Đầu tháng 3 năm 2024, mạng xã hội bỗng xôn xao về hiện tượng được gọi là “cồn nổi” ở tỉnh An Giang. Đó thực chất là một bãi bồi trên sông Hậu, nằm cách cù lao Năng Gù khoảng 100 mét, tức xã Bình Thủy, huyện Châu Phú. Đây là hiện tượng tự nhiên bình thường trên các dòng sông, nhưng nhiều người đã lợi dụng nó để tuyên truyền mê tín dị đoan. Qua phân tích về các địa danh ở địa phương, chúng tôi xin góp thêm một góc nhìn về hiện tượng nầy.
Trước tiên, khu vực phía Tây Bắc của cù lao Năng Gù - địa bàn ấp Bình Thới, xã Bình Thủy được người địa phương gọi là “hồ”. Hồ là danh từ chung để chỉ một dạng địa hình, nhưng ở đây được sử dụng như danh từ riêng để chỉ một vùng đất cụ thể. Khi sử dụng địa danh phiếm định ấy, chẳng hạn “ở bên hồ” hay “đi qua hồ”, người nghe đều hiểu người nói đang nhắc đến nơi nào. Song, điều lạ lùng ở đây là trên địa bàn không hề có cái hồ nào!
Bên cạnh đó, ở khu vực nói trên có một địa danh khác là doi Nàng Ét. Doi là dải đất hay cát lồi ra ở cửa sông hoặc chạy dọc theo sông, Nàng Ét là tên riêng của doi ấy. Tuy nhiên, trên địa bàn cũng không hề có doi đất nào! Ngày nay, nơi đây chỉ còn lại một địa danh có liên quan là bến đò Nàng Ét.
Vậy, câu hỏi được đặt ra là: Tại sao có cách gọi "hồ" và địa danh doi Nàng Ét, nhưng trên thực địa lại không có hồ và doi nào? Cho đến nay, chưa ai giải thích được!
Năm 2021, trong tác phẩm Đình và làng Bình Thủy do chúng tôi biên soạn, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông ấn hành, tác giả đã đưa ra giả thuyết liên quan đến vấn đề nầy. Từ cách gọi “hồ” và địa danh doi Nàng Ét, chúng ta có thể thử phác họa đôi nét về sự thay đổi địa hình khu vực nói trên.
Do đặc điểm dòng chảy, một số nơi xảy ra hiện tượng thủy xâm, tạo thành một vùng nước ăn sâu vào đất liền khá rộng, đó là vịnh. Trong quá trình bồi tụ, có thể xuất hiện một dải đất nhô ra và kéo dài, che chắn phía ngoài vịnh, nó được gọi là doi. Khi đó, vùng vịnh trở thành vùng đầm phá. Từ hiện tượng trên, chúng tôi phỏng đoán: Ngày xưa, khu vực nầy bị thủy xâm mạnh, khiến đất khuyết thành lõm, tạo ra vùng vịnh. Sau đó, doi Nàng Ét được bồi tụ và kéo dài, chắn bên ngoài vịnh, khiến nó trở thành đầm phá, dân gian gọi là “hồ”.
Tuy nhiên, ở thời điểm tác phẩm Đình và làng Bình Thủy ra đời, tác giả chỉ nêu lên giả thuyết, chưa có cơ sở để chứng minh. Bởi khi đó, “hồ” đã không còn và doi Nàng Ét cũng biến mất, chỉ còn lại những địa danh trở thành ký ức mơ hồ về một thời xa xăm. Giờ đây, sự xuất hiện của bãi bồi ở khu vực nầy đã phần nào chứng minh cho phỏng đoán mà chúng tôi đưa ra là có cơ sở.
Nếu vậy, bãi bồi đó chính là doi Nàng Ét xưa kia. Do sự thay đổi của địa hình và dòng chảy, nó bị xói mòn và ẩn khuất dưới dòng nước, rồi lại được bồi tụ trở lại. Và dĩ nhiên, khoảng cách giữa cù lao Năng Gù và doi Nàng Ét là một vùng nước có chiều ngang khoảng 100 mét, như một cái “hồ” theo góc nhìn đơn giản của dân gian.
Xin nói thêm, hồ Nguyễn Du ở phường Mỹ Bình, thành phố Long Xuyên đã hình thành theo cách thức tương tự. Phần đất bên đường Nguyễn Du là một dải đất chạy dọc theo sông Hậu, hồ Nguyễn Du thực chất là một vùng nước ngăn cách dải đất đó với bờ chính ở đường Lê Lợi, lâu dần vùng nước đó trở thành hồ như ngày nay.
Như thế, hiện tượng bãi bồi hay gọi theo dân gian là “cồn nổi” ở xã Bình Thủy chẳng những là hiện tượng tự nhiên bình thường, mà còn đã gắn với đặc điểm tự nhiên của cù lao Năng Gù xa xưa, không có gì mới lạ! Hiện tượng đó cũng góp phần lý giải cách gọi “hồ” và địa danh doi Nàng Ét mà người địa phương sử dụng từ lâu, mặc dù trước nay họ không tìm thấy chúng trên thực địa.
VĨNH THÔNG
(Bài đăng trên Tạp chí Thế giới di sản, số 7 (214), 2024)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét