Đình thần Bình Mỹ nằm cạnh rạch Hóa Cù, thuộc ấp Bình Trung, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Đình là một di tích lịch sử văn hóa gắn liền với quá trình mở đất của người Việt ở Nam Bộ, đồng thời là công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật cao, được bồi đắp qua bao thế hệ. Năm 2000, đình Bình Mỹ được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh và năm 2015 trở thành Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Tìm hiểu về di tích nầy sẽ phần nào giúp người đời sau hiểu hơn về lịch sử hình thành và phát triển thôn Bình Mỹ.
1. Lịch sử hình thành thôn Bình
Mỹ
Ngày
nay, xã Bình Mỹ có diện tích rộng lớn, nằm cặp quốc lộ 91 và sông Hậu. Theo Ban
Quý tế đình thần Bình Mỹ cho biết, một vị tướng của chúa Nguyễn là ông Nguyễn
Duy Đức đã đến vùng đất nầy khai khẩn cuối thế kỷ XVIII. Năm 1786, thôn Long Mỹ
và ngôi đình thần ra đời. Đến năm 1816, thôn Long Mỹ tách thành
hai thôn Bình Long và Bình Mỹ, đình được xây dựng lại và đặt tên là đình Bình
Mỹ [Bảo tàng An Giang 2013: 32].
Thông
tin trên được lưu truyền qua nhiều thế hệ và được sử dụng lại trong nhiều tài
liệu viết về đình và làng Bình Mỹ. Tuy nhiên, đây chỉ là câu chuyện truyền khẩu
trong dân gian, chưa chính xác so với với lịch sử. Do đó, trong số các tài liệu
đã từng đề cập đến thông tin nầy, không có tài liệu nào đưa ra được bằng chứng
chứng minh.
Nếu căn cứ theo địa bàn tương ứng với
huyện Châu Phú ngày nay, thì qua Gia Định
thành thông chí công bố khoảng những năm 1820, chúng ta biết nơi đây vào đầu
triều vua Gia Long chỉ có hai thôn là Bình Thạnh Tây và Bình Lâm. Hai thôn nầy thuộc huyện Vĩnh Định của trấn Vĩnh Thanh, vì huyện
nầy thưa thớt nên chưa chia ra tổng [Trịnh Hoài Đức 1999: 116].
Đến
triều vua Minh Mạng, qua Địa bạ tỉnh An
Giang năm 1836, chúng ta được biết thôn Bình
Lâm giữ nguyên, thôn Bình Thạnh Tây trở thành Vĩnh Thạnh Trung, bên cạnh đó có
thêm hai thôn mới là Mỹ Đức và Bình Mỹ.
Thôn Bình Mỹ lúc nầy thuộc tổng Định Thành, huyện Tây Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh
An Giang. Đồng thời, tác phẩm nầy cũng cung cấp thêm thông tin về địa giới thôn
Bình Mỹ là “Bắc giáp Xẻo Dầu và địa phận thôn Vĩnh Thạnh Trung” [Nguyễn Đình Đầu
1995: 261]. Điều đó có nghĩa là đến năm 1836, thôn Bình Mỹ và thôn Vĩnh Thạnh
Trung lấy rạch Cái Dầu làm ranh giới, thôn Bình Long (nằm giữa hai thôn trên) vẫn
chưa xuất hiện.
Quả
thật như thế, thôn Bình Long được thành lập muộn hơn. Năm 1851, một nhóm tín đồ
đạo Bửu Sơn Kỳ Hương do ông Nguyễn Văn Xuyến (thường gọi là ông Đạo Xuyến) đến
khai phá vùng rạch Cái Dầu, lập nên trại ruộng Cái Dầu. Ông Đạo Xuyến là một
trong mười hai đệ tử lớn của Đức Phật Thầy Tây An - giáo chủ đạo Bửu Sơn Kỳ
Hương. Trại ruộng là mô hình sinh hoạt và tu tập buổi ban đầu của tôn giáo nầy
và Cái Dầu là một trong bốn trại ruộng như thế. Ngày nay, tại thị trấn Cái Dầu
vẫn còn phần mộ ông Đạo Xuyến. Từ cơ sở ban đầu là trại ruộng, miệt Cái Dầu dần
phát triển và về sau hình thành thôn Bình Long.
Như
thế, không hề có thôn Long Mỹ như các tư liệu đã lưu truyền. Thôn
Bình Mỹ phải ra đời trong khoảng từ sau năm 1820 đến trước năm 1836, thôn Bình
Long phải ra đời trong khoảng thập niên 1850.
Bên
cạnh đó, ông Nguyễn Duy Đức được cho là người đầu tiên có công khai phá vùng
đất Long Mỹ xưa, cũng có lai lịch cũng khá
mơ hồ. Dân gian chỉ truyền tụng rằng ông là một vị tướng của chúa Nguyễn Phước
Khoát vâng lệnh chúa đến vùng đất nầy khai hoang, ngoài ra không rõ năm sanh,
năm mất, quê quán, hành trạng, phần mộ… Thực ra đây không phải là một nhân vật
lịch sử có thật mà chỉ mang tính biểu tượng, nhằm thể hiện tấm lòng tri ân của
dân chúng với những bậc tiền nhân đã có công mở cõi. Trường hợp nầy chúng ta
không khó bắt gặp ở nhiều thôn làng trên địa bàn Nam Bộ.
2. Tổng quan về đình Bình Mỹ
Qua
những nội dung đã phân tích, có thể xác định thôn Bình Mỹ phải ra đời đầu thế
kỷ XIX chứ không phải cuối thế kỷ XVIII,
cũng không có địa danh Long Mỹ trên địa bàn nầy vào thời điểm bấy giờ. Như vậy
ngôi đình Bình Mỹ cũng phải ra đời sớm nhứt là những thập niên đầu thế kỷ XIX,
vào đầu triều Nguyễn. Theo các vị bô lão kể lại, ngôi đình buổi đầu nằm ở rạch
Xẻo Sâu, vật liệu bằng tre lá đơn sơ.
Đến
năm 1890, đình được trùng tu lần thứ nhứt và dời về vị trí hiện nay, bên cạnh
vàm rạch Hóa Cù - nơi con rạch Hóa Cù đổ ra sông Năng Gù. Ở lần trùng tu nầy,
đình được xây dựng kiên cố hơn. Tuy nhiên, để ngôi đình có diện mạo như hiện
nay phải đợi đến lần trùng tu thứ hai vào năm 1928, do ông Phó Cai tổng Phạm Tứ
Quý (thầy Phó Quý) đứng ra chủ trương xây cất. Lần nầy, kiến trúc đình được lấy
theo mẫu đình Châu Phú vừa xây lại vào năm 1926 (nay tọa lạc tại phường Châu
Phú A, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang).
Đình
Bình Mỹ có kiến trúc chữ “tam” với ba bộ phận chánh là võ ca, võ quy và chánh
điện. Nóc đình dạng cổ lầu gồm bốn bộ chánh và sáu bộ phụ, mái tam cấp lợp ngói
tiểu đại, trên các đường bờ nóc và đầu đao trang trí nhiều hình tượng bát tiên,
linh thú, hoa văn… Mặt tiền trang nhã với các đường cong mềm mại của dạng cửa
vòm, nền vàng viền chỉ trắng, xen lẫn liễn đối và hoa văn trang trí. Đình Bình
Mỹ là nơi thể hiện rất rõ nét sự giao thoa giữa phong cách Roman và Gothic
trong kiến trúc Pháp với phong cách kiến trúc cung đình triều Nguyễn.
Nội
thất đình kết cấu bởi cột gỗ tròn làm từ danh mộc. Chánh điện được trang trí
nổi bật bởi các hoành phi, liễn đối, bao lam, thành vọng… được chạm khắc cầu kỳ
và sơn son thếp vàng sống động. Nghệ thuật điêu khắc gỗ tinh xảo với sự đa
dạng về phong cách và đề tài. Ngoài ra, trên các bức tường còn nhiều tranh sơn
thủy độc đáo, nội dung thường là những điển tích cổ hoặc phong cảnh thiên
nhiên.
Về
bày trí thờ tự, đi từ ngoài vào chánh điện có hai bàn thờ đối xứng hai bên là
Hữu Văn Ban - Tả Võ Bá, tiếp theo ở khoảng giữa chánh điện là bàn thờ Hội Đồng,
trên cao nhứt phía trong cùng là bàn thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh, bên dưới là một
bàn thờ thấp hơn có đặt chân dung Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Dọc theo hai
bên vách có hai dãy bàn thờ đối xứng gồm: Tả Ban, Hữu Ban, Tiền Hiền, Hậu Hiền,
Tiền Cố Hương Lão, Chúa Xứ Sơn Quân.
3. Tôn thần và sắc thần
Đình
Bình Mỹ thờ thần Thành Hoàng Bổn Cảnh và
thờ vọng Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Năm Khải Định thứ 9 (1924), vua ban sắc
phong cho Thành Hoàng Bổn Cảnh thôn
Bình Mỹ với tước hiệu là Đôn Ngưng Dực Bảo Trung Hưng tôn thần. Điều nầy giống
với trường hợp các đình có thờ Nguyễn Hữu Cảnh ở An Giang, đó là mặc dù các
đình nầy thờ Nguyễn Hữu Cảnh nhưng đều chỉ được ban sắc phong cho thần Thành
Hoàng Bổn Cảnh, còn Nguyễn Hữu Cảnh không được ban sắc phong chính thức nên chỉ
là thờ vọng. Duy chỉ có đình Châu Phú (thành phố Châu Đốc) có sắc phong ghi rõ
danh tánh Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh.
Nội
dung sắc thần đình Bình Mỹ như sau: “Sắc Châu Đốc tỉnh, An Lương tổng, Bình Mỹ
thôn phụng sự Bổn Cảnh Thành Hoàng tôn thần hộ quốc tý dân. Nẫm trứ linh ứng tứ
kim chánh trực, Trẫm tứ tuần đại khánh tiết, kinh ban bửu chiếu đàm ân lễ long
đăng trật, trứ phong vi Đôn Ngưng Dực Bảo Trung Hưng Tôn Thần. Chuẩn kỳ phụng
sự thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân. Khâm tai! Khải Định cửu niên, thất nguyệt,
nhị thập ngũ nhựt.”
Tạm dịch: Sắc cho thôn Bình Mỹ, tổng An Lương, tỉnh Châu Đốc
được thờ phượng vị thần Thành Hoàng Bổn Cảnh giữ nước giúp dân. Xưa từng linh
ứng, nay tỏ bày chánh trực, Trẫm nhân lễ tứ tuần, ban chiếu báo mở rộng ân đức,
long trọng thăng phẩm vị, phong là Đôn Ngưng Dực Bảo Trung Hưng Tôn Thần. Cho
phép thờ phượng để thần che chở dân ta. Kính nghe! Khải Định năm thứ chín ngày
hai mươi lăm tháng bảy.
Hằng
năm, đình Bình Mỹ tổ chức lễ Kỳ yên ngày 18 - 19 - 20 tháng 4 âm lịch, lễ Lạp
miếu ngày 19 - 20 tháng 12 âm lịch.
Ngoài
ra, xã Bình Mỹ còn có miếu Tiền Hiền, được xem là nơi thờ ông Nguyễn Duy Đức.
Tuy nhiên theo Võ Thành Phương [2016: 22], nơi đây vốn là nền đồn cũ của nghĩa
quân Gia Nghị trong cuộc khởi nghĩa Láng Linh - Bảy Thưa (1867 - 1873) do Quản
cơ Trần Văn Thành chỉ huy. Hai bên bờ sông Hậu, nghĩa quân bố trí hai đồn ở
làng Bình Mỹ (bờ Tây) và làng Bình Thạnh Đông (bờ Đông). Năm 1943, nhân dân hai
làng xây dựng hai ngôi miếu trên nền đồn cũ để tưởng niệm các nghĩa sĩ trận
vong. Thông tin nầy khá thuyết phục, vì ngày nay vị trí hai ngôi miếu đối xứng
nhau hai bên bờ sông Hậu, ngôi miếu ở xã Bình Thạnh Đông (huyện Phú Tân) trở
thành dinh Quan cựu Chánh Quản cơ Trần
Văn Thành, ngôi miếu ở xã Bình Mỹ trở thành miếu Tiền Hiền.
Những giai thoại dân gian rất đáng trân trọng vì thể hiện
tấm lòng của nhân dân với người đi trước, song hãy để cho những giai thoại ấy
sống trong lòng dân gian. Lịch sử không phải là sản phẩm truyền thuyết hóa, nên
không thể chỉ được “dựng lại” dựa trên những lời truyền khẩu. Do đó, chúng tôi
thiết tưởng cần phải khẳng định lại rằng không hề có thôn Long Mỹ ra đời năm
1786 rồi tách thành hai thôn Bình Long và Bình Mỹ vào năm 1816 như dân gian đã
lưu truyền.
VĨNH THÔNG
(Bài đăng trên Tập san Văn nghệ Châu Phú, số 39,
2020 & in trong
sách Dấu ấn thượng châu thổ,
Nxb Tổng hợp TP.HCM, 2021)
_______________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Bảo tàng An Giang (2013), Di tích lịch sử văn hóa An Giang, Sở Thông tin & Truyền thông An Giang.
2. Nguyễn Đình Đầu (1995), Nghiên cứu Địa bạ triều Nguyễn: An Giang, Nxb TP.HCM.
3. Trịnh Hoài Đức (1999), Gia Định thành thông chí, Đỗ Mộng Khương & Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, Nxb Giáo dục.
4. Võ Thành Phương (2016), “Tìm hiểu địa danh ở Châu Phú”, Tập san Văn nghệ Châu Phú, số 34.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét