13/1/25

Nhà văn Vĩnh Thông - Cây bút trẻ nặng lòng với miền Tây

Với những ai yêu mến các tác phẩm mang đậm dấu ấn đời sống, văn hóa miền Tây thì có lẽ nhà văn trẻ Vĩnh Thông không còn là cái tên xa lạ. Từ thơ, truyện ngắn, tùy bút đến nghiên cứu văn hóa, mỗi thể loại đều được Vĩnh Thông dành hết tâm huyết để mang đến cho độc giả những góc nhìn mới, những cách tiếp cận gần gũi nhưng không kém phần độc đáo và giàu tính nhân văn.

* Chào Vĩnh Thông! Là một nhà văn trẻ nhưng bạn đã có một bộ sưu tập tác phẩm được ra mắt và ghi dấu ấn cũng như nhận được phản hồi rất tích cực từ độc giả. Quá trình bạn đến với văn chương như thế nào?

Tôi bắt đầu sáng tác văn thơ và có các tác phẩm đăng báo từ năm 2010, khi đó tôi 14 tuổi và đang là học sinh lớp 8. Hai năm sau, tôi xuất bản tập thơ đầu tay có tên là Và quá khứ thấy ta. Từ đó đến nay, tôi tiếp tục miệt mài sáng tác ở nhiều thể loại như thơ, truyện ngắn, tùy bút, nghiên cứu văn hóa…

* Đến nay, Vĩnh Thông đã cho ra mắt bao nhiêu tác phẩm rồi?

Đến nay, trải qua gần 15 năm cầm bút, tôi đã xuất bản được 10 đầu sách in riêng gồm có 3 tập thơ, 2 tập truyện ngắn, 1 tập tùy bút, 1 tập du khảo, 3 tập nghiên cứu văn hóa. Và đồng thời cũng có nhiều đầu sách in chung và đoạt được một số giải thưởng.

* Vĩnh Thông ghi dấu ấn trong lòng độc giả từ thơ, truyện ngắn, bút ký đến biên khảo. Vậy đâu là thể loại sở trường và tâm huyết nhất của bạn?

Tôi nghĩ rằng, thật sự khó có thể khẳng định rõ ràng thể loại nào là sở trường hay tâm huyết nhất. Bởi vì mỗi thể loại có những đặc điểm riêng mà nếu so sánh với nhau thì có thể dễ gây ra sự khập khiễng. Có những đề tài cần phải khai thác qua lăng kính của truyện ngắn, nhưng cũng có những cảm xúc bất chợt gợi lên cho mình những câu thơ, hay là có những vấn đề hóc búa đòi hỏi mình phải nghiên cứu sâu để tìm ra câu trả lời. Chính vì vậy, mỗi thể loại chẳng qua là sự lựa chọn phù hợp của tác giả tùy theo từng đề tài mà tác giả đó muốn thể hiện. Tuy nhiên, nếu điểm qua các đầu sách của tôi đã xuất bản thì bạn đọc vẫn có thể nhận thấy các tác phẩm thể loại thơ và nghiên cứu văn hóa chiếm số lượng nhiều hơn. 

* Bạn vừa ra mắt cuốn sách biên khảo thứ tư mang tên Phong vị Nam Hà với nhiều khám phá văn hóa dân gian thú vị. Từ đâu bạn có nguồn cảm hứng để viết nên cuốn sách này?

Quyển sách Phong vị Nam Hà là tập hợp các bài nghiên cứu về văn hóa Nam Bộ mà tôi đã công bố rải rác trong vài năm qua trên các tạp chí hoặc hội thảo. Các bài viết này xoay quanh nhiều chủ đề khác nhau như là địa danh, danh nhân, tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục, lễ hội… Như chúng ta đã biết, Nam Bộ là vùng đất có lịch sử tương đối mới mẻ so với bề dày hàng ngàn năm của đất nước. Tuy nhiên, nơi đây cũng có nhiều dấu ấn văn hóa khá nổi bật. Và, những khám phá, những phát hiện mới của tôi trong quá trình tìm hiểu về đất và người phương Nam đã thôi thúc tôi viết nên các bài nghiên cứu và tập hợp lại trong quyển sách này.

* Để viết sách biên khảo, tôi nghĩ là đòi hỏi tác giả phải có nhiều trải nghiệm, tham khảo nhiều tài liệu của các nhà nghiên cứu, tác giả đi trước, đặc biệt là sự say mê. Với Vĩnh Thông thì sao? Bạn có gặp khó khăn gì khi chọn hướng đi này hay không?

Quả thật đúng như vậy, công việc nghiên cứu nhìn chung khá vất vả. Ngay từ đầu, người viết phải lựa chọn đề tài. Việc lựa chọn đề tài để nghiên cứu đã là một công việc không hề dễ. Đến khi tìm được đề tài, để bắt tay vào nghiên cứu đề tài đó, người viết cần phải kết hợp giữa tham khảo các tài liệu và khảo sát thực tế. Từ các thông tin mà mình thu thập được qua nhiều nguồn, người viết lại phải sàng lọc, đối chiếu, phân tích để từ đó tìm ra được câu trả lời cuối cùng. Cho nên tôi nghĩ rằng, điều quan trọng là người viết cần phải trang bị phương pháp nghiên cứu vững vàng. Khi đã làm được điều đó, công việc nghiên cứu sẽ không quá khó khăn.

* Dự định sắp tới của Vĩnh Thông là gì?

Sắp tới, tôi có nhiều đề tài nghiên cứu cũng đang tìm tòi, ấp ủ và sẽ tiếp tục thực hiện. Bên cạnh đó, có một công trình dài hơi hơn mà tôi cũng dự định xuất bản trong thời gian tới. Quyển sách này sẽ nói về tín ngưỡng dân gian của một tộc người ở vùng biên giới Tây Nam Bộ. Ngoài ra, trong lĩnh vực sáng tác văn thơ, tôi cũng có một bản thảo đã hoàn thành, có thể sẽ xuất bản trong thời gian gần. Còn về tên gọi hay nội dung cụ thể của các tác phẩm này thì tôixin phép được giữ bí mật và đến khi nào tác phẩm ra mắt thì sẽ chính thức bật mí cùng với bạn đọc.

* Cảm ơn Vĩnh Thông với những chia sẻ vừa rồi và chúc bạn tiếp tục gặt hái thành công trong những dự án sắp tới.

 

* * *

 

Nâng niu quyển sách Phong vị Nam Hà - tác phẩm vừa cho ra mắt của nhà văn trẻ Vĩnh Thông, chúng tôi không khỏi khâm phục niềm đam mê và công sức mà nhà văn trẻ này dành cho mảnh đất miền Tây. Với nhiều người, viết văn, viết thơ là chuyện không hề dễ dàng, đằng này Vĩnh Thông còn chọn bước chân vào biên khảo, hướng đi mà không nhiều cây bút ở độ tuổi của anh dám dấn thân.

Công việc văn phòng chiếm gần như toàn bộ thời gian nhưng Vĩnh Thông luôn biết cách sắp xếp, phân bổ thời gian, để vừa tìm đọc bài nghiên cứu của các tác giả đi trước, vừa đi điền dã, thu thập dữ liệu làm giàu thêm vốn kiến thức. Đó cũng là cách Vĩnh Thông làm phong phú vốn sống, đầy đặn tri thức trong từng tác phẩm của mình.

“Có một vấn đề đối với thời đại hiện nay của chúng ta, gây trở ngại cho người làm nghiên cứu, đó là vấn đề thời gian. Chẳng hạn như tôi, một người làm việc văn phòng, để sắp xếp thời gian theo đuổi đam mê nghiên cứu cũng là một thách thức rất lớn. Và, tôi nghĩ rằng nhiều người ở thời đại hiện nay cũng vậy, chúng ta khó có thể sắp xếp được nhiều thời gian để có thể phục vụ cho công việc nghiên cứu một cách hiệu quả nhất” - Vĩnh Thông chia sẻ.

Là đồng hương và cũng có chung niềm đam mê viết lách với nhà văn trẻ Vĩnh Thông, nhà thơ, nhạc sĩ Phan Võ Hoàng Nam đánh giá cao sức sáng tạo và lao động nghệ thuật một cách nghiêm túc của Vĩnh Thông: “Vĩnh Thông là một trong số ít những người trẻ mà tôi trân trọng. Miệt mài với những trang viết, lặng lẽ cống hiến với một thái độ lao động thật sự nghiêm túc, có tình yêu quê hương, có tài, có tâm huyết với nghề và có trách nhiệm với cuộc sống. Tôi tin rằng Vĩnh Thông sẽ còn tiến xa trên con đường mà mình đã chọn.”

Theo nhà thơ, nhạc sĩ Phan Võ Hoàng Nam, mỗi tác phẩm của Vĩnh Thông đều có diện mạo riêng, mang lại cho độc giả những cảm xúc đậm chất hiện thực xã hội, vừa mang vẻ đẹp trữ tình, trong sáng: “Tôi đặc biệt thích những tác phẩm nghiên cứu văn hóa của Vĩnh Thông. Mỗi đề tài trong sách của bạn ấy đều mang đến cho độc giả những góc nhìn mới mà trước đây ta chưa thấy ở những tác giả đi trước. Những danh nhân, những sự kiện lịch sử, những di tích và giai thoại hay những tập tục được miêu tả sinh động dưới ngòi bút của Vĩnh Thông. Qua đó đã cung cấp cho người đọc có thêm những hiểu biết, những trải nghiệm để từ đó càng thêm yêu quê hương, yêu mảnh đất Tây Nam Bộ hào sảng, nghĩa tình.”

Sau những nỗ lực miệt mài không ngừng nghỉ, Vĩnh Thông đã gặt hái nhiều thành công. Các tác phẩm của anh được độc giả phản hồi tích cực và đặc biệt là đạt được nhiều giải thưởng uy tín, có thể kể đến như: Giải Nhất thể loại truyện ngắn và Giải Nhì thể loại thơ - Giải thưởng Văn chương Thủ Khoa Nghĩa (2015), Giải Tác giả trẻ - Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Việt Nam (2018)…

Nói về niềm đam mê đối với người viết trẻ hiện nay, Vĩnh Thông cho rằng: “Niềm đam mê là một yếu tố rất cần thiết đối với mỗi người trên con đường viết lách. Tuy nhiên, nó không hẳn là yếu tố quyết định. Tôi nghĩ rằng, điều quan trọng đối với các bạn trẻ mà chúng ta cần quan tâm, đó là tìm hiểu cho chính xác về khả năng của bản thân, để từ đó có những định hướng về con đường mà mình sẽ đi.”

“Dù gì đi nữa thì mỗi người phải đi trên con đường của chính mình, chứ chúng ta không cố gắng biến mình trở thành bản sao của một ai đó. Chính vì vậy, chúng ta cần phải nhận định cho đúng khả năng, sở trường, nguyện vọng của bản thân, để định hướng hướng đi cho phù hợp. Còn niềm đam mê là một động lực để bổ trợ cho chúng ta, nhưng chúng ta đừng quá sa đà vào nó, đến mức độ có thể niềm đam mê đó dẫn dắt chúng ta đi một định hướng không phù hợp với bản thân” - nhà văn Vĩnh Thông chia sẻ.

Qua ngòi bút của mình, Vĩnh Thông đã truyền tải một cách nhẹ nhàng mà sâu sắc tình yêu và lòng biết ơn đối với quê nhà An Giang nói riêng và miền Tây nói chung trong từng tác phẩm. Những đứa con tinh thần ấy đã giúp người đọc thêm yêu, thêm quý văn hóa, cách nghĩ, cách làm của những người miền Tây hiền hòa, chân chất. 

 

THANH PHÊ thực hiện

(Bài phát sóng trên Kênh VOV Giao thông - Đài Tiếng nói Việt Nam, ngày 15/11/2024)

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét