Vệ Thủy là tên một ngôi miếu nằm ở phường Vĩnh Mỹ, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Song, khởi thủy đó là tên một đội thủy binh ở tỉnh An Giang dưới triều Nguyễn, từng lập nhiều công lao trong việc bảo vệ vùng biên thùy Tây Nam, đồng thời tham gia chống Pháp trong những ngày đầu thực dân đến xâm lược đất An Giang. Ngày nay, miếu Vệ Thủy là nơi người dân địa phương tôn thờ hai vị lãnh đạo của đội thủy binh năm xưa, đó là ông Đỗ Đăng Tào và ông Lê Văn Sanh.
Hai ông Đỗ Đăng Tàu và Lê Văn Sanh quê quán ở thôn Mỹ Hội Đông, huyện Vĩnh Định, trấn Vĩnh Thanh (nay là xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang). Năm sanh của các ông đến nay vẫn chưa tìm được tài liệu nào đề cập đến. Tổ tiên của các ông vốn là những lưu dân từ miền Trung di cư vào phương Nam lập nghiệp dưới thời chúa Nguyễn. Theo lời kể dân gian, hai ông thời trẻ là những thanh niên cường tráng và giỏi võ nghệ. Khi đến tuổi trưởng thành, cả hai đều tham gia quân đội triều Nguyễn.
Ông Đỗ Đăng Tào đầu quân dưới triều vua Minh Mạng, đến năm 1824 được phong chức Chánh Đội trưởng, chỉ huy một đội thủy binh. Đội thủy binh nầy kiểm soát trên sông Hậu thuộc địa bàn tỉnh An Giang, nhiều lần dẹp bọn thảo khấu, giữ an ninh cho giao thương đường thủy. Năm 1842, được phân công dẹp loạn thổ phỉ ở vùng biên giới ven kinh Vĩnh Tế, đội quân đã bày kế phục binh và đánh thắng, dân tình nhờ đó được yên ổn.
Ông Lê Văn Sanh không rõ đầu quân năm
nào, đến năm 1844 dưới triều vua Thiệu Trị được bổ nhiệm làm Phó Đội trưởng dưới
trướng Đỗ Đăng Tào. Trong cuộc xung đột quân sự giữa Đại Nam và Xiêm La vào những năm 1842 - 1845, đội thủy binh của hai ông đã tham chiến tại chiến trường chính dọc
theo vùng biên giới An Giang. Sau những công trạng đã lập
được, dưới triều vua Tự Đức, ông Đỗ Đăng Tào được
bổ nhiệm làm Chánh Quản cơ và ông Lê Văn Sanh làm Phó Quản cơ, cai quản Vệ Thủy cơ biền binh.
Khi đương chức,
xét thấy vùng ngoại thành Châu Đốc còn hoang vu, hai ông chỉ huy đào một con
mương, lấy tên đội thủy binh đặt cho tên mương là Vệ Thủy (ngày nay người dân
địa phương gọi tắt là mương Thủy, thuộc phường Vĩnh Mỹ, thành phố Châu Đốc).
Đồng thời, hai ông đốc thúc việc khai khẩn đất hoang ở khu vực lân cận mương Vệ Thủy, chiêu mộ nhân dân đến sinh sống
và lập nghiệp.
Năm
1867, Pháp đánh chiếm An Giang. Vì không muốn chiến thuyền rơi vào tay giặc, hai ông huy động
lực lượng mang thuyền về giấu ở mương Vệ Thủy, ẩn lánh chờ thời cơ phục kích. Chẳng may sự việc bại lộ, hai ông cùng quân lính đã nhấn chìm thuyền và bí mật rút lui vào rừng Bảy Thưa (nay thuộc huyện Châu Phú, tỉnh An Giang). Tại đây, họ bí mật hợp tác cùng Chánh
Quản cơ Trần Văn Thành tiến hành xây dựng căn cứ chống Pháp cho nghĩa binh Gia
Nghị.
Năm 1873, Pháp càn
quét vào căn cứ Bảy Thưa, nghĩa binh Gia Nghị thất thủ. Đỗ Đăng Tàu
và Lê Văn Sanh âm thầm quay về làng cũ, khoác áo nông dân chờ đợi cơ hội mới. Tuy
nhiên chí lớn không thành, hai ông lặng lẽ sống những
ngày cuối đời, rồi ra đi trong niềm đau vong quốc. Ông Đỗ Đăng Tàu mất ngày 19 tháng 6 âm lịch, mộ ở chợ Xẻo Bún. Ông Lê Văn Sanh mất ngày 2 tháng 10 âm lịch, mộ ở chợ Tham Buôn. Người dân không
nhớ chính xác năm mất của các ông, chỉ nhớ ngày
tháng để làm lễ giỗ. Hai địa danh nơi có phần mộ của hai ông hiện nay đều thuộc
xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới.
Với công lao khai phá đất hoang ở
khu vực mương Vệ Thủy, dẹp yên bọn cướp trên sông
Hậu và miền biên giới Thất Sơn, hết lòng bảo vệ quê hương trong những ngày đầu
bị xâm lược… Đỗ Đăng Tàu và Lê Văn Sanh được nhân dân địa phương tôn kính. Sau
khi hai ông qua đời, người
dân Châu Đốc đã cùng nhau xây dựng ngôi miếu Vệ Thủy ở gần mương Vệ Thủy xưa.
Buổi đầu, ngôi miếu nhỏ bé nằm khuất sâu trong khu đất um tùm lau sậy để che mắt
quân giặc. Nhân dân đã hết lòng bảo vệ ngôi miếu trong suốt thời kỳ chiến
tranh. Về sau, miếu Vệ Thủy được trùng tu nhiều lần để
có được diện mạo khang trang như ngày nay.
Hiện
nay, miếu Vệ Thủy có khuôn viên rộng lớn, mặt
trước hướng ra sông Hậu, mặt sau là đường Châu Long. Khoảng sân trước chánh điện được
trồng nhiều cây xanh tạo thành cảnh quanh trang nhã. Chánh điện có kiến
trúc đơn giản, mang đậm phong
cách dân tộc, với kết cấu ba gian hai chái. Nóc miếu là một ngôi cổ lầu, mái
tam cấp lợp ngói ống. Các mặt của cổ lầu được trang trí bằng
nhiều bức tranh sơn thủy. Trên bờ nóc có gắn tượng lưỡng long tranh
châu, linh thú, hoa văn…
Nội thất được bài trí thờ phượng không quá cầu kỳ, nhưng cũng không kém phần tôn nghiêm. Án thờ cao nhứt ở giữa có bài vị hai ông Đỗ Đăng Tàu và Lê Văn Sanh. Hai bên án thờ chánh có bàn thờ Tiền Hiền và Hậu Hiền - những người đã có công khai mở đất đai và xây dựng làng xóm. Xung quanh không gian thờ tự được trang trí bằng nhiều hoành phi, liễn đối, nghi trượng… Nhìn chung, các tác phẩm nghệ thuật được chạm khắc tinh tế với hình ảnh tứ linh, chim muông, hoa lá… Một số câu đối tiêu biểu trong miếu như:
+ “Phụng mệnh hoàng triều khai cơ nghiệp
Thủy binh sắc tứ tại biên thùy”
+ “Phong chiếu hoàng triều an sĩ thứ
Khâm thừa quân mạng trấn giang biên”
+ “Vệ tổng cơ đồ đức hoá hoàng triều do
đạo thánh
Thủy thành xã tắc giang sơn Nam quốc chánh vi thần”
Hằng năm, lễ hội chính của miếu Vệ
Thủy là ngày giỗ của
hai ông Đỗ Đăng Tào và Lê Văn Sanh. Nghi lễ
giống như các đình làng ở Nam Bộ với những nghi thức chính như Thỉnh
sắc, Túc yết, Chánh tế, Hồi sắc… Ngoài ra, tại xã Mỹ Hội Đông quê hương
của hai ông, nhân dân địa phương cũng lập miếu Thần Vệ Thủy với quy mô nhỏ.
Với những
công lao của hai ông Đỗ Đăng Tào và Lê Văn Sanh, miếu Vệ Thủy rất xứng
đáng trở thành một trong những di tích tiêu biểu gắn liền với quá trình xây dựng
và bảo vệ vùng đất Châu Đốc. Ngôi miếu không chỉ mang giá trị lịch sử, mà còn
thể hiện tấm lòng tri ân của nhân dân đến những bậc tiền nhân có công với quê
hương.
VĨNH THÔNG
(Bài đăng trên Báo Cần Thơ, ngày 29/10/2017)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét