Từ khi chiến tranh qua đi đến nay, vùng đất Tây Nguyên trải qua nhiều biến đổi mạnh mẽ, mỹ thuật không nằm ngoài quy luật đó. Từ nền mỹ thuật dân gian, những người nghệ sĩ xứ cao nguyên đã dấn thân với những thể nghiệm mới, định hình và phát triển nền mỹ thuật hiện đại đầy phong phú. Tuy vậy, bên cạnh những thành quả đáng tự hào, mỹ thuật Tây Nguyên còn gặp nhiều thách thức trên chặng đường phía trước.
Khái quát chung
Tây Nguyên được xem là khu vực giàu tiềm năng cho sáng tạo nghệ thuật, trong đó có mỹ thuật. Mỹ thuật Tây Nguyên không chỉ dành cho người Tây Nguyên thể hiện về vùng đất của mình, mà còn thu hút bao người từ nơi khác đến đã “say đắm” với đại ngàn hùng vĩ. Buổi đầu, nền hội họa bản địa tiền thực dân là vốn quý của cư dân nơi đây. Ngày nay, khi tiến trình giao lưu văn hóa diễn ra mạnh mẽ, không chỉ các tộc người miền núi mà cả các tộc người miền xuôi cũng lấy văn hóa Tây Nguyên làm nguồn cảm hứng để cho ra đời nhiều tác phẩm mang đậm màu sắc núi rừng.
Sau khi chiến tranh kết thúc, Tây Nguyên bước vào giai đoạn phát triển với
nhiều bước chuyển mình. Các nghệ sĩ có nhiều điều kiện để trải nghiệm thực tế,
hòa mình với vùng đất và con người nơi đây. Từ đó, nhiều tác phẩm có giá trị đã
ra đời, gắn với những họa sĩ có tên tuổi, đặc biệt là giới trẻ. Tác phẩm của họ
vừa chọn lọc tiếp thu những thành tựu của mỹ thuật quốc tế, vừa chú trọng đề cao
những giá trị đặc thù của văn hóa bản địa.
Có thể tạm chia mỹ thuật Tây Nguyên sau năm 1975 làm ba giai đoạn: trước đổi mới (1975 - 1985), từ đổi mới đến trước thế kỷ XXI (1986 - 2000), từ đầu thế kỷ XXI đến nay (2001 - 2020). Mỗi giai đoạn có những nét nổi bật riêng. Giai đoạn trước đổi mới, mỹ thuật Tây Nguyên vẫn còn nặng tính tuyên truyền cổ động, thiếu chất liệu và lực lượng sáng tác. Giai đoạn từ đổi mới đến trước thế kỷ XXI đánh dấu sự cởi trói tư duy thẩm mỹ, hội nhập khu vực và quốc tế. Giai đoạn từ đầu thế kỷ XXI đến nay là sự phát triển mạnh mẽ, bắt kịp các xu hướng nghệ thuật quốc tế…
Chặng đường mỹ thuật
vùng Tây Nguyên
Những năm đầu sau chiến tranh, hội họa
Tây Nguyên phần lớn là tranh cổ động. Bởi lẽ, Việt Nam còn nhiều khó khăn về
kinh tế, Tây Nguyên lại gặp phải mối đe dọa về an ninh từ tổ chức Fulro. Người nghệ
sĩ lúc bấy giờ không thể thực hiện những ước mơ sáng tạo của riêng mình, mà phải
sáng tác phục vụ nhu cầu tuyên truyền của ngành văn hóa. Nội dung chủ yếu trong
các tranh cổ động là kêu gọi người dân chăm lo sản xuất, tin tưởng vào chế độ mới,
không tham gia tổ chức Fulro… Tuy nhiên, số lượng những người vẽ tranh cổ động ở
Tây Nguyên bấy giờ vẫn còn rất ít ỏi.
Thập niên 1980, Tây Nguyên bắt đầu đón nhận những lớp cư dân từ khắp mọi
miền đất nước tìm đến theo chánh sách xây dựng vùng kinh tế mới, một lực lượng
họa sĩ đã phần nào bổ sung cho hoạt động hội họa nơi đây. Bên cạnh đó, đời sống
sau chiến tranh dần ổn định, các họa sĩ từ nhiều nơi đã có cơ hội thuận tiện
hơn để đi thực tế sáng tác ở Tây Nguyên, đóng góp nhiều tác phẩm mới cho vùng đất
nầy.
Chất liệu được sử dụng
trong giai đoạn nầy chủ yếu là bột màu và màu nước. Ngoài ra, những chất liệu
truyền thống của nghệ thuật tạo hình Việt Nam như sơn dầu, sơn mài, sơn khắc,
khắc gỗ, lụa… được nhiều họa sĩ đưa vào thử nghiệm trong những sáng tác về đề
tài con người và thiên nhiên Tây Nguyên. Họa sĩ Xu Man vẫn chưa nguôi ngoai ký ức
về chiến tranh, đã cho ra đời bức sơn dầu Phá ấp chiến lược. Bên cạnh những ký ức đau thương còn có những
hình ảnh mang tính lãng mạn, chẳng hạn tác phẩm khắc gỗ Bộ đội
qua làng và tác phẩm sơn mài Giã gạo
trên sóc Bom Bo của họa sĩ Quách Phong. Họa sĩ Huỳnh Văn Thuận với tác phẩm
sơn khắc Rê thóc thể hiện không khí hối hả của ngày mùa. [1] Từ
đây, mỹ thuật Tây Nguyên
bắt đầu có những bước khởi sắc.
Thập niên 1990, Việt
Nam sau khi đổi mới, gia nhập ASEAN, mở rộng quan hệ với với các nước phương
Tây… đã mở ra nhiều cánh cửa mới cho mỹ thuật Tây Nguyên. Có thể nhận định, đây
là giai đoạn trở về với
nghệ thuật tiền thực dân và nghệ thuật truyền thống của các dân tộc giàu tính
Đông Nam Á. [2] Bước đầu hội nhập vào đời sống mỹ
thuật khu vực và quốc tế, các họa sĩ có thêm nhiều cơ hội giao lưu, học hỏi, cọ
xát… cùng bạn bè năm châu. Nhưng mặt khác, họ cũng quay về với truyền thống dân
tộc để không bị “nhấn chìm” giữa sự đa dạng của thế giới hiện đại.
Từ những năm 2000, lãnh vực văn học
nghệ thuật ở Tây Nguyên nói chung, trong đó có chuyên ngành mỹ thuật nói riêng,
thật sự có những bước đột phá đáng kể. Sự phát triển cả số lượng lẫn chất lượng
là tín hiệu đáng mừng cho mỹ thuật Tây Nguyên. Điểm nổi bật ở giai đoạn nầy là
sự xuất hiện của thế hệ họa sĩ trẻ được đào tạo bài bản qua trường lớp. Trường
Nghiệp vụ Văn hóa Thông tin thành lập năm 1977, sau đó nâng lên Trung cấp và đến
năm 2005 trở thành Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk là một trong những
cái nôi đào tạo các họa sĩ trẻ ở khu vực Tây Nguyên hiện nay. Bên cạnh đó, các Hội Văn học Nghệ thuật cấp tỉnh từng
bước đi vào hoạt động ổn định, tạo điều kiện cho các nghệ sĩ có môi trường sinh
hoạt và sáng tạo. Hoạt động nổi bật nhằm thúc đẩy phát triển mỹ thuật Tây
Nguyên của các hội nầy là tổ chức các chuyến thực tế sáng tác, trại sáng tác, lớp
bồi dưỡng, triển lãm tranh, đầu tư kinh phí…
Càng về sau, lực lượng người Tây
Nguyên vẽ về chính quê hương của mình càng gia tăng. Những cây cọ trẻ nổi bật
trong làng nghệ thuật tạo hình Tây Nguyên hiện nay được biết đến như Lê Nguyễn
Thảo My, Mai Quý Ngọc, Siu Quý, Trần Y Anh Tuấn, Trần Hồng Lâm, Lê Vi Thủy… “Dẫu cho mải mê với việc kiếm sống ở Tây Nguyên hay
nơi nào khác, nhưng tác phẩm của các họa sĩ này đã đem lại cho chúng ta niềm hy
vọng về một thế hệ trẻ đang định hình và sẵn sàng hội nhập nhưng vẫn không đánh
mất chính mình, trong các lãnh vực hội họa, truyền hình và nhiếp ảnh được coi
là rất khó bồi dưỡng và đào tạo…” [3] Họ miệt mài sáng tác, công bố tác phẩm thường xuyên và đoạt nhiều giải
thưởng cao.
Đối với mỹ thuật Tây
Nguyên, quãng thời gian từ năm 1975 đến nay chưa phải quá dài, các thế hệ họa sĩ trưởng thành sau chiến tranh có tuổi đời còn khá trẻ,
tuy vậy họ vẫn không ngừng sáng tạo và gặt hái được những thành quả đáng tự
hào. Đánh giá về mỹ thuật Tây Nguyên, có thể nhận định dù mỗi người một vẻ
nhưng các họa sĩ đã mang đến cho công chúng yêu mỹ thuật những tác phẩm đậm sắc
Tây Nguyên, bằng những cảm xúc chân thật về tình đất - tình người và những giá
trị văn hóa đặc trưng của miền đất cao nguyên nầy. [4]
Kết luận và kiến nghị
Sau gần nửa thế kỷ từ
khi kết thúc chiến tranh, nghệ thuật khu vực Tây Nguyên nói chung, chuyên ngành
mỹ thuật nói riêng, có nhiều thay đổi và đạt được những thành tựu đáng tự hào. Qua
từng giai đoạn phát triển khác nhau với những thăng trầm, không ít thách thức
nhưng cũng nhiều cơ hội, những họa sĩ đã cùng nhau định hình cho một nền mỹ thuật
hiện đại trên núi rừng cao nguyên. Thế mạnh của vùng đất Tây Nguyên trong lãnh
vực mỹ thuật có lẽ chính là nguồn cảm hứng. Thiên nhiên bao la hùng vĩ, con người
có nền văn hóa đặc sắc, đó là hai yếu tố nổi bật khơi dậy nguồn cảm hứng cho các
họa sĩ.
Bên cạnh đó, không
thể không kể đến sự năng động của các họa sĩ. Họ có thể là các tộc người bản địa
hoặc các tộc người di cư, nhưng đều có điểm chung là trân trọng những giá trị đặc
thù của Tây Nguyên, đồng thời đón nhận những xu thế mới của khu vực và quốc tế.
Các tác phẩm về Tây Nguyên, dù có cách tân để tiếp thu nhiều trào lưu mỹ thuật
khác nhau trên thế giới, nhưng vẫn không thoát ly khỏi đời sống hiện thực của con
người Tây Nguyên, vẫn in đậm dấu ấn của núi rừng Tây Nguyên. Điều đó khiến
chúng không “lạc hậu” so với mỹ thuật đương đại, nhưng cũng không mất đi “chất
Tây Nguyên” mà tác giả muốn gởi gắm.
Dù vậy, so với các
vùng khác trên cả nước, mỹ thuật hiện đại của Tây Nguyên chưa phát triển lâu
dài, đội ngũ sáng tác còn ít, vì thế có thể chưa phản ánh một cách đầy đủ và
toàn diện những nét đẹp của đất và người nơi đây. Điều đó đòi hỏi những người
làm công tác quản lý văn hóa cần chú trọng đầu tư hơn nữa để phát triển mỹ thuật
Tây Nguyên, đặc biệt là đội ngũ kế thừa. Vai trò của các trường đại học và cao
đẳng, các Hội Văn học Nghệ thuật, các Trung tâm Văn hóa… rất quan trọng trong
công tác nầy.
- Thứ nhứt, đào tạo
và bồi dưỡng cho đội ngũ họa sĩ một cách bài bản và chuyên nghiệp, để mỹ thuật
thực sự trở thành một chuyên ngành nghệ thuật có tính lý luận, chứ không chỉ hoạt
động theo phong trào, nghiệp dư, quần chúng…
- Thứ hai, tạo điều
kiện hỗ trợ kinh phí để các họa sĩ sáng tác thông qua nguồn quỹ hỗ trợ sáng tạo
văn học nghệ thuật của Nhà nước, tăng cường các trại sáng tác, các chuyến thực
tế, các cuộc giao lưu trao đổi kinh nghiệm…
- Thứ ba, tạo điều
kiện để các họa sĩ quảng bá tác phẩm đến với công chúng thông qua các cuộc thi,
liên hoan, triển lãm… qua đó họa sĩ vừa cảm nhận rõ hơn giá trị trong thành quả
lao động của mình, vừa nắm bắt xu hướng của người thưởng thức.
- Thứ tư, tăng cường
phổ biến thông tin về văn hóa Tây Nguyên một cách chính xác đến những người
sáng tạo nghệ thuật, tránh trường hợp hiểu chưa đúng hay chưa đủ về văn hóa Tây
Nguyên dẫn đến tái hiện lệch lạc trong tác phẩm.
Chặng đường phát triển
của mỹ thuật Tây Nguyên còn rất dài, đặc biệt là trong bối cảnh công nghệ - kỹ
thuật phát triển mạnh mẽ, vừa tác động đến phương thức sáng tác (nhiều loại
hình mới ra đời), vừa tác động đến nguồn cảm hứng của nghệ sĩ (sự thay đổi của
môi trường tự nhiên và xã hội). Mỹ thuật hiện đại vùng Tây Nguyên với tuổi đời khá
non trẻ, có lẽ chưa thật sự trở thành một “trường phái” đặc thù trong nền hội họa
Việt Nam. Song với tiềm năng sẵn có, nếu có thể kết hợp những điều kiện hỗ trợ
thích hợp, tin chắc mỹ thuật Tây Nguyên ngày một vươn xa.
VĨNH THÔNG
(Bài đăng trên Tạp chí Chư Yang Sin, số 340, 2020)
______________________
TÀI LIỆU
TRÍCH DẪN:
1. Nguyễn Viết Tân (2016),
“Hội họa Tây Nguyên những năm đầu giải phóng”, Website Hội Mỹ thuật Việt Nam (www.vietnamfineart.com.vn),
12/4/2016.
2. Nguyễn Quân (2014),“Những chuyển động và trì trệ - nghệ thuật Việt Nam những
năm 1990 - đầu 2000”, Hội thảo quốc tế Arts Du Vietnam Nouvelles
Approches, Paris - Sorbonne.
3. H’Linh Nga Niê Kdăm
(2012), “Văn hóa nghệ thuật
các dân tộc Tây Nguyên: Những băn khoăn, trăn trở”, Báo Đăk Lăk điện tử (www.baodaklak.vn), 6/9/2012.
4. Kim Châu & Xuân Huy
(2016), “Tây Nguyên qua góc nhìn của các họa sỹ trẻ”, Website Đài PTTH Gia Lai (www.gialaitv.vn), 19/1/2016.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét