Vĩnh Tế là con kinh được đào ở vùng đất phía Tây Nam đất nước, khởi công vào năm 1819 và hoàn thành vào năm 1824, đầu triều Nguyễn. Đây là một trong những kinh đào lớn nhứt trong lịch sử Việt Nam thời quân chủ. Ngày nay, kinh Vĩnh Tế chảy qua địa phận hai tỉnh An Giang và Kiên Giang, song song với biên giới Việt Nam - Cambodia. Đến nay, tròn 200 năm trôi qua, giá trị của dòng kinh lịch sử gần như còn nguyên vẹn, xứng đáng cho hậu thế ngưỡng mộ.
Kế hoạch đào dòng
kinh nầy đã được bàn bạc từ năm 1816. Tháng Giêng (Âm lịch) năm ấy, triều đình
gửi chiếu thư sang Chân Lạp, đề nghị huy động lực lượng phối hợp đào sông Châu
Đốc - Hà Tiên, nhưng sau đó hoãn lại chờ đo đạc [Nội các triều Nguyễn 2005:
131]. Tháng 4, triều đình bàn khơi sông Châu Đốc, sai Trấn thủ Vĩnh
Thanh là Lưu Phước Tường đo đạc rồi vẽ bản đồ dâng lên [Quốc sử quán triều Nguyễn
2002: 926]. Tháng 12, sau khi xem địa đồ Châu Đốc, vua Gia Long nhận định: “Xứ
này nếu mở đàng thủy thông với Hà Tiên, thời nông thương đều lợi cả; ngày sau
dân ở càng đông, đất mở càng rộng, sẽ thành một trấn to.” Tuy nhiên bấy giờ, nhận
thấy đây là vùng đất mới, dân chúng còn cơ cực, nếu bắt làm việc khó nhọc sợ
lòng dân sẽ không yên, nên hoãn lại [Quốc sử quán triều Nguyễn 1971: 96].
Năm 1817, Nguyễn
Văn Thoại nhậm chức Trấn thủ Vĩnh Thanh, thay Lưu Phước Tường vừa bị bãi chức do
tham nhũng. Cần nói thêm, năm 1818, ông chỉ huy đào kinh từ Đông Xuyên (thành
phố Long Xuyên, tỉnh An Giang ngày nay) đến Giá Khê (thành phố Rạch Giá, tỉnh
Kiên Giang ngày nay), mà có thể đây là sự thử nghiệm trước khi đào kinh Vĩnh Tế
vào năm sau. Nhờ đào theo lạch nước cũ, nên công việc diễn ra trong một tháng. Kinh
hoàn tất rộng trung bình khoảng 50 mét, dài trên 30 mét, giúp giao thương hàng
hóa giữa khu vực sông Hậu và biển Tây thuận lợi hơn. Để ghi nhận công lao, vua
Gia Long ban tên kinh là Thoại Hà, ngọn núi mà dòng kinh đi qua có tên dân gian
là núi Sập cũng được ban tên là Thoại Sơn.
Năm sau, tháng 9 năm 1819 (Âm lịch), triều định quyết định đào kinh Vĩnh Tế. Quốc triều chánh biên toát yếu chép: “Đào sông Châu Đốc thông với Hà Tiên, gọi là sông Vĩnh Tế. Ngài [vua Gia Long] nghĩ trấn Vĩnh Thanh, trấn Hà Tiên gần nước Chân Lạp, mà không có đàng thủy, qua lại không tiện. Lúc ấy có quan Chiêu thùy Chân Lạp là Đồng Phò sang chầu, Ngài đòi vào hỏi việc đào sông, tâu rằng: ‘Nếu đào sông ấy thời ích lợi cho dân Chân Lạp lắm, Phiên vương cũng muốn mà không dám xin.’ Ngài vui lòng” [Quốc sử quán triều Nguyễn 1971: 104]. Ngày 15 tháng 12, kinh Vĩnh Tế chính thức được khởi công [Trịnh Hoài Đức 1999: 58]. [1]
Quá trình đào
kinh trải qua ba đợt. Đợt đầu, nhân công do Trấn thủ Nguyễn Văn Thoại, Chưởng
cơ Phan Văn Tuyên, Chánh quản đồn Uy Viễn Nguyễn Văn Tồn đốc suất dân phu 5.000
người và binh dân đồn Uy Viễn 500 người, Đồng Phò quản suất dân Chân Lạp 5.000 người
[Quốc sử quán triều Nguyễn 2002: 997]. Tháng 3 năm 1820, công trình tạm dừng.
Đợt hai đào từ
tháng 2 đến tháng 4 năm 1823. Trước đó, tháng 10 năm 1822, Tổng trấn Gia Định thành
là Lê Văn Duyệt tâu với triều đình xin dự tính 39.000 binh dân Việt Nam và
16.000 binh dân Chân Lạp [Quốc sử quán triều Nguyễn 2007: 239]. Tuy nhiên đến
khi đào, số nhân công giảm còn 35.000 binh Việt Nam và 10.000 binh Chân Lạp [Quốc
sử quán triều Nguyễn 2007: 260]. Người chỉ huy đợt nầy là Thống chế Nguyễn Văn
Thoại, Thống chế Trần Công Lại, Thống chế Phan Văn Tuyên.
Đợt ba đào từ
tháng 2 đến tháng 5 năm 1824, dân binh từ các trấn thuộc Gia Định thành và nước
Chân Lạp tổng cộng 24.700 người [Quốc sử quán triều Nguyễn 2007: 331]. Người chỉ
huy đợt nầy tương tự như đợt trước. Đặc biệt, sau mỗi đợt đào kinh, triều đình
đều xét theo công lao của từng đối tượng mà ban thưởng, từ quan lại đến binh
lính và dân phu.
Như vậy, tổng
thời gian đào kinh Vĩnh Tế là 4 năm, tổng số lượng nhân công trên 80.200 lượt.
Kinh hoàn tất có chiều dài 87 km, rộng 30 mét, độ sâu trung bình khoảng 2,5
mét. Tuy nhiên, trừ Náo Khẩu Ca Âm khoảng 7 km và sông Giang Thành 42,5 km đã
có sẵn, phần thật sự cần phải đào là 37 km.
Cần nói thêm,
trong các thư tịch triều Nguyễn tường thuật quá trình đào kinh Vĩnh Tế, Náo Khẩu
Ca Âm là một trong những “cột mốc” quan trọng. Đây là vùng đầm lầy úng nước,
hình bầu dục, nằm cạnh núi Ca Âm. Do đường kinh đi qua Náo Khẩu, nên đoạn nầy
không cần đào. Hiện nay, trên thực địa không còn dấu tích nào của khu vực nầy, bởi
nó đã trở thành một phần của dòng kinh. Vị trí của Náo Khẩu Ca Âm được xác định
là kéo dài từ khóm Phú Nhứt, phường An Phú đến khóm Xuân Bình, phường Tịnh
Biên, cùng thuộc thị xã Tịnh Biên [Vĩnh Thông 2021: 86-89].
Đường kinh Vĩnh
Tế được mô tả là: “Từ phía Tây đồn Châu Đốc qua cửa Ca Âm, Cây Báng, đến sông
cũ” [Quốc sử quán triều Nguyễn 2002: 997]. Sông cũ ở đây là sông Giang Thành, một
con sông tự nhiên đã có từ trước đó, đổ ra biển Hà Tiên. Cần lưu ý, điểm cuối
kinh không phải biển Hà Tiên, mà điểm ấy giao với sông Giang Thành, từ đó con
sông nầy tiếp nối nhiệm vụ của dòng kinh, đưa nước ra biển Hà Tiên. Đây là chi
tiết nhỏ, nhưng nhiều tài liệu đã nhầm lẫn, thiết nghĩ cần nói rõ.
Trong quá trình đào kinh Vĩnh Tế, tương truyền để đường kinh thẳng, người xưa đợi ban đêm, đốt đuốc trên những cây sào rồi nhắm theo đường thẳng mà cắm [Nguyễn Văn Hầu 1972: 192]. Dù sao, không thể phủ nhận rằng, con người thời đó chỉ có những dụng cụ thô sơ như cuốc, thuổng, sào tre, dây thừng… và sức người. Ấy vậy mà, một công trình kỳ vĩ của nhân dân đã ra đời, đồng thời là thành tựu to lớn của triều Nguyễn trong công cuộc trị thủy nói riêng và khai thác lãnh thổ nói chung.
Với công việc
khó khăn như thế, sự mất mát về con người chắc hẳn không hề nhỏ. Sau khi kinh
Vĩnh Tế hoàn thành, Thoại Ngọc Hầu tổ chức quy tập hài cốt những dân binh đã
thiệt mạng trong quá trình đào kinh, đưa về an táng trên triền núi Sam và tổ chức
lễ tế trọng thể. Ông cho soạn bài văn tế “Thừa đế lịnh tế cô hồn Vĩnh Tế tân
kinh” (thừa lịnh vua tế cô hồn kinh mới Vĩnh Tế) để đọc trong buổi lễ ấy, trong
đó có đoạn:
“Đào kinh trước mấy kì khó nhớ,
Khoác nhung y chống đỡ biên cương.
Bình man máu nhuộm chiến trường,
Bọc thây da ngựa gởi xương xứ nầy.
[…]
Giờ ta vâng lệnh bệ rồng,
Dời ngươi an táng nằm chung chốn nầy.
Chọn đất tốt thi hài an ổn,
Cảnh trời thanh vui nhộn cùng nhau.
Hằng năm cúng tế dồi dào,
Tràn trề lễ trọng dám nào để vơi.”
[Nguyễn Văn Hầu 1972: 417-418]
Để ghi nhận
công lao của Thoại Ngọc Hầu và phu nhân Châu Thị Tế trong công cuộc đào kinh, vua
Minh Mạng ban tên cho ngọn núi nằm cạnh dòng kinh (có tên dân gian là núi Sam)
là Vĩnh Tế sơn. Với niềm tự hào về tên núi được vua ban, Thoại Ngọc Hầu đã dựng
bia “Phụng đặc tứ danh Vĩnh Tế sơn bi ký” (bia ghi chép việc đặc biệt ban tên
núi Vĩnh Tế) trên triền núi vào năm 1828. Ngày nay, tấm bia nầy vẫn còn được bảo
quản tại lăng Thoại Ngọc Hầu, phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An
Giang. Văn bia có đoạn:
“Đến nay, hoàng
ân lại xét đến lòng thần, cho là biết tề gia hợp hòa khí, lại hạ cố đến vợ thần
là Châu Thị Tế, rằng có đức dày trong đường lễ giáo, bên trong biết giúp đỡ chồng,
một lòng chân thành bền chặt, có chút công lao, nên xuống lịnh ban cho tên núi
Sam là núi Vĩnh Tế Sơn. […] Đến nay, ánh sáng sớm sương tan, bóng chiều tà ráng
rọi, cây rậm rạp khoe xanh, cỏ là đà phô thắm. Bụi sạch trên đường, lên cao ngắm
nghía, dòng sông trải lụa, khách đi qua buông chèo nhàn ngoạn, tay trỏ non xanh
cùng nói với nhau: Đây là núi Vĩnh Tế, do vua ban tên đó!” [Nguyễn
Văn Hầu 1972: 401-402].
Năm 1836, triều
đình đúc Cửu đỉnh, tức chín đỉnh đồng được đặt trước Thế miếu (miếu thờ các vua
triều Nguyễn) trong Hoàng thành, có ý nghĩa biểu trưng cho sự vững bền của triều
đại. Mỗi đỉnh có tên gọi riêng, chạm khắc nhiều hình ảnh đa dạng về đất nước.
Trong đó, Cao đỉnh quan trọng nhất, nằm ở vị trí trung tâm. Trên Cao đỉnh có
phong cảnh kinh Vĩnh Tế và dòng chữ “Vĩnh Tế hà”.
Không ngẫu
nhiên mà dòng kinh ấy được ưu ái như vậy. Hai thế kỷ trước, Quốc sử quán triều
Nguyễn đã nhận định: “Từ ấy đường sông lưu thông, từ kế hoạch trong nước, phòng
giữ ngoài biên, cho tới nhân dân buôn bán, đều được tiện lợi vô cùng” [Quốc sử
quán triều Nguyễn 1959: 57]. Quả thật, kinh Vĩnh Tế có vai trò quan trọng trong
sự phát triển của khu vực biên giới Tây Nam, bởi mang lại nhiều lợi ích thiết
thực. Về thủy lợi, kinh dẫn nước ngọt và phù sa vào đồng ruộng, đồng thời thoát
bớt nước ra biển Tây vào mùa nước nổi. Về quân sự, kinh là con đường phòng thủ,
liên lạc, chi viện giữa Châu Đốc và Hà Tiên khi giặc ngoại xâm lăm le biên giới.
Về giao thương, kinh là tuyến đường thủy huyết mạch từ Châu Đốc đến Hà Tiên,
trước khi hệ thống giao thông đường bộ được hoàn thiện như ngày nay. Về khai
hoang, sau khi có dòng kinh, dân chúng từ nhiều nơi đã tìm đến hai bờ kinh để cất
nhà, lập xóm, phát triển sản xuất… Hàng loạt làng mạc hình thành ven kinh Vĩnh
Tế có đặc điểm chung là tên bắt đầu bằng “Vĩnh” đã cho thấy điều đó như Vĩnh
Nguơn, Vĩnh Tế, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Thông, Vĩnh Gia, Vĩnh Điều…
Nói về chặng đường
hai thế kỷ của dòng kinh lịch sử, thiết nghĩ cần nói thêm một số dữ kiện liên
quan đến dòng kinh ở giai đoạn sau. Dưới triều Nguyễn, biên giới Việt Nam -
Cambodia cách kinh Vĩnh Tế khá xa (khoảng 25 km) về phía Tây Bắc. Bản đồ Nam Kỳ
do Pháp vẽ vào năm 1861 - khi vùng đất nầy chưa trở thành thuộc địa đã cho thấy
rõ điều đó. Năm 1873, “Thỏa ước về việc xác định dứt điểm đường biên giới giữa
Vương quốc Cambodge và xứ Nam kỳ thuộc Pháp” được ký kết, lấy dòng kinh nầy làm
tiêu chuẩn cho việc phân định bên giới. Theo đó, biên giới hai nước cách kinh
Vĩnh Tế khoảng 1,2 km về phía Tây Bắc (có chênh lệch đôi chút tùy từng vị trí).
Cũng trong thời Pháp thuộc, không rõ chính xác vào năm nào, chánh quyền Pháp cho xây dựng hai công trình kiểm soát nước trên kinh Vĩnh Tế là bửng Cây Mít (ngày nay ở thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang) và bửng Đầm Chít (ngày nay ở huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang). “Bửng” là từ địa phương, có nghĩa là đập ngăn nước. Chúng có tác dụng ngăn nước mặn từ biển Tây chảy ngược về vào mùa khô, đồng thời xả bớt nước sông Cửu Long ra biển Tây vào mùa nước nổi. Tại hai vị trí đó, bửng chắn lại dòng chảy của kinh, bên dưới lắp những cánh cửa có thể chuyển động. Bờ bên kia, họ đào thêm dòng nước nhỏ hình cung, để ghe xuồng di chuyển qua dòng nước phụ nầy. Tuy nhiên giờ đây, tất cả chỉ còn là phế tích, với trụ đá lớn đổ vỡ sát mé kinh, và toàn bộ bửng nằm sâu dưới lòng nước [Vĩnh Thông 2023: 16].
Sau 200 năm
hoàn thành, những giá trị của kinh Vĩnh Tế vẫn còn được phát huy. Trên dòng
kinh, ghe xuồng không ngớt ngược xuôi và càng tấp nập vào mùa nước nổi. Đi dọc
dòng Vĩnh Tế từ Châu Đốc đến Hà Tiên, chúng ta bắt gặp nhiều thị tứ sung túc,
xen lẫn những làng mạc yên bình, những cánh đồng bạt ngàn… Ngày nay, đường kinh
đi qua thành phố Châu Đốc, thị xã Tịnh Biên, huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang) và
huyện Giang Thành (tỉnh Kiên Giang). Song song dòng kinh là quốc lộ N1 có vai
trò quan trọng trong kết nối các địa phương ven biên giới Tây Nam. Cần nhớ lại,
viễn cảnh ấy được vua Gia Long nhận thấy từ hai thế kỷ trước, khi nói về việc
đào kinh Vĩnh Tế: “Tuy là khó nhọc một lần, mà ích lợi cho muôn đời ngày sau” [Quốc sử quán triều Nguyễn 1971: 104].
VĨNH THÔNG
(Bài đăng trên Tạp chí Thất Sơn, số 310, 2024)
_______________________
CHÚ THÍCH:
1. Ngày 15/12/1819 Âm lịch nếu đổi ra
Dương lịch thì đã qua năm 1820. Tuy vậy trước nay, sử Việt Nam tính sự kiện nầy
vào năm 1819 theo Âm lịch, do đó chúng tôi ghi nhận theo thông tin đã quen thuộc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Nội
các triều Nguyễn (2005), Khâm định Đại Nam
hội điển sự lệ, Tập 7, Viện Sử học dịch, Nxb Thuận Hóa.
2. Nguyễn
Văn Hầu (1972), Thoại Ngọc Hầu và những
cuộc khai phá miền Hậu Giang, Nxb Trẻ.
3. Quốc
sử quán triều Nguyễn (1959), Đại Nam nhất
thống chí: Lục tỉnh Nam Việt, Tập Hạ, Tu Trai Nguyễn Tạo dịch, Bộ Quốc gia
Giáo dục.
4. Quốc
sử quán triều Nguyễn (1971), Quốc triều
chánh biên toát yếu, Nhiều người dịch, Nhóm Nghiên cứu Sử Địa.
5. Quốc
sử quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực
lục, Tập 1, Viện Sử học dịch, Nxb Giáo dục.
6. Quốc
sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực
lục, Tập 2, Nxb Giáo dục.
7. Trịnh Hoài Đức (1999), Gia Định
thành thông chí, Nxb Giáo dục.
8. Vĩnh
Thông (2021), “Góp phần xác định địa danh Náo Khẩu Ca Âm”, Tạp chí Thất Sơn, số 276.
9. Vĩnh
Thông (2023), “Đường vào thị xã vùng biên”, Tạp
chí Thất Sơn, số 294.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét