Trên những trang văn của tôi viết thỉnh thoảng lại xuất hiện một xứ núi, hoặc ít ra cũng là hơi hướm núi, gần gũi mà bí ẩn, thân thương mà hoang dại. Nơi đó, hàng trăm năm trước chỉ là cụm đảo buồn tênh giữa bạt ngàn biển cả. Nơi đó, một mùa nắng rát mặt người, một mùa nước rướn mình trờ tới gần chân núi. Người ta gọi là Bảy Núi, văn vẻ là Thất Sơn.
Thật ra không chỉ có bảy, người địa phương dễ dàng kể tên núi nhiều hơn
con số nầy. Khi các nhà nghiên cứu thống kê, thì kết quả thu về lớn hơn số bảy
rất nhiều lần. Chính xác là đến nay ở An Giang đã có 37 ngọn núi đã có tên.
Nhưng ở đâu có con số bảy vẫn chưa có lời giải thích thỏa đáng.
Liệt kê núi nơi đây trước hết là Gia Định thành thông chí đầu triều
Nguyễn, kể tên 18 núi và chưa có khái niệm Thất Sơn. Đến Đại Nam nhất thống
chí đời Tự Đức, kể tên 23 núi, trong đó xuất hiện khái niệm Thất Sơn gồm: núi
Tượng, Tô, Cấm, Ốc Nhâm, Nam Vi, Tà Biệt, Nhân Hòa. Những cái tên lạ, nhưng
sách lại không nói chọn bảy núi đó với ý nghĩa gì, xét theo tiêu chí nào…
Ngoài ra, trong dân gian cũng tồn tại một khái niệm Bảy Núi khác với sử
sách. Năm 1849, đạo Bửu Sơn Kỳ Hương ra đời, rao giảng thuyết Tận thế, vùng Thất
Sơn là nơi lập Hội Long Hoa. Bảy ngọn núi thiêng gồm: núi Cấm (Thiên Cẩm Sơn),
Núi Dài (Ngọa Long Sơn), núi Dài Năm Giếng (Ngũ Hồ Sơn), Núi
Kéc (Anh Vũ Sơn), Núi Tô (Phụng Hoàng Sơn), Núi Tượng (Liên Hoa Sơn), Núi
Nước (Thủy Đài Sơn). Không phải mê tín dị đoan, thực ra đây là tiền đề chấn
hưng Phật giáo, sự sáng tạo riêng của tôn giáo nầy. Rao giảng mở Hội Long Hoa tại
Thất Sơn gom dân về khai phá vùng xa xôi hẻo lánh để canh tác - một kiểu dinh
điền thời đại mới.
Núi Tô - Tri Tôn (Ảnh: Vĩnh Thông)
Bạn phương xa hỏi xứ Bảy Núi ra sao, có gì?
Làm sao có thể kể hết đây, có những điều tưởng như bình thường thôi
trong mắt người khác, đôi khi lại là điều đặc biệt với dân xứ núi. Chẳng phải
thế kỷ trước, Nguyễn Liên Phong khi viết Nam
Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca cũng đã không thể giới thiệu đầy đủ về xứ
nầy đó sao:
“Thất Sơn, hòn dọc
dãy ngang
Nói sao cho hết cả ngàn phong cương”
Tịnh Biên - Tri Tôn là những vùng đất cổ với địa hình bán sơn địa, vừa
núi vừa đồng bằng. Mỗi ngọn núi chỉ dài vài cây số, cao vài trăm mét, chưa là
gì so với núi ở miền Trung hay miền Bắc. Núi ở đây cũng không nằm trên cao
nguyên mà cô độc giữa đồng ruộng, không kết thành dãy mà từng trái núi nằm
riêng rẻ. Vùng núi quanh năm chỉ có nắng, cát, đá, cây thốt lốt, người Kinh và
người Khmer sinh sống… vậy thôi!
Chỉ vậy thôi có gì đặc biệt đâu, xứ núi dĩ nhiên chỗ nào… cũng núi! Núi
trước mặt, núi sau lưng, liếc bên trái gặp núi, quay sang bên phải lại đụng
núi. Núi la liệt núi, như những cái tô xanh ngăn ngắt nằm im lìm giữa một màu
vàng rượm đồng lúa. Mở mắt dậy, cái nhìn thấy đầu tiên đã là núi. Những trái
núi nhỏ thôi, nhưng đã che chắn cho biết bao thế hệ qua bom đạn chiến tranh,
thiên tai, bão lụt, và qua bao thăng trầm của nhân thế. Núi trầm mặc như chứng
nhân lịch sử cho mảnh đất nầy, như người bạn già lặng lẽ của dân xứ nầy.
Nắng là điều đầu tiên phải kể khi nói về Bảy Núi. Nắng An Giang khiến
dân gian đúc kết thành câu: “Sáu tháng đạp
đất đồng khô, nửa năm đi trên mặt nước.” Nắng cong cớn như thiêu đốt, nhiệt
độ lúc nào cũng cao hơn những vùng lân cận. Mùa nắng, toàn cõi Bảy Núi không
còn màu xanh lục mê đắm của rừng mà phủ lên mình màu vàng nâu xác xơ: màu cây
khô. Vậy mà, bao lớp người đã nung người dưới cái nắng đó từ ba trăm năm trước,
thậm chí có thể xa hơn nữa!
Nói tới núi thì chỉ toàn cát đá thôi. Cát đá ven đường, quanh nhà, quanh
vườn tược. Màu trắng vàng mịn phẳng phiu cứ trở đi trở lại suốt đoạn đường qua
Thất Sơn, khiến những người từng đi du lịch nhiều nơi có thể sẽ tưởng tượng rằng
một góc Ninh Thuận đã được ai đó mang về xứ biên thùy cuối đất cùng trời nầy.
Những đứa trẻ lớn lên ở xứ Bảy Núi cũng không có gì đặc biệt đâu! Chúng
đen nhẻm, gầy gò, từ nhỏ chỉ quen leo dốc. Có đứa mười tuổi đã biết gánh đôi
quang gánh đầy ứ lên độ cao năm sáu trăm mét rồi gánh xuống, độ dài đường đi mỗi
lần lên hoặc xuống khoảng bảy cây số! Người khác nghe chuyện có thể khó tin,
nhưng nó rất thật, diễn ra hàng ngày tại xứ nầy. Chơi bắt rượt, chúng cũng chạy
lên xuống dốc chứ không phải đất bằng. Có đặc biệt gì đâu, ngay cả niềm vui tuổi
thơ mà cũng chao nghiêng!
Ở xứ nầy người Kinh và người Khmer đã cộng cư từ bao đời kiếp. Hai tộc
người sống quay quần bên nhau không phân biệt, ít xung đột. Cũng chẳng có gì đặc
biệt, bởi họ cùng làm ăn, buôn bán, học hành… rồi những đứa trẻ lớn lên lại
cùng nhau chơi đùa với gió cát, có ai quan trọng màu da nước tóc bao giờ. Một
vùng đất, hai tộc người, tuy hai mà một, bởi có thế hệ nào không sống và chết để
vun đắp màu xanh cho mảnh đất cằn cỗi nầy ngày càng được thêm phần tốt tươi.
Sự cộng cư lâu đời đã tạo nên giao thoa, hòa hợp về ẩm thực, nếp sống,
văn hóa… Trong đó phải kể đến mắm và khô - hai món ăn có “bề dầy lịch sử”. Vùng
đất An Giang xưa vốn là vùng trũng linh binh nước nên có nhiều cá, bắt lên ăn
không kịp hoặc bán không hết thì uổng, nên người ta đã phơi nắng để làm khô hoặc
ủ trong lu để làm mắm. Cả hai phương thức bảo quản nầy đều cùng mục đích dành để
ăn lâu ngày. Từ đó, món khô và mắm được ra đời từ đầu óc sáng tạo của ông bà
xưa.
Mắm đi vào thơ ca, thành ngữ dân gian một cách tự nhiên. Tính chất mặn
mòi của món ăn nầy như tình nghĩa mặn mòi của người miền Tây: “Ăn mắm thấm về lâu.” Mắm quá nhiều nên
trở thành món ăn quen thuộc lặp đi lặp lại trong bữa cơm gia đình dù sang hay
hèn: “Làm cho lắm cũng mắm kho cà, làm thấy
bà cũng cà kho mắm.” Nhà thơ Trương Công Thuốt cũng từng viết những dòng
thơ mộc mạc: “Ngần ấy, người Khmer dạy người
Kinh ăn mắm / Thụt tre làm trúm / Bắt rắn bằng tay / Cất tha la dọc những đường
làng / Người Kinh dạy người Khmer mặc quần hai ống, ở nhà sàn / Đi dưới gió cọp
beo / Kết hôn với người họ xa / Bái tổ trước khi tung quyền.”
Mà, cần gì phân biệt đâu là nét văn hóa người Kinh hay người Khmer, dân
Bảy Núi cứ thoải mái tự hào về những đặc trưng của vùng đất quê mình. Như cây
thốt lốt bình dân, không cao sang đài cát, nhưng lại là loại cây đặc biệt với
người xứ núi, ngày nay trở thành đặc sản số một của miền biên viễn Tây Nam.
Gọi “thốt lốt” hay “thốt nốt” đều đúng, nhưng nếu “thốt nốt” chỉ là danh
từ trong sách báo, thì “thốt lốt” lại là hồn quê. Người An Giang hàng trăm năm
qua và đến tận hôm nay luôn gọi là thốt lốt, nó không còn là một danh từ khô cứng
mà đi vào tâm thức cộng đồng trở thành ký ức
thân quen, gần gũi, nghe qua là biết quê mình.
Cây thốt lốt gần giống cây dừa, thân cao, lá xòe tán rộng. Trái thốt lốt
vỏ màu tím sậm, nhỏ hơn trái dừa, kết thành chùm trên cây. Nếu ở miền sông, nước
dừa là thứ nước nhiệt quen thuộc, thì thức uống quen thuộc ở miền núi là thốt lốt
- ngọt và thơm hơn nước dừa. Đặc biệt, trái dừa có cả phần nước và phần cái,
trong khi trái thốt lốt chỉ có múi chứ không có nước, mà nước được lấy từ cuống
hoa. Người ta còn có thể sử dụng nước thốt lốt để làm đường thốt lốt, bánh bò
thốt lốt…
Người Khmer còn góp cho xứ Thất Sơn món ăn truyền thống của cộng đồng
mình là cốm dẹp, mà người Việt cũng rất ưa thích. Cốm được làm từ những loại nếp
ngon tại địa phương, rang trong nồi đất rồi đem quết cho dẹp. Khi ăn người ta
trộn với nước dừa và cái dừa đã nạo, để vài giờ cho cốm thấm và nở mềm thì ăn mới
thơm ngon.
Rồi không biết từ khi nào và ai đã sáng tạo nên, người Khmer đã cùng người
Kinh thi đấu đua bò sau khi kết thúc những vụ mùa vất vả. Để ngày nay nó trở
thành một hội thi đặc biệt ở miền Nam, mỗi năm thu hút hàng vạn du khách đến
xem, có cả người nước ngoài. Đua bò là ngày
vui chung của người dân Bảy Núi, nhiều người mang cả thức ăn nấu ăn tại
chỗ để xem cuộc đua được trọn vẹn, không khí trường đua lúc nào cũng tưng bừng
với tiếng hò reo vang dậy bằng cả hai thứ tiếng Khmer và Việt.
Có lạ lẫm lắm không, khi thứ xe bình thường như xe ngựa cũng là điều đặc
biệt ở Bảy Núi. Bởi nó đã tồn tại hơn trăm năm và có lẽ hiện nay cũng chỉ có
nơi đây còn loại xe thô sơ mà đầy ấn tượng nầy. Làm sao không khỏi thích thú
khi bắt gặp hình ảnh những chiếc xe ngựa chở hàng lỉnh kỉnh chạy trên đường. Tiếng
vó ngựa lộp cộp, tiếng nhạc ngựa leng keng từ lâu đã trở thành đặc trưng của
vùng núi đồi An Giang.
Những điều đó, không chỉ có người Khmer hay người Việt làm nên một xứ
núi đặc sắc, mà còn sự đóng góp của biết bao con người. Một Thoại Ngọc Hầu mở
đường kinh vun vút về Tây, một Nguyễn Tri Phương vừa chống giặc vừa khai hoang,
một Đoàn Minh Huyên tận tụy cứu nhân độ thế, một Ngô Lợi lập làng kháng chiến
lâu dài… Và còn những ai vô danh, như những người đã sáng tạo ra món bánh canh
Vĩnh Trung, cháo bò Tri Tôn, canh chua lá giang… Họ đã âm thầm cống hiến để làm
nên diện mạo vùng Thất Sơn ngày nay.
Xứ núi vậy đó, bình thường lắm, từ con người đến sinh hoạt đều rất đỗi
giản đơn, chân tình. Vậy mà những điều bình thường đó lại làm nên sự tự hào.
Làm sao không tự hào đây khi thiên nhiên khắc nghiệt đó, cuộc sống khó nhọc đó,
đã nuôi lớn biết bao lớp người. Ngay cả họ cũng là những con người bình thường
thôi! Không cao sang, không giàu có, không trí thức, một tay cầm giáo mác bảo vệ
biên cương, tay kia cầm cuốc cày tạo ra hạt lúa. Họ không lưu lại tượng đài, đền
miễu, suốt ba trăm qua chỉ chỉ để lại cho thế hệ con cháu mình bài học về sự tự
lực, lòng nhân nghĩa, đạo thủy chung.
Cuối cùng thì tôi cứ vẫn loay hoay với câu hỏi “xứ núi đặc biệt không”
khi đã kể ra bao nhiêu điều quá đỗi bình thường. Đặc biệt không? Vị tiên nhân
nào đã ấn năm ngón tay mình xuống núi Dài Nhỏ để ngày nay còn “năm giếng nước
trời” và tên gọi Ngũ Hồ sơn? Bàn tay tài hoa nào của thiên nhiên đã làm nên tảng
đá khổng lồ và lộng lẫy trên triền núi Tô để ngày nay từng đoàn người rủ nhau
hành hương vồ Hội? Ai đã chít dãy khăn mây hững hờ lên nóc nhà miền Tây để
thành tên ngọn núi gấm trời?
Đặc biệt không, những khu chợ núi gập ghềnh trên đường đá, bồng bềnh
trong mây, cứ như nhấp nha nhấp nhổm giữa lưng chừng. Chợ ít người, ít hàng, họp
rồi tan trong chóng vánh, có gì đặc biệt đâu. Vậy mà khi đọc những câu thơ của
nhà thơ Phạm Nguyên Thạch, ai lại không khỏi bồi hồi:
“Chợ núi còn trăm thứ gập ghềnh
Ngàn gió giông làm bạt lều sấp ngửa
Nhưng tôi biết có điều hiếm có
Chợ không người sấp ngửa bán buôn”
Những người con lập nghiệp phương xa, mang theo cả mùi mồ hôi khét lẹt
trong nắng của sơn dân, mùi mắm mùi khô hăng hắc chốn biên thùy hay hương cốm dẹp
trộn dừa thơm lừng và béo ngậy. Họ mang theo tiếng hò reo vồn vã ngày hội đua
bò, tiếng xe ngựa lộp cộp trên đường hay tiếng cười đùa từ những trò chơi ấu
thơ trên vồ đá gập ghềnh. Và còn gì nữa? Là tình đất tình người xứ núi, mộc mạc
như cát đá mà bền chặt như cây rừng. Phải chăng những điều bình thường đó lại
trở thành thứ đặc biệt trong lòng kẻ đi xa?
An Giang, 9/2015
VĨNH THÔNG
(Tác phẩm đăng trên Tạp chí Thất Sơn, số 210, 2015 &
in trong tập tùy bút Thong thả đi, Nxb Văn hóa Văn nghệ, 2017)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét