11/9/24

Cẩn trọng khi “sùng bái” hạnh đầu-đà - Vĩnh Thông

Đầu-đà là một trong những phương pháp tu tập của Phật giáo. Thời Đức Phật tại thế, hạnh đầu-đà được một bộ phận Tăng chúng thọ trì. Ngày nay ở nhiều quốc gia, một số Tỳ-kheo vẫn thực hành lối tu nầy. Tuy nhiên, từ các hiện tượng mạng xã hội trong thời gian gần đây, không ít người đưa ra những nhận định chưa chính xác về hạnh đầu-đà. Chẳng hạn, họ cho rằng hạnh đầu-đà tái hiện hình ảnh Tăng đoàn thời Đức Phật, thậm chí là con đường độc nhứt để giải thoát… Tệ hại hơn, họ cho rằng Đức Phật đã từ bỏ hạnh đầu-đà vì “không giữ nổi” pháp hành nầy! Đó là những ý kiến cần trao đổi lại. 


Đầu-đà - hạnh tu được Đức Phật tán thán

Đầu-đà (Sanskrit: Dhūtaguṇa, Pāli: Dhutaṅga) là nhóm phương pháp khổ hạnh mang tính chất tự nguyện trong Phật giáo, nhằm dứt trừ sự dính mắc, tham dục, phiền não. Danh từ nầy có nghĩa là sự thực hành để phiền não rơi rụng. Các trường phái Phật học liệt kê hạnh đầu-đà có khác biệt đôi chút. 

Theo Phật giáo Nam truyền, có 13 hạnh đầu-đà gồm mặc y vá, mặc ba y, sống bằng khất thực, khất thực thứ lớp, ăn mỗi ngày một bữa, ăn bằng bát, không nhận thức ăn dư, ở rừng, ở gốc cây, ở ngoài trời, ở nghĩa địa, nghỉ chỗ nào cũng được, không nằm. [1] Theo Phật giáo Bắc truyền, có 12 hạnh đầu-đà gồm sống nơi vắng vẻ, sống bằng khất thực, khất thực thứ lớp, ăn mỗi ngày một bữa, ăn vừa đủ, ăn giờ ngọ, mặc y vá, mặc ba y, ở gò mả, ở gốc cây, ở ngoài trời, không nằm. [2]

Để tìm hiểu chi tiết về hạnh đầu-đà trong văn điển Phật giáo, tác phẩm Thanh tịnh đạo do Trưởng lão Buddhaghosa trước tác vào thế kỷ V có thể được xem là tiêu chuẩn. Ở đó, hạnh đầu-đà được trình bày đầy đủ, đi kèm những hướng dẫn chi tiết để thực hành. Tuy nhiên, tác phẩm nầy ra đời sau Đức Phật khoảng mười thế kỷ.

Nói về giá trị của pháp hành nầy, Đức Thế Tôn từng tán dương hạnh đầu-đà và ngài Mahā Kassapa (Đại Ca-diếp) - người thực hành hạnh đầu-đà bậc nhứt trong Tăng đoàn. Trong Bắc tạng, lời tán dương đó được tìm thấy ở phẩm “Nhập đạo” và phẩm “Chớ sợ” (bản dịch cũ là “Mạc úy”) thuộc Kinh Tăng nhất A-hàm, bài kinh “Quá già” (bản dịch cũ là “Lực lão”) thuộc Kinh Tạp A-hàm. Kinh có nội dung tương đương trong Nam tạng là bài kinh “Trở về già” thuộc Kinh Tương ưng bộ. Các kinh văn nêu trên tường thuật cùng một sự việc. Đó là vào lúc ngài Kassapa già yếu, Đức Phật khuyên từ bỏ hạnh đầu-đà, nhưng ngài vẫn quyết lòng gìn giữ, bởi thế Đức Phật tán dương gương hạnh ấy.

Tuy vậy về văn bản học, có những vấn đề cần xem lại. Trong Nam tạng, chỉ có bài kinh “Trở về già” thuộc Kinh Tương ưng bộ đề cập sự việc nầy, nhưng liệt kê 9 hạnh và không trực tiếp nhắc đến từ “đầu-đà”. Trái lại, Bắc tạng có ba phiên bản với nhiều khác biệt. Trong đó, phẩm “Nhập đạo” thuộc Kinh Tăng nhất A-hàm và bài kinh “Quá già” thuộc Kinh Tạp A-hàm có nội dung khá tương đồng với bài kinh “Trở về già” thuộc Kinh Tương ưng bộ. Song, phẩm “Chớ sợ” thuộc Kinh Tăng nhất A-hàm có thông tin nhiều hơn như dự đoán đời sống các Tỳ-kheo trong tương lai, phó chúc Pháp bảo, dặn dò lưu truyền kinh điển… Những thông tin nầy không tìm thấy trong các bản kinh tương đương, nhưng khá giống với motif của văn học Đại thừa.

Những dữ kiện nêu trên cho phép chúng ta đưa ra giả thuyết: Có khả năng vào thời Đức Phật tại thế, đầu-đà là một cách nói chung chung. Việc liệt kê 9 hạnh, 12 hạnh, 13 hạnh và sắp xếp trật tự của chúng rất có thể do các bộ phái Phật giáo thực hiện về sau.

Đáng nói là gần đây, dựa vào lời tán dương của Đức Phật dành cho hạnh đầu-đà, không ít người diễn giải rằng pháp hành nầy là con đường tối thắng trong Phật giáo. Điều đó chưa chính xác. Chúng ta cần lưu ý, lời tán thán nói trên là sự khích lệ của bậc Đạo sư dành cho người đệ tử tinh tấn, đồng thời nêu gương cho nhiều người khác. Điều đó không đồng nghĩa phủ nhận những phương pháp tu tập khác, hay phê bình những Tỳ-kheo không thọ trì pháp hành nầy. Vả lại, trong 45 năm hoằng pháp, có phải Đức Thế Tôn chỉ tán dương hạnh đầu-đà một lần như thế, hay nói gì khác, ứng xử ra sao? Những điều đó thiết nghĩ chúng ta cần tìm hiểu thêm.


Hạnh đầu-đà không có tính bắt buộc

Dù Đức Thế Tôn tán dương người tu tập hạnh đầu-đà, nhưng không phải mọi ngữ cảnh Ngài đều kêu gọi thọ trì pháp hành nầy. Có vài dữ  kiện chứng minh cho điều đó.

Một là, ngay chính pháp thoại giữa Đức Phật và Tôn giả Kassapa như đã trình bày. Khi đó, ngài Kassapa đã già yếu, Đức Phật khuyên từ bỏ hạnh đầu-đà. Nếu đây là “con đường độc nhứt” trong tu tập thì Đức Thế Tôn sẽ không khuyên từ bỏ.

 Hai là, Devadatta (Đề-bà-đạt-đa) với âm mưu ly khai giáo hội đã nêu ra năm đề xuất, nội dung khá gần giống với một số hạnh đầu-đà, như trọn đời sống trong rừng, trọn đời khất thực, trọn đời mặc y bằng vải lượm… Đức Phật không đồng ý, Ngài nói rằng: “Vị nào muốn thì hãy trở thành vị sống ở rừng, vị nào muốn thì hãy cư ngụ ở trong làng. Vị nào muốn thì hãy trở thành vị khất thực, vị nào muốn thì hãy hoan hỷ việc thỉnh mời. Vị nào muốn thì hãy là vị mặc y (may bằng) vải bị quăng bỏ, vị nào muốn thì hãy hoan hỷ y của gia chủ…” Các đề xuất còn lại tương tự như vậy. [3]

Xin nói thêm, khi đề cập sự việc nầy, Luật tạng của Thượng tọa bộ không nhắc đến từ “đầu-đà”: “Bạch Ngài, đây là năm sự việc đưa đến sự ít ham muốn, sự tự biết đủ, sự đoạn trừ, sự từ khước, sự hoan hỷ, sự giảm thiểu, sự ra sức nỗ lực bằng nhiều phương thức.” [4] Trong khi đó, Luật tạng của Pháp Tạng bộ có nhắc đến từ nầy: “Nay, chúng ta có năm thắng pháp, cũng là hạnh đầu-đà, thiểu dục, tri túc, ưa xuất ly.” [5]

Ba là, trong giới luật Phật giáo, không có quy định nào bắt buộc người xuất gia thọ trì hạnh đầu-đà. Đó là thông tin cần khẳng định. Điều kiện căn bản của người xuất gia không phải hạnh đầu-đà, mà là giới Tỳ-kheo. Tu sĩ Phật giáo có thể phát nguyện giữ hoặc không giữ hạnh đầu-đà, nhưng không thể không giữ giới Tỳ-kheo. Hạnh đầu-đà không phải điều kiện “cần”, cũng chẳng phải điều kiện “đủ”, mà chỉ là điều kiện “bổ trợ”. Tùy theo khuynh hướng tu tập của từng cá nhân mà có thể lựa chọn lối tu nầy hoặc không.

Cũng nói thêm, cùng với giới Tỳ-kheo, Tứ y pháp (Bốn đối tượng nương nhờ) là nền tảng căn bản cho đời sống Trung đạo của người xuất gia, được khẳng định trong Luật tạng của tất cả các bộ phái Phật giáo, bao gồm:

(1) Về ăn, nương nhờ khất thực, nhưng thí chủ cúng dường trai hội thì được nhận.

(2) Về mặc, nương nhờ y vá, nhưng thí chủ cúng dường y thì được nhận.

(3) Về ở, nương nhờ gốc cây, nhưng thí chủ cúng dường cốc am thì được nhận.

(4) Về bệnh, nương nhờ lá cỏ, nhưng thí chủ cúng dường thuốc thì được nhận.

Tứ y pháp giúp người xuất gia đoạn trừ sự dính mắc với ăn uống, y phục, chỗ ở, thuốc men. Có thể nhận thấy, Tứ y pháp khá gần gũi hạnh đầu-đà, tuy nhiên có tính chất “mở”. Điều đó không phải là sự “dễ dãi” trong đời sống tu tập, mà nhằm tạo điều kiện thích nghi phù hợp cho mỗi cá nhân trong những hoàn cảnh cụ thể, tránh rơi vào cực đoan.


Người thực hành hạnh đầu-đà là thiểu số

Về lịch sử, trong Tăng đoàn thời Đức Phật, người thực hành hạnh đầu-đà là bộ phận nhỏ. Số đông còn lại không thực hành lối tu nầy, hoặc chí ít họ có thể thực hành vào một giai đoạn nào đó trong quá trình tu tập, nhưng không phải xuyên suốt đời tu, kể cả Đức Thế Tôn.

Như đã nói, gương mặt tiêu biểu cho hạnh đầu-đà là Tôn giả Mahā Kassapa. Tuy nhiên trong Tăng đoàn, chỉ có hai Tôn giả được Đức Phật tuyên bố là chuẩn mực hoàn hảo cho Tăng chúng là Sāriputta (Xá-lợi-phất) và Moggallāna (Mục-kiền-liên) dù hai vị không phải là hành giả đầu-đà, đặc biệt ngài Sāriputta được Đức Thế Tôn tuyên bố là đủ khả năng “thừa tự Như Lai vị”. [6]

Vì sao ít người thọ trì hạnh đầu-đà? Không phải do lối tu nầy quá kham khổ nên ít người có thể thực hành - như một số quan điểm gần đây nêu ra. Thực ra, đối với người xuất gia trong Phật giáo, đời sống tu tập của người không giữ hạnh đầu-đà vốn đã khá giống với người giữ hạnh đầu-đà, chỉ thêm bớt một số yếu tố. Chẳng hạn, họ mặc y vá, mặc ba y, sống bằng khất thực, khất thực thứ lớp, ăn mỗi ngày một bữa, ăn bằng bát, không nhận thức ăn dư, sống ở nơi vườn rừng vắng vẻ…

Khác chăng là, người không giữ hạnh đầu-đà thì không hoàn toàn ràng buộc với một số điều kiện, họ có thể nhận y do thí chủ cúng dường, nhận lời mời đến gia đình thí chủ để thọ thực, cư trú ở tịnh xá… Nói cách khác, sự khác biệt giữa người giữ hạnh đầu-đà và người không giữ hạnh đầu-đà không phải “có thực hành” hay “không thực hành”, mà là “thực hành triệt để” và “thực hành tùy duyên”. Cho nên, tu đầu-đà đối với người xuất gia không phải là khó khăn, đến mức độ hiếm người đủ khả năng hành trì. Cho rằng hạnh đầu-đà quá khó khăn để hành trì là nhận định chưa chính xác.

Trái lại, người thực hành hạnh đầu-đà gặp hạn chế là khó hoằng pháp, vì giảm đi sự tiếp xúc với xóm làng. Trong khi đó, Đức Thế Tôn chủ trương hoằng pháp, Ngài và Tăng đoàn đã tích cực hoằng pháp từ thôn quê đến thành thị, từ quốc độ nầy đến quốc độ khác, từ người hạ tiên đến người quý tộc… Công cuộc hoằng pháp vĩ đại ấy được tường thuật bàng bạc trong Kinh tạng. Sát cánh với Ngài là hội chúng Tỳ-kheo mà “anh cả” là hai Thượng thủ Sāriputta và Moggallāna. Thậm chí, Đức Phật xác định Sāriputta là người “thừa tự Như Lai vị” có lẽ một phần vì lý do nói trên, bởi Tôn giả không chỉ là người thông tuệ giáo lý, mà còn là nhà hoằng pháp.

Khoảng ba trăm năm sau khi Đức Thế Tôn diệt độ, trong cuộc đàm luận về Phật giáo, vua Milinda (Mi-lan-đà) đặt câu hỏi: Vì sao Đức Thế Tôn khuyên người xuất gia sống vô trụ, lại khuyến khích xây cất chùa chiền? Tỳ-kheo Nāgasena (Na-tiên) trả lời: Đức Phật cho phép các đệ tử tùy duyên mà lựa chọn chỗ cư ngụ, không cấm đoán hay bắt buộc ở nơi nào, miễn sao không dính mắc vào chỗ ở. Việc xây cất chùa chiền mang lại lợi ích cho giáo pháp, vì hàng xuất gia và tại gia có nơi chốn tu tập, học hỏi, truyền bá giáo pháp. Vua nghe xong cũng thừa nhận: “Trẫm còn nghe được giáo pháp hôm nay là cũng nhờ có cảnh già lam mà cận sự nam nữ đã dày công kiến tạo!” [7]


Thay lời kết

Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, có không ít Tổ sư thực hành những hạnh tu gần giống với đầu-đà, nhưng đa phần không hòan toàn giữ đầy đủ hạnh đầu-đà, không tuyên bố mình thực hành lối tu nầy, vì gặp hạn chế trong giáo hóa. Các Tổ sư vẫn du phương hành đạo với ba y và một bát, khất thực, ăn mỗi ngày một bữa… Tuy vậy, các ngài vẫn thuyết pháp giảng kinh, gặp nơi thích hợp thì cất chùa để bá tánh nương tựa mà tu học, nhận cúng dường về y, thức ăn, thuốc, am cốc… để gieo niềm tin cho người có duyên.

Ngày nay, ở các quốc gia Nam phương Phật giáo, một số Tỳ-kheo vẫn thực hành hạnh đầu-đà như thời kỳ Đức Phật tại thế. Ngoài ra, chư Tăng tạo điều kiện cho cư sĩ tập giữ gìn một vài trong 13 hạnh đầu-đà, với thời gian là một đêm, nhằm để tưởng nhớ ân đức Tam Bảo, rèn luyện sự tinh tấn, lấy sự thực hành giáo pháp của bản thân để cúng dường Đức Thế Tôn.

Tóm lại, Tỳ-kheo thực hành hạnh đầu-đà một cách đúng giới luật là đáng tôn kính. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa phủ nhận các khuynh hướng tu tập khác, chỉ trích những Tỳ-kheo không hành trì lối tu nầy. Đầu-đà không có tính bắt buộc, huống gì cho đó là “con đường độc nhứt” đưa đến giải thoát, như một số ý kiến gần đây đã nêu ra. Càng không nên suy diễn rằng pháp hành nầy tái hiện hình ảnh Tăng đoàn thời Đức Phật, bởi người thực hành hạnh đầu-đà trong Tăng đoàn thời Đức Phật là thiểu số.

 

VĨNH THÔNG

(Bài đăng trên Tập san Đuốc Sen, số 34, 2024) 

_______________________

CHÚ THÍCH:

1. Thích Phước Sơn (2010), Thanh tịnh đạo luận toản yếu, Nxb Phương Đông, tr. 31-32.

2. Thích Nguyên Tâm (2018), Từ điển Phật học tinh tuyển, Tập 2, Nxb Hồng Đức, tr. 256-257.

3. Tạng luật: Phân tích giới Tỳ-khưu (2013), Tập I, Indacanda dịch, Buddhist Cultural Centre, tr. 451.

4. Tạng luật: Phân tích giới Tỳ-khưu (2013), Sđd, tr. 451.

5. Tứ phần luật (2006), Quyển 1, Thích Đỗng Minh & Thích Đức Thắng dịch, Ban Tu thư Phật học, tr. 153.

6. Kinh Trung bộ (2012), Tập II, Thích Minh Châu dịch, Nxb Tôn giáo, tr. 180.

7. Kinh Mi Tiên vấn đáp (2014), Giới Nghiêm dịch, Nxb Tôn giáo, tr. 523-524.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Kinh Mi Tiên vấn đáp (2014), Giới Nghiêm dịch, Nxb Tôn giáo.

2. Kinh Trung bộ (2012), Tập II, Thích Minh Châu dịch, Nxb Tôn giáo

3. Tạng luật: Phân tích giới Tỳ-khưu (2013), Tập I, Indacanda dịch, Buddhist Cultural Centre.

4. Thích Nguyên Tâm (2018), Từ điển Phật học tinh tuyển, Tập 2, Nxb Hồng Đức.

5. Thích Phước Sơn (2010), Thanh tịnh đạo luận toản yếu, Nxb Phương Đông.

6. Tứ phần luật (2006), Quyển 1, Thích Đỗng Minh & Thích Đức Thắng dịch, Ban Tu thư Phật học.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét