiểu về bản sắc,
nhiều người có thể đưa ra những cách hiểu theo quan điểm của mình. Nhưng khi
càng đi sâu vào thế giới bản sắc, chúng ta lại càng thấy nó mơ hồ. Nói đến bản
sắc, nếu như ở Việt Nam thường thiên về cộng đồng và gắn với những giá trị cụ
thể, thì ở phương Tây lại thiên về cá nhân và gắn với thế giới ý niệm. Dẫu khác
là vậy, nhưng chúng ta không thể phủ nhận văn hóa luôn biến đổi và bản sắc
không nằm ngoài quy luật đó. Vì thế, bản sắc không chỉ cần được bảo tồn mà còn
phải luôn được kiến tạo. Kiến tạo bản sắc là chủ đề được các nhà khoa học thế giới quan tâm, nhưng ở
Việt Nam vẫn chưa được chú ý nhiều.
Với Tết cổ truyền, sau hàng ngàn năm tồn tại
cùng vận mệnh thăng trầm của dân tộc, dù trải qua biết bao thay đổi cho phù hợp
với từng thời đại, nhưng nó vẫn luôn giữ vai trò quan trọng trong việc kiến tạo
bản sắc người Việt. Mặc dù đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về Tết, nhưng đa
phần theo hướng phân tích những nét đẹp văn hóa của nó, vấn đề mối quan hệ và
vai trò giữa Tết với kiến tạo bản sắc vẫn còn tương đối mới mẻ. Ở đây, chúng
tôi bước đầu diễn giải một số giá trị nội tại tiêu biểu trong văn hóa Tết, từ
đó phân tích tác động của nó đến việc kiến tạo bản sắc cá nhân và cộng đồng.
2. Bản sắc và kiến tạo bản sắc
2.1. Bản sắc cá nhân
Đầu tiên phải nói rằng, thuật
ngữ “bản sắc” vốn dĩ trước đây không có trong văn hóa phương Đông. Người Nhật Bản khi tiếp xúc
với văn hóa phương Tây đã gặp từ “identity” mà không có từ ngữ tương ứng để dịch,
phải mượn hai chữ gốc Hán là “bản” và “sắc”. Về mặt từ ngữ, bản sắc được hiểu một cách dễ dàng nhứt
là cái gốc (bản) được thể hiện ra bên ngoài (sắc).
Ở phương Tây, khái niệm identity thường nghiêng về cá
nhân. “Trong tiếng Anh, từ identity có nghĩa là
đồng nhất. Sự đồng nhất hoá làm nên bản sắc của một đối tượng”
[Trần Long 2008]. Bản sắc được hiểu là ý niệm của cá
nhân về bản thân mình trong cộng đồng mà mình đang hiện hữu. Nó giúp mỗi
người cảm nhận sự tồn tại và vị trí của mình trong các mối quan hệ xung quanh,
từ đó mang đến cho họ sự tự ý thức về cội nguồn, phẩm giá, kinh nghiệm… cùng với
những kỳ vọng về cộng đồng ấy.
Với cách hiểu trên, theo Nguyễn Văn Hiệu [2017: 327] nhận định bản sắc là vấn đề có tính bản thể luận, vì mỗi người đều có nhu cầu xác định căn
tính bản thân, trả lời cho câu hỏi tôi là ai, tôi thuộc về đâu trong quan hệ với
kẻ khác và cộng đồng khác. Như
vậy suy cho cùng, bản sắc trong cách nhìn nhận của người phương Tây là ý niệm về
sự tồn tại của bản thân trong quan hệ xã hội: tôi là ai và những gì làm nên
tôi?
Ngược lại ở Việt Nam, bản sắc lại thường đi liền với văn hóa và dân tộc. Do
đó, chúng ta thường nghe nhắc đến “bản sắc văn hóa” hay “bản sắc dân tộc”, mà hầu
như hiếm khi nghe nói về “bản sắc cá nhân”.
2.2. Bản sắc văn hóa
Bản sắc văn hóa hay bản sắc cộng
đồng, bản sắc tộc người, bản sắc quốc gia… là những thuật ngữ được phân biệt với
bản sắc cá nhân. Theo S. Hall, D. Held và T. McGrew [1992: 274]: “Bản sắc văn hóa là những khía cạnh
của bản sắc cá nhân chúng ta phát sinh từ sự ‘thuộc về’ những đặc tính tộc người,
ngôn ngữ, tôn giáo và trên hết là văn hóa dân tộc của họ”. Trong khi đó, các nghiên cứu ở Việt Nam
thường cho rằng bản sắc văn hóa là những giá trị nền tảng, cốt lõi, bền vững… của một nền văn hóa. Chúng là những
biểu hiện đặc trưng nhứt, góp phần khu biệt và nhận diện nền văn hóa ấy với những
nền văn hóa khác.
Chúng ta dễ dàng nhận thấy sự khác biệt trong hai quan điểm về bản sắc văn hóa nói trên. Ở môi trường học thuật
phương Tây, dù bản sắc văn
hóa dù được phân biệt với bản sắc cá nhân, nhưng nó vẫn là vấn đề thuộc về ý niệm và nghiêng
về cá nhân. Rõ ràng, bản sắc
văn hóa được hiểu là sự tự nhận thức bản thân mình thuộc một cộng đồng văn
hóa nhứt định, từ đó sự tự nhận thức nầy được biểu hiện ra những hành vi bên
ngoài. Ở Việt Nam, bản sắc văn hóa lại thường thiên về các đặc điểm hay sản phẩm
văn hóa cụ thể.
Tác giả Trần Long [2008] đưa ra một
cách hiểu về bản sắc văn hóa khá gần gũi với quan điểm phương Tây: “Bản sắc văn
hóa được thể
hiện trên cả hai bình diện vật thể và phi vật thể. Tuy nhiên, bản sắc văn hóa không phải là các sự vật hiện tượng
cụ thể, cũng không phải là các phương
thức về y dược, ẩm thực, âm nhạc, hội họa… Bản sắc
văn hóa là ý thức của chủ thể trong quá trình sáng
tạo, giao lưu, tiếp biến, giữ gìn, phát triển văn hoá dân tộc” (những chỗ in
nghiêng do chúng tôi nhấn mạnh).
2.3. Bản sắc được kiến tạo trong vận động và biến đổi
Nếu nói về bản sắc như cách hiểu trước nay là những gì đặc thù nhứt mang
tính nhận diện một nền văn hóa, chúng ta sẽ thường nghĩ đến những giá trị văn
hóa được tích lũy lâu đời và bền vững qua thời gian. Có lẽ vì nhận thức nầy,
nên ở Việt Nam khi nói đến bản sắc chúng ta đã khá quen thuộc với cụm từ “bảo tồn
và phát huy”.
Nhưng nếu hiểu bản sắc thuộc về ý niệm, nó sẽ thường xuyên thay đổi. Văn
hóa vốn không đứng yên, nên bản sắc cũng luôn vận động. Chẳng hạn, người Việt
thế kỷ XX và con cháu họ ở thế kỷ XXI đều ý thức rõ sự “thuộc về” của mình với
cội nguồn, nhưng bản sắc của hai thế hệ không hoàn toàn giống nhau. S. Hall, D. Held và T. McGrew [1992: 277] đánh giá bản sắc được hình thành
và biến đổi liên tục, liên quan đến phương thức chúng ta thể hiện hoặc giải quyết
trong hệ thống văn hóa xung quanh. Do đó, trong chúng ta có những bản sắc trái
ngược nhau, dẫn đến những định hướng khác nhau và những nhận dạng liên tục thay
đổi.
Như vậy, bản sắc không chỉ là những cái ổn định đã có từ quá khứ, mà còn được
điều chỉnh và vun bồi bởi chủ thể văn hóa ở hiện tại và tương lai. Cho nên, không
chỉ bảo tồn hay phát huy, mà kiến tạo
cũng là nhân tố then chốt định hình bản sắc. Tuy nhiên, như một nghiên cứu từng
nhận định, “nhiệm vụ kiến tạo bản sắc - một vấn đề
trung tâm trong ứng xử của các quốc gia trước sự ảnh hưởng của hệ tư tưởng toàn
cầu hóa, vẫn chưa được đánh giá đầy đủ” [Trần Thiện Khanh 2014].
2. Tết cổ truyền kiến tạo bản sắc người Việt
Trước khi nói về Tết, phải khẳng định rằng đời sống
tâm linh là một phần căn cốt để mỗi con người tồn tại hài hòa và bền vững. Từ
đó, chúng ta dễ dàng nhận thấy những yếu tố tâm linh chiếm vị trí quan trọng
trong văn hóa Tết cổ truyền của dân tộc. Trong Tết có một thứ chúng tôi tạm gọi
là “cảm thức thiêng”, điều nầy không thể tạo ra một cách duy ý chí. Năm mới ở
phương Tây đánh dấu chuyển đổi chu kỳ thời gian, vì thế nó là cuộc vui. Trong
khi Tết Việt lại mang diện mạo như một dạng thức thực hành tín ngưỡng, người ta
quan tâm đến tổ tiên / dòng tộc / gia đình nhiều hơn việc chuyển đổi chu kỳ thời
gian.
Xin thử nêu ra một so sánh về
đêm Giao thừa. Nếu như ở phương Tây hàng ngàn người tụ tập ở quảng trường cùng
đếm ngược để chào năm mới, thì không gian đón Giao thừa của người Việt vừa hẹp
hơn cũng lại vừa rộng hơn. Hẹp vì nó chỉ của riêng từng gia đình. Còn rộng vì,
về “chiều ngang” nó kết nối cả dân tộc cùng hòa mình và cảm nhận giống nhau về
sự thiêng liêng trong một khoảnh khắc, về “chiều dọc” nó kết nối nhiều thế hệ
trong gia đình kể cả kẻ còn lẫn người mất. Có lẽ hiếm có ai muốn đón Giao thừa ở
quảng trường với hàng ngàn người, mà ai cũng muốn có mặt ở nhà trong thời điểm
đặc biệt nầy, dù lúc đó ngôi nhà có thể chỉ vỏn vẹn vài người.
Sau Giao thừa, những ngày tiếp
theo của năm mới Âm lịch tiếp tục được xem là những khởi đầu thiêng liêng. Quan
niệm nầy hiếm thấy trong văn hóa phương Tây, họ vẫn xem những ngày đầu năm mới
có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhưng ít đặt nặng “cảm thức thiêng” như trong
văn hóa phương Đông. Ý niệm hướng về cội nguồn luôn thường trực trong tâm khảm
người Việt, nên trong những ngày đầu năm mới, việc trở về bái vọng tổ tiên được
mọi người xem như một phần trách nhiệm với cội nguồn. Nhiều người cho rằng nếu
Tết không về quê cúng ông bà sẽ xui xẻo cả năm. Dẫu chỉ là quan niệm dân gian,
nhưng xét về mặt tâm lý, nếu những hành vi đã được cộng đồng mặc định như
“nghĩa vụ” chung mà cá nhân không thực hiện được sẽ có cảm giác day dứt không
yên.
Suốt những ngày Tết dù mang bản
chất lễ hội, nhưng nó còn là lúc mọi người nghĩ đến phẩm giá bản thân và điều
chỉnh hành vi. Khi đứng giữa thời gian - không gian thiêng, đứng trước các thế
hệ tổ tiên đã khuất, đứng bên cạnh những người thân yêu đang hiện diện trong
gia đình… mỗi người sống chân thật hơn và nghĩa tình hơn. Lúc ấy, họ nhìn nhận
những điểm ưu - khuyết của bản thân một cách tỉnh táo hơn. Điều đáng nói ở đây,
sự soi xét ấy mục đích quan trọng hơn cả vẫn là để nhắc mình sống sao cho xứng
đáng với truyền thống dòng họ. Nói như Chris Barker [2011: 298]: “Khám phá bản sắc nghĩa là tìm hiểu
chúng ta nhìn nhận bản thân như thế nào và những người khác nhìn thấy chúng ta
như thế nào”.
Nếu là những lễ hội thông thường
có thể họ không cần nghĩ đến điều đó, hoặc ngược lại họ cũng có thể nghĩ đến nó
suốt 365 ngày trong năm chứ cần gì phải đợi đến Tết? Rõ ràng, mỗi người có thể
tự điều chỉnh hành vi của mình hằng ngày với những mức độ khác nhau, nhưng dường
như họ vẫn cần một cột mốc quan trọng để chuyển đổi - một “ngưỡng” để tự nhìn lại
và vượt qua. Có thể nói, Tết là dịp
để mỗi người trở về với chính mình cùng những giá trị sâu thẳm nhứt từ thế giới nội tâm.
Nếu người phương Đông đề cao sự kết hợp thăng hoa giữa
thiên - địa - nhân, thì Tết Việt chính là một trong những thông điệp sâu sắc về
sự kết hợp ấy, nhằm dạy cho con người biết
sống hòa hợp với tự nhiên. Tết không phải chỉ là điểm giao thoa chu kỳ dành
riêng cho con người, mà như ông cha ta thường nói: đất trời vạn vật vào xuân. Từ
ngàn xưa, người Việt đã chia sẻ và truyền lưu bài học ấy để mỗi thế hệ, mỗi
năm, họ lại nhập thân văn hóa với Tết.
Tóm lại, “cảm thức thiêng” vẫn
là yếu tố then chốt trong các giá trị và biểu hiện của văn hóa Tết. Chúng ta có
ăn Tết, sắm Tết, chơi Tết… nhưng nếu không có những điều ấy vẫn không sao. Ngược
lại, có một điều quan trọng hơn cả và không thể không có, đó là… cúng Tết! Nếu không
còn những yếu tố tâm linh, Tết thật sự không còn ý nghĩa. Giả sử chúng ta đặt
ra những câu hỏi: tại sao phải cúng Tết, cúng mang đến trạng thái gì, không
cúng thì sao… để mỗi người tự tìm câu trả lời riêng mình, chắc hẳn cũng là một
cách “nho nhỏ” để góp phần nhìn nhận rõ hơn về bản sắc.
Ngày nay, quá trình tiếp xúc Đông - Tây làm thay đổi
không ít diện mạo văn hóa Tết. Dù mất đi những yếu tố truyền thống, nhưng bù lại
chúng ta cũng đón nhận những yếu tố hiện đại để bổ sung, làm mới, làm giàu cho
Tết. Đây còn là cơ hội để quảng bá nét đẹp của Tết dân tộc ra thế giới. Không khước
từ hội nhập, vấn đề là ý thức về bản sắc và bản lĩnh của chủ thể văn hóa trong tiến
trình ấy. D.P. Schafer đã khẳng định “Người ta không thể đi rất
xa trên con đường mang nhiều vẻ mà không gặp nhu cầu về bản sắc, đó là nền
tảng của toàn bộ sự tồn tại của con người” [dẫn theo Mai Văn Hai & Mai Kiệm, 2018: 223].
3. Thay lời kết
Tết Việt kiến tạo bản sắc người
Việt vì nó mang đến cho họ cảm nhận rõ hơn sự hiện hữu của mình trong mối quan
hệ với cộng đồng. Hơn lúc nào hết, những ngày Tết là lúc mỗi người ý thức sâu sắc
nhứt về cội nguồn, góp phần giúp họ điều chỉnh hành vi ứng xử để xứng đáng với
ông cha. Từ ý niệm thiêng liêng đó, mỗi người đặt những kỳ vọng vào cộng đồng của
mình và vào chính bản thân mình. Tóm lại, Tết là thời điểm đặc biệt nhứt để mọi
người Việt nhìn nhận lại chính mình: tôi là ai và những gì làm nên tôi.
Việt Nam đang hướng đến một xã hội công nghiệp hiện đại.
Khi ấy bản sắc của cá nhân và cộng đồng sẽ được “tươi mới” hơn thông qua quá trình vận động
và kiến tạo, nhưng
cơ bản vẫn dựa vào trọng tâm là cội nguồn văn hóa thiêng liêng của dân tộc. Có
ý thức rõ bản sắc - ý thức rõ mình là ai, mình thuộc về đâu, những yếu tố nào định
hình nên chúng ta - chắc hẳn mỗi người Việt Nam sẽ đủ tự tin cất những bước
chân vững chải trên lộ trình hội nhập quốc tế.
VĨNH THÔNG
(Tạp chí Văn hóa Nghệ An, số 404
+ 405, tháng 1/2020)
–––––––––––––––––––––––––––
1. Chris
Barker (2011), Nghiên cứu văn hóa lý thuyết
và thực hành, Đặng Tuyết Anh dịch,
Nxb Văn hóa thông tin.
2. Mai
Văn Hai & Mai Kiệm (2018), Xã hội học
văn hóa, Nxb Khoa học Xã hội.
3. Nguyễn
Văn Hiệu (2017), “Văn hóa gia đình: cội nguồn của kiến tạo bản sắc (trường hợp
gia đình Việt Nam)”, trong Nguyễn Văn Hiệu & Đinh Thị Dung, Văn hóa học & Một số vấn đề lịch sử -
văn hóa, Nxb Đại học Quốc gia TP.HCM
4. Stuart Hall & David Held &
Tony McGrew (eds.) (1992), Modernity and its Futures, Polity Press, Open
University.
5. Trần
Long (2008), “Bản sắc văn hoá”, Website
Trung tâm Văn hóa học Lý luận & Ứng dụng (www.vanhoahoc.vn), 20/9/2008.
6. Trần
Thiện Khanh (2014), “Giữ gìn và kiến tạo bản sắc dân tộc”, Báo Tổ quốc điện tử (www.toquoc.vn), 25/09/2014.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét