1. Mở đầu
Trong các hình thái tín ngưỡng mang tính cộng đồng của tộc người Hoa ở Nam Bộ nói chung và thành phố Châu Đốc (tỉnh An Giang) nói riêng, thờ cúng Quan Công được xem là nổi bật hơn cả. Quan Công tên thật Quan Vũ, tự Vân Trường, là danh tướng thời Tam Quốc ở Trung Quốc. Thời trẻ, ông cùng Lưu Bị và Trương Phi kết nghĩa anh em, sau đó theo phò Lưu Bị trong việc dựng nghiệp nhà Thục Hán. Ông có tài thao lược, lập được nhiều công lớn, nổi tiếng với đức tánh trung nghĩa. Ông được người đời sau tôn là Quan Thánh Đế Quân, gọi tắt là Quan Đế, đồng thời được các triều đại phong kiến phong là Hiệp Thiên Đại Đế.
Không chỉ thế,
Tam giáo tại Trung Quốc cũng đưa Quan Công vào hệ thống thần linh của mình. Nhằm
đề cao hình mẫu của luân lý tam cang - ngũ thường, Nho giáo tôn Quan Công là Võ
Thánh, sánh ngang với Khổng Tử là Văn Thánh. Phật giáo Trung Hoa xem Quan Công
là Già Lam Hộ Pháp, có vai trò hộ trì Tam Bảo. Đạo giáo xem Quan Công là thần
linh quan trọng hàng đầu với chức năng trừ khử yêu ma, tôn là Phục Ma Đại Đế, Đãng Quỷ Chân Quân.
Quan Công có khi
là đối tượng được thờ chính trong một ngôi miếu, nhưng cũng có thể được phối thờ
trong miếu của vị thần khác. Người Hoa lẫn người Việt ở Nam Bộ thường quen gọi
các miếu Quan Đế là “chùa Ông”, khu vực Châu Đốc cũng thế. Ở nội ô thành phố
Châu Đốc có miếu Quan Đế trên đường Trần Hưng Đạo thuộc phường Châu Phú A, ngay
trước chợ Châu Đốc và đối diện với sông Hậu. Nằm giáp với thành phố Châu Đốc,
xã Mỹ Đức thuộc huyện Châu Phú cũng có miếu Quan Đế.
Sở dĩ địa bàn khảo
sát của đề tài còn liên quan đến một địa phương nằm ngoài phạm vi thành phố
Châu Đốc vì nơi đây có lịch sử gắn liền với cộng đồng người Hoa ở Châu Đốc. Trước
năm 1975, xã Mỹ Đức thuộc quận Châu Phú, tỉnh Châu Đốc. Từ năm 1976, xã Mỹ Đức
thuộc huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Năm 1979, một phần xã Mỹ Đức của huyện
Châu Phú nhập với một phần phường Châu Phú B của thị xã Châu Đốc để thành lập
xã mới Vĩnh Mỹ thuộc thị xã Châu Đốc, nay là phường Vĩnh Mỹ thuộc thành phố
Châu Đốc.
Ở làng Mỹ Đức
xưa, người Hoa cư trú đông đảo và để lại nhiều di tích có giá trị ven sông Hậu.
Ngày nay, do chia cắt địa giới hành chánh như vừa trình bày, nên địa bàn cư trú
truyền thống của họ có một phần thuộc phường Vĩnh Mỹ của thành phố Châu Đốc và
một phần thuộc xã Mỹ Đức của huyện Châu Phú. Vì thế, nghiên cứu về người Hoa ở
Châu Đốc không thể bỏ qua xã Mỹ Đức. Có thể nói, Vĩnh Mỹ - Mỹ Đức không chỉ là
điểm tụ cư quan trọng của người Hoa ở Châu Đốc xưa, mà còn là nơi phát nguyên
và “cái nôi” văn hóa của cộng đồng nầy.
2. Thiết chế tín ngưỡng
Quan Đế miếu ở phường Châu Phú A ra đời năm 1847 và lần đại trùng tu gần
đây nhứt là năm 2017, nhân dịp kỷ niệm 170 năm thành lập miếu. Tuy nhiên, theo
các vị cao niên, cột mốc năm 1847 chỉ mang tính tượng trưng, lấy theo năm ghi
trên bộ lư đồng mà miếu còn giữ được. Thật ra, miếu được hình thành trước thời
điểm đó, nhưng người đời sau không nhớ rõ năm nào [Tư liệu điền dã 2017].
Ngôi miếu hiện nay có ngoại thất tương đối đơn giản, mang phong cách kiến trúc truyền thống của người Triều Châu. Nóc miếu lợp ngói tiểu đại màu xanh ngọc. Bờ nóc cong nhẹ, phía trên có tượng lưỡng long tranh châu, thân bờ nóc vẽ hình chim phượng, cá chép, hoa quả… Trên cửa chánh có bảng chữ Hán “Quan Đế miếu” nhũ vàng trên nền đỏ. Mặt tiền ngôi miếu có sáu bức tranh tường vẽ các sự tích trong cuộc đời Quan Công.
Bên trong miếu, ở
giữa có bàn thờ đặt ba chiếc ghế từng được sử dụng trong nghi thức nhập đồng
(hai ghế đinh và một ghế dao). Phía sau ba chiếc ghế là năm bộ lư làm từ chất
liệu chì, được đúc vào đời vua Đạo Quang nhà Thanh. Khu vực nầy được trang trí
tôn nghiêm với những liễn đối ca ngợi Quan Đế như: “Nghĩa lãnh nhứt tâm phò Hán
đỉnh / Thần lưu thiên cổ ngưỡng đào viên”, hay: “Trung nghĩa ngưỡng thần uy đơn
tâm quán nhựt / Xuân thu tôn chánh thống tuấn đức tham thiên.”
Khu vực trung
tâm của ngôi miếu là bàn thờ Quan Đế nằm ở phía trong cùng. Tại đây có tượng ba
vị Quan Công, Quan Bình, Châu Xương với kích thước lớn. Tượng Quan Công được tạo
hình là một vị tướng oai vệ, mặt đỏ, râu dài, mặc cẩm bào. Tượng Quan Bình tay
cầm chiếc ấn Hiệp Thiên, tượng Châu Xương tay cầm Thanh Long đao, đây được xem
là hai tùy tùng của Quan Đế. Trước bàn thờ có liễn đối ốp cột: “Đào viên kết
bái thiên thu tụng / Trung nghĩa càn khôn vạn cổ dương”, được chạm lộng tinh xảo
với họa tiết long vấn và sơn son thếp vàng. Phía trên có hoành phi “Hiệp Thiên
Đại Đế” nhũ vàng trên nền đen.
Quan Đế miếu ở xã Mỹ Đức ra đời cách nay trên một thế kỷ. Theo các cụ cao niên kể lại, mảnh đất nơi miếu tọa lạc được mua vào thập niên 1880, không lâu sau đó ngôi miếu đơn sơ đầu tiên ra đời, đến năm 1895 miếu được xây dựng lại kiên cố [Tư liệu điền dã 2017]. Ngôi miếu hiện nay mang đậm phong cách kiến trúc truyền thống của người Triều Châu. Nóc miếu lợp ngói tiểu đại, bờ nóc cong nhẹ, bên trên có gắn tượng lưỡng long tranh châu và các linh thú như kỳ lân, cá chép, cá hóa rồng… Mặt tiền ngôi miếu được trang trí bằng sáu bức tranh tường vẽ về cuộc đời Quan Công và phong cảnh.
Bước vào miếu, ở
cửa chánh có bảng đề ba chữ Hán “Quan Đế miếu” sơn son thếp vàng. Giữa chánh điện
là bàn thờ Hội Đồng, có đặt bài vị chữ Hán viết “Ngọc phong Hiệp Thiên Đại Đế”.
Phía sau là bàn thờ Quan Đế có ba pho tượng Quan Công, Quan Bình và Châu Xương
với kích cỡ nhỏ. Nội thất miếu được trang trí không quá cầu kỳ nhưng cũng không
kém phần trang nhã, được điểm xuyết bằng những hoành phi chạm khuyết và nhũ
vàng trên nền gỗ đen, các cột được vẽ hình long vấn.
Kiến trúc hai
ngôi miếu Quan Đế nói trên có nhiều điểm giống nhau. Nhìn theo hướng từ trong
ra ngoài, hai bên bàn thờ chánh đều có bàn thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu bên trái và
Phước Đức Chánh Thần bên phải. Ở một góc chánh điện có tượng ngựa Xích Thố,
tương truyền là con vật đã tận tụy phục vụ Quan Công trong những ngày chinh chiến,
được người đời sau tôn là Thần Mã Tướng Quân. Trước chánh điện cả hai miếu đều
có thiên tỉnh và đối xứng hai bên thiên tỉnh có phù điêu tả thanh long - hữu bạch
hổ. Tuy nhiên, ngày nay chỉ có miếu Quan Đế phường Châu Phú A vẫn giữ nguyên
thiên tỉnh, còn ở miếu Quan Đế xã Mỹ Đức đã xây nóc che phần giữa của thiên tỉnh,
chỉ còn chừa khoảng trống nhỏ ở hai bên.
Hằng năm, miếu
Quan Đế phường Châu Phú A có ba lễ lớn theo âm lịch là lễ Vía Ông ngày 13 tháng
5, lễ Vu lan ngày 25 - 26 - 27 tháng 7 và lễ Tạ thần tất Niên ngày 24 tháng Chạp.
Miếu Quan Đế xã Mỹ Đức cũng có ba lễ tương tự nhưng khác ngày là lễ Vía Ông
ngày 24 tháng 6, lễ Vu lan ngày 22 tháng 7 và lễ Bình an ngày 12 tháng Chạp.
So với miếu Quan
Đế xã Mỹ Đức, lễ cúng lớn nhứt trong năm ở miếu Quan Đế phường Châu Phú A không
phải là vía Quan Đế ngày 24 tháng 6, mà lại là vía Quan Bình ngày 13 tháng 5.
Lý giải về điều nầy, ông La Việt - Chủ tịch
Hội Tương tế người Hoa thành phố Châu Đốc cho biết: “13 tháng 5 là ngày vía
Quan Bình, ngày vía Quan Đế là 24 tháng 6, nhưng mà lúc trước về xác lấy 13
tháng 5 cúng. Sau nầy mình định đính chính lại nhưng mới biết ngày 13 tháng 5 ở
các chùa Phật cúng Già Lam, bởi mới lấy theo tục lệ cúng Già Lam 13 tháng 5 làm
lễ lớn luôn” [Tư liệu phỏng vấn 2017].
Trong tín ngưỡng
Quan Đế, sự khác biệt các ngày lễ vía và ý nghĩa của chúng là vấn đề phức tạp.
Điều đó, một mặt do sự khác biệt giữa tư liệu lịch sử và huyền thoại dân gian,
mặt khác do sự khác biệt về văn hóa tín ngưỡng giữa các địa phương hoặc vùng miền.
Tạ Chí Đại Trường [2014: 293-294] nhận xét: “Tính chất lưu vong và thương nhân
ít học (so với nho sĩ khoa bảng) khiến cho người Hoa biết ‘tiểu thuyết’ nhiều
hơn kinh truyện, và tin nhân vật tiểu thuyết lịch sử hơn là trong sử kí. Thần
Quan Đế của họ mang tính khu vực lưu tán (Nam Trung Quốc) là hình ảnh rút từ Tam Quốc chí diễn nghĩa của La Quán
Trung chứ không phải từ Tam quốc chí
của Trần Thọ.”
Theo quan niệm
phổ biến ở Việt Nam hiện nay, mỗi năm có ba lễ vía Quan Công là vía sanh 13
tháng 5, vía tử 13 tháng 6 và vía hiển thánh 24 tháng 6. Trong khi đó, người
Hoa ở Châu Đốc chỉ tổ chức lễ vía Quan Công ngày 24 tháng 6, không ghi nhận
ngày vía tử 13 tháng 6, còn ngày 13 tháng 5 được cho là vía Quan Bình. Trên
bình diện lịch sử, ngày 13 tháng 6 không thể là ngày mất của Quan Vũ. Bởi, hai
cha con Quan Vũ và Quan Bình tham gia trận đánh cuối cùng vào tháng Chạp năm
219 và bị sát hại [Thích Nguyên Tâm 2013: 1138].
Nghi thức cúng tế ở hai miếu Quan Đế
đều khá đơn giản, thời gian khoảng ba mươi phút. Khi cúng, người Hoa thường mặc
Âu phục, không có học trò lễ (lễ sanh), không đọc văn tế, không sử dụng nhạc lễ…
Lễ vật thường là heo quay, trái cây, bánh ngọt… Điểm đặc biệt trong tín ngưỡng
Quan Đế ở Châu Đốc là cả hai ngôi miếu đều từng tổ chức nhập đồng giống như miếu
Tam Sơn. Đây là nghi lễ đặc thù của người Hoa nhóm Triều Châu.
3. Thực hành tín ngưỡng
Trong những lần
nhập xác, có khi một phần xác được một vị thần nhập vào, nhưng cũng có khi nhiều
phần xác được nhiều vị thần nhập vào cùng thời điểm. Họ xưng là Quan Công, Quan
Bình, Châu Xương, Chánh Soái Đại Càn, Ông Hổ… Sau đó, xác đồng bắt đầu múa đao,
múa kiếm, phun trà và rượu quanh chánh điện. Trong lúc nhập đồng, xác đồng dùng
một cây sắt nhịn xỏ từ má bên nầy trổ sang má bên kia và giữ nó trong suốt thời
gian nghi lễ.
Người nhập đồng bắt đầu thực hiện nhiều
hình thức “hành xác” như cắt lưỡi lấy máu vẽ bùa lên những mảnh giấy nhỏ màu
vàng để ban phát cho dân chúng. Có khi ông thọc tay vào nồi nước sôi rồi tát nước
lên cơ thể, đi chân không trên than lửa, dùng trái đấm đánh vào người… Trái đấm là một khối tròn làm từ gỗ, được
đóng đinh chi chít vào và mài cho đầu đinh thật nhọn. Người nhập xác sẽ cầm hai
trái đấm trên hai tay và đập nó vào cơ thể mình.
Ngoài nghi lễ tại miếu còn có hoạt động
đi nghinh, một hình thức diễu hành xung quanh làng xóm. Phần xác sẽ ngồi lên ghế
dao hoặc ghế đinh và được các thanh niên cùng nhau khiêng đi. Trên đường đi, nếu
gặp những nơi dơ bẩn thì ông phóng nhang để tẩy uế, hoặc kêu đệ tử đi trước để
cắm nhang tẩy uế, rồi đoàn rước ông đến sau.
Trước hoặc sau lúc đi nghinh, người
dân có thể đến hỏi về những chuyện gia đạo, làm ăn, rủi ro, bịnh tật… và sẽ lần
lượt được ông giải đáp. Ông nói bằng tiếng Tiều hoặc tiếng Quảng và sẽ có người
phiên dịch lại tiếng Việt cho dân chúng hiểu. Khi không còn ai hỏi gì nữa, vị
thần sẽ tự xuất khỏi phần xác. Lúc sắp thăng, ông họa một đạo bùa dán vào má rồi
rút cây xiên quai ra, trên má ông không có lỗ thủng. Sau khi nghi lễ kết thúc,
cơ thể xác đồng không để lại bất kỳ vết thương hoặc vết máu nào. Điều đặc biệt,
bộ quần áo bằng vải mà người ấy mặc cũng không có vết rách, mặc dù ông đã dùng
trái đấm đánh vào người và đã ngồi trên ghế dao hay ghế đinh.
Từ đầu thế kỷ XX, người Pháp đã chú ý
đến nghi thức nhập đồng của người Hoa ở Châu Đốc và chụp lại một số hình ảnh
quý giá về hoạt động nầy. Sau năm 1975, nhập đồng ở cả hai miếu Quan Đế không
được chánh quyền địa phương cho phép tiếp tục thực hiện. Song, nghi thức nhập đồng
Quan Đế đã ảnh hưởng đến tín ngưỡng dân gian của người Việt trên địa bàn Châu Đốc
và đến nay vẫn được duy trì với một dạng thức khác. Đó là trường hợp miếu Âm Nhơn ở phường Núi Sam, người dân
thường gọi là miếu Cô Hồn.
Về nguồn gốc ra
đời ngôi miếu, dân gian kể rằng chân núi phía Tây Bắc của núi Sam có khu nghĩa
địa lớn (người địa phương gọi là đất cúng,
đến nay vẫn còn tồn tại), cô hồn thường hay quấy phá người qua lại. Do đó, nhân
dân lập miếu thờ cô hồn để giữ yên bình cho làng xóm. Ý kiến khác cho rằng, miếu
được Thoại Ngọc Hầu cho xây dựng để thờ vong hồn những nhân công thiệt mạng
trong quá trình đào kinh Vĩnh Tế [Tư liệu điền dã 2017]. Theo Nguyễn Phước Sanh
[2018: 964], miếu được nhân dân xây dựng khoảng trước năm 1900 để thờ các bậc
tiền nhân bỏ mình trong công cuộc đào kinh Vĩnh Tế, cùng chư vị có công khai
phá và gìn giữ biên cương phương Nam. Theo Trịnh Bửu Hoài [2018: 92], miếu được
xây dựng giữa thế kỷ XIX để thờ những cô hồn vất vưởng không nơi nương tựa, đồng
thời thờ cả các bậc tiền hiền của làng thôn.
Rằm tháng Giêng
hằng năm, miếu Âm Nhơn tổ chức lễ Cầu an Thượng nguơn, trong đó có nghi thức
Hành binh, dân gian còn gọi là Nghinh Ông. Ba người đàn ông sẽ nhập đồng ba vị
Quan Công, Quan Bình, Châu Xương và diễu hành quanh núi Sam với ý nghĩa rước
các cô hồn về miếu để cúng tế. Hành trình bắt đầu từ buổi trưa và đoạn đường chỉ
khoảng 5 km, nhưng do số lượng người dân tham gia đông đảo nên đến tối đoàn xe
mới về đến miếu. Sáng sớm hôm sau, lễ Chánh tế và Tống ôn được diễn ra tại miếu.
Lễ Chánh tế có ý nghĩa là cúng tế những cô hồn đã được rước về miếu từ lễ Hành
binh hôm trước, nhưng về hình thức thì diễn ra theo nghi lễ cổ truyền của các
đình miễu ở Nam Bộ. Sau cùng, cô hồn sẽ được đưa lên thuyền giấy để làm lễ Tống
ôn qua hình thức hỏa tống (đốt cháy) chứ không phải thủy tống (thả sông) như
các địa phương khác.
Ngoài ra, miếu
Quan Đế xã Mỹ Đức còn có tập tục nhận trẻ nhỏ làm con nuôi của Quan Đế. Những đứa
trẻ khó nuôi, cha mẹ chúng sẽ mang đến miếu Quan Đế trong lúc diễn ra nhập đồng
và khấn vái “ký bán” con mình cho Quan Đế. Ông sẽ đặt cho đứa trẻ một cái tên lấy
theo họ ông và làm một “cái phép” cho nó. Sau đó, cha mẹ mang con về tiếp tục
nuôi nấng bình thường. Tên do Quan Đế đặt không cần phải lấy làm tên trên giấy
tờ cho đứa trẻ, mà thường chỉ sử dụng như tên gọi ngoài đời.
4. Lời kết
Malinowski với tác phẩm kinh điển Ma thuật, khoa học và tôn giáo đã phân
chia hai phạm trù: cái thiêng (tôn giáo và ma thuật) và cái trần tục (khoa học).
Ông cho rằng, không có một nhóm người dù nguyên thủy đến đâu mà không có tôn
giáo và ma thuật, cũng không có một chủng tộc dù mông muội đến mức nào lại
không có quan điểm khoa học [Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam 2006: 147]. Trong mối
quan hệ với ma thuật, tôn giáo góp phần định hướng các giá trị đạo đức truyền
thống, còn khoa học đóng vai trò hỗ trợ những phương pháp thực tiễn.
Vận dụng quan điểm nầy vào nghiên cứu
hình thức nhập đồng của người Hoa, có thể thấy yếu tố tôn giáo và khoa học đã
tác động hai chiều vào ma thuật. Về phía tôn giáo, các phương thức ma thuật được
lồng ghép vào tín ngưỡng (tôn giáo sơ khai) và được định hướng bởi những giá trị
đạo đức từ tín ngưỡng - tôn giáo. Về phía khoa học, các phương thức trị liệu
dân gian thông qua những năng lực tiềm ẩn của con người đã được vận dụng vào ma
thuật, đó là một dạng khoa học nguyên thủy - nói theo cách của Malinowski là
“nguyên lý sơ đẳng của khoa học”.
Tóm lại, trong cộng
đồng người Hoa ở Việt Nam nói chung, tín ngưỡng Quan Công được chia sẻ bởi tất
cả các nhóm phương ngữ. “Quan Công, trên bình diện là một hình thức thờ cúng
công cộng, không chỉ được quan niệm như một võ tướng, mà còn là biểu tượng của
danh dự, của lòng thủy chung, sự dũng cảm, lòng công minh chánh trực… Nhưng
quan trọng hơn cả, với nhóm người Hoa di dân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, với
những người chủ trương ‘bài Mãn phục Minh’, Quan Công chính là biểu tượng của
lòng trung thành đó” [Nguyễn Xuân Nghĩa 1984: 194]. Rõ ràng, thờ cúng Quan Công
đã trở thành một thực hành tín ngưỡng đặc trưng của tộc người Hoa và được họ
mang đi khắp các nơi mà mình tìm đến định cư lập nghiệp.
VĨNH THÔNG
(Bài in trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Di sản văn hóa trong
hoạt động giáo dục và du lịch, Trường Đại học Trà Vinh, 2022)
_______________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Hội
Khoa học Lịch sử Việt Nam (2006), Những vấn
đề nhân học tôn giáo, Nxb Đà Nẵng.
2. Nguyễn
Phước Sanh (2018), “Miếu Âm Nhơn”, trong Ngô Nguyên Nghiễm, Chân dung văn nghệ sĩ qua góc nhìn Ngô
Nguyên Nghiễm, Quyển hạ, Nxb Hội Nhà văn.
3. Nguyễn
Xuân Nghĩa (1984), “Ý nghĩa xã hội của các tín ngưỡng cộng đồng ở người Hoa
vùng đồng bằng sông Cửu Long”, trong Nhiều
tác giả, Mấy đặc điểm văn hóa đồng bằng
sông Cửu Long, Viện Văn hóa.
4. Tạ
Chí Đại Trường (2014), Thần, người và đất
Việt, tái bản, Nxb Tri thức.
5. Thích Nguyên Tâm (2013), Từ điển Phật học tinh tuyển, Tập 1, Nxb Phương Đông.
6. Trịnh Bửu Hoài (2018), Châu Đốc - Di tích thắng cảnh và đặc sản, Phòng Văn hóa và Thông tin TP. Châu Đốc.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét