Đa phần những người cầm bút đều mong mỏi các tác phẩm của mình không bị bạn đọc lãng quên. Điều đó đồng nghĩa, chính tác giả cũng không bị lãng quên. Vì mục đích nầy, họ cố gắng tìm mọi cách để níu kéo sự tồn tại của tác phẩm. Nhưng như thế, hóa ra điều đó chính là mục đích thôi thúc chúng ta cầm bút hay sao?
Con người thường đồng hóa mình với
nhà, xe, điện thoại, quần áo… Chúng ta xem nó là mình, nó tốt thì mình cũng tốt,
nó xấu thì mình cũng xấu. Tác phẩm văn chương cũng bị đồng hóa như thế. Tác phẩm
là tôi, tác phẩm của tôi, tác phẩm có trong tôi, tác phẩm bị lãng quên là tôi bị
lãng quên, tác phẩm được trường cửu là tôi được trường cửu. Để rồi, chúng ta mải
miết lao mình vào giấc mơ trường cửu phù phiếm ấy!
Sự thật, trên cuộc đời nầy chẳng
có cái gì trường cửu.
Văn hóa Ấn Độ có quan niệm về ba vị
thần Brahma, Vishnu, Shiva rất đáng để chúng ta suy gẫm. Brahma là thần sáng tạo,
Vishnu là thần bảo tồn, Shiva là thần hủy diệt – có sáng tạo thì phải có bảo tồn
và hủy diệt. Chính hủy diệt là tiền đề để khai sinh những sáng tạo mới. Vạn vật
không thể không chấp nhận đặc tính hủy diệt nầy. Tương tự, biến mất và lãng
quên, đó là quy luật.
Ấy vậy mà, con người vẫn mãi mãi
cùng những mong muốn. Người cầm bút mong muốn những tác phẩm của mình được người
đời nhớ lâu, nhờ vậy tên tuổi mình được nhắc đến mãi. Nhưng sự thật là cái gì
cũng có đời sống của nó. Tác phẩm cũng vậy, con người cũng vậy. Chống lại thời
gian là đi ngược lại quy luật.
Đối với văn chương, mỗi thời đại có
những nhu cầu khác nhau, mà tác phẩm hầu như chỉ có thể đáp ứng nhu cầu của thời
đại đó. Vậy là quý lắm rồi. Có những tác phẩm thuộc thời đại trước, ngày nay
chúng ta đọc lại vẫn thấy có những giá trị đâu đó, ấy là điều không thể phủ nhận.
Tuy nhiên, chúng ta càng không thể phủ nhận rằng, tác phẩm đó không còn đáp ứng
những nhu cầu của thời đại chúng ta.
Mỗi tác phẩm văn chương như một
bông hoa, nở rồi tàn. Có thể, có người nhớ đến nó, dẫu đã tàn. Cũng có thể, chẳng
ai còn nhớ đến. Nhưng, có hề chi! Đời sống của nó là như vậy, và nó đã hiến
dâng cho đời sống của con người ngần ấy. Chỉ vậy là đủ rồi. Khi nở, bông hoa
không mong cầu được người đời nhớ mãi. Khi tàn, bông hoa ấy rụng xuống và trở
thành phân bón để nuôi dưỡng bao mầm hoa khác nở ra.
Thật ra, người đọc nhớ hay quên một
tác phẩm là chuyện bình thường. Điều “bất thường” ở đây là, tác giả lại phải
quá bận lòng về chuyện tưởng chừng tất nhiên ấy. Nhiều người vẫn thường nói, họ
sáng tác một tác phẩm vì cảm xúc với một đề tài nào đó trong cuộc sống. Tuy
nhiên, nếu thật sự như thế thì giá trị của việc làm nầy nằm ở lúc chúng ta đang
viết. Trái lại, người cầm bút thường nặng lòng với những điều đằng sau trang viết.
Khi ra đời, tác phẩm như thế nào, có ai quan tâm không, có ai nhớ đến tác giả
không? Rõ ràng, khi có cảm hứng với một đề tài, chúng ta đâu nghĩ đến những câu
hỏi nầy. Vậy thì tại sao khi đã viết xong, chúng ta lại băn khoăn? Và khi đã nhọc
lòng với những điều phù phiếm ấy, liệu chúng ta có thật sự viết vì cảm hứng với
một đề tài nào đó nữa hay không?
Trước đây, người ta từng tranh luận
dai dẳng với nhau rằng họ cầm bút vì nghệ thuật hay vì nhân sinh. Song, dường
như cả hai đều không đúng. Chúng ta sáng tác vì bản thân, vì cá nhân, vì chính
mình. Bởi, nếu sáng tác vì nghệ thuật hay vì nhân sinh, chúng ta cứ để cho tác
phẩm sống trọn vẹn đời sống của nó, dù “trường thọ” hay “đoản thọ”. Hà cớ gì phải
ước vọng, phải can thiệp, phải tiếc nuối… Trái lại, người cầm bút luôn kỳ vọng
tác phẩm của mình vĩnh cửu cùng thời gian.
Ý thức được: “Ta còn để lại gì
không? / Kìa non đá lở, này sông cát bồi”, nhà thơ Vũ Hoàng Chương mạnh mẽ
tuyên bố: “Vần điệu thi nhân chỉ còn là rơm rác / Và cũng chỉ nguyện được là
rơm rác”, bởi lẽ: “Một phen đã nín cung đàn / Nghĩ chi còn mất hơi tàn thanh
âm”. Quả thế, có biết bao nhạc công tài ba, khi ra đi không để lại gì cả. Bởi,
cái mà họ cống hiến cho cuộc đời là chính khoảnh khắc bản nhạc được cất lên,
không phải ở lúc nó kết thúc. Họ không sợ tác phẩm mình bị lãng quên, bởi nó đã
được lãng quên từ trong bản chất.
Sự sống của bông hoa ở lúc nó đang
nở, không phải ở lúc nó đã tàn. Sự sống của bản nhạc ở lúc nó đang cất lên, không
phải ở lúc nó khết thúc. Sự sống của tác phẩm văn chương ở lúc nó đang viết ra,
không phải ở lúc nó hoàn tất. Xong xuôi, kết thúc, hoàn tất đồng nghĩa với đã
tàn, đã hết, đã chết. Tác phẩm đã chết từ lúc nó được viết xong. Sao chúng ta không
ung dung trải nghiệm “sự sống” mà lại lo toan chăm sóc “xác chết”?
Người cầm bút hãy sống với phút
giây cảm nghiệm cùng tác phẩm, chứ không phải sống với những thứ đằng sau tác
phẩm. Điều mà chúng ta có thể làm là hòa nhịp với tác phẩm ngay trong lúc nó
đang diễn ra, vậy là đủ. Vướng bận làm chi chuyện mất hay còn!
Sự lãng quên chẳng có gì đáng sợ,
nó chỉ đáng sợ đối với những ai không chấp nhận quy luật của thời gian. Khi đã
chấp nhận quy luật của thời gian, con người có thể ung dung trước sự lãng quên.
Thậm chí, chính những người cầm bút có thể chủ động lãng quên tác phẩm của mình,
trước khi cuộc đời lãng quên nó. Như một bài thơ bốn câu rất đặc biệt: “Viết
bài thơ trên cát / Cơn sóng vỗ xóa đi / Vô tình đâu nhớ được / Mình viết bài
thơ gì” (Viên Minh). Nào phải tác giả “hờ hững” không nhớ được bài thơ mà mình
đã viết ra, mà là tác giả không “mắc kẹt” vào nó. Bởi, lãng quên là mở ra một
khởi đầu mới, Shiva không thể tách rời khỏi Brahma.
Hãy chấp nhận lãng quên và chủ động
lãng quên.
Đỉnh cao là sự lãng quên.
VĨNH THÔNG
(Tác phẩm đăng trên Tạp chí Văn nghệ Tiền Giang, số 115, 2024)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét