Núi Cấm (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) với độ cao 716 mét là ngọn núi cao nhứt châu thổ Cửu Long, đồng thời cũng là điểm du lịch thu hút hàng đầu ở tỉnh An Giang, mỗi năm đón hàng triệu lượt khách hành hương và ngoạn cảnh. Bên cạnh đó, đây còn là ngọn núi mang đậm dấu ấn văn hóa dân gian gắn liền với nhiều huyền thoại, sự kiện, nhân vật… đầy thú vị cho người đời sau tìm hiểu.
1. Nguồn gốc tên núi
Núi Cấm tên chữ là Thiên Cẩm sơn (núi
gấm trời) vì núi luôn bị mây phủ trắng nên trông như gấm vóc xinh đẹp.
Cũng có người cho rằng núi còn có tên chữ là Bạch Hổ sơn, vì dáng núi giống
con hổ bị mây phủ trắng. Ngày nay, đa số các tài liệu viết rằng tên chữ của núi
Cấm là Thiên Cấm sơn (núi trời cấm), song tên gọi nầy không hợp lý. Thực ra chỉ
có núi Cấm và Thiên Cẩm sơn chứ không có Thiên Cấm sơn. Người Khmer xa xưa
đã gọi núi nầy là phnom Popeal
(phnom: núi) nghĩa là núi gấm vóc, người Việt từ đó mà gọi núi nầy là
núi Gấm, rồi đặt thêm tên chữ là Thiên Cẩm sơn.
Qua thời gian, hai thành tố “Gấm” và “Thiên Cẩm” bị lẫn lộn thành Thiên Cấm - đây
chỉ là hình thức biến dạng về sau.
Tuy nhiên, sự xuất hiện tên gọi núi Cấm
lại là vấn đề khá… nhiêu khê!
Về phía dân gian, sự
xuất hiện tên gọi núi Cấm cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Dật Sĩ và Nguyễn Văn
Hầu [1972: 18-19] đưa ra ba giả thuyết. Một, chúa Nguyễn Ánh trong những ngày tẩu
quốc từng ẩn lánh ở núi nầy, nhằm đảm bảo bí mật để giữ an toàn, quân lính truyền
tin trên núi có thú dữ và cấm dân lên núi. Hai, Đức Phật Thầy Tây An (giáo chủ
đạo Bửu Sơn Kỳ Hương) cho rằng đây là núi thiêng, sau nầy mở hội Long Hoa lập đời
mới Thượng nguơn, nên cấm tín đồ lên đây sống để tránh ô uế thánh địa. Ba, rừng
núi u tịch là nơi trú ẩn của bọn lục lâm thảo khấu, nên chánh quyền Pháp cấm
dân lên núi để giữ an ninh.
Về phía triều đình, thư tịch triều
Nguyễn buổi đầu đã không ghi nhận cả hai tên gọi núi Cấm hay Thiên Cẩm sơn. Gia Định
thành thông chí (công bố khoảng năm
1820) liệt kê 24 ngọn núi ở trấn Vĩnh Thanh, nhưng không có hai tên núi nêu trên [Trịnh Hoài Đức 1999:
49-52]. Vậy ngọn núi nào trong tác phẩm nầy mới là núi Cấm? Có hai ý kiến về vấn
đề nầy.
(1) Trước đây, một số
ý kiến cho rằng núi Đài Tốn chính là núi Cấm [Huỳnh Ngọc Trảng 2008], vì núi nầy được mô tả có vẻ như là ngọn núi cao nhứt
vùng. Tuy nhiên, nếu quan sát các bản đồ Nam Kỳ do người Pháp vẽ, vị trí núi Tô
được chú thích bằng các tên “Soai Ton” (1868), “Xoaithon” (1878), “Xoai Ton”
(1901) - những tên ấy khá gần với Đài Tốn. Tri Tôn ban đầu là một làng dưới
chân núi Tô, địa danh nầy có nguồn gốc từ tiếng Khmer, hiện có hai giả thuyết
là nó bắt nguồn từ Sva-ton (khỉ níu kéo) hoặc Svay-ton (xoài dây). Về sau, người
Việt đọc trại thành Xà Tón hay Xoài Tôn, rồi lại đặt thêm tên Hán Việt là Tri
Tôn. Do đó, núi Đài Tốn chính là núi Tô (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) ngày
nay.
(2) Gần đây, một số
ý kiến cho rằng núi Ba Xùi mới là núi Cấm. Ý kiến nầy có tính thuyết phục cao
hơn, vì hiện nay bên cạnh núi Cấm có một ngọn núi nhỏ mang tên Ba Xoài, ngoài
ra còn có ấp Ba Xoài, chợ Ba Xoài, chùa Ba Xoài, tất cả đều thuộc xã An Cư, huyện
Tịnh Biên. Bản đồ Nam Kỳ năm 1868 và năm 1901 do người Pháp vẽ cũng đều thể hiện
núi Ba Xoài nằm cạnh núi núi Cấm. Rất có thể ban đầu Ba Xoài là tên gọi chung
cho cả cụm núi, về sau khi phần núi chính đã trở nên quen thuộc với tên gọi núi
Cấm, thì Ba Xoài bị “phiêu bạt địa danh” chỉ còn là tên ngọn núi nhỏ bên cạnh.
2. Một số địa danh tiêu biểu
Núi Cấm có nhiều vồ (những chỏm cao
nhô ra), trong đó năm vồ cao và đẹp tiêu biểu đã đi vào văn hóa dân gian với
danh xưng “năm non” gồm vồ Bồ Hong, vồ Thiên Tuế, vồ Bà, vồ Đầu, vồ Ông Bướm.
Vồ Bồ Hong là đỉnh của núi Cấm, ngày
xưa có nhiều bồ hong tụ tập nên hình thành địa danh. Theo các vị cao niên, buổi
chiều người dân không thể ra khỏi nhà vì quá nhiều bồ hong, hiện tượng nầy kéo
dài đến giữa thế kỷ XX. Vồ Thiên Tuế, vồ Bà và vồ Đầu - theo dân gian là ba nơi
lưu dấu chúa Nguyễn Ánh thời kỳ tẩu quốc. Vồ Thiên Tuế là nơi ông từng trú ngụ,
hiện nay còn miễu thờ. Vồ Bà là nơi một vương phi trú ẩn, nơi đây cũng có miễu
Bà. Vồ Đầu là nơi đặt trạm canh đầu
tiên của chúa.
Vồ Ông Bướm mang tên thủ lãnh cuộc khởi
nghĩa chống Pháp của người Cambodia (1864 - 1866) là Achar Sva từng trú ẩn ở
đây. Ông tự xưng là hoàng tử Ang Phim, sử triều Nguyễn phiên âm là Ong Bướm. Đại Nam thực lục nhiều lần nhắc đến nhân vật nầy, chẳng hạn
có lần Pháp yêu cầu triều Nguyễn: “Nếu muốn hoà phải nã bắt tên Ong Bướm
(lại có tên là Á Soa) giao để xử trị, lại nói tỉnh An Giang dung chứa tên Bướm”
[Quốc sử quán triều Nguyễn 2002: 956].
Năm vồ trên chỉ là năm vồ tiêu biểu,
thực tế núi Cấm còn hàng chục vồ khác, mỗi nơi đều được người dân đặt cho những
tên gọi gắn với hiện tượng, hình dạng, sự kiện… nhứt định. Vồ Chư Thần là nơi
linh thiêng có nhiều thần thánh trú ngụ, vồ Cây Quế ngày xưa có nhiều quế rừng
quý hiếm, vồ Mồ Côi là chỏm đá nằm lẻ loi bên sườn núi, vồ Đá Dựng là chỏm đá
có vách dựng đứng, vồ Bạch Tượng có dáng giống con voi trắng…
Dân gian chọn bảy ngọn núi trong hàng
chục núi ở An Giang, chọn năm vồ trong số hàng chục vồ ở núi Cấm, kết hợp thành
cụm danh từ “năm non bảy núi”. Đây là thành ngữ rất phổ biến ở miền Nam, nói
“đi năm non bảy núi” tức là đi ngang dọc khắp nơi, nói “chốn năm non bảy núi” tức
là nơi xa xôi trắc trở… Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa xem Thất Sơn
là thánh địa nên nhiều chùa có bàn thờ Năm Non Bảy Núi. Mặc dù danh xưng đối tượng
tín ngưỡng nầy có vẻ như hình thức thờ sơn thần, nhưng thực chất là sự kết hợp
nhiên thần và nhân thần. Nhiên thần là những đối tượng tự nhiên linh thiêng huyền
bí ở vùng nầy, nhân thần là người khẩn hoang, tu hành, kháng chiến… từng hoạt động
ở đây hoặc chọn nơi đây làm chốn gửi thân cuối đời.
Ngoài ra, núi Cấm còn nhiều địa danh
khác, gắn với những giai thoại dân gian thú vị. Trên núi ngày xưa có nhiều thú
dữ, đáng sợ nhứt là hổ và mãng xà, từ đó đi vào văn hóa dân gian như hang Ông Hổ,
hang Mãng Xà… Ngoài ra, người ta còn nhắc đến loài trăn có chín lỗ mũi gọi là
con nưa, hay loài quái vật lông lá và
đi đứng như con người gọi là xà niêng…
cũng được đưa vào những chuyện kể kỳ bí.
Bên cạnh thú dữ, dân gian còn truyền
nhau về hang động của Đơn Hùng Tín là nơi giấu vàng bạc cướp được, nửa hư nửa
thực. Đơn Hùng Tín là biệt hiệu của Lê Văn
Tín - tướng cướp khét tiếng Nam Kỳ đầu thế kỷ XX, quê ở Cao Lãnh (nay thuộc tỉnh
Đồng Tháp). Ông bị chánh
quyền Pháp bắt được và hạ sát ở Mỹ Tho (nay thuộc tỉnh Tiền Giang) vào năm
1926. Tương truyền ông từng học võ ở núi Tà
Lơn rồi về núi Cấm lập bản doanh.
Hang Bác Vật Lang đến nay vẫn là một
bí ẩn. Lưu Văn Lang (1880 - 1969) là bác vật (kỹ sư) Việt
Nam đầu tiên. Tương truyền khi người Pháp thám sát núi Cấm đã đưa bác vật
Lang xuống một cái hang. Sau gần một ngày, ông từ dưới hang trở lên và từ đó về
sau tuyệt khẩu không nói một lời nào. Dưới
hang có gì vẫn là câu hỏi không lời đáp. Dân gian có bài vè: “Đàn kêu tích tịch
tình tang / Đố ai biết được trong hang là gì / Đàn kêu tích tịch tì tì / Đố ai
biết được cái gì trong hang.” Về sau người dân gọi hang nầy là hang Bác Vật
Lang, đến nay đã có nhiều người thám hiểm nhưng chưa ai đi giáp hết vì hang rất
tối và nhiều ngõ ngách, bí mật về hang Bác Vật Lang vẫn mãi là ẩn số.
3. Một số hình thái tín ngưỡng đặc thù
Với đặc điểm là ngọn núi cao nhứt Tây Nam Bộ, núi Cấm
được người dân xem là núi thiêng giữa đồng bằng. Do vậy, nơi đây có diện mạo
văn hóa tín ngưỡng vô cùng phong phú và phức tạp, với sự dung hợp nhiều yếu tố
đến từ nhiều luồng văn hóa khác nhau, trong đó đáng kể là những hình thái tín
ngưỡng đặc thù.
Trên vồ Bồ Hong có ba điện thờ đều
do người dân dựng lên gồm điện Ngọc
Hoàng, điện Địa Mẫu Diêu Trì, điện Cửu Huyền Thất Tổ (trước đây ghi là Tổ Tiên Nhân Loại). Điện thờ Ngọc Hoàng
ở vị trí cao nhứt, có tượng Ngọc Hoàng lộ thiên trên một khối đá lớn. Thấp hơn phía dưới có điện thờ Địa Mẫu
Diêu Trì được xây thành một ngôi miếu nhỏ và cũng có đặt tượng. Cách đó khoảng 20 mét có điện thờ Cửu Huyền
Thất Tổ cũng được xây thành miếu, bên
trong có hai pho tượng gồm một ông cụ và một bà cụ trong tư thế ngồi, mặc
áo dài, râu tóc bạc, búi tóc sau đầu, vẻ mặt phúc hậu…
Chúng
ta có thể thấy, sự tích hợp Ngọc Hoàng và Địa Mẫu trong Đạo giáo của người Hoa
với tín ngưỡng bản địa là tục thờ cúng tổ tiên của người Việt nhằm tạo nên bộ
ba thiên - địa - nhân. Điều đó đã thể hiện sự ứng xử năng động và sáng tạo của
chủ thể văn hóa trong giao lưu văn hóa.
“Nếu núi Sam được chọn làm nơi thờ cúng Bà Chúa Xứ, thì tục thờ cúng bộ ba Tổ
Tiên Nhân Loại - Ngọc Hoàng - Mẹ Phật Mẫu Diêu Trì được thể hiện sinh động nhất
trên núi Cấm” [Lý Tùng Hiếu 2012: 35].
Ở
vồ Thiên Tuế còn có miễu thờ vua Gia Long, mặc dù vấn đề chúa Nguyễn Ánh có đến
núi Cấm hay không vẫn còn tranh cãi. Người thì cho rằng ông không đến núi Cấm
vì sử triều Nguyễn không đề cập, người lại phản bác rằng sử không chép không có
nghĩa là sự kiện không xảy ra, vì không phải điều gì cũng được sử chép đầy đủ…
Tuy nhiên, dưới góc nhìn văn hóa có thể thấy việc ông xuất hiện trong các giai
thoại và di tích xung quanh núi Cấm đã phản ánh lòng dân rõ rệt.
Người
miền Nam mong cầu và tôn sùng bậc chân chúa “xuất thế” để mang lại “đời thạnh
trị” và ý nguyện đó được gắn vào ngọn núi linh thiêng nhứt đồng bằng. Chúa Nguyễn
có thật sự đến núi Cấm hay không, điều đó sẽ không quá quan trọng khi người dân
muốn xây dựng nên một biểu tượng văn hóa đặc biệt tại ngọn núi đặc biệt nầy.
Văn hóa là sáng tạo của cộng đồng, không nên cứ dùng sử liệu khô cứng để bài
bác, điều gì còn tồn tại lâu dài trong dân thì điều đó hợp lòng dân. Do vậy, việc
trùng tu và quảng bá các di tích mang “dấu ấn Gia Long” ở núi Cấm là điều cần
thiết.
4. Cơ sở bí mật của Hội Kín
Một
trong những cơ sở tôn giáo được thành lập sớm và nổi tiếng đến nay ở núi Cấm là
chùa Phật Lớn, tọa lạc trên khu vực “lòng chảo” rộng lớn ở độ cao khoảng 500
mét. Chùa do một nhân sĩ yêu nước là ông Bảy Do thành lập, buổi đầu mang tên
Nam Các tự hay Nam Cực đường. Ông tên thật là Nguyễn Văn Do (1855 - 1926), biệt
danh là Cao Văn Long, quê ở Bến Tre. Ông lên núi Cấm năm 1902, đến năm 1906 thì
ngôi chùa được xây dựng hoàn thiện. Đây vừa là nơi thờ Phật, vừa là lò võ thu
hút nhiều đệ tử khắp Nam Kỳ lục tỉnh, nhưng bên trong còn là một cơ sở của Hội
Kín chống Pháp do Phan Xích Long làm thủ lãnh.
Năm
1916, ông Bảy Do tham gia cuộc nổi dậy phá Khám Lớn Sài Gòn cứu Phan Xích Long
(đã bị Pháp giam từ năm 1913), nhưng thất bại rồi rút về núi Cấm. Ngày
17/3/1917, Pháp kéo quân lên núi bắt ông. Dù không tìm được chứng cứ đáng tin cậy,
chúng vẫn kết tội ông. Trước tòa đại hình, ông nói: “Tôi là kẻ tu hành, ở đâu
cũng tu được vậy thôi.” Ông bị đày đi Côn Đảo và đến năm 1926 thì tuẫn tiết.
Thời
gian ở núi Cấm, ông Bảy Do đắp một tượng Phật gọi là Đức Trung Tôn, thờ trong
Nam Các tự. Tượng tạc Đức Phật Thích Ca ngồi kiết già với gương mặt phúc hậu,
chiều cao khoảng 1,5 mét - lớn hơn tượng ở các chùa xung quanh lúc bấy giờ, nên
người dân gọi Nam Các tự là chùa Phật Lớn. Tượng Đức Trung Tôn của ông Bảy Do
là một hiện vật lịch sử có giá trị, song sau khi chùa được trùng tu (2009) thì
pho tượng nầy không còn được đặt ở chánh điện nữa.
Huỳnh
Ngọc Trảng [2008] qua sưu tầm bài báo “Đức Trung Tôn trên núi Cấm hết cái nạn dầm mưa dang nắng” trên tạp chí Từ
bi âm (số 92, ngày 15/10/1935) cho biết chùa Phật Lớn thời điểm đó
có hai bài thơ bằng chữ Hán và chữ Quốc ngữ. Thiết nghĩ ngày nay có thể khắc
hai bài thơ nầy đặt trước chùa xem như ghi lại những ngày tháng đau thương
trong quá khứ. Bài thơ
chữ Hán như sau:
“Hà xứ tiên tiên ngã mộng hồn
Cấm sơn triêu tịch Trắc Quang
thôn
Mô hồ cựu tích thiên niên khứ
Cô lộ di dung nhứt Phật tồn
Tằng thác lương nhơn thành tiểu cái
Nguyên tương vi thiện chưởng lai côn
Chứng minh tự hữu không vương tại,
Đa thiểu nhân nhơn vị hứa lôn”
Bài thơ trên ghi là “Trắc Quang
thôn” tuy nhiên núi Cấm thời bấy giờ thuộc thôn Trác Quan không phải Trắc
Quang. Còn bài thơ Quốc ngữ như sau:
“Núi Cấm trèo chơi hãn biết rồi
Có gì là cảnh gọi rằng vui
Xa xa hóc trảng nghe người nói
Trùi trụi đầu non thấy Phật ngồi
Nóng ruột vì cưu ơn tế độ
Ra tay thề giúp lực tài bồi
Am mây vững đặt ngôi Tam Bảo
Cúi nguyện mười phương chứng dạ tôi”
5. Võ học Thất Sơn
Điện
Rau Tần nằm ở độ cao khoảng 400 mét trên núi Cấm, ngày xưa mọc nhiều cây rau tần
nên trở thành địa danh. Nơi đây từng là trung tâm võ thuật nổi tiếng ở Nam Kỳ đầu
thế kỷ XX, được mệnh danh là Võ Lâm Thất Sơn, với võ phái lừng danh là Thất Sơn
Thần Quyền.
Nguồn
gốc ra đời môn võ nầy đến nay vẫn chưa rõ ràng. Có thuyết cho rằng người sáng lập
là Đức Phật Thầy Tây An, tuy nhiên trong các nghiên cứu về đạo Bửu Sơn Kỳ Hương
không thấy tư liệu nào đề cập việc ông từng dạy võ. Có ý kiến cho rằng võ phái
nầy bắt nguồn từ võ Bình Định, võ Huế… rồi được người Nam Kỳ cải biên… Có người
lại cho rằng tổ sư của võ phái nầy là những nhân vật lịch sử có thật ở Thất Sơn
như Bảy Do hay Cử Đa, thậm chí một vài nhân vật có lai lịch khá mơ hồ. Song, lý
giải có lẽ đáng tin cậy hơn cả là võ phái nầy bắt nguồn từ ông Cử Đa.
Ông
Cử Đa tên thật Nguyễn Thành Đa, còn gọi là Bảy Đa, sống vào khoảng cuối thế kỷ XIX đầu
thế kỷ XX. Ông quê ở Tiền Giang, thời trai trẻ từng ra Bình Định học võ. Theo
dân gian thì ông từng đậu Cử nhân võ dưới triều Nguyễn. Ông tham gia nhiều
phong trào Cần Vương chống Pháp, nhưng đều thất bại. Sau đó ông về Thất Sơn ẩn
náo ở núi Kéc [1] và núi Cấm, rồi sang Cambodia ẩn dật ở núi Bokor (người Việt gọi
là núi Tà Lơn) và tu tiên với đạo hiệu Ngọc Thanh, từ đó không rõ tung tích. Trong
thời gian ở núi Cấm, ông tiếp tục truyền dạy võ thuật và lập võ phái Thất Sơn
Thần Quyền. Song đây cũng chỉ là lời kể dân gian, chưa rõ độ chính xác.
Như
vậy về nguồn gốc xa xăm, chúng ta chưa có những cứ liệu rõ ràng xác định sự
hình thành của Thất Sơn Thần Quyền. Tuy nhiên trên thực tế, vùng điện Rau Tần
chính thức trở thành trung tâm võ học thu hút đông đảo võ sinh khoảng những năm
cuối thế kỷ XIX sau khi Nam Kỳ rơi vào tay Pháp. Ngày nay người dân núi Cấm còn
truyền nhau nhiều câu chuyện về những người giỏi võ nổi tiếng đầu thế kỷ XX như
Ba Đạo, Đức Minh, Đơn Hùng Tín…
Ông Nguyễn Thành Đạo tức Ba Đạo, quê Tiền Giang, từng
học võ ở núi Tà Lơn. Năm 1920, ông về núi Cấm cất Trung Thiên Sơn tự, đến năm
1947 thì bị Pháp sát hại. Đức Minh là một tu sĩ gốc Bình Định, lưu lạc vào Nam
rồi lên núi Cấm tu ở gần vồ Bồ Hong khoảng thập niên 1930, sau đó đi đâu không
ai rõ tung tích. Nguyễn Văn Hầu [1970: 170] cho biết trong tác phẩm
Tôi bị đày Bà Rá của Việt Tha Lê Văn
Thử (1949), tác giả có gặp ông Đức Minh cùng bị Pháp bắt đày đi Bà Rá chung với
mình. Tuy nhiên đến nay chúng tôi chưa tìm được quyển sách trên nên chưa rõ vì
sao ông Đức Minh bị Pháp bắt đi đày.
Trước 1975, các võ phái Thất Sơn từng
một thời cực thịnh với nhiều võ sư nổi tiếng, tập hợp lại thành một hệ thống với
danh xưng chung là Thất Sơn Võ Đạo, chiến thắng nhiều trận đấu trong các cuộc
thi ở châu Á. Thời hoàng kim đã qua, hiện nay Thất Sơn không còn nhiều người biết
võ, các võ phái nguyên thủy gần như đã thất truyền.
Với vị thế đặc biệt vốn có, lại thêm
được con người phủ lên những lớp áo huyền thoại, núi Cấm từ xưa đến nay luôn
mang màu sắc kỳ bí và trở thành chốn thiêng ở đồng bằng sông Cửu Long. Bằng những
sáng tạo của bao thế hệ cư dân, núi Cấm đã sở hữu kho tàng văn hóa dân gian đầy
phong phú và sống động, phản ánh đời sống vật chất và tinh thần của người nông
dân Nam Kỳ buổi đầu khai sơn phá thạch ở chốn rừng thiêng nước độc. Núi Cấm đẹp
và mãi đẹp trong lòng người không chỉ có nét đẹp của thiên nhiên mà còn có sự
đóng góp của văn hóa dân gian độc đáo.
VĨNH THÔNG
(Bài đăng trên
Tạp chí Thế giới di sản, số 10 (145), 2018 &
in trong sách Dấu ấn thượng châu thổ, Nxb Tổng hợp TP.HCM, 2021)
_______________________
CHÚ THÍCH:
1. Trước nay tên núi được viết là “Két”, song về chính tả phải viết “Kéc” mới đúng. Chỉ có chim kéc là loài vẹt lớn, hoặc chim mòng két thuộc họ vịt, không có chim két. Do đó, tác phẩm nầy chúng tôi viết là núi Kéc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Dật Sĩ
& Nguyễn Văn Hầu (1972), Thất Sơn mầu nhiệm, Nxb Từ Tâm.
2. Huỳnh Ngọc
Trảng (2008), “Chùa Phật Lớn trên núi Cấm”, Báo Giác ngộ điện tử (www.giacngo.vn), 8/4/2008.
3. Lý Tùng Hiếu
(2012), “Diện mạo văn
hoá đa tộc người - đa tôn giáo ở An Giang”, Tập
san Khoa học Xã hội & Nhân văn,
số 56.
4. Nguyễn Văn
Hầu (1970), Nửa tháng trong miền Thất Sơn, Nxb Hương Sen.
5. Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục, Tập 7, Viện Sử học dịch,
Nxb Giáo dục.
6. Trịnh Hoài Đức (1999), Gia Định thành thông chí, Đỗ Mộng Khương & Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, Nxb Giáo dục.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét