Nói về công cuộc đào kinh ở Nam Kỳ dưới triều Nguyễn, có lẽ Vĩnh Tế là con kinh nổi tiếng nhứt. Năm 2024, tỉnh An Giang long trọng tổ chức lễ kỷ niệm tròn 200 năm hoàn thành dòng kinh lịch sử nầy. Tuy nhiên, có một dòng kinh khác ra đời sau đó, có thể được xem như sự “nối dài” của kinh Vĩnh Tế, nhưng lại không nhiều người biết đến, đó là kinh Vĩnh An. Cũng trong năm 2024, dòng kinh nầy tròn 180 tuổi.
1. Bối cảnh ra đời kinh Vĩnh An
Kinh Vĩnh Tế được đào vào năm 1819, hoàn thành vào năm 1824, nối từ thành Châu Đốc (tỉnh lỵ tỉnh An Giang khi đó, ngày nay là thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang) đến thành Hà Tiên (tỉnh lỵ tỉnh Hà Tiên khi đó, ngày nay là thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang). Nói cách khác, điểm đầu của kinh Vĩnh Tế là sông Hậu, điểm cuối là biển Tây. Khi đó, chẳng những ghe xuồng qua lại giao thương thuận lợi, mà hai thành Châu Đốc và Hà Tiên cũng dễ dàng cứu nguy cho nhau trong lúc binh đao.
Tuy vậy, Châu Đốc
nằm bên bờ sông Hậu, cũng rất cần sự thông thương với Tân Châu phía sông Tiền
(ngày nay là thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) về cả thương mại lẫn quân sự. Do
đó gần hai mươi năm sau, một con kinh lại ra đời để thực hiện nhiệm vụ trên, đó
là kinh Vĩnh An.
Hoàn cảnh bấy
giờ được Tổng đốc Định Biên (Gia Định - Biên Hòa) Lê Văn Đức tâu vua Thiệu Trị
vào năm 1842: “Từ Hậu Giang đến Tân Châu và An Lạc ở Tiền Giang tất phải từ Thuận
Cảng đi lên, trải 3 - 4 ngày đi quanh co, vừa chậm vừa khó, đi lại thật thấy bất
tiện. Vậy: một đoạn từ An Giang đi ngang qua Tân Châu và An Lạc, xin cho quan tỉnh
thuê vát quân, dân đào thành đường sông để dễ cho sự khống chế tiếp ứng. Đó
cũng là một việc cốt yếu nên làm” [Quốc sử quán triều Nguyễn 2007: 367].
Quả vậy, nếu
xét theo đường thẳng, Châu Đốc cách Tân Châu 17 km. Tuy nhiên, đi từ Châu Đốc đến
Tân Châu thời đó vô cùng khó khăn, kinh rạch tự nhiên mà con người có thể di
chuyển thuận lợi chỉ có sông Vàm Nao (sử triều Nguyễn cũng gọi là Thuận Cảng,
Thuận Giang). Dòng sông nầy cách Châu Đốc khoảng khoảng 30 km, cách Tân Châu
khoảng 40 km. Từ Châu Đốc sang Tân Châu, người đương thời phải từ Châu Đốc đi
theo sông Hậu khoảng 30 km xuống Vàm Nao, rồi từ Vàm Nao đi theo sông Tiền khoảng
40 km lên Tân Châu. Vả lại, đường sông Vàm Nao đã nhiều lần là đường hành quân
của giặc ngoại xâm. Nếu Châu Đốc thất thủ, chúng từ đó đi theo sông Hậu xuống
Vàm Nao, rồi rẽ sang sông Tiền và tỏa quân tiến đánh các tỉnh lân cận. Khi đó,
quân Đại Nam khó bề ứng cứu, hoặc khi ứng cứu thường gặp mai phục.
Sau khi trù
tính, tỉnh An Giang tâu lên: “Nhân công dùng làm việc này, phải tới 72.522
công, phải thuê 10.000 dân phu ở 3 tỉnh An Giang, Vĩnh Long, Định Tường và vát
2.000 biền binh các hạng đi làm, ước tới 2 tháng mới xong. Nhưng hiện nay trời
nắng dữ, nhân dân phần nhiều cảm nhiễm sinh bệnh, xin hãy cho tạm hoãn” [Quốc sử
quán triều Nguyễn 2007: 367]. Vua chấp thuận.
2. Quá trình đào kinh Vĩnh An
Tháng 11 (Âm lịch)
năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), Tổng đốc An Hà (An Giang - Hà Tiên) là Nguyễn Công
Nhàn, Thự Tổng đốc Long Tường (Vĩnh Long - Định Tường) Nguyễn Tri Phương, Tuần
phủ An Giang Nguyễn Công Trứ tâu: “Việc đào sông Tân Châu ở tỉnh An Giang trước
đã xin hoãn lại, nay đến tiết mùa đông khô ráo, xin thuê 5.000 dân phu khơi trước
một đoạn (dài 550 trượng), trong một tháng thì cho về, đợi sang xuân, sẽ làm tiếp”
[Quốc sử quán triều Nguyễn 2007: 548]. Vua y cho.
Đọc qua một tư
liệu về quá trình đào kinh Vĩnh An, chúng ta mới nhận thấy đây là công việc đầy
công phu: “Một tài liệu của phủ Hoằng Đạo tỉnh Vĩnh Long (Bến Tre, cù lao Bảo)
cho biết dân phu phủ này đi đào kinh Vĩnh An gồm 8 đội, mỗi đội 50 người, có
viên phó tổng hoặc lý dịch coi sóc. Mỗi đội mang theo 10 cây cuốc, 10 cây mai,
phãng, rìu, cây mù u, gàu nước, gióng, gánh, ky, mỗi thứ 30 cái, lại còn dây
tre dài hơn 1 trượng. Viên chức ở tỉnh tới địa điểm đào kinh từ trước để cất trại
cho dân phu ở. Cứ 15 ngày thay đổi một lần cho dân nghỉ ngơi” [Sơn Nam 2011:
44].
Kinh được đào dưới
sự chỉ huy của hai danh tướng Nguyễn Tri Phương và Nguyễn Công Nhàn. Quá trình
đào kinh gồm hai đợt, đợt đầu từ tháng 11 đến tháng 12 năm 1843, đợt sau từ tháng
3 đến tháng 4 năm 1844, như vậy tổng thời gian khoảng hai tháng thì hoàn tất. Khi
đào xong, kinh dài 17 km, rộng trung bình 15 mét, [1] sâu 6 mét. Vàm (cửa) kinh
ở sông Hậu nằm gần bảo Châu Giang (ngày nay là xã Châu Phong, thị xã Tân Châu)
và đối diện thành Châu Đốc bên kia sông Hậu. Vàm kinh ở sông Tiền nằm gần bảo
Tân Châu và lỵ sở huyện Đông Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang (ngày nay là nội
ô thị xã Tân Châu). Ban đầu kinh có tên là Long An hà, sau khi đào xong đổi
thành Tân Châu hà.
Tháng 4 (Âm lịch)
năm Thiệu Trị thứ 4 (1844): “Sông Tân Châu ở tỉnh An Giang đã đào xong. Mùa
đông năm ngoái, bắt đầu đào đường sông từ cửa sông Châu Giang ngang qua sông Tiền
Giang, đồn Tân Châu (dài 3.695 trượng), cuối năm thì nghỉ việc; mùa xuân năm
nay lại làm. Thuê nhân công làm việc này, cấp cho tiền và gạo. Vừa một tháng
thì sông đào xong (trên rộng 6 trượng, dưới rộng 3 trượng, sâu trên dưới 9 thước.
Dùng cọc tre: 33.300 đoạn; tiền thuê: 63.021 quan; gạo: 21.021 phương). Thưởng
tất cả cho nhân viên chuyên biện, thừa biện có khác nhau. Trước đặt tên là sông
Long An; đến đây, đổi gọi là sông Tân Châu” [Quốc
sử quán triều Nguyễn 2007: 593].
Tương tự, Đại Nam nhất thống chí biên soạn dưới
triều vua Tự Đức cũng mô tả: “Tân Châu hà: Ở bên cạnh huyện trị Ðông Xuyên. Đường
sông từ Tân Châu bảo ở Tiền Giang thông đến Châu Giang thủ ở Hậu Giang […] Năm
Thiệu Trị thứ 3 (1843) khởi đào, nhà vua cho tên là Long An hà, sau đổi lại tên
này” [Quốc sử quán triều Nguyễn 1959: 51].
Xin nói thêm,
theo truyền khẩu của người địa phương, con kinh có tên là Vĩnh An Hà nhằm nhắc
nhớ nhân công đào kinh từ ba tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Tuy nhiên,
chúng tôi không ủng hộ lý giải nầy. Trước hết, chữ “hà” có nghĩa là sông, danh
từ chung không phải danh từ riêng. Thứ nữa, không tìm thấy vai trò của đội ngũ
nhân công đến từ tỉnh Hà Tiên được ghi nhận trong sử liệu, mà chỉ có An Giang,
Vĩnh Long, Định Tường. Mặt khác, các thư tịch triều Nguyễn không nhắc đến cái
tên Vĩnh An hà, mà chỉ có Long An hà và Tân Châu hà. Thế nhưng, tên phổ biến của
dòng kinh nầy được người địa phương sử dụng là kinh Vĩnh An. Vậy, cái tên nầy từ
đâu xuất hiện? Đây là vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu thêm.
3. Vai trò của kinh Vĩnh An
Với chủ ý của
triều Nguyễn, sự ra đời của kinh Vĩnh An đã mang đến một số hiệu quả nổi bật. Trước
hết về thương mại, việc đào kinh đã hình thành trục giao thông mới, đồng thời
là trục giao thông huyết mạch, nối liền hai thị tứ sầm uất là Tân Châu và Châu
Đốc. Từ khi có con kinh, ghe xuồng lớn nhỏ qua lại tấp nập quanh năm, tạo nên
khung cảnh giao thương nhộn nhịp.
Kinh Vĩnh An
cũng góp phần thúc đẩy công cuộc khẩn hoang. Những vùng đất hoang vu được phù
sa bồi đắp trở nên phì nhiêu, hình thành làng mạc trù phú như Long Phú, Phú
Vĩnh, Châu Phong… thu hút cư dân quy tụ về sinh sống. Nguồn nước từ kinh Vĩnh
An đã tưới xanh ruộng lúa của nông dân hai bên bờ, làm tươi tốt những rẫy đậu
xanh, đậu nành, bắp, mía…
Tuy nhiên, vai
trò chiến lược của kinh Vĩnh An là quân sự:
- Rút ngắn đường
hành quân: Hình thành tuyến đường thủy thứ hai từ sông Tiền sang sông Hậu,
không cần phải đi qua sông Vàm Nao vốn cách trở, nhờ vậy rút ngắn lộ trình và
thời gian hành quân, kịp thời ứng cứu khi có biến.
- Liên kết các
địa điểm quan trọng về chánh trị và quân sự: Điểm đầu kinh Vĩnh An có bảo Tân
Châu và bảo An Lạc là hai đồn binh, ngoài ra đây cũng là lỵ sở huyện Đông Xuyên
- một trung tâm hành chánh cấp huyện. Điểm cuối kinh Vĩnh An có thủ Châu Giang
cũng là một đồn binh quan trọng, đối diện bên kia sông Hậu là thành Châu Đốc -
tỉnh lỵ tỉnh An Giang. Như vậy, kinh Vĩnh An rõ ràng có vị thế địa chính trị rất
quan trọng, có khả năng kết nối các địa điểm xung yếu về chánh trị và quân sự.
- Nối liền kinh
Vĩnh Tế: Từ bảo Tân Châu bên sông Tiền, quân đội theo kinh Vĩnh An đến bảo Châu
Giang, thông ra sông Hậu. Từ thành Châu Đốc, quân đội tiếp tục theo kinh Vĩnh Tế
ra Hà Tiên. Như vậy rõ ràng, triều Nguyễn có chủ ý thiết kế tuyến đường thủy kết
nối nhau nhằm kịp thời liên lạc và hỗ trợ khi chiến tranh xảy ra.
Khi Pháp đến, họ
cũng đánh giá cao vai trò của kinh Vĩnh An. Nam
Kỳ và cư dân: Các tỉnh miền Tây xuất bản năm 1894 nhận định: “Kênh Vĩnh An
tiếp nối kênh Vĩnh Tế và nối sông Ba Thắc với sông Me Kông” [J. C. Baurac 2022:
465]. Chuyên khảo về tỉnh Châu Đốc xuất
bản năm 1902 cũng vậy: “Đây là một con đường sông rất quan trọng. Con kênh gần
như là sự tiếp nối con kênh Vĩnh Tế” [Hội Nghiên cứu Đông Dương 2017: 27].
Nhìn chung, nhờ
có kinh Vĩnh An, việc phòng thủ biên cương tăng thêm tính hiệu quả. Mai Văn Tạo
[2001: 15] nhận xét: “Kinh Vĩnh Tế như đại trường giang vượt qua ghềnh đá, rừng
hoang, gò nổng vươn thẳng tới Hà Tiên. Kinh Vĩnh An nối liền sông Hậu - Sông Tiền
cũng đâu phải chuyện ngẫu nhiên. […] Hai dòng nước Vĩnh Tế, Vĩnh An là đường
giao thông cấp báo, cứu nguy giữ các thành Hà Tiên, Châu Đốc với các đồn bảo
Giang Thành, Lạc Quới, Tân Châu.”
4. Chút hoài niệm còn lại
Để đánh dấu sự
kiện đào kinh, một bia đá được dựng lên ở Tân Châu, bên bờ Nam kinh Vĩnh An, với
nội dung: “Vĩnh An hà - Thiệu Thị đệ ngũ - Kiết nhựt tạo”. Năm 1966, tác giả
Nguyễn Văn Kiềm xuất bản quyển Tân Châu
(1870 - 1964) còn chụp được hình ảnh tấm bia in vào sách. Tuy nhiên sau đó,
không rõ chính xác thời điểm nào, do sạt lở đất bờ sông, tấm bia bị cuốn trôi
theo dòng nước, không còn vết tích. Ngoài ra, chánh quyền Tân Châu dưới chế độ
cũ đã đặt tên đường Nguyễn Tri Phương ở bờ Nam và Nguyễn Công Nhàn ở bờ Bắc
kinh Vĩnh An, hai tên đường hiện nay vẫn còn được sử dụng.
Tuy nhiên, do lựa
chọn vị trí đào kinh chưa hợp lý, nên dòng chảy yếu, phù sa bị ứ đọng. Sau vài chục năm, ghe xuồng chỉ đi lại thuận
tiện vào mùa nước lớn, còn mùa khô thì gặp khó khăn [Nhiều tác giả 2013: 125]. Do
đó, từ năm 1914 đến năm 1918, chánh quyền Pháp cho đào con kinh mới, nằm song
song và cách kinh Vĩnh An khoảng 3,5 km về phía Bắc. Do kinh được đào bằng xáng
cạp, nên người dân gọi là kinh Xáng. [2] Ngoài ra, do nó là kinh mới đào nên
người dân cũng gọi là kinh Mới, khi đó kinh Vĩnh An được gọi là kinh Cũ. Kinh
Xáng buổi đầu dài 9,5 mét, rộng 30 mét, sâu 6 mét. Qua thời gian, do sức nước
chảy mạnh, hiện nay kinh rộng 100 mét.
Do khả năng lưu
thông của kinh Vĩnh An kém, trong tiến trình phát triển của đô thị Tân Châu,
cùng với thói quen cư trú truyền thống ở miền Tây là cất nhà ven kinh rạch, dẫn
đến lượng rác thải ùn ứ dưới dòng kinh, gây ô nhiễm nặng nề. Bên cạnh đó, vàm
kinh Vĩnh An phía sông Tiền thường xảy ra sạt lở. Đặc biệt vào thập niên 1990,
tình trạng nầy càng nghiêm trọng, phố chợ, cửa tiệm, nhà ở bị cuốn trôi xuống
dòng nước.
Bởi thế vào năm
2009, chánh quyền thị xã Tân Châu cho san lấp đoạn đầu kinh Vĩnh An đi qua nội
ô thị xã khoảng 2 km. Mặc dù dòng kinh vẫn còn, nhưng sứ mạng kết nối sông Tiền
và sông Hậu đã chấm dứt, khi đó dòng kinh đã tồn tại 165 năm. Sắp tới, thị xã dự
kiến san lấp đoạn tiếp theo khoảng 3,5 km nữa, lúc ấy kinh Vĩnh An chỉ còn lại
2/3.
VĨNH THÔNG
_______________________
CHÚ THÍCH:
1. Đại Nam thực lục ghi kinh rộng
từ 3 đến 6 trượng, tức khoảng từ 12 đến 24 mét. Hơn nửa thế kỷ sau, các tác phẩm
do người Pháp biên soạn ghi kinh rộng trung bình 15 - 16 mét [J. C. Baurac 1894,
Hội Nghiên cứu Đông Dương 1902]. Năm 1966, Tân
Châu (1870 - 1964) của Nguyễn Văn Kiềm ghi kinh rộng từ 15 đến 27 mét. Năm
2013, Địa chí An Giang ghi kinh rộng
30 mét. Thực tế hiện nay, kinh rộng trung bình khoảng 30 mét.
2. Địa chí An Giang ghi “kênh Vàm Xáng” chưa chính xác. “Vàm” là cửa sông, kinh, rạch… Như vậy, Vàm Xáng là địa danh của khu vực cửa kinh Xáng, không phải tên toàn bộ dòng kinh. An Giang có nhiều địa danh mang tên Vàm Xáng như Vàm Xáng Cây Dương (cửa kinh xáng Cây Dương), Vàm Xáng Vịnh Tre (cửa kinh xáng Vịnh Tre)…
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Hội
Nghiên cứu Đông Dương (2017), Chuyên khảo
về tỉnh Châu Đốc, Nguyễn Nghị & Nguyễn Thanh Long dịch, Nxb Trẻ.
2. J.
C. Baurac (2022), Nam Kỳ và cư dân: Các tỉnh
miền Tây, Huỳnh Ngọc Linh dịch, Nxb Tổng hợp TP.HCM.
3. Mai
Văn Tạo (2001), Đất quê hương, Văn
nghệ An Giang.
4. Nguyễn
Văn Kiềm (1966), Tân Châu (1870 - 1964),
Tác giả tự xuất bản.
5. Nhiều
tác giả (2013), Địa chí An Giang, Sở
Thông tin và Truyền thông An Giang.
6. Quốc
sử quán triều Nguyễn (1959), Đại Nam nhất
thống chí: Lục tỉnh Nam Việt, Tập Hạ, Tu Trai Nguyễn Tạo dịch, Bộ Quốc gia
Giáo dục.
7. Quốc
sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực
lục, Tập 6, Viện Sử học dịch, Nxb Giáo dục.
8. Sơn
Nam (2011), Lịch sử khẩn hoang miền Nam,
Bản điện tử.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét