25/6/25

Kiến trúc miếu thờ của người Hoa ở Châu Đốc - Vĩnh Thông

1. Lời mở

Thành phố Châu Đốc (tỉnh An Giang) đã thu hút đông đảo cư dân thuộc nhiều tộc người đến lập nghiệp từ khá sớm. Từ xưa đến nay, nơi đây luôn tồn tại mối quan hệ mật thiết giữa bốn cộng đồng Việt, Khmer, Chăm, Hoa. Điều đó khiến Châu Đốc trở thành vùng đất giao hòa, chia sẻ và dung hợp đa văn hóa. Diện mạo văn hóa đa tộc người và đa tôn gáo đã góp phần tạo thành nét đặc thù cho văn hóa địa phương và đóng góp vào sự phong phú của văn hóa vùng.

Cùng với các tộc người, người Hoa đã lựa chọn Châu Đốc để dừng chân trong hành trình di cư cách nay trên hai trăm năm. Họ gồm năm nhóm phương ngữ là Quảng Đông, Phước Kiến, Khách Gia, Hải Nam và đông nhứt là Triều Châu. Suốt nhiều thế kỷ, người Hoa vừa bảo tồn truyền thống, vừa biến đổi để thích ứng. Họ đã đóng góp cho địa phương nhiều di sản văn hóa đặc sắc, trong đó có văn hóa kiến trúc.


2. Đặc điểm và hiện trạng các ngôi miếu của người Hoa ở Châu Đốc

2.1. Miếu Quan Đế

Quan Đế miếu ở phường Châu Phú A ra đời năm 1847 và lần đại trùng tu gần đây nhứt là năm 2017, nhân dịp kỷ niệm 170 năm thành lập miếu. Ngôi miếu hiện nay có ngoại thất tương đối đơn giản với kết cấu kiến trúc truyền thống của người Hoa. Nóc miếu lợp ngói đại tiểu màu xanh ngọc. Bờ nóc cong nhẹ, bên trên có tượng lưỡng long triều nhựt, thân bờ nóc đắp nổi hình chim phượng, cá chép, hoa quả… Trên cửa chính có bảng chữ Hán “Quan Đế miếu” được nhũ vàng trên nền đỏ.


Miếu Quan Đế (Ảnh: Vĩnh Thông)


Chánh điện miếu tôn trí bàn thờ Quan Đế phía trong cùng. Trên bàn thờ có tượng ba vị Quan Công, Quan Bình, Châu Xương với kích thước lớn. Tượng Quan Công được tạo hình là một vị tướng oai vệ, mặt đỏ, râu dài, mặc cẩm bào. Tượng Quan Bình cầm Thanh Long đao còn tượng Châu Xương cầm chiếc ấn Hiệp Thiên. Trước bàn thờ có liễn đối ốp cột “Đào viên kết bái thiên thu tụng/ Trung nghĩa càn khôn vạn cổ dương” được chạm lộng tinh xảo với họa tiết long vấn và sơn son thếp vàng, phía trên có hoành phi “Hiệp Thiên Đại Đế” được nhũ vàng trên nền đen.

Nhìn theo hướng từ trong ra ngoài, hai bên bàn thờ chánh có bàn thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu bên trái và Phước Đức Chánh Thần bên phải. Bên góc chánh điện có tượng ngựa Xích Thố, con vật đã tận tụy phục vụ Quan Công trong những tháng năm chinh chiến, được người dân tôn là Thần Mã tướng quân. Giữa chánh điện có thiên tỉnh (giếng trời) là khoảng trống không có nóc, mang chức năng lấy ánh sáng và tản bớt khói hương. Hai bên thiên tỉnh có phù điêu tả thanh long - hữu bạch hổ, trước hình thanh long có bồn nước và trước hình bạch hổ có bồn cây cảnh, thể hiện triết lý âm dương và mang ý nghĩa phong thủy.

2.2. Miếu Tam Sơn

Miếu Tam Sơn ở phường Vĩnh Mỹ có niên đại khoảng 200 năm. Miếu thờ Tam Sơn Quốc Vương, một tín ngưỡng dân gian của cộng đồng người Hoa nhóm Triều Châu, có nguồn gốc từ quan niệm sùng bái núi non của cư dân Hoa Nam cổ xưa. Tam Sơn Quốc Vương là ba sơn thần của ba ngọn núi Minh Sơn, Độc Sơn và Cân Sơn ở vùng Yết Dương thuộc phủ Triều Châu (ngày nay thuộc tỉnh Quảng Đông).

Kiến trúc miếu ngày nay mang phong cách pha lẫn truyền thống và hiện đại. Nóc chính của miếu là cổ lầu tam cấp, mặt tiền là cổ lầu nhị cấp, bờ nóc gắn tượng lưỡng long triều nhựt, mái cong hình thuyền và lợp ngói đại tiểu màu xanh ngọc. Trên cổ lầu có hai bảng “Tam Sơn miếu” bằng chữ Hán và Quốc ngữ, cửa chính của miếu có hoành phi “Tam Sơn Quốc Vương” và liễn đối “Tam Sơn cứu giá lạc hồi anh linh dân gian tại/ Quốc Vương ngự phong thánh đức vô tư hợp cảnh an” bằng chữ Hán, tất cả được sơn son thếp vàng.


Miếu Tam Sơn (Ảnh: Vĩnh Thông)


Nội thất được trang hoàng bằng nhiều hoành phi, liễn đối, bao lam với nghệ thuật chạm khắc điêu luyện, tất cả kết hợp thành một không gian thâm nghiêm mà hài hòa. Về cấu trúc thờ tự, từ ngoài vào đầu tiên là bàn thờ Sơn Quân với tượng Ông Hổ, tiếp đến là bàn thờ Hội Đồng Chư Thần, cuối cùng nơi cao nhứt là bàn thờ Tam Sơn Quốc Vương. Hai bên bàn thờ chánh có bàn thờ Phước Đức Chánh Thần và Thiên Hậu Thánh Mẫu, cặp theo hai vách có bàn thờ Tiền Quá Vãng và Hậu Quá Vãng.

2.3. Miếu Hàn Lâm

Hàn Lâm miếu toạ lạc phường Châu Phú A là nơi thờ Võ Tướng Thần. Tương truyền, ông là Võ Phước Trường, một học sĩ Hàn Lâm viện của triều Minh. Không ai còn nhớ chính xác ngôi miếu ra đời từ khi nào, chỉ biết đã tồn tại khoảng trước thập niên 1940, ban đầu là một chòi nhỏ bằng tre lá. Năm 1948, miếu được xây lại và giữ nguyên diện mạo đến nay.


Miếu Hàn Lâm (Ảnh: Vĩnh Thông)


Ngày nay, Hàn Lâm miếu là một trong những kiến trúc mang tính thẩm mỹ cao ở thành phố Châu Đốc, với phong cách cổ điển của cung đình Trung Hoa. Cổng miếu dạng tam quan, bên trên có bảng “Hàn Lâm viện” bằng chữ Hán màu vàng trên nền đỏ, dọc hai thân cột là liễn đối “Sanh tiền sắc tứ Hàn Lâm viện/ Một hậu sắc phong Võ Tướng Thần”. Trong sân có hai miễu nhỏ thờ Ngũ Hành và Sơn Quân đối xứng nhau.

Ngôi chánh điện có bộ nóc nhị cấp lợp ngói đại tiểu, mái cong hình thuyền, bờ nóc trang trí tượng rồng phun nước, các đầu đao trang trí hoa văn mây uốn lượn. Giữa hai cấp mái có các dòng chữ Quốc ngữ gồm “Hàn Lâm miếu” ở giữa, “Mậu Tý niên” ở bên trái và “Nhứt cửu tứ bát” (1948) ở bên phải. Trên cửa chính có hoành phi “Võ Tướng Thần” bằng chữ Hán nhũ vàng trên nền đỏ. Hai chái bên có nóc thấp hơn gian chánh, mặt tiền là hai cửa sổ tròn cách điệu chữ “thọ” theo Hán tự.

Trong chánh điện, các gian thờ được bố trí dọc theo trục trung tâm và hai vách. Ở giữa lần lượt từ ngoài vào là bàn thờ Phù Sứ, đến bàn thờ Hội Đồng Nội, cuối cùng ở vị trí cao nhứt là bàn thờ Võ Tướng Thần. Bàn thờ chánh có long ngai, bên trên đặt long vị, phía trước là hòm đựng văn tế, hai bên có lỗ bộ (bộ binh khí) và tượng đôi chim hạc. Nhìn từ bàn thờ chánh ra, vách bên trái lần lượt là các bàn thờ Tả Ban, Tiền Bổn Hội Quá Vãng, Thiện Nam, vách bên phải lần lượt là các bàn thờ Hữu Ban, Hậu Bổn Hội Quá Vãng, Tín Nữ.

2.4. Miếu Thiên Hậu

Thiên Hậu là một trong những hình thái tín ngưỡng Mẫu nổi bật hàng đầu của cư dân Hoa Nam. Thành phố Châu Đốc có một ngôi miếu thờ tự vị thần nầy, đó là Thiên Hậu thánh miếu, tọa lạc ở phường Vĩnh Mỹ. Miếu Thiên Hậu ra đời cách nay khoảng 200 năm. Ngôi miếu ban đầu làm bằng tre lá đơn sơ và nhỏ bé, nằm trên một gò đất. Năm 1958, miếu được xây lại kiên cố với diện mạo như ngày nay.


Miếu Thiên Hậu (Ảnh: Vĩnh Thông)


Kiến trúc miếu Thiên Hậu hiện nay chịu ảnh hưởng phong cách kiến trúc đình làng Nam Bộ. Cổng miếu dạng tam quan. Cổng chính có dòng chữ Quốc ngữ “Thiên Hậu Thánh Mẫu” ở trên, dòng chữ Hán “Thiên Hậu thánh miếu” ở dưới, cột có liễn đối “Thiên đức cao minh bảo hộ thôn hương hỷ lạc/ Hậu cung phổ chiếu phù trì xã ngọc vĩnh khang”. Hai cổng phụ có chữ Quốc ngữ “Thiên Hậu” và “thánh miếu” đối xứng nhau, cột có liễn đối “Thánh tích oai linh lê dân lạc nghiệp/ Mẫu nghi chiếu diện bổn hội an hòa”. Phía sau cổng có hai miễu nhỏ thờ Ngũ Hành và Thổ Địa.

Nóc miếu lợp ngói đại tiểu, trên nóc có trang trí hoa văn và tượng chim phượng. Mặt tiền miếu có bảng chữ Hán “Thiên Hậu miếu”, phía sau là bao lam hoa văn cung đình cổ điển. Miếu có ba cửa ra vào, bên trong rộng rãi, đồng thời nhờ kết hợp với nóc cao nên tạo cho ngôi miếu thoáng và sáng. Vị trí cao nhứt là bàn thờ Thiên Hậu, phía trước có bàn thờ Hội Đồng được đặt thấp hơn, hai bên có các bàn thờ đối xứng là Tả Ban - Hữu Ban, Tiền Vãng - Hậu Vãng.

2.5. Miếu Bảy Bà Hai Cậu

Miếu Bảy Bà Hai Cậu có tên chữ là Thất Thánh miếu, tọa lạc tại phường Châu Phú A. Đối tượng thờ tự chính của ngôi miếu là Thất Thánh Nương Nương (Bảy Bà) và Cậu Tài - Cậu Quý (Hai Cậu). Theo truyền thuyết của người Hoa, Thất Thánh Nương Nương là bảy tiên nữ dưới trướng Tây Vương Mẫu. Song, Cậu Tài - Cậu Quý lại là hình thái dung hợp có nguồn gốc từ văn hóa Chăm. Dân gian cho rằng đây là hai người con của Thiên Y A Na - vị nữ thần có nguồn gốc từ Po Yang Inư Nưgar (mẹ xứ sở) của người Chăm. Hiện tượng thờ ghép Bảy Bà và Hai Cậu thường thấy ở vùng sông nước, làm ngư nghiệp.

Thất Thánh miếu ở Châu Đốc ra đời khoảng 200 năm và trải qua nhiều đợt trùng tu. Miếu ngày nay có diện tích không quá lớn và kiến trúc đơn giản. Nóc miếu dạng cổ lầu nhị cấp, mái lợp ngói đại tiểu màu xanh ngọc, các bờ nóc trang trí tượng linh thú. Mặt trước cổ lầu có bảng nền vàng, khắc chữ đỏ “Thất Thánh miếu” bằng chữ Hán. Mặt tiền ngôi chánh điện có ba cửa ra vào, hai bên là hai cửa sổ tròn cách điệu chữ “thọ” theo Hán tự.


Miếu Bảy Bà Hai Cậu (Ảnh: Vĩnh Thông)


Bước vào chánh điện, ở giữa có bàn thờ Hội Đồng, phía sau là bàn thờ chánh dành cho Thất Thánh Nương Nương với bảy pho tượng màu sắc rực rỡ được đặt trên bệ cao. Hai bên có bàn thờ Cậu Tài và Cậu Quý, mỗi bàn thờ có một pho tượng tạc người nam giới với khuôn mặt trẻ trung. Tiếp theo phía ngoài, hai bàn thờ đối xứng nhau ở hai vách là Tiền Quá Vãng và Hậu Quá Vãng. Ngoài sân có hai miễu nhỏ thờ Thổ Thần và Vạn Ban. 


3. Giá trị văn hóa kiến trúc qua miếu thờ của người Hoa ở Châu Đốc

Giá trị nổi bật trong văn hóa kiến trúc của người Hoa thể hiện rõ nét ở các ngôi miếu. Chúng thường mang phong cách kiến trúc điển hình, góp phần nhận diện văn hóa tộc người. Đa phần các ngôi miếu của người Hoa ở Châu Đốc có những đặc điểm tương đồng như cấu trúc “nội công ngoại quốc”, mái lợp ngói đại tiểu, tường sơn vàng, gian giữa có thiên tỉnh (giếng trời) để lấy ánh sáng và tản bớt khói hương, hai bên vách có phù điêu tả thanh long - hữu bạch hổ…

Miếu thờ là nơi gần như thể hiện toàn bộ thế giới quan và nhân sinh quan của người Hoa. Đó không chỉ là không gian thờ tự thần thánh, mà còn là môi trường sinh hoạt và giáo dục, đặc biệt là đóng vai trò như “bảo tàng” lưu giữ những tác phẩm nghệ thuật đầy tài hoa. Phần lớn những ngôi miếu được trang trí cầu kỳ và tinh tế với nhiều hình ảnh mang dấu ấn văn hóa tộc người, tái hiện sự tích các thần linh hoặc danh nhân lịch sử, phong cảnh thiên nhiên…

Bước vào mỗi ngôi miếu, khách tham quan bị thu hút bởi các bao lam, thành vọng, hoành phi, liễn đối… qua hình thức chạm lộng và chạm khuyết, đạt trình độ tinh xảo với sự sống động trong từng chi tiết. Nghệ thuật chạm khắc còn được thể hiện ở các khánh thờ, tủ thờ, long ngai… mang vẻ đẹp tôn nghiêm dành cho thần linh. Bên cạnh những hàng cột được ốp liễn đối, chúng ta còn bắt gặp dạng cột được vẽ hình long vấn (rồng quấn quanh thân cột) đầy uyển chuyển. Xung quanh không gian thiêng là những họa tiết trang trí với nhiều đề tài đa dạng.

Do chịu ảnh hưởng mạnh mẽ tư tưởng Nho giáo, nên các đền miếu trước hết về hình thức luôn thể hiện tính tôn ti trong kết cấu bày trí các đối tượng thờ tự. Nghệ thuật trang trí ở các công trình cũng chịu sự chi phối của Nho giáo, song song đó các yếu tố Đạo giáo được thể hiện đan xen, hình thành tổng thể các biểu tượng quen thuộc như tứ linh, tứ quý, bát bửu bát quái bát tiên Môn Thần, …

Ngoài ra, do giao lưu văn hóa và quá trình hiện đại hóa, nhiều ngôi miếu biến đổi phong cách truyền thống, tạo nên sự đa dạng trong kiến trúc miếu thờ của người Hoa ở Châu Đốc. Có thể nhận định một cách tổng quan rằng kiến trúc miếu thờ của người Hoa ở khu vực Châu là những công trình được kế thừa từ văn hóa gốc ở Trung Hoa, nhưng được người Hoa linh hoạt biển đổi cho phù hợp với vùng đất mới, đồng thời có tiếp thu những giá trị văn hóa của các tộc người sinh sống gần gũi trên địa bàn. Chúng không phải là bản sao hoàn toàn từ cố hương, nhưng cũng không đánh mất những giá trị truyền thống.


4. Lời kết

Do đặc thù lịch sử, quá trình khai phá và kiến thiết Nam Bộ gắn liền với quá trình giao lưu văn hóa toàn diện và sâu sắc giữa các tộc người Việt, Khmer, Hoa, Chăm… Họ cùng nhau làm giàu cho diện mạo văn hóa vùng, trong đó có bình diện kiến trúc đã mang cho văn hóa vật thể ở Nam Bộ những màu sắc mới. Với sự linh hoạt của chủ thể văn hóa, người Hoa đã tạo nên những công trình kiến trúc độc đáo trên vùng đất mới, đơn cử như trường hợp thành phố Châu Đốc. Kiến trúc những ngôi miếu vừa kế thừa truyền thống, vừa thể hiện sự năng động, sáng tạo, biến đổi cho phù hợp với môi trường mới đang cư trú.

Việt Nam là quốc gia đa văn hóa, trong đó thành phố Châu Đốc là một trong những vùng đất thể hiện rõ đặc trưng nầy. Với điều kiện tự nhiên kết hợp nhiều địa hình khác nhau, cộng thêm điều kiện xã hội có sự hội tụ nhiều cộng đồng cư dân, khiến cho Châu Đốc trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa quan trọng của khu vực biên giới Tây Nam. Trong bức tranh tổng thể với nhiều gam màu ấy, có sự đóng góp không nhỏ của văn hóa tộc người Hoa, đặc biệt là khía cạnh văn hóa kiến trúc.

 

VĨNH THÔNG

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc, số 1, 2021 & in trong
sách Phong vị Nam Hà, Nxb Tổng hợp TP.HCM, 2024
)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét