12/6/25

Chặng đường 50 năm văn học nghệ thuật huyện Châu Phú (1975 - 2025) - Vĩnh Thông

1. Lời mở

Nói đến nền văn học nghệ thuật tỉnh An Giang, huyện Châu Phú thường ít được chú ý. Người ta biết Chợ Mới là quê hương của nhà văn Nguyễn Quang Sáng và nhạc sĩ Hoàng Hiệp; hay Châu Đốc với “thương hiệu” Văn nghệ Châu Đốc phát triển mạnh trong nhiều thập niên; thậm chí Tân Châu với các gương mặt văn nghệ sĩ tiên phong như Trần Hữu Thường, Nguyễn Chánh Sắt, Nguyễn Quang Diêu… Tuy nhiên trong 50 năm sau khi đất nước thống nhất, văn học nghệ thuật Châu Phú đã phát triển bền bỉ, tương đối đồng đều ở các chuyên ngành, gặt hái nhiều thành tựu đáng tự hào. Có thể nói hiện nay Châu Phú là một trong những địa phương đóng vai trò chủ lực trong sự phát triển của văn học nghệ thuật An Giang.

 

2. Đôi nét về văn học nghệ thuật trên vùng đất Châu Phú buổi đầu

Huyện Châu Phú có vị trí địa lý ở trung tâm của tỉnh An Giang, lịch sử hình thành khoảng ba thế kỷ, đời sống kinh tế của người dân chủ yếu là nông nghiệp. Hiện nay, huyện có hoạt động văn học nghệ thuật phát triển mạnh. Tuy nhiên ngược dòng lịch sử, đây không phải là nơi có bề dầy truyền thống văn học nghệ thuật. Có lẽ, một phần vì vùng đất nầy có địa thế trũng thấp, khó sinh sống và canh tác, nên cư dân ít lựa chọn tìm đến từ buổi đầu. Mặt khác, việc nằm giữa hai trung tâm kinh tế - văn hóa là Long Xuyên và Châu Đốc, khiến nơi đây giảm đi tính thu hút đối với nhân tài.

Vùng đất Châu Phú có các tác phẩm văn học dân gian truyền miệng khá đa dạng như chuyện ông Xã Cọp ở cù lao Năng Gù, chuyện chiếc ghe Ông Sầm ở căn cứ Bảy Thưa, chuyện ông Đạo Xuyến ở trại ruộng Cái Dầu… cùng với nhiều câu đố, ca dao, tục ngữ… nhưng nhìn chung còn tản mác. Nghệ thuật diễn xướng dân gian cổ truyền có các điệu hò, hát huê tình, nói thơ, đờn ca tài tử… ăn sâu trong đời sống văn hóa tinh thần của cư dân.

Văn học viết trên vùng đất Châu Phú ra đời muộn và ít tác giả góp mặt. Tác phẩm viết đầu tiên được biết đến có lẽ là Tri lai bửu tích (còn gọi là Giảng Nhà Láng), [1] tác giả là Trần Văn Nhu - con trai trưởng của Quản cơ Trần Văn Thành, sáng tác vào những năm đầu thế kỷ XX. [2] Đây là truyện thơ chữ Nôm, thể thất ngôn trường thiên, nội dung lược thuật cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa chống Pháp của nghĩa binh Gia Nghị do Quản cơ Trần Văn Thành lãnh đạo.

Tiếp đó, trong hai thập niên đầu thế kỷ XX, hai môn đệ của Trần Văn Nhu viết một số tác phẩm chữ Nôm ở vùng Láng Linh (gần tương ứng với địa bàn huyện Châu Phú ngày nay). Ông Vương Thông viết truyện thơ Trần Quản cơ dữ Gia Nghị Binh nói về cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa, bài vè Thất Sơn nói về phong cảnh và đời sống cư dân vùng Thất Sơn… Ông Nguyễn Văn Thới viết bộ sách Kim cổ kỳ quang gồm chín quyển, nói về giáo lý đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, trong đó một phần viết ở làng Thạnh Mỹ Tây (huyện Châu Phú ngày nay), sau đó về làng Kiến An (huyện Chợ Mới ngày nay) viết phần còn lại.

Làng Bình Thủy (ngày nay là xã Bình Thủy, huyện Châu Phú) có ông Huỳnh Văn Đoan, hiệu Chí Nhân, làm Hương sư trong Ban Hội tề. Năm 1932 - 1933, ông có một số bài thơ chữ Quốc ngữ, thể thất ngôn bát cú, được đăng trên báo Đuốc nhà Nam ở Sài Gòn như: Lữ thứ cảm tác, Chơi núi, Chí trượng phu, Đất khách đêm khuya, Kỵ nữ tự thán, Nghèo ly hương[Vĩnh Thông 2021: 78]. Có lẽ, ông là nhà thơ hiện đại đầu tiên trên vùng đất Châu Phú.

Từ đó đến năm 1975, Châu Phú ít xuất hiện các tác giả và tác phẩm nổi trội. Thập niên 1960 - 1970, các cây bút Trịnh Bửu Hoài, Yên Uyên Sa (bút danh trước năm 1975 của Phạm Nguyên Thạch), Hoàng Huy Hùng (bút danh trước năm 1975 của Phan Lạc Nhân), Thùy Linh Thụy Vũ, Đỗ Văn Ngôn… bắt đầu cầm bút từ lứa tuổi học trò, có tác phẩm được đăng trên một số báo, gây được sự chú ý trên văn đàn.

 

3. Hoạt động văn học nghệ thuật huyện Châu Phú giai đoạn 1975 - 2000

Năm 1975, chiến tranh kết thúc, hòa bình trở lại trên đất nước Việt Nam thống nhất. Người dân bắt tay vào xây dựng đời sống mới, sau thời gian dài bị đạn bom tàn phá. Lúc nầy, các hoạt động văn học nghệ thuật ở huyện Châu Phú chủ yếu là văn nghệ quần chúng, cổ động, tuyên truyền…

Đáng chú ý, phong trào âm nhạc đã phát triển từ khá sớm, với sự góp mặt của Quang Kỹ, Huỳnh Công Giải, Huỳnh Công Thưởng, Duy Khanh, Lại Văn Tâm, Nguyễn Hoàng Nam… Trong đó, phần lớn đã tham gia hoạt động âm nhạc không chuyên, hoặc trưởng thành từ phong trào văn nghệ học đường trong Trường Trung học Thủ Khoa Nghĩa, Trường Trung học tỉnh hạt Bình Long, Trường Trung học bán công Dân Hòa… trước năm 1975 [Chi hội VHNT Châu Phú 2011: 113].

Ngoài âm nhạc, đầu thập niên 1980, Châu Phú có 2 đội chiếu bóng lưu động, phục vụ bà con ở những xã ấp xa xôi, trung bình mỗi đội chiếu khoảng 18 - 22 buổi hằng tháng [Trần Thanh Phương 1984: 205]. Bên cạnh đó, các chương trình triển lãm lưu động về nông thôn với hình thức gọn nhẹ cũng phát huy tính hiệu quả trong bối cảnh phương tiện giải trí ít ỏi lúc bấy giờ.

Chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, một số thanh niên trong phong trào văn nghệ huyện Châu Phú đã lên đường nhập ngũ. Khi tham gia quân đội, họ tìm thấy nhiều cảm hứng để sáng tác. Những năm đầu thập niên 1980 khi chiến đấu ở các tỉnh phía Bắc, anh lính Huỳnh Công Thưởng (nhạc sĩ Huỳnh Thưởng) viết những ca khúc đầu tay như Đường chúng ta đi, Lá thư cho anh… được dàn dựng và biểu diễn ở nhiều đơn vị quân đội [Chi hội VHNT Châu Phú 2011: 135-136]. Năm 1984 từ chiến trường Cambodia, anh lính Nguyễn Hoàng Nam (nhạc sĩ Phan Võ Hoàng Nam) đã sáng tác bài thơ đầu tay mang tên Tháng Năm, được đăng trên Văn nghệ quân đội - tạp chí văn học nghệ thuật danh giá hàng đầu Việt Nam trong năm ấy [Phan Võ Hoàng Nam 2008].

Về văn học, vùng đất Châu Phú là quê hương của hai nhà thơ “gạo cội” trong văn học An Giang, đó là Trịnh Bửu Hoài (xã Mỹ Đức) và Phạm Nguyên Thạch (xã Khánh Hòa), cả hai cầm bút trước năm 1975. Sau năm 1975, Trịnh Bửu Hoài làm việc ở thị xã Châu Đốc, Phạm Nguyên Thạch làm việc ở thị xã Long Xuyên. Ngoài ra, huyện có Đỗ Văn Ngôn (xã Mỹ Phú) trưởng thành từ phong trào văn thơ trong học đường trước năm 1975. Như vậy giai đoạn đầu, văn học Châu Phú còn thiếu vắng lực lượng sáng tác.

Những năm 1979 - 1983, chàng sinh viên Mai Bửu Minh (thị trấn Cái Dầu) đang theo học Trường Cao đẳng Lâm nghiệp ở Đồng Nai, bắt đầu sáng tác ca khúc, sau đó chuyển sang truyện ngắn. Năm 1989, anh trở về công tác ở quê nhà. Giai đoạn nầy, Châu Phú được bổ sung hai cây bút nổi bật là nhà văn Đoàn Văn Đạt (quê ở thị xã Châu Đốc) và nhà thơ Thảo Vi (quê ở huyện Phú Tân) chuyển về công tác. Cả hai đều sáng tác văn thơ từ khá sớm, có tác phẩm đăng báo và xuất bản sách từ thập niên 1980 - 1990.

 

4. Từ Chi hội đến Hội Văn học Nghệ thuật huyện Châu Phú

4.1. Chi hội Văn học Nghệ thuật huyện Châu Phú (2002 - 2010)

Năm 2002, Chi hội Văn học Nghệ thuật huyện Châu Phú được thành lập, một trong những chi hội văn học nghệ thuật cấp huyện ra đời sớm ở tỉnh An Giang. Đại hội đầu tiên diễn ra vào ngày 14/9, bầu soạn giả Nguyễn Thanh Điền là Chi hội trưởng danh dự, nhạc sĩ Huỳnh Thưởng là Chi hội trưởng, nhà văn Đoàn Văn Đạt là Chi hội phó.

Chi hội không có tư cách pháp nhân, không kinh phí, không trụ sở, không nhân sự chuyên trách… Bởi khi đó, pháp luật Việt Nam chưa có những quy định cụ thể về tổ chức hội. Tuy vậy, với sự quan tâm hỗ trợ của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh An Giang và lãnh đạo huyện Châu Phú, sự ủng hộ nhiệt tình của hội viên, tinh thần trách nhiệm của Ban Chấp hành, chi hội đã thực hiện được nhiều hoạt động hiệu quả.

Trong 8 năm (2002 - 2010), chi hội kết nạp gần 30 hội viên; xuất bản 21 tập san Văn nghệ Châu Phú và 5 đầu sách; đăng cai tổ chức trại sáng tác ca khúc tỉnh An Giang lần đầu tiên; tổ chức cuộc thi sáng tác thơ và ca cổ thu hút trên 300 tác phẩm; tổ chức 2 đêm thơ nhạc Nguyên tiêu, 2 cuộc triển lãm tranh, 1 trại sáng tác tổng hợp, 1 trại sáng tác văn học thiếu nhi, 4 chuyến thực tế sáng tác…

Năm 2008, chi hội thành lập Câu lạc bộ Sáng tác văn học trẻ huyện Châu Phú với gần 30 thành viên. Câu lạc bộ đã tổ chức 3 buổi giao lưu văn thơ ở Trường Trung học cơ sở (THCS) Bình Long, Trường Trung học phổ thông (THPT) Trần Văn Thành, Trường THPT Thạnh Mỹ Tây. Cũng trong giai đoạn nầy, Châu Phú có hai nhà văn được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam là Đoàn Văn Đạt (2002) và Mai Bửu Minh (2006).

4.2. Hội Văn học Nghệ thuật huyện Châu Phú (2010 - nay)

Năm 2010, Hội Văn học Nghệ thuật huyện Châu Phú chính thức được thành lập, trên nền tảng phát triển từ chi hội. Đại hội lần thứ I (nhiệm kỳ 2010 - 2015) diễn ra vào ngày 7/11, bầu nhạc sĩ Huỳnh Thưởng là Chủ tịch, hai Phó chủ tịch là nhà thơ Thảo Vi và nhạc sĩ Phan Võ Hoàng Nam. Ở Đại hội lần thứ II (nhiệm kỳ 2015 - 2020), nhạc sĩ Huỳnh Thưởng tái đắc cử Chủ tịch, nhà văn Đoàn Văn Đạt và nhạc sĩ Phan Võ Hoàng Nam là Phó Chủ tịch. Đến Đại hội lần thứ III (nhiệm kỳ 2020 - 2025), nhạc sĩ Huỳnh Thưởng tái đắc cử Chủ tịch, nhạc sĩ Phan Võ Hoàng Nam và bà Võ Thị Trúc Linh là Phó Chủ tịch.

Từ khi thành lập đến hết năm 2024, hội đã phát hành thêm 21 số Văn nghệ Châu Phú (từ số 22 đến số 43). Tuy nhiên hiện nay, tập san giảm số kỳ phát hành so với trước đây, từ 3 số xuống còn 1 số mỗi năm, do thiếu kinh phí. Để phát triển phong trào, hội thành lập các câu lạc bộ chuyên ngành trực thuộc gồm Văn học, Nhiếp ảnh, Âm nhạc, Đờn ca tài tử… Hội đã tổ chức thực tế sáng tác ở xã Bình Thủy, Mỹ Đức, Bình Phú, Thạnh Mỹ Tây (huyện Châu Phú), phường Núi Sam (thành phố Châu Đốc), xã Vĩnh An (huyện Châu Thành)… để hội viên tìm cảm hứng sáng tạo. Ngoài ra, hội cũng tổ chức hoặc phối hợp tổ chức các chương trình tập huấn, tọa đàm, giao lưu về bút ký văn học, ảnh nghệ thuật, ca khúc, đờn ca tài tử…

Một số hoạt động nổi bật của hội như duy trì tổ chức đêm thơ nhạc Nguyên tiêu từ năm 2010 đến năm 2015 (sau đó ngừng tổ chức vì thiếu kinh phí), tổ chức liên hoan ảnh thời sự - nghệ thuật chủ đề “Châu Phú xây dựng và phát triển” (2011) thu hút 115 tác phẩm, phối hợp Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật An Giang tổ chức đợt thực tế sáng tác văn học về mùa nước nổi và xuất bản tuyển tập An Giang mùa nước đầy (2011), phối hợp Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức trại sáng tác ca cổ và xuất bản tuyển tập Châu Phú cung bậc hồn quê (2013), tổ chức cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật chủ đề “Châu Phú trên đường phát triển” (2023) thu hút 199 tác phẩm, tổ chức trại sáng tác văn học và xuất bản tuyển tập Châu Phú nghĩa tình (2023)…

Những năm qua, nhiều hội viên đoạt giải thưởng ở các cuộc thi cấp tỉnh, khu vực và toàn quốc như Thảo Vi, Huỳnh Ngọc Phước (văn học), Huỳnh Thưởng, Phan Võ Hoàng Nam (âm nhạc), Hoài Nhật Thanh, Nguyễn Thanh Điền (sân khấu), Nguyễn Tấn, Phúc Đoan (nhiếp ảnh), Võ Văn Bằng (mỹ thuật)… [Huỳnh Công Thưởng 2020: 73]. Giai đoạn nầy, Châu Phú có thêm hai nhà văn được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam là Phạm Nguyên Thạch (2011) và Vĩnh Thông (2023). Trong chương trình Giáo dục địa phương - lớp 12, áp dụng từ năm học 2024 - 2025, Châu Phú có hai văn nghệ sĩ được giới thiệu là nhà văn Đoàn Văn Đạt với truyện ngắn Tắm mát dòng kinh và nhạc sĩ Phan Võ Hoàng Nam với ca khúc Thương lắm sông quê.

Bên cạnh đó, từ các hoạt động của Hội Văn học Nghệ thuật Châu Phú, lực lượng sáng tác trẻ là học sinh được ươm mầm và phát triển như Nguyễn Trung Nhất, Phạm Nguyễn Đăng Thy (Trường THPT Trần Văn Thành), Phan Chu Toàn (Trường THPT Thạnh Mỹ Tây)… Đáng chú ý, Trường THPT Bình Mỹ xuất hiện Bút nhóm Nắng Thủy Tinh với đội ngũ cây bút trẻ đông đảo, có tác phẩm đăng báo và đoạt các giải thưởng như Huỳnh Ngọc Phước, Nguyễn Ngọc Đặng, Lê Thị Trúc Linh, Dương Bảo Ngọc… [Bút nhóm Nắng Thủy Tinh 2023: 125].

 

5. Văn học nghệ thuật Châu Phú qua các chuyên ngành

5.1. Văn học và văn nghệ dân gian

Lãnh vực văn học ở huyện Châu Phú phát triển mạnh. Huyện có 5 nhà văn [3] là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam gồm Trịnh Bửu Hoài, Đoàn Văn Đạt, Phạm Nguyên Thạch, Mai Bửu Minh và Vĩnh Thông. Đặc biệt, gần 10 năm (1999 - 2018), hai nhà văn Châu Phú lần lượt làm Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh An Giang là Trịnh Bửu Hoài (1999 - 2011) và Mai Bửu Minh (2011 - 2018).


(Danh sách các nhà văn là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam ở Châu Phú)


Lực lượng sáng tác văn học ở Châu Phú tương đối đông đảo. Thế hệ cao niên có Thảo Vi (đã xuất bản 5 đầu sách), Phan Lạc Nhân, Đỗ Văn Ngôn, Thạch Lê… Thế hệ sung sức hiện nay là 7X - 8X với Thanh Nga, Phúc Thanh Tâm, Anh Thy, Nguyễn Thắng, Nguyễn Đình Huấn… Thế hệ 9X có Huỳnh Ngọc Phước (đã xuất bản 1 đầu sách), Nguyễn Ngọc Đặng, Nguyễn Thị Hồng Phước… Vài năm gần đây, huyện xuất hiện một số cây bút sinh vào thập niên 2000, thường xuyên có tác phẩm được đăng trên các tờ báo, đoạt các giải thưởng trong và ngoài tỉnh như Tân Vương Huy, Tăng Gia Kiều, Trương Hoàng Hân…

Châu Phú ít tác giả viết văn nghệ dân gian, tuy vậy họ đóng góp không nhỏ cho chuyên ngành nầy của tỉnh. Cụ thể, huyện có 4 nhà nghiên cứu là hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam gồm Trịnh Bửu Hoài, Võ Thành Phương, Nguyễn Trung Hiếu và Vĩnh Thông. [4] Trong đó, Võ Thành Phương là Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tỉnh An Giang (trực thuộc Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam), Nguyễn Trung Hiếu là Phân hội trưởng Phân hội Văn nghệ dân gian tỉnh An Giang (trực thuộc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh), Trịnh Bửu Hoài và Vĩnh Thông đều từng đoạt Giải thưởng Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Nói thế để thấy rằng, Châu Phú đóng góp cho lãnh vực văn nghệ dân gian tỉnh An Giang về cả số lượng tác giả lẫn chất lượng tác phẩm. Ngoài ra, huyện có các cây bút thuộc chuyên ngành khác nhưng yêu thích và tham gia nghiên cứu văn nghệ dân gian như Đỗ Văn Ngôn (văn học), Hoài Nhật Thanh (sân khấu), Trương Hoàng Hân (văn học)…

5.2. Âm nhạc và Sân khấu

Từ nền tảng là phong trào văn nghệ quần chúng trong thập niên 1980 - 1990, đến khi Chi hội và sau đó là Hội Văn học Nghệ thuật Châu Phú ra đời, bộ môn âm nhạc tiếp tục phát triển với nhiều nét mới. Tuy nhiên nhìn chung, trái với văn học vắng bóng ở giai đoạn đầu nhưng phát triển mạnh ở giai đoạn sau, âm nhạc Châu Phú phát triển khá rầm rồ ở giai đoạn đầu nhưng có phần thưa vắng ở giai đoạn sau.

Về sáng tác, các nhạc sĩ có nhiều thành tích như Huỳnh Thưởng, Phan Võ Hoàng Nam, Võ Thành Đễ, Quang Kỷ… Về biểu diễn có Lại Văn Tâm, Phú Thạnh, cùng với nhiều giọng ca mới xuất hiện như Cẩm Hồng, Cẩm Vân, Kim Quyên… Trong đó, có giọng ca đoạt giải thưởng cao ở các cuộc thi lớn như Công Luận, Kha Ly. Bên cạnh những anh chị em tham gia hoạt động văn nghệ phong trào, một số người đi theo con đường ca hát chuyên nghiệp như Quốc Tạo, Phượng Trang; hoặc theo học âm nhạc chính quy như Quang Thái, Kha Ly; một số người giảng dạy âm nhạc ở các trường học trong huyện như Hoàng Nam, Minh Điểm, Trường Giang… [Chi hội VHNT Châu Phú 2010: 115-116].

Ở lãnh vực sân khấu, Châu Phú có soạn giả Hà Nam Quang (xã Mỹ Đức) là một trong những đại thụ của sân khấu An Giang nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Gần 40 năm cầm bút, bà đã viết gần 500 bài vọng cổ, trên 100 kịch bản cải lương, chặp cải lương. Bà được khán giả biết đến với các kịch bản nổi tiếng như Ngọn cờ Long Hưng, Vua hai ngôi, Vườn mận của mẹ… và những bài ca như Tình không muộn, Như loài hoa ấy, Tôi còn thiếu nợ… Ngoài ra, Nguyễn Thanh Điền (xã Vĩnh Thạnh Trung) đã xuất bản 1 tập ca cổ và chặp cải lương, soạn giả Hoài Nhật Thanh (xã Khánh Hòa) đoạt nhiều giải thưởng ở các cuộc thi sáng tác ca cổ…

5.3. Mỹ thuật và Nhiếp ảnh

Phong trào mỹ thuật ở Châu Phú kém phát triển về lực lượng sáng tác. Song, điều đặc biệt là nơi đây lại xuất hiện hai dòng tranh đặc thù của An Giang, đó là tranh vỏ tràm và tranh đá Bảy Núi. Tranh vỏ tràm do họa sĩ Quốc Mỹ (thị trấn Cái Dầu) sáng tạo vào thập niên 1980, với phương pháp dán các mảnh vỏ của thân cây tràm, tạo nên các mảng màu sắc của bức tranh. Ông có nhiều tác phẩm tham gia các triển lãm của tỉnh và khu vực. Tranh đá Bảy Núi do nhạc sĩ, họa sĩ Phan Võ Hoàng Nam (thị trấn Cái Dầu) sáng tạo vào năm 2009, với phương pháp giã đá thành bột, rồi rải lên những đường nét đã phác thảo. Ông đã sáng tác trên 150 bức tranh, tổ chức 2 cuộc triển lãm và đoạt một số giải thưởng.

Về nhiếp ảnh, huyện Châu Phú có nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Vũ tham gia Phân hội Nhiếp ảnh tỉnh An Giang từ những ngày đầu thành lập vào năm 1981, đến nay là tay máy kỳ cựu trong làng nhiếp ảnh địa phương. Thập niên 2010 đến nay, nhiếp ảnh Châu Phú khởi sắc với nhiều tác giả mới như Nguyễn Tấn, Phúc Đoan, Lâm Trọng Tây… Từ đó, nhiều hoạt động của chuyên ngành nhiếp ảnh được tổ chức thường xuyên, phong phú và hiệu quả. Có thể nói, cùng với văn học, nhiếp ảnh là bộ môn đang phát triển mạnh ở huyện Châu Phú hiện nay.

 

6. Kết luận

Từ buổi đầu khai khẩn đến các thời kỳ chiến tranh, văn học nghệ thuật trên vùng đất Châu Phú kém phát triển, ít tác giả và tác phẩm có tiếng vang. Tuy nhiên sau năm 1975, văn nghệ sĩ nơi đây dần định hình, xác lập vị thế, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của văn học nghệ thuật An Giang. Điểm qua chặng đường hoạt động, tác giả, tác phẩm, thành tích… chúng ta có thể nhận thấy văn học nghệ thuât huyện Châu Phú phát triển tương đối đều đặn ở các lãnh vực, mặc dầu tùy theo từng giai đoạn mà các bộ môn có thể hơn kém nhau đôi chút. Lực lượng văn nghệ sĩ Châu Phú hiện nay không quá đông, nhưng lại có nhiều sáng tạo riêng biệt, những thành tích đáng tự hào, đóng vai trò nổi trội trong nền văn học nghệ thuật tỉnh An Giang.

 

VĨNH THÔNG

(Bài in trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học cấp tỉnh: 50 năm văn học nghệ thuật An Giang (1975 - 2025), Trường Đại học An Giang, Nxb Đại học Quốc gia TP.HCM, 2025)

_______________________

CHÚ THÍCH:

1. Năm 1897, bà Nguyễn Thị Thạnh (vợ Trần Văn Thành) và con trai trưởng là Trần Văn Nhu (Hai Nhu) lập Bửu Hương tự (xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú ngày nay) trong phần đất trại ruộng Bửu Hương các, trước đây gia đình đã khai khẩn. Chùa còn gọi là chùa Nhà Láng, nên ông Hai Nhu được gọi là cậu Hai Nhà Láng và tác phẩm của ông cũng gọi là Giảng Nhà Láng.

2. Chùa Nhà Láng được xây dựng vào năm 1897, ông Hai Nhà Láng từ trần vào năm 1914, nên Giảng Nhà Láng  được ra đời giữa hai cột mốc nầy.

3. Đến hết năm 2024, tỉnh An Giang có 15 nhà văn là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

4. Đến hết năm 2024, tỉnh An Giang có 7 nhà nghiên cứu là hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bút nhóm Nắng Thủy Tinh (2023), Giấc mơ sợi tóc bay, Nxb Thanh niên.

2. Chi hội VHNT huyện Châu Phú (2011), Văn học Nghệ thuật Châu Phú, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh An Giang.

3. Huỳnh Công Thưởng (2020), “Hoạt động Hội Văn học Nghệ thuật huyện Châu Phú qua 5 năm nhìn lại”, trong Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh An Giang, Tài liệu Đại hội VIII nhiệm kỳ 2020 - 2025.

4. Phan Võ Hoàng Nam (2008), “Tháng Năm”, Weblog Cuộc sống… và tôi (https://hoangnamvh1967.blogspot.com), 22/4/2008.

5. Trần Thanh Phương (1984), Những trang về An Giang, Văn nghệ An Giang.

6. Vĩnh Thông (2021), Đình và làng Bình Thủy, Nxb Thông tin và Truyền thông.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét