Năm 1558, chúa Nguyễn Hoàng vào trấn Thuận Hóa, mở ra trang sử mới cho lịch sử dân tộc. Sau hai thế kỷ, lãnh thổ Đại Việt mở rộng gấp rưỡi, gần tương đương với lãnh thổ Việt Nam ngày nay. Song hành với quá trình mở mang bờ cõi, lao động sản xuất, chống giặc ngoại xâm… là quá trình xây dựng nền văn hóa.
Là vùng đất mới, lịch sử chưa phải quá lâu dài, nhưng Đàng
Trong nói chung hay Nam Bộ nói riêng có nhiều dấu ấn văn hóa độc đáo, vừa đa
dạng vừa đặc thù. Đó là nền văn hóa tiếp xúc và tiếp biến từ nhiều truyền thống
như Việt (Kinh), Chăm, Khmer, Hoa, Pháp… Để rồi nền văn hóa dung hợp ấy lại
tiếp tục sản sinh nhiều thực hành văn hóa mới mẻ.
Với niềm tự hào và nguyện vọng góp phần lan tỏa những nét
đẹp của đất và người phương Nam, chúng tôi đã thực hiện một số bài nghiên cứu
về chủ đề nầy, công bố ở các hội thảo, tạp chí, báo… Và giờ đây, những mảnh
ghép thú vị trong kho tàng văn hóa phong phú ấy được góp nhặt vào quyển sách
nầy, với tên gọi Phong vị Nam Hà.
Nam Hà là tên gọi khác của Đàng Trong. Mặc dầu nội dung tác
phẩm chỉ gói gọn trong phạm vi Nam Bộ, tuy vậy tác giả vẫn mạn phép sử dụng danh
từ Nam Hà như ôn lại dấu tích của tiền nhân. Mặt khác, ngoài yếu tố lịch sử, người
viết muốn liên tưởng đến cái tên ấy một cách thi vị, đó là dòng sông phương
Nam. Bởi, nói đến vùng đất Nam Bộ là nói đến địa hình sông nước. Tương tự, nói
đến con người Nam Bộ cũng là nói đến đời sống sông nước. Bởi thế, danh từ Nam
Hà phần nào thể hiện được yếu tố đặc trưng nổi bật của địa văn hóa nơi đây.
Lật mở từng trang sách, bạn đọc có thể tìm hiểu về các danh
nhân và sự kiện bị khuất lấp trong bóng mờ của lịch sử, những di tích và giai
thoại, nhiều tập tục đa dạng của các tộc người, niềm tin liên quan đến núi non
của cư dân vùng biên giới, các hiện tượng tôn giáo bản địa, các loại hình diễn
xướng dân gian, những yếu tố văn hóa
được tiếp biến ở Nam Bộ… Đặc biệt, trong đó có nhiều phát hiện mới, mà những
nghiên cứu của các tác giả đi trước chưa đề cập hoặc chỉ nhắc đến tản mác.
Trước đó vào năm 2021, chúng tôi đã xuất bản tác phẩm Dấu ấn thượng châu thổ (Nhà xuất bản
Tổng hợp TP.HCM). Tác phẩm Phong vị Nam
Hà có thể được xem là sự tiếp nối của quyển sách nói trên. Về hình thức
trình bày, tác giả tạm phân chia các bài viết thành ba mảng là Địa danh & nhân vật, Tín ngưỡng - tôn giáo, Đời sống sinh hoạt. Song, đây chỉ là
cách phân chia tương đối để bạn đọc tiện theo dõi, còn văn hóa vốn đa dạng và
phức tạp mà con người khó có thể phân chia một cách rạch ròi.
Dù năng lực bản thân có giới hạn, người viết vẫn mong mỏi có
thể đóng góp một phần công sức nhỏ vào lĩnh vực nghiên cứu văn hóa Nam Bộ, chia
sẻ những thông tin bổ ích cho những ai có nhu cầu tìm hiểu, hay chỉ đơn giản là
mang đến cho người đọc những phút giây trải nghiệm về vùng đất nầy thông qua
con chữ. Hy vọng quý độc giả sẽ yêu thích quyển sách, cũng như có thể thông cảm
lượng thứ và đóng góp ý kiến cho những khiếm khuyết khó tránh khỏi.
VĨNH THÔNG
Tác phẩm Phong vị Nam Hà của Vĩnh Thông do Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM phát hành tháng 9/2024. Sách dày 276 trang khổ 13 x 20,5 cm. Giá bìa: 130.000 đồng. Quý độc giả có nhu cầu mua sách xin vui lòng liên hệ qua email: vinhthongts@gmail.com. |
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét