Năm 2024, chủ đề
Ngày Thơ Việt Nam được Hội Nhà văn Việt Nam lựa chọn là “Bản hòa âm đất nước”.
Đây là lần đầu tiên Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh An Giang phối hợp
Ban quản lý Khu du lịch Núi Cấm tổ chức chương trình thơ nhạc Nguyên tiêu tại
quảng trường hồ Thủy Liêm trên núi Cấm, xã An Hảo, thị xã Tịnh Biên. Đây là khu
lòng chảo của ngọn núi, với độ cao khoảng 600 mét, cách đỉnh núi khoảng 100
mét. Do đó, một số văn nghệ sĩ đã nói vui với nhau rằng đêm thơ nhạc tỉnh An
Giang là chương trình Nguyên tiêu “cao nhất” đồng bằng sông Cửu Long!
Có thể ví von,
đêm thơ nhạc Nguyên tiêu xuân Giáp Thìn của tỉnh An Giang là bản hòa âm non
thiêng. Xuyên suốt chương trình, người thưởng thức được lắng nghe những bài
thơ, ca khúc, vọng cổ với chủ đề mùa xuân, quê hương An Giang, dãy Thất Sơn huyền
thoại. Tất cả được chuyển tải mượt mà qua những giọng ngâm, giọng hát, tiếng
đàn vừa ngân vang giữa đại ngàn trùng điệp, vừa da diết trong tâm khảm của mỗi
khán giả có mặt trong chương trình.
Ở đó, ta bắt gặp
là một Lê Thanh My trữ trình và sâu lắng: “Cứ đi về phía trăng lên / Và rồi bốn
hướng bồng bềnh tìm nhau.” Hay là một Trần Thế Vinh lãng du và trăn trở: “Núi Cấm
/ Đêm chưa tàn sao ta đã say / Nhớ, quên từng giấc mơ hư thực / Nghe rừng hát
tình ca vọng về vô thức / Hỏi đá trở mình bao đêm?” Và, đêm thơ nhạc như lắng đọng
khi nghe lại những vần thơ của cố thi sĩ Trúc Thanh Tâm, người tuy không sinh
ra ở An Giang, nhưng đã dành hơn nửa đời người để gắn bó và sáng tác về mảnh đất
biên cương nầy: “Chiều nay, biên giới mưa dai dẳng / Ta ngồi quán cũ góc bàn
quen / Cà phê, khói thuốc lưng chừng mộng / Rớt xuống hồn ta những nhớ, quên!”
Cùng nhiều nhà thơ, nhạc sĩ, soạn giả khác đã đóng góp tiếng lòng cho bản hòa
âm non thiêng.
Không thể không
kể đến vai trò quan trọng của các nghệ nhân từ Phân hội Sân khấu, các vũ công
thuộc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật, các bạn sinh viên Trường Đại học An Giang…
đã đóng góp những ngón đờn, điệu múa, lời ca… cho đêm thơ nhạc Nguyên tiêu xuân
Giáp Thìn thêm phần sống động. Bên cạnh đó, những nét bút uyển chuyển của nhà
thư pháp Hồng Phú đã thổi hồn cho những câu thơ của tác giả An Giang bay bổng
giữa đêm trăng tròn tháng Giêng.
Quan sát có thể
thấy, đêm thơ nhạc tại núi Cấm đã thu hút khá đông đảo công chúng đến thưởng thức.
Bởi, nơi tổ chức là khu trung tâm hành hương của khu du lịch, thường xuyên có
du khách qua lại tấp nập cả ngày lẫn đêm. Về thời gian, rằm tháng Giêng là thời
điểm mà núi Cấm đón số lượng lớn du khách đến tham quan, chiêm bái, nghỉ mát…
Do đó, sự góp mặt của chương trình Nguyên tiêu đã trở thành điểm nhấn đối với
du khách trong đêm trăng tròn đầu năm mới. Mặt khác, Ban quản lý Khu du lịch
Núi Cấm đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội, thông
báo rộng rãi đến tất cả hộ kinh doanh lưu trú trong địa bàn khu du lịch.
Dọc đoạn đường
nằm cạnh hồ Thủy Liêm, những dòng người không ngớt. Có người dừng chân chốt lát
rồi lại đi, có người lặng lẽ dõi theo suốt chương trình. Có người đến vì yêu
thích thơ ca, có người tình cờ lướt qua trên đường đi viếng chùa. Dẫu sau, tất
cả đã cùng nhau góp mặt cho không gian Nguyên tiêu thêm ấm cúng, mặc cho gió
núi cứ phần phật thổi bốn bề. Và bên dưới sân khấu, hồ Thủy Liêm rực rỡ trong
ánh trăng xuân, hòa cùng những ánh đèn lung linh màu sắc ven bờ, làm cho đêm
thơ nhạc càng thêm mỹ vị.
Thật bất ngờ và
cảm động khi chúng tôi tình cờ tiếp xúc và trò chuyện với hai khán giả đặc biệt
đã bước vào tuổi bảy mươi. Theo chia sẻ, vợ chồng ông bà ngụ ở phường Chi Lăng,
vốn là người yêu thích văn thơ. Khi biết tin chương trình Nguyên tiêu, ông bà đã
chở nhau bằng xe máy lên núi Cấm, vừa thưởng thức thơ nhạc, vừa kết hợp viếng
chùa đầu năm. Ông bà đã lặng lẽ tham dự xuyên suốt từ đầu đến cuối chương trình
trong tâm trạng đầy thích thú. Không những vậy, cụ ông còn cảm tác hai câu thơ:
“Dìu em dạo núi đêm xuân / Cùng trăng Di Lặc xuống trần gian chơi.” Tổ chức đêm
thơ nhạc có thể thu hút khán giả đã khó, bắt gặp người thât sự yêu thích thơ lại
càng khó hơn, nhưng đó chính là niềm tự hào và hạnh phúc của những người thực
hiện chương trình.
Qua chương
trình Nguyên tiêu xuân Giáp Thìn vừa qua, có thể nhận thấy Liên hiệp các Hội
Văn học Nghệ thuật tỉnh An Giang đã nỗ lực đổi mới cách tổ chức, đặc biệt là
khâu lựa chọn địa điểm. Nếu đêm thơ nhạc cần công chúng, thì ngược lại các khu
điểm du lịch cũng cần đến những hoạt động về đêm để phục vụ nhu cầu tinh thần của
khách du lịch. Bởi thế, việc gắn hoạt động văn hóa nghệ thuật với hoạt động du
lịch là hướng đi hợp lý mà đơn vị tổ chức có thể tiếp tục phát huy trong những
năm tiếp theo, nhân rộng mô hình tại nhiều khu điểm du lịch khác trong toàn tỉnh.
Vài năm gần
đây, các khu điểm du lịch của tỉnh An Giang nói chung, Khu du lịch Núi Cấm nói
riêng đang đẩy mạnh khai thác các hoạt động về đêm, nhằm góp phần phát triển
kinh tế ban đêm theo định hướng chung của tỉnh và cả nước. Đối với du lịch, các
hoạt động về đêm còn có thể kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch khi đến
với An Giang. Do vậy, nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật, trò chơi dân
gian, ẩm thực đường phố, hội chợ… được tổ chức thường xuyên. Tại núi Cấm, các
đêm nhạc acoustic diễn ra định kỳ hằng tháng tại quảng hồ hồ Thủy Liêm đã trở
thành nét đặc trưng đầy mới mẻ của phố núi miền biên nầy. Giờ đây, đêm thơ nhạc
tiếp tục là nét chấm phá lạ mắt trong bức tranh Thất Sơn về đêm.
Xuân trở về với
thế gian, đất trời bắt đầu vòng quay mới, con người cũng bắt đầu chặng đường mới
trong công việc và cuộc sống. Từ ngày đầu năm đến rằm tháng Giêng, người ta thường
lựa chọn núi non là chốn hành hương với ước mong về những điều tốt đẹp. Người
làm thơ cũng thường khai bút vào những ngày đầu năm mới, rồi rằm tháng Giêng tụ
họp để đối ẩm, ngâm vịnh, bình thơ… Dù mỗi người có tâm thế khác nhau vào tết
Nguyên tiêu, nhưng điểm chung là ai cũng nhìn nhận Nguyên tiêu là đêm trăng
tròn đẹp nhất trong năm, gắn liền với niềm vui, bình an, phát triển…
Với ý nghĩa đó, những vần thơ bay bổng trên núi Cấm đêm rằm xuân, dù qua giọng ngâm hay qua nét bút, dường như là sự giao hòa giữa một chút tâm linh và một chút lãng mạn. Một chút tâm linh từ ngọn núi thiêng của châu thổ Cửu Long, một chút lãng mạn từ những tao nhân mặc khách đang hội ngộ. Và, trên đỉnh cao của biên thùy Tây Nam đêm trăng tròn, thơ như gởi gắm ước mơ về những đỉnh cao trong sáng tạo và đỉnh cao trong sự nghiệp, sự tròn trịa trong nghệ thuật và tròn trịa trong cuộc đời. Đó có lẽ là ước mơ chung của mọi người. Thơ xin mạn phép nói thay ước mơ ấy!
VĨNH THÔNG
(Bài đăng trên Tạp chí Thất Sơn, số 304, 2024)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét